Thứ năm, ngày 18/04/2024

Tin tức trong ngành

40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ: Biên cương sáng mãi tình đoàn kết hữu nghị


(05/01/2019 16:18:51)

Trong những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12/2018, nhóm phóng viên TTXVN gồm: Viết Tôn (báo Tin tức), Anh Tùng (Ban biên tập tin Trong nước) và Dương Giang (Ban biên tập Ảnh), đã có chuyến công tác dài ngày trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, nơi tiếp giáp với nước bạn để thực hiện tuyến tin, bài đặc biệt về chiến thắng biên giới Tây Nam và dấu ấn Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia.

Các PV Viết Tôn, Anh Tùng, Dương Giang và các chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT Bờ Y tại cột mốc ba biên

Cột mốc ba biên trên đỉnh cao 1.086m
 
Ngày 24/11, sau hai tiếng bay từ Nội Bài đến Pleiku (Gia Lai) và chặng đường bộ hơn 50km, điểm đến đầu tiên trong hành trình dài của chúng tôi là Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum.
 
Lắng nghe chúng tôi trình bày về mục đích của chuyến công tác, Đại tá Lê Minh Chính, Phó chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP Kon Tum rất vui trước sự quan tâm của PV TTXVN đến sự kiện chiến thắng biên giới Tây Nam và đặc biệt là lực lượng BĐBP các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Theo chỉ dẫn của anh, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y và Đồn biên phòng Rờ Kơi, nơi cách đây 40 năm, quân và dân Kon Tum đã che giấu, đùm bọc bà con Campuchia tránh khỏi sự tàn sát dã man của Khmer Đỏ.
 
Uống cạn chén trà ấm, chúng tôi bắt đầu ngược ngàn ra biên giới hướng đến Đồn biên phòng CKQT Bờ Y. Bữa cơm trưa cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng nơi đây diễn ra nhanh gọn sau mấy chục phút trao đổi thông tin, lấy tư liệu phục vụ bài viết. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hành trình lên biên giới. Chiều Tây Nguyên nắng vàng như mật, những vạt cỏ lau trổ bông trắng xóa cả núi rừng biên cương.
 
Chỉ ít phút, chúng tôi có mặt tại cột mốc ba biên, nơi “gà gáy cả ba nước đều nghe”. Cột mốc ba biên do Việt Nam - Lào - Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m, là vị trí giao điểm của ba đường biên giới. Đây là cột mốc ba biên thứ hai ở Việt Nam, sau cột mốc ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Đặt chân lên vùng đất có vị thế chiến lược này, mỗi chúng tôi đều có những cảm xúc rất đặc biệt.
 
Đùm bọc giúp đỡ bà con lánh nạn
 
Ấn tượng nhất trong chuyến đi này, không phải là đường sá xa xôi, vất vả, không phải phong cảnh Tây Nguyên hùng vĩ, hữu tình mà chính là những con người Tây Nguyên, những nhân chứng lịch sử mang trong mình bao chứng tích của một thời gian khó, ác liệt nhưng vô cùng anh dũng.
 
Ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi đến Trạm biên phòng Rờ Kơi. Tại đây, chúng tôi được các cán bộ chiến sĩ giới thiệu về già làng A Ghinh, dân tộc Xơ Đăng, 78 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, người có công nuôi dưỡng, che giấu cán bộ và nhân dân Campuchia chạy sang Rờ Kơi trong những năm chiến tranh ác liệt.
 
Chúng tôi có mặt ở nhà già làng A Ghinh lúc gần trưa. Ngồi tiếp chúng tôi, câu chuyện cách đây 40 năm dội về trong ký ức của ông. Những năm đó có khoảng 1.200 người Campuchia chạy sang làng Ó, làng Gion, làng Rờ Kơi lánh nạn.
 
Chi bộ làng Rờ Kơi do ông làm Bí thư cùng với ba đảng viên đã lãnh đạo nhân dân nghe theo tiếng gọi của Đảng, định canh, định cư và tạo điều kiện giúp đỡ bà con Campuchia ổn định cuộc sống. Những ngày ấy, Rờ Kơi toàn rừng già, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Với bàn tay, đôi chân trần của đồng bào Xơ Đăng khỏe mạnh, sự đoàn kết một lòng của nhân dân các dân tộc làng Rờ Kơi, đồng bào đã bám đất, bám làng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Cuối những năm 1980, khi đất nước đã thanh bình, ổn định, bà con Campuchia quay trở về quê hương và không ít người thường xuyên quay lại thăm người dân Rờ Kơi.
 
Nhóm PV TTXVN trò chuyện với già làng A Ghinh (giữa), xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Anh dũng bảo vệ chủ quyền biên giới
 
Rời Kon Tum, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Theo giới thiệu của Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng CKQT Lệ Thanh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Rơ Châm Chiếc, sĩ quan quân đội từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979. Rời quân ngũ, ông về định cư ở làng Ó. Cuộc sống giờ đã khấm khá hơn nhiều nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ, ác liệt vẫn chưa vơi đi trong lòng bà con dân làng Jrai.
 
Ông Chiếc chậm rãi kể, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cao điểm là 9 ngày đêm Đồn biên phòng 649 (nay là Đồn biên phòng CKQT Lệ Thanh) bị địch bao vây, một số đồng chí bị thương và hy sinh. Song cán bộ và chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, tạo đà cho quân ta phản công, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Với chiến công đó, Đồn biên phòng 649 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Theo chân người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam năm nào lên thăm lại chứng tích của Đồn 649 ngày ấy, lắng nghe câu chuyện bi tráng một thời, chúng tôi ai nấy đều xúc động xen lẫn tự hào về thế hệ cha anh đi trước.
 
Vun trồng vườn cây hữu nghị

Để ghi dấu ấn tình hữu nghị giữa ba quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia, hiện nay, tại khu vực cột mốc ngã ba biên giới xã Bờ Y có vườn cây hữu nghị được chiến sĩ biên phòng của ba nước vun trồng. Vùng biên giới năm xưa là túi bom do Mỹ Ngụy trút xuống, ngày nay là nơi thắp sáng tinh thần đoàn kết hữu nghị cùng phát triển giữa quân và dân các tỉnh của ba nước đang tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo.
 
Một tuần rong ruổi trên các nẻo đường biên giới hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chúng tôi đã được gặp gỡ, được chứng kiến cuộc sống đổi thay của đồng bào các dân tộc Jrai, Xơ Đăng, Ca Dong, Thái, Brâu… Ở đâu chúng tôi cũng nhận được tình cảm và sự giúp đỡ chân tình của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Ở đâu chúng tôi cũng thấy đồng bào nói tới công sức của các chiến sĩ biên phòng giúp dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới…
 
Nhiều năm qua, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia luôn đoàn kết, gắn bó, ủng hộ nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, giàu đẹp. Tình đoàn kết, gắn bó đó đang tiếp tục được các cơ quan chức năng, các thế hệ BĐBP, các địa phương và đồng bào các dân tộc vun đắp, giữ gìn.
 
Ngày 7/1/1979 là mốc son lịch sử ghi dấu tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và quân tình nguyện Việt Nam cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Theo đề nghị của Campuchia, hàng ngàn cán bộ Việt Nam đã tình nguyện làm chuyên gia giúp bạn khôi phục sản xuất, kiến thiết, xây dựng lại đất nước, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân Campuchia…, mở ra trang mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Viết Tôn
Nội san thông tấn số 12/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tấn xã Việt Nam giành giải cao cuộc thi tuyên truyền về TP. Đà Nẵng (05/01/2019 16:18:48)

Bước phát triển mới trong công tác đoàn và phong trào thanh niên (02/01/2019 16:45:23)

Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam ban hành Nghị quyết về công tác thanh niên (02/01/2019 16:43:44)

Hội nghị cán bộ, viên chức các CQTT phía Bắc (02/01/2019 16:36:49)

Cập nhật kỹ năng ảnh báo chí và truyền hình cho phóng viên miền Trung - Tây Nguyên (02/01/2019 16:35:18)

Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia làm việc với CQTT Phnom Penh (02/01/2019 16:33:40)

Độc đáo "phiên chợ" gây Quỹ nghĩa tình đoàn viên (27/12/2018 16:05:57)

Triển lãm ảnh “Ấn tượng Việt Nam – Trung Quốc 2018” (27/12/2018 09:24:34)

Chúc mừng Sư đoàn 304 kết nghĩa nhân ngày thành lập Quân đội (22/12)  (21/12/2018 19:26:28)

Truyền hình Thông tấn kết nghĩa với Sư đoàn 325 (21/12/2018 10:34:41)