Chủ nhật, ngày 10/11/2024

Nghiên cứu khoa học

Đề xuất thống nhất nội dung tuyên truyền về biển đảo


(14/06/2016 14:19:21)

Nhà báo Văn Sơn, Trưởng CQTT tại Đà Nẵng (người cầm micro) cùng các đồng nghiệp trên tàu HP926 (sau khi bị tàu Trung Quốc vây hãm và phun vòi rồng), ngày 12/4/2014

Đề tài NCKH "TTXVN với công tác tuyên truyền về biển, đảo trong thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài" do Phó Tổng giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái làm Chủ nhiệm, Thư ký khoa học là ông Đỗ Văn Hợp, Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại, cùng sự tham gia của 8 thành viên là lãnh đạo các đơn vị thông tin đối ngoại trong ngành (báo Le Courrier du Vietnam, tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, báo Việt Nam News, Báo ảnh Việt Nam).

Theo ông Đỗ Văn Hợp, đây là đề tài nghiên cứu về một vấn đề có tính chất chiến lược trong công tác thông tin đối ngoại, với mục tiêu xuyên suốt, đó là trên cơ sở những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực trạng tuyên truyền về biển, đảo của cơ quan thông tấn quốc gia, xây dựng những giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài của TTXVN, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc. Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã triển khai 14 chuyên đề, tiến hnahf một cuộc khảo sát, điều tra xã hội đối với 160 đối tượng tiêu biểu tại các tỉnh Nam Ninh, Quảng Châu, Côn Minh. Trùng Khánh và TP Bắc Kinh (Trung Quốc), cùng 5 cuộc hội thảo với 20 tham luận và tổng hợp nhiều ý kiến đóng góp của PV, BTV trong ngành cho các nội dung cơ bản. Càng đi sâu nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài càng thấy rõ sự kết hợp phong phú giữa một lĩnh vực đặc thù là thông tin chuyên ngữ với các lĩnh vực khác của hệ thống tuyên truyền, của đời sống xã hội. Từ đó trong phần kiến nghị, đề tài đã mạnh dạn đề xuất những ý kiến không chỉ với lãnh đạo TTXVN mà còn mở rộng hơn là kiến nghị với Đảng và Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại.

NSTT xin trích giới thiệu với bạn đọc một số nội dung quan trọng của đề tài

 

Mặc dù là đề tài NCKH cấp ngành, phạm vi nghiên cứu lại chuyên sâu nhưng trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu nhận thấy có nhiều vấn đề không chỉ là nhiệm vụ của riêng TTXVN mà còn liên quan tới cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo trong bối cảnh mới, đề tài mạnh dạn trình bày với Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TTXVN một số đề xuất, kiến nghị sau:

 

I. ĐỐI VỚI ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

1. Thống nhất chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về biển đảo; đề ra quy chế phối hợp liên ngành, đặc biệt là một cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời

Đối với một chủ đề thông tin quan trọng như biên giới lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, nhất là vấn đề Biển Đông, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước hết sức quan tâm đến nguồn thông tin chính thức, chính thống của TTXVN, trong đó có các bản tin, chương trình truyền hình bằng tiếng nước ngoài.

Thời gian qua, trong một số trường hợp, nguồn thông tin của TTXVN về những chủ đề nêu trên chưa đáp ứng được sự mong đợi của hệ thống truyền thông. Sở dĩ như vậy một mặt là do các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN còn thụ động chờ định hướng thông tin của các cơ quan, ban ngành chức năng. Nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta vẫn chưa xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, cung cấp và xử lý thông tin đối với các vấn đề nhạy cảm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập thông tin quốc tế, đặc biệt thông tin mạng đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì chủ trương hạn chế, không đưa tin trong một số tình huống nhạy cảm không phải lúc nào cũng là cần thiết, thậm chí có thể gây tác động tiêu cực khi ta nhường trận địa cho các luồng thông tin không chính thống, thiếu chính xác

Để giúp TTXVN thực hiện tốt chức năng là cơ quan cung cấp nguồn thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, nhanh chóng thống nhất những định hướng kịp thời cho thông tin đối ngoại; đồng thời các cơ quan chức năng (Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng v.v) cần chủ động và kịp thời hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, đề xuất những hướng xử lý đối với các vấn đề, sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm. Điều này nói lên nhu cầu thiết lập và ban hành quy chế thống nhất chỉ đạo, quy chế về cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời.

 

2. Xây dựng một ngân hàng dữ liệu chung và hoàn thiện bộ Át-lát địa lý về biển đảo Việt Nam

Ngân hàng dữ liệu về biển, đảo giúp đánh giá tổng hợp tất cả mọi tài nguyên môi trường biển, phục vụ công tác quản lý, theo dõi biến động và giám sát quá trình khai thác đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế biển kết hợp với an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Còn "Atlas" trong tiếng Anh có nghĩa là tập bản đồ; tuy nhiên một tập Át-lát địa lý không chỉ là tập bản đồ mà còn bao gồm các biểu đồ, ảnh tư liệu, số liệu thống kê... được sắp xếp một cách khoa học.

Ngoài ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở một quốc gia có 3.260 km bờ biển và trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, ngân hàng dữ liệu và bộ Át-lát sẽ là những địa chỉ tra cứu tin cậy phục vụ cho thông tin nguồn, đảm bảo tính chính xác và nhất quán trong tuyên truyền đối ngoại. Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và TTXVN có thể phối hợp xuất bản một cuốn sổ tay về biển đảo Việt Nam bằng tiếng nước ngoài (trước mắt là tiếng Anh), để giới thiệu những thông tin cơ bản, kịp thời quảng bá về biển, đảo Việt Nam ra thế giới.

 

3. Tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho tuyên truyền đối ngoại bằng tiếng nước ngoài về biển, đảo

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông tin đối ngoại đang phát triển rất amnhj mẽ trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch chưa theo kịp nên hiện tượng "trăm hoa đua nở", ngành ngành, nhà nhà cùng làm thông tin đối ngoại" ở một số đã bắt đầu có dấu hiệu chồng chéo, dẫn tới nguy cơ đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này phải nhanh chóng rà soát lại lực lượng, đánh giá hiệu quả tuyên truyền để xây dựng quy hoạch tổng thể cho hoạt động thông tin đối ngoại từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cần tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về nguồn nhân lực và tài chính cho những cơ quan thông tin chủ lực, giàu kinh nghiệm về thông tin đối ngoại như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và trước hết là TTXVN - trung tâm thông tin đối ngoại lớn nhất của cả nước.

 

II. XÂY DỰNG MỘT WEBSITE ĐA NGỮ NHẰM TÍCH HỢP THÔNG TIN CHÍNH THỐNG

Cụ thể hóa hơn nữa chiến lược tuyên truyền tổng thể về biển, đảo, trong đó chú trọng xây dựng một website đa ngữ nhằm tích hợp thông tin chính thống toàn diện về mọi mặt quản lý, phát triển, hợp tác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam với các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung là chủ lực.

Trong suốt quá trình 70 năm hình thành xây dựng và phát triển, TTXVN đã và đang triển khai những chiến lược tuyên truyền phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử. Quán triệt sâu sắc quan điểm công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài của toàn ngành, ban lãnh đạo TTXVN luôn thực hiện chủ trương phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại; đổi mới mạnh mẽ nội dung thông tin, đa dạng hóa phương thức chuyển tải theo phương châm "Chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng"; tăng cường đầu tư cho các đơn vị chuyên ngữ là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền đối ngoại. Quan điểm chỉ đạo, điều hành đó đã giúp TTXVN có được một khối truyền thông đối ngoại mạnh nhất của cả nước mà nòng cốt là 300 cán bộ, PV, BTV chuyên ngữ tác nghiệp tại các đơn vị thông tin nguồn, cả về tin văn bản lẫn tin truyền hình, và các tòa soạn báo in, báo điện tử, báo ảnh. Những diễn biến phức tạp ở Biển Đông đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược thông tin tổng thể về biển đảo, trong đó đặc biệt chú trọng thông tin chuyên ngữ. Chiến lược này phải cụ thể hóa hơn nữa sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong ngành để thông tin một cách có hệ thống về biển đảo; xác định những tiêu chí cơ bản và lộ trình tăng cường tuyến tin phản bác; đề ra những kế hoạch thông tin trước mắt, lâu dài cùng những giải pháp tình huống. Đối với cộng đồng quốc tế, công tác thông tin về biển đảo bằng tiếng nước ngoài phải kết hợp chặt chẽ các cứ liệu lịch sử với các cơ sở pháp lý liên quan để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tạo sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè và công luận. Thông tin cần được truyền đạt qua những ngôn ngữ phổ biến như Anh, Trung, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Nhật, Hàn... qua một website đa ngữ, nhằm tích hợp thông tin chính thống toàn diện về mọi mặt: quản lý, phát triển, hợp tác và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, cùng trình độ hiểu biết ngày càng cao của công chúng là những điều kiện để thông tin đa ngữ về biển, đảo dễ được tiếp cận và phổ biến ra thế giới qua nhiều kênh. Việc xây dựng website đa ngữ về biển, đảo sẽ tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền về chủ đề quan trọng này. Website cần được xây dựng với quy mô là trang thông tin nguồn quốc gia, cung cấp thông tin chính thức về địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết, môi trường sinh thái, ngư trường và ngư dân, tiềm năng phát triển biển đảo theo Chiến lược Biển đến năm 2020, cũng là để tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên các vùng biển đảo. Mọi thông tin liên quan, đặc biệt là các cứ liệu lịch sử, dữ liệu ảnh, bản đồ hành chính, địa chất... đều góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, bên cạnh tuyến tin phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật.

Website đa ngữ về biển đảo phải được thiết kế chuyên nghiệp, tiện ích, dễ truy cập và có độ tương thích cao trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Cần tranh thủ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ web và xuất bản, để chiếm ưu thế trong cạnh tranh thông tin. Xét về tổng thể, việc xây dựng một website đa ngữ như vậy sẽ tạo bước đột phá trong tuyên truyền đối ngoại về biển, đảo.

Giải pháp này mang tính chiến lược, cần lộ trình triển khai vì nó liên quan đến cơ cấu tổ chức của TTXVN. Một website đa ngữ mang tầm cỡ quốc gia phải là một đơn vị cấp Vụ trực tiếp thực hiện, quản lý, bởi nếu để trang web ở các tòa soạn thì nội dung biển, đảo vẫn chỉ là một trong những chủ đề thông tin, khó tránh khỏi tình trạng tản mát. TTXVN cần tổ chức lực lượng chuyên trách để xây dựng các tuyến tin, bài chuyên sâu về tiềm năng biển Việt Nam, hệ sinh thái, những điểm đến, về phát triển bền vững tài nguyên biển, ngư trường, ngư dân, về ứng phó với biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng, về an toàn hàng hải, cứu trợ cứu nạn cùng các hoạt động hướng về biển đảo quê hương bên cạnh những chuyên mục lịch sử, pháp lý, chủ quyền quốc gia... tạo nội dung phong phú, đa dạng, uy tín của trang web để trở thành chỗ dựa tin cậy của hệ thống báo chí chuyên ngữ trong cả nước.

Qua đợt thông tin về vụ "Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam" cho thấy công tác quản lý thông tin đối ngoại còn chồng chéo giữa nhiều đầu mối, việc xin chỉ đạo phải qua nhiều cửa, làm chậm tiến trình đưa tin. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, nếu thông tin chính thức, chuẩn xác được nhanh chóng cập nhật lên một website đa ngữ sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế dẫn nguồn khai thác, từ đó tạo ra những làn sóng thông tin có hiệu quả cộng hưởng. Website có thể tổ chức theo hướng phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi đơn vị chuyên ngữ: Ban biên tập tin Đối ngoại đảm nhận phần thông tin thời sự, chính luận; các báo Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam tổ chức các chủ đề chuyên sâu; Vietnam Law & Legal Forum lập diễn đàn pháp lý; Báo ảnh Việt NamBan biên tập Ảnh đặc trách tư liệu ảnh, Truyền hình Thông tấn phụ trách Video, tin đồ họa về biển, đảo...

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2016