Thứ năm, ngày 09/05/2024

Tin tức trong ngành

Giải B Giải Diên Hồng lần thứ 2: Bền bỉ và trách nhiệm


(11/04/2024 20:41:02)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Dự án cũng lập “kỷ lục” về lập pháp khi được bàn thảo tại 4 kỳ họp. Phóng sự “Đồng hành, trách nhiệm xây dựng đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai” - giải B Giải Diên hồng lần thứ 2 của nhóm tác giả Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là kết quả của sự bền bỉ bám sát chủ đề này trong suốt hai năm 2022-2023.


Từ những “điểm nghẽn” thực tiễn
 
Phóng sự bắt đầu từ những điểm nghẽn trong quá trình triển khai pháp luật đất đai hiện hành. Đó là những vụ khiếu kiện kéo dài trong việc thu hồi đất; tâm tư của người dân tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang… về phương án đền bù, tái định cư chưa hài hòa về lợi ích. Đó là những câu chuyện từ các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp nhiều vướng mắc do pháp lý về đất đai. Đó cũng là trăn trở của lãnh đạo nhiều địa phương, mong mỏi Luật Đất đai sớm được sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt, biến đất đai thành nguồn lực phát triển to lớn của địa phương. Đó còn là phân tích của các chuyên gia về bất cập của Luật Đất đai hiện hành… Thực tiễn này đòi hỏi Luật Đất đai phải sửa đổi kịp thời nhưng cũng cần toàn diện, kĩ lưỡng, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh: không chạy theo tiến độ, đặt chất lượng lên hàng đầu.
 

Phóng viên Hồng Thanh nghe người dân xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chia sẻ về phương án đền bù đất đai chưa thỏa đáng

Những câu chuyện phong phú, sinh động từ thực tiễn là kết quả ghi hình rải rác trong suốt hai năm của nhóm phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn, từ khi có Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
 
Bám sát quá trình “đồng hành” của Quốc hội
 
Là những phóng viên theo dõi mảng thông tin tài nguyên và môi trường, nhóm tác giả gồm: Đăng Quang, Hoàng Thảo và tôi đã ghi nhận từ đầu những cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, tham dự, thông tin về rất nhiều hội thảo, lắng nghe góp ý xây dựng dự thảo luật từ các địa phương, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân…
 
Trước khi trình Quốc hội lần đầu tiên vào kỳ họp thứ 4, những góp ý xây dựng dự thảo đã vô cùng phong phú. Sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội ban hành Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân, huy động trí tuệ của toàn xã hội góp ý dự thảo Luật Đất đai, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý - một con số vô cùng ấn tượng.
 
Liên tục trong ba kỳ họp Quốc hội (thứ 4,5 và 6), tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay phiên họp đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhóm tác giả đã luôn bám sát quá trình góp ý của các đại biểu, từ hội trường, họp tổ tới phỏng vấn hành lang.
 
Phóng sự đã minh chứng sự đồng hành, trách nhiệm của Quốc hội trong xây dựng đạo luật, khơi thông nguồn lực đất đai bằng hình ảnh về những cuộc họp góp ý sôi nổi, những đoạn trích ý kiến hay những phỏng vấn đầy tâm huyết của các đại biểu, đại diện nhiều ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã luôn sát sao, trực tiếp góp ý, cho định hướng chỉ đạo trong suốt quá trình soạn thảo và góp ý dự án luật.
 
Trong suốt thời gian dài, các ủy ban của Quốc hội đã bền bỉ, đồng hành chặt chẽ cùng cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, thường xuyên có những ngày làm việc kéo dài tới tối muộn. Thậm chí, có thời điểm, do thời gian tiếp thu quá ngắn, khối lượng công việc vô cùng đồ sộ nên cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phải cùng nhau làm việc xuyên đêm. Nhà Quốc hội vì thế luôn sáng đèn.
 
Ngoài hình ảnh, phỏng vấn, phóng sự đã minh họa tinh thần này bằng việc chỉ ra cụ thể những điều khoản trong dự thảo đã được trao đi đổi lại nhiều lần sau quá trình góp ý, tiếp thu; đã thay đổi nội dung liên tục từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, để thấy sự công phu, kỹ lưỡng, tận tâm và trách nhiệm của cả cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan chủ trì thẩm tra…
 
Chính đại diện Ban soạn thảo dự thảo là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khi trả lời phỏng vấn trong phóng sự cũng chia sẻ: “Ban soạn thảo cảm ơn và trân trọng mọi góp ý của các đại biểu Quốc hội, rất kĩ lưỡng, có chỗ chỉ sửa dấu chấm, dấu phẩy thôi cũng làm nội dung thay đổi về ý nghĩa”.
 
Phóng viên Hồng Thanh đại diện nhóm tác giả Trung tâm Truyền hình Thông tấn nhận giải B Giải Diên Hồng lần thứ hai, tháng 1/2024

Kết quả là đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tháng 11/2023, cũng là thời điểm phóng sự Đồng hành, trách nhiệm xây dựng đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai được phát sóng trên Kênh truyền hình Thông tấn, dự án luật đã ngày càng hoàn thiện, chất lượng dự thảo luật từng bước được nâng lên, nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã trải qua quá trình xây dựng hết sức công phu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tâm huyết, trí tuệ của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
 
Phóng sự Đồng hành, trách nhiệm xây dựng đạo luật khơi thông nguồn lực đất đai đã vinh dự được trao giải B tại Giải báo chí về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên hồng) lần thứ 2. Có được niềm vinh dự to lớn này, trước hết phải kể đến sự tạo điều kiện của Lãnh đạo Trung tâm Truyền hình Thông tấn, phòng thông tin Chính trị - Xã hội đã quan tâm, chỉ đạo phóng viên, coi đây là một trong những tuyến thông tin trọng điểm. Đó cũng chính là nền tảng để suốt hai năm bền bỉ, nhóm tác giả đã có chất liệu phong phú, sinh động phục vụ cho phóng sự./.

Hồng Thanh - Trung tâm Truyền hình Thông tấn
Nội san Thông tấn số 3/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trồng 3.000 cây phi lao tại Cồn Nổi (Ninh Bình) (10/04/2024 16:50:28)

Giải C Giải Búa liềm vàng năm 2023: Khơi dậy khát vọng cống hiến  (10/04/2024 15:42:53)

Lần đầu tiên đi “hội” phía Nam (10/04/2024 15:41:47)

Bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước (04/04/2024 17:38:45)

Truyền thông giúp thay đổi thực hành sản xuất và hành vi tiêu dùng (04/04/2024 17:11:14)

Triển lãm ứng dụng công nghệ thực tế ảo về hoạt động thanh niên  (03/04/2024 10:12:02)

“Đổi rác lấy cây” - Chương trình mang thông điệp xanh (03/04/2024 10:07:08)

Sinh hoạt chuyên đề “Nghi thức quốc tế và văn hóa bàn tiệc Âu-Mỹ” (03/04/2024 10:00:44)

Hợp tác truyền thông hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ (02/04/2024 19:16:25)

Vụ tấn công tại Moskva: Những ghi nhận từ địa bàn (02/04/2024 18:26:44)