Thứ hai, ngày 20/05/2024

Thông tấn xã trong tôi

“Thông tấn xã trong tôi” là những điều gần gũi, giản dị


(12/10/2015 10:50:48)

Nếu được hỏi "Thông tấn xã trong bạn như thế nào?", bạn sẽ trả lời ra sao? Với riêng tôi, câu trả lời đến từ những câu chuyện rất cụ thể. Tôi chắc rằng những câu chuyện đó sẽ theo mình suốt những năm tháng làm việc tại đây, rồi sau này, tôi cũng sẽ kể lại cho con cháu.

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) đang tác nghiệp trong một sự kiện tại Nam Định năm 2010

Hơn chục năm trước, tôi may mắn được nhận vào TTXVN và được phân công thường trú tại tỉnh Nam Định. Tôi hăm hở khăn gói xuống Nam Định với niềm vui đã tìm được cơ hội để ổn định cuộc sống và bước vào công việc hằng ưa thích. Người đầu tiên tôi gặp là Trưởng Phân xã Nam Định (chúng tôi thường gọi là Trưởng xã). Cô là cây bút sắc bén song cũng là người nghiêm khắc và luôn đòi hỏi cao trong công việc. Buổi đầu, tôi thường nhận được những nhận xét lạnh lùng nên rất hoang mang. Để rồi khi bình tĩnh hơn, tôi nhận ra rằng, có lẽ đó là cách của người đi trước muốn cho tôi thấy sự khó khăn của nghề báo... Biết là trở thành phóng viên thông tấn không hề dễ, tôi tự nhủ mình phải nỗ lực thật nhiều.

Rồi cùng những cố gắng của bản thân, được sự giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp và sự hướng dẫn tận tình của Trưởng xã, tôi dần vượt qua được áp lực, bắt đầu tự tin hơn trong công việc.

Tôi vẫn còn nhớ chuyện về kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở tại thành phố Nam Định cách đây gần chục năm. Khi kỳ thi này vừa hoàn tất, tôi tình cờ biết được thông tin đề thi môn Toán đã bị lộ trước. Lúc đó tôi đã thường trú tại tỉnh Nam Định được chừng 5 năm. Tuyến tin bài về giáo dục được tôi thường xuyên thể hiện ở mặt tích cực, bởi Nam Định có truyền thống hiếu học, việc dạy và học trong tỉnh được đánh giá là tốt nhất nhì cả nước.

Ban đầu, tôi chưa tin lắm vào thông tin đề thi bị lộ, nhưng vẫn quyết định tìm hiểu thực tế tại một số trường. Đến gặp nhiều học sinh, thu thập tài liệu, so sánh, tôi phát hiện có sự giống nhau giữa đề Toán và những tài liệu được cho là "bài ôn" trước đó ở trường A. Tôi đã trực tiếp liên hệ làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định, tuy nhiên không nhận được sự hợp tác. Với sự hỗ trợ của Trưởng xã, bài viết của tôi ngay sau đó thể hiện đúng thực tế về những thiếu sót của cơ quan tổ chức kỳ thi, những bức xúc của phụ huynh, học sinh xung quanh việc lộ đề thi.

Bài viết được nhiều cơ quan báo, đài sử dụng, tôi liên tục nhận điện thoại, trong đó đáng chú ý là cuộc gọi hẹn gặp của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định. Tại cuộc gặp, lãnh đạo Phòng cam kết sẽ "sửa sai" bằng cách hủy bỏ kết quả môn thi Toán trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở đó; tổ chức thi lại môn này. Tin vui ấy làm nức lòng đông đảo học sinh, phụ huynh và nhiều người dân thành phố Nam Định. Qua đó, góp phần nâng "tầm" của TTXVN trong mắt bạn bè, đồng nghiệp báo đài địa phương.

Một lần khác, vào dịp giáp Tết, trên đường đi công tác, tôi phát hiện ra dọc kênh Chính Nam chảy qua địa phận xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc có một số bao tải trôi nổi, một số khác mắc lại ở những khúc cong hoặc nơi cửa cống tưới tiêu, ruồi nhặng bu đầy; lại gần thì thấy trong bao đựng xác lợn đang phân hủy. Theo người dân, chính quyền địa phương ở đây, những bao tải này xuất hiện đã khá lâu, gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất, khiến nhiều người dân lo lắng, không dám sử dụng các sản phẩm từ lợn. Trong khi đó, nhiều trang trại, hộ dân đã quyết định không mở rộng quy mô chăn nuôi, thậm chí "bán tống, bán tháo" lợn.

Những năm ấy, Nam Định là tỉnh luôn làm tốt công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc gia cẩm. Thời điểm đó trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, song ở các tỉnh xung quanh (như Hà Nam, Thái Bình) dịch bệnh đã xuất hiện. Tôi nhanh chóng báo cáo Trưởng xã và được chỉ đạo liên lạc với Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định. Sau đó tôi cũng được phân công cùng lực lượng thú y theo sát tình hình dịch bệnh xung quanh khu vực có con kênh chảy qua. Kết quả kiểm tra cho thấy, những bao xác lợn nói trên có nguồn gốc từ tỉnh lân cận, theo dòng nước sông Châu Giang đổ vào con kênh huyện Mỹ Lộc. Lực lượng chức năng trong tỉnh "thở phào", tôi cũng nhẹ cả người, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo hướng trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh, người dân không nên quá lo lắng, tẩy chay các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi...

Kể lại vài mẩu chuyện nói trên, tôi cũng ôn lại những con số đáng nhớ: Công tác tại Nam Định hơn 7 năm, trải qua 5 "đời trưởng xã", tôi đã có một gia đình nhỏ yên ấm, được biên chế chính thức trở thành phóng viên của TTXVN, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tất cả những điều này đều là nhờ cơ quan thông tấn và đặc biệt là nhờ những "Trưởng xã" kính mến ấy, những người luôn ủng hộ tôi trong cuộc sống, theo sát tôi trong công việc. Gần đây, tôi nhận được tin nhắn của một "Trưởng xã" cũ, rằng một cái tít tin của tôi sẽ hay hơn nếu thay một chữ... Lúc đó tôi thật sự cảm động và thấy mình có thêm động lực để công tác tốt hơn.

Giờ đây, đã chuyển lên "Tổng xã", công việc tiếp tục tạo cho tôi niềm vui, cảm giác mình sống có ích... Tôi có thể khẳng định "Thông tấn xã trong tôi" chính là những điều rất gần gũi, giản dị, giúp tôi hiểu rằng, phóng viên TTX cần xây dựng được phông nền văn hóa và có sự vững vàng khi giao tiếp. Quan trọng hơn hết là biết cách nhìn sâu vào một vấn đề, biết lùi lại để nhìn nhận sự kiện một cách chính xác, thể hiện tin bài sao cho nhanh, hấp dẫn, để được nhiều độc giả, cơ quan báo chí khác mong chờ, đón nhận.

Trần Thị Mỹ Bình - Ban Biên tập tin trong nước
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2015