Thứ hai, ngày 20/05/2024

Phát hiện bồi dưỡng

Những tấm lòng trăn trở với ngành, với nghề


(15/08/2006 10:37:54)

Cuộc cạnh tranh thông tin đang diễn ra ngày càng gay gắt trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Phóng viên khoá 23 thực tập phỏng vấn tại Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao. (Ảnh: Trọng Chính).

Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí áp dụng công nghệ làm báo hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình và để thu hút độc giả. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất là yếu tố con người. Ở một số tờ báo lớn, việc xây dựng thương hiệu cho tờ báo gắn liền với việc gây dựng tên tuổi của một số cây bút có khả năng thu hút độc giả.
Đối với TTXVN, nhiều năm qua, do đặc thù là cơ quan thông tấn không có tờ báo riêng, tin tức chủ yếu phát qua mạng điện tử, qua các bản tin nên việc ít xuất hiện những cây bút giỏi phần nhiều là do những yếu tố khách quan. Vài năm trở lại đây, nhận thức rõ vấn đề, từng tòa soạn, ban biên tập cũng như toàn ngành Thông tấn bắt đầu coi trọng việc phát hiện và bồi dưỡng những cây bút có tài năng. Tổng Giám đốc Lê Quốc Trung, trong bài viết 'Yếu tố con người trong cạnh tranh thông tin" đăng trên Nội san Thông tấn số Xuân 2005, cũng đã đặt vấn đề: "Thực ra chúng ta chưa có nhiều người tài nhưng cũng không phải quá hiếm người giỏi. vấn đề là ở chỗ, phát hiện, sử dụng và phát triển tài năng như thế nào".

 

Cũng thời điểm này, tại Đại hội đại biểu lần thứ V LCH Nhà báo TTXVN, đồng chí Hồng Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong bài phát biểu của mình, khi đề cập công tác đào tạo, bòi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đã nhấn mạnh: "Cùng với việc đào tạo thường xuyên, phải chú ý phát hiện và bồi dưỡng các tài năng nhằm đào luyện những cây bút có uy quyền cho TTXVN".

 

Những băn khoăn và gợi mở của các đồng chí lãnh đạo đã thôi thúc Nội san Thông tấn mở Diễn đàn "Làm thế nào để phát hiện và bồi dưỡng những cây bút giỏi cho TTXVN?".

 

Diễn đàn mở ra đã mau chóng thu hút được rất nhiều ý kiến tham gia không chỉ các đồng chí lãnh đạo Ngành mà còn có các đồng chí quản lý các ban biên tập, các tòa soạn báo, các đồng chí Trưởng phân xã và cả những đồng chí là lãnh đạo những tờ báo lớn ở Trung ương.

 

Nhìn chung, các ý kiến đều thể hiện sự trăn trở, tâm huyết với ngành, với nghề. Xung quanh chủ đề phát hiện và bồi dưỡng cây bút giỏi có nhiều ý kiến được nghiên cứu khá công phu, đề cập tương đối toàn diện về lý luận và thực tiễn, đi vào những khía cạnh cụ thể. Có những bài viết đăng liên tục trong nhiều kỳ. Có tác giả gửi ý kiến tham gia diễn đàn liên tiếp trong nhiều số...

 

Tổng cộng trong 17 số Nội san Thông tấn bắt đầu từ số 1+2/2005, Nội san nhận được gần 30 bài viết, ý kiến tham gia Diễn đàn.

 

Thế nào là cây bút giỏi ?

Rất nhiều ý kiến đề cập vấn đề này bởi cho rằng phải có tiêu chí cụ thể, phải làm rõ nội hàm, đưa ra được định nghĩa thế nào là cây bút giỏi mới có thể dựa vào đó để nhận diện, phát hiện "cây bút giỏi".

 

Trả lời câu hỏi 'Thế nào là một nhà báo có uy quyền?", Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Cương cho rằng, đó là phải là người hội tụ đủ 4 yếu tố: Thứ nhất là người có quan điểm chính trị rõ ràng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn nắm vững đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu thông tin trong từng thời kỳ. Thứ hai, là người có kiến thức văn hóa rộng và chuyên sâu vào lĩnh vực mình phụ trách. Yếu tố thứ ba là trình độ nghiệp vụ báo chí sắc sảo. Và cuối cùng, không thể thiếu, đó là nhân cách.

 

Bốn tiêu chí mà đồng chí Nguyễn Duy Cương nêu lên được nhiều độc giả tán thành. Thậm chí, nhiều độc giả khi gửi ý kiến đến diễn đàn cũng phát biểu thêm về các tiêu chí này, từ đó đưa ra ý kiến của mình về phát hiện và bồi dưỡng cây bút giỏi.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Uy, lúc đó là Phó Tổng giám đốc TTXVN, trong bài viết của mình về vấn đề này cũng rất tán thành các tiêu chí trên đồng thời bổ sung thêm một tiêu chí nữa, đó là trình độ ngoại ngữ.

 

Cũng có một ý kiến tán đồng nhưng có bổ sung, tác giả Như Nguyễn (Đoàn Tử Diễn, nguyên Tổng Biên tập NXB Thông tấn) đã nhấn mạnh vào một khía cạnh khác rất báo chí đó là: Niềm ham đọc, ham hiểu biết tình hình thời cuộc, thích nhảy vào cuộc để tranh luận, tranh đấu...Có đầu óc tư duy, vừa biết quan sát, tìm tòi để phát hiện những chi tiết hết sức cụ thể, sinh động vừa biết phân tích, tổng hợp, khái quát vấn đề.

 

Khác với những quan điểm trên, nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, không đưa ra các tiêu chí cụ thể mà quan điểm của ông là: "Đừng quá máy móc, khuôn sáo, khắt khe trong việc lựa chọn bởi nếu không, chính chúng ta sẽ gặp khó khăn". Ông cho rằng, đối tượng mà chúng ta tiếp nhận là những đối tượng đã qua đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau với những phong cách đào tạo khác nhau. Họ chính là sản phẩm của một quy trình đào tạo nhưng không phải phục vụ cho riêng của TTXVN. Chẳng qua là, chúng ta có yêu cầu và họ là lực lượng có sẵn để chúng ta chọn lựa. Qua đó chúng ta xét thấy họ thích hợp với nhiệm vụ gì, vị trí nào thì "ném" họ vào đó để họ thực hiện  những yêu cầu của chúng ta. Điều đó có nghĩa là yêu cầu của chúng ta phụ thuộc vào kết quả mà ta lựa chọn được.

 

Phát hiện cây bút giỏi

Sau khi quan tâm đến các tiêu chí, nhiều tác giả đã đề cập sâu vào vấn đề mấu chốt trong việc cây bút giỏi có lộ diện và phát huy tài năng hay không.

 

Trả lời cầu hỏi: "Phát hiện cây bút giỏi, cần chủ động tìm tòi hay chỉ là sự tình cờ?", nhà báo Đỗ Phượng cho rằng cần phải có cả hai. Theo ông, thường thì nhiều lãnh đạo chủ động đi tìm và đôi khi họ thu được kết quả rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tài năng được phát hiện tình cờ. Và vì thế, điều quan trọng là "anh có đủ bản lĩnh để chìa bàn tay nắm lấy họ và để họ thỏa sức vẫy vùng với tư duy và phong cách riêng".

 

Có hai luồng ý kiến xung quanh vấn đề này. Luồng thứ nhất cho rằng việc phát hiện không khó. Đồng chí Trưởng ban biên tập tin Trong nước Vũ Xuân Bân cho rằng, việc phát hiện và bồi dưỡng phóng viên giỏi khối trong nước không khó vì điều kiện học tập hiện nay không thiếu thốn, khó khăn như thời chiến. Theo đồng chí, khâu quyết định nhất là những người được tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, tiếp thu và vận dụng kiến thức được trang bị như thế nào?

 

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Vinh Quang, Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam, lại cho rằng, việc phát hiện và tạo cơ hội, môi trường cho tài năng phát lộ rất khó mà khó trước hết bởi vì nó đòi hỏi chính những người quản lý phải luôn có ý thức, tâm huyết với nghề, với sự nghiệp báo chí chung, nhạy cảm, sắc sảo, tinh tế trong việc phát hiện tài năng.

 

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, cho rằng phát hiện là khâu rất khó, thậm chí "việc phát hiện  tài năng đang có vấn đề" vì đằng sau nó, trong xã hội ta ngày nay, có rất nhiều dối trá, lọc lừa, nhiều vấn nạn chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Uy đánh giá: Phát hiện-chọn những hạt giống tốt - là khâu cực kỳ quan trọng bởi nếu chọn nhầm hoặc chọn sai hạt giống thì cả quá trình ươm và trồng sau đó dẫu có công phu và tốn kém cũng coi như công cốc. Theo đồng chí, đối tượng chọn không thiếu, trước hết là lực lượng phóng viên, biên tập viên trẻ đang công tác trong ngành. Tuy nhiên để có tính thực tiễn cao, chúng ta cần căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng đơn vị để chọn người sao cho phù hợp chứ không chọn chung cho TTXVN.

 

Bồi dưỡng và sử dụng cây bút giỏi

Đồng chí Nguyễn Duy Cương đã đưa ra một kế hoạch đào tạo sau khi lựa chọn được cây bút giỏi: Một là, mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng cả về chính trị, nghiệp vụ và có hướng để anh em tự rèn luyện. Hai là, trong thực tế, nếu phát hiện thấy năng lực của phóng viên vững về mặt nào thì phân công họ vào lĩnh vực đó để có hướng đi sâu, tiếp cận mọi mặt của lĩnh vực, viết trúng và nêu được rõ vấn đề. Và hơn hết là phải mạnh dạn sử dụng phóng viên, tạo điều kiện cho họ phát huy thế mạnh riêng. Muốn thế, người phụ trách, ban biên tập cũng phải nắm vững tình hình phát triển của báo chí cũng như những yêu cầu, đòi hỏi đặt ra trong việc đổi mới báo chí. Ngay trong việc sử dụng bài vở, định hướng cho anh em phóng viên viết tin, bài cũng phải đổi mới. Không nên gò ép phóng viên viết theo ý mình hoặc ý của cấp trên.

 

Nhà báo Vũ Giáo, Trưởng Phân xã TTXVN tại Quảng Ninh gợi ý, để đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, rất cần thực hiện tốt quy chế luân chuyển phóng viên, biên tập viên làm việc ở Tổng xã đi thường trú ở các phân xã để anh em "xông pha trận mạc".

 

Theo đồng chí Nguyễn Quốc Uy, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả ngành để bồi dưỡng nhân tài. Phải tạo môi trường cho những cây bút "hạt giống" phát triển tài năng. Họ phải thường xuyên được giao nhiệm vụ viết về các thể loại mà họ có sở trường, trong những trường hợp thời sự cần thiết, có khi phải hoàn thành tác phẩm trong vòng mấy giờ đồng hồ. Họ phải được ưu tiên cử đi công tác tại những "điểm nóng" ở trong và ngoài nước-những nơi có nhiều sự kiện được dư luận xã hội quan tâm.

 

Đồng chí cũng đề cập việc sử dụng tác phẩm của những cây bút "hạt giống". Thực tế, có những bài viết hay đã bị "chết chìm" trong các bản tin của chúng ta. Vì vậy, những bài viết của các "hạt giống" cần được gửi riêng cho một số tờ báo lớn, trừ những bài báo để đăng trên báo nhà. Vị thế của TTXVN sẽ được nâng cao hơn, nếu trên mặt báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Lao Động và các báo khác thường xuyên xuất hiện những bài bình luận, phóng sự, ghi chép... của phóng viên TTXVN (có ghi danh cụ thể) viết riêng cho các tờ báo này. Đây là cách mở rộng "sân chơi" để các cây bút "hạt giống" của chúng ta phát triển tài năng.   

 

Nhà báo Nguyễn Quan  Vinh cho rằng" Có được tài năng đã khó, nuôi dưỡng tài năng còn khó gấp nhiều lần. Trước hết, nói đến môi trường làm việc, nó có thể kích thích tài năng phát triển và ngược lại nó cũng có thể chôn vùi những tài năng. Môi trường làm việc tốt phải hội đủ hai yếu tố: Vật chất và tinh thần. Dễ hiểu, điều kiện vật chất tốt là cơ sở ban đầu tác động tích cực đến hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Môi trường làm việc tốt phải có tính cạnh tranh lành mạnh giữa các thành viên có cùng tính chất nghề nghiệp; có ban lãnh đạo năng động, bản lĩnh, quyết đoán, biết yêu cầu và tổ chức nhân viên làm việc; có cơ chế động viên khích lệ mọi người làm việc...

 

Các khóa đào tạo, bồi dưỡng, sinh hoạt nghiệp vụ cần được tổ chức thường xuyên tại các đơn vị thông tin. Đổi mới các cuộc thi báo chí của ngành, lấy tiêu chí phát hiện, sáng tạo làm chuẩn cao nhất...

 

Nhà báo Vũ Kim Hải, nguyên trưởng ban biên tập tin trong nước lại đưa ra một kinh nghiệm: Biên tập là công đoạn đào tạo hữu hiệu. Người biên tập, về mặt nào đó, phải có cái tài và cái tâm của người thầy. Mỗi bài viết được sửa chữa, nâng cao chất lượng, sử dụng kịp thời sẽ giúp phóng viên thêm hiểu biết, kinh nghiệm và tự tin rất nhiều trong công việc.

 

Nhà báo Thanh Bền, nguyên trưởng phòng Quản lý phân xã tại B2, đã gắn việc bồi dưỡng và sử dụng cây bút giỏi với quy trình tam giác "3T". Ở đó, góc con người (phóng viên) là đỉnh tam giác có tính chất quyết định: Tâm (phóng viên) - Tầm (trình độ nghiệp vụ) - Tác phẩm (tin, bài). Theo ông, những cây bút giỏi gần như đều theo quy trình "3T" theo cả hai chiều xuôi và ngược: Tâm-Tầm-Tác phẩm để cho Tầm luôn được bổ sung nâng cao và buộc đỉnh Tâm phải vượt hẳn lên để có những tác phẩm tốt nhất. Cứ như thế chiều xoắn đi lên mãi. Và cây bút giỏi được hình thành tự lúc nào không biết.

 

Công tác đào tạo

Đây cũng là một vấn đề được nhiều tác giả đóng góp, thậm chí đề cập như một mục riêng coi đó là một tác nhân không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong việc lực chọn và bồi dưỡng nhân tài. Nói như nhà báo Đỗ Phượng: "Riêng với nhà báo, chỉ khi nào thôi không làm nghề mới thôi bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Người làm báo phải luôn tiếp cận với những vấn đề của thời cuộc mà cuộc sống thì luôn biến đổi không ngừng. Do đó, nhà báo phải thường xuyên học tập, tìm hiểu để nắm vững được những đổi thay đó. Một nhà báo nổi tiếng, một cây bút giỏi có khi lại trở nên lạc lõng khi tiếp cận với một vấn đề mới mà mình chẳng biết gì về nó. Vì thế, việc học và tự học của người làm báo luôn luôn là vô hạn".

 

Lớp tập huấn kỹ năng đưa tin về ASEM do TTXVN, Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh và Quỹ Thomson Foundation phối hợp thực hiện.  (Ảnh: CTV).

 

Nhà báo Nguyễn Vinh Quang cho rằng: Đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại phải trở thành một chương trình công tác thường xuyên của mỗi đơn vị thông tin. Việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cụ thể trên từng sản phẩm báo chí phải là công việc hàng ngày của các ban biên tập, các tòa soạn báo. Tránh trường hợp xếp vứt toẹt bài trước mặt phóng viên với một câu cụt lủn "viết lại", không phân tích, chẳng lý giải tại sao, lại càng không định hướng phải chỉnh sửa thế nào. Đó là gáo nước lạnh làm đóng băng mọi nhiệt tình, mong muốn sáng tạo.

 

Theo đồng chí, trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ của cơ quan thời gian qua đã làm được rất nhiều trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở nhiều lớp nghiệp vụ bổ ích, rất cần được phát huy.

 

Cần đa dạng hóa các mô hình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trong từng lĩnh vực, cả trong và ngoài nước.

 

Rất cụ thể, đồng chí Nguyễn Quốc Uy cho rằng: Người thầy đóng vai trò quyết định. Thầy không chỉ dạy trong thời gian mở lớp bồi dưỡng mà sau khi lớp học kết thúc vẫn phải tiếp tục theo dõi, kèm cặp và rèn luyện cho trò trong hoạt động thực tiễn. Thầy phải trực tiếp chữa tin, bài cho trò thì mới đánh giá được sự tiến bộ của trò. Trong trường hợp này, người thầy đóng vai trò như một huấn luyện viên.

 

Nhắc đến công tác đào tạo, đồng chí Trần Mai Hưởng, Phó Tổng giám đốc TTXVN, cho rằng: Chưa bao giờ chúng ta mở nhiều lớp như hiện nay, nhiều nguồn tài liệu, nhiều nội dung học, nhiều người học, nhiều giảng viên từ cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, cần có các chương trình riêng để giúp những người có năng lực tốt vượt lên, sớm trở thành những phóng viên xuất sắc, đảm nhiệm những công việc mũi nhọn, những nhiệm vụ khó và có khả năng lôi cuốn đối với tất cả đội ngũ.

 

Theo đồng chí, cần đổi mới phương thức để mọi quá trình đào tạo biến thành quá trình tự đào tạo. Để làm được điều ấy, phương pháp dạy là học phải thay đổi. Và mỗi chủ thể tham gia đào tạo phải có một nội lực đủ mạnh thì mới có thể thành công. Bởi vì, chúng ta có thể thiết kế các chương trình với nhiều nội dung, kiến thức phong phú nhưng suy cho cùng, về mặt nghiệp vụ, cái còn lại trong mỗi người học sau khi tốt nghiệp chính là phương pháp làm việc, phương thức hành nghề theo kịp yêu cầu mang tính chuyên nghiệp cao của một nên báo chí hiện đại.

 

Dưới tiêu đề: "Không thầy đố mày làm nên", nhà báo Bùi Văn Doanh, Phó Tổng biên tập báo Tin tức, khẳng định; Những năm gần đây, Trung tâm đã hết sức năng động, mở nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, chủ động tìm kiếm sự hợp tác của các tổ chức báo chí nước ngoài mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng cụ thể như viết tin, viết tin kinh tế, tin y tế, môi trường, chụp ảnh, trình bày báo, quản lý báo chí...

 

Tuy nhiên, các khóa đào tạo, các lớp tập huấn, bồi dưỡng của trung tâm chỉ nhằm hoàn thiện, nâng cao kỹ năng làm báo cho phóng viên nói chung chứ không phải nhằm mục đích tạo ra những cây bút giỏi. Mặt khác, nghề báo là một nghề đặc biệt không những cần năng khiếu mà còn đòi hỏi phải tích lũy kinh nghiệm, kiến thức qua nhiều năm tháng, qua nhiều thế hệ; lại là một nghề luôn phải bám sát cuộc sống, bám sát thời cuộc, do đó, việc đào tạo tại chỗ (tại các đơn vị), mang tính chất truyền nghề là hết sức quan trọng.

 

Vai trò của những người làm công tác quản lý

Điều này được nhắc đến như là một vế có tính quyết định đến việc nhân tài có được phát hiện và bồi dưỡng hay không.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Uy đã nhấn mạnh hai chữ "tận tâm" khi nói đến vai trò của những người quản lý. Theo đồng chí, chỉ khi có tâm, có trách nhiệm với sự phát triển của ngành và nhất là sự phát triển của đồng nghiệp trẻ, thì chúng ta mới có thể phát hiện và chọn được những hạt giống tốt để ươm mầm tài năng, vì đây là một công việc đòi hỏi phải làm rất công phu.

 

Không chỉ cần có tâm mà còn cần có tài, nhà báo Nguyễn Đức Giáp đưa ra dẫn chứng: Một Tổng biên tập không sắc sảo về nghiệp vụ báo chí thì khó có thể "phát hiện" ra những cây bút giỏi. Những bài phóng sự hay gửi về Tổng xã, các biên tập viên lại không phát hiện ra nổi sự đặc sắc của nó, gạch bỏ những chi tiết thú vị, cuối cùng thành một cái tin "đầu Ngô mình Sở".

 

Nhà báo Nguyễn Vinh Quang đã thẳng thắn chỉ rõ, nếu lớp người đi trước không từ bỏ một thực tế hay một thói quen là suy nghĩ về nhà báo trẻ với thái độ cảnh giác hoặc dè dặt, thậm chí có lúc coi thường thì dẫu có đốt đuốc giữa ban ngày cũng chẳng thấy được tài năng.

 

Theo đồng chí, cần biết chấp nhận và hơn nữa tạo điều kiện để lớp trẻ thực nghiệm, thực hiện những ý tưởng mới lạ, cách tư duy, cách tiếp cận, cách thể hiện mới, miễn là những cái mới đó không phạm vào những nguyên tắc tối thượng của nghề nghiệp như tính trung thực, tính chính xác, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc... tạo cơ hội, môi trường thử thách trong nghề nghiệp cho các nhà báo trẻ đồng thời cũng là dịp thử thách năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ lãnh đạo báo chí bởi việc này đòi hỏi lãnh đạo vừa phải biết chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, vừa phải biết định hướng và hơn cả là phải biết chịu trận, "giơ đầu chịu báng" cho quân khi có sự cố nghề nghiệp xảy ra.

 

Nhà báo Việt Nga, Phó trưởng ban biên tập tin Trong nước, cũng cho rằng, việc phát hiện và bồi dưỡng cây bút giỏi không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân phóng viên mà nó chịu tác động của quan điểm và cả giải pháp của người lãnh đạo, người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội phát triển cho cây viết. Theo đồng chí, nếu người quản lý biết trân trọng phóng viên trẻ, mạnh dạn trao cho họ cơ hội đảm nhận những công việc quan trọng kết hợp với bồi dưỡng thì họ sẽ nhanh chóng thành thạo trong công việc và phát triển.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Uy đã chỉ rõ: Đối với người phụ trách, điều quan trọng là biết gợi ý, hứng dẫn chi tiết cho từng bài viết của phóng viên (coaching). Thực tế hiện nay ở cơ quan ta, nhiều đồng chí phụ trách do còn hạn chế, trình độ chưa cập nhập với thời cuộc nên chưa biết cách hướng dẫn anh em phóng viên trẻ theo phong cách mới mà lại gò ép họ theo phong cách cũ. Tin của phóng viên địa phương gửi về ngay lập tức bị biên tập viên ở Tổng xã chữa lại theo lối mòn, theo phong cách quen thuộc. Điều này vô tình làm cho cái mới khó nẩy sinh và phát triển. Vì thế, trước hết, đòi hỏi người phụ trách phải có tầm nhìn mới, tận tình giúp đỡ anh em phóng viên. Có như vậy mới hình thành và bồi dưỡng được những cây bút sắc sảo.

Chính bởi vai trò rất quan trọng của người quản lý, nhà báo Đỗ Phượng cho rằng: Việc bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác quản lý không thể bị coi nhẹ. Đây là một vấn đề chưa có đáp án tốt. Dù anh có đổi mới bao nhiêu đi nữa nhưng nếu không đổi mới ở khâu quản lý, đội ngũ quản lý thì mọi cố gắng đều ít hiệu quả. Việc có cây bút giỏi, có tài năng chưa hẳn đã khó. Khó là ở chỗ người lãnh đạo có bản lĩnh và khả năng sử dụng những tài năng đó hay không.

 

Trách nhiệm của những tài năng.

Và cuối cùng, không thể thiếu chính là trách nhiệm của những tài năng, những người được cả tập thể, cả bạn đọc đánh giá là những cây bút giỏi. 

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Uy cho rằng, về phía những người được chọn là "hạt giống", mọi biện pháp nêu trên của cơ quan sẽ không có hiệu quả, nếu thiếu "nội lực" từ phía các "hạt giống". Tư chất rất quan trọng của một tài năng là tính khiêm tốn và tinh thần cầu thị. Để đạt được những tiêu chuẩn của một nhà báo giỏi, không có cách gì khác nên là phải học, phải đọc và tự rèn luyện suốt đời. Luôn bám sát tình hình thời sự để cập nhật thông tin và hệ thống hóa các vấn đề mà mình theo dõi. Phải lăn vào thực tế cuộc sống để săn tìm, phát hiện các vấn đề mà xã hội quan tâm.

 

Nhắn nhủ tới những đồng nghiệp trẻ, những người đã "may mắn" được phát hiện và bồi dưỡng, nhà báo Nguyễn Đức giáp khuyên: "Hãy cố gắng khiêm tốn để phấn đấu trau dồi nghề nghiệp, xứng đáng với sự tin cậy của đồng nghiệp và luôn ghi nhớ rằng "một con én không làm nên mùa xuân".

 

Không đề cập một cách chung chung, nhà báo Trần Đức Chính, Phó Tổng biên tập báo Lao Động, chỉ rõ: Các phóng viên trẻ cần rèn luyện mình một cách toàn diện về phẩm chất chính trị, kiến thức xã hội, kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là văn phong của người viết báo tiếng Việt, nếu muốn trở thành nhà báo có tên tuổi. trong điều kiện báo chí hiện đại có nhiều thay đổi về tư duy và phương thức thông tin như ngày nay, các phóng viên trẻ cần lưu ý rèn luyện những kỹ năng mới như cách thu thập thông tin qua mạng internet, các kiểu làm báo trực tuyến, phỏng vấn điện thoại hoặc qua mạng, kể cả các kỹ năng sử dụng những phương tiện truyền tin và hình ảnh bằng kỹ thuật số...

 

Đề cập nhiều yếu tố làm nên cây bút giỏi, nhà báo Bùi Văn Doanh khẳng định đó mới chỉ là điều kiện cần, còn để có những phóng viên tốt nói chung và những cây bút giỏi nói riêng thì sự nỗ lực của cá nhân phóng viên là hết sức quan trọng nếu không muốn nói là giữ vai trò quyết định.

 

Để làm nghề báo tốt cũng như để trở thành một nhà báo giỏi cần rất nhiều yếu tố: kinh nghiệm, năng khiếu, kiến thức sâu rộng, bản lĩnh... Điều đó lý giải tại sao có thần đồng thơ, thần đồng âm nhạc mà không có thần đồng báo chí. Người ta phải đến một độ chín nào đó mới có thể trở thành nhà báo giỏi. Những phóng viên trẻ có thể có những bài báo hay, thậm chí có nhiều phóng viên trẻ có tác phẩm báo chí đoạt giải cao nhưng để trở thành nhà báo giỏi dứt khoát phải có thời gian tích lũy, để trở thành cây bút giỏi có thẩm quyền lại càng cần thời gian tích lũy nhiều hơn và một vốn kiến thức vừa sâu vừa rộng.

 

Không ngừng học tập, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, hình thành phong cách riêng -đó chính là tiền đề để làm nên những nhà báo giỏi và con đường hình thành cây bút có thẩm quyền.

 

Việc tìm kiếm, phát hiện bồi dưỡng và sử dụng cây bút giỏi luôn là mối quan tâm của nhiều cơ quan báo chí ở nhiều thời kỳ khác nhau. Nó đòi hỏi một sức mạnh tổng hợp, sự quan tâm của nhiều đơn vị với nhiều nguồn lực và những con người tham gia trong quá trình này không chỉ đòi hỏi khả năng, sự sắc sảo trong nhìn nhận, đánh giá con người mà còn cần một bản lĩnh và cái tâm hết lòng với ngành, với nghề. Diễn đàn "Phát hiện và bồi dưỡng cây bút giỏi", cho đến nay, đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia, dẫu có thể chưa đề cập đầy đủ mọi khía cạnh nhưng đó là tâm huyết của rất nhiều người đã và đang trong quá trình di tìm kiếm những tài năng. Diễn đàn kết thúc sau hơn một năm nhưng chúng tôi tin rằng còn rất nhiều, rất nhiều ý kiến muốn được tiếp tục tham giá bởi đây là vấn đề sẽ còn phải hối thúc người ta quan tâm nhiều hơn nữa. Và cũng bởi, nói như nhà báo Trần Đức Chính, cái còn lại của báo chí không phải là khối lượng giấy mực khổng lồ mỗi ngày mà với độc giả trước tiên là các cây bút và tác phẩm đi vào lòng người của họ.

(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tuyển chọn và sử dung những cây bút giỏi  (15/08/2006 10:36:18)

Đừng đợi nước làm ướt chân! (15/08/2006 10:35:03)