Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Đồng hành với người dân vùng hạn mặn Cà Mau


(01/06/2020 16:01:09)

Phóng viên Huỳnh Anh ghi lại hình ảnh hạn hán tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, tháng 4/2020

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, tôi may mắn khi được phân công về công tác tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cà Mau từ cuối năm 2013. May mắn bởi lẽ, tôi không những hiểu rõ về đặc trưng văn hóa, con người nơi đây mà còn chứng kiến được sự đổi thay, chuyển mình qua từng năm tháng của vùng đất này.
 
Thời điểm năm 2013, những khái niệm về biến đổi khí hậu nói chung hay Cà Mau là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng này nói riêng vẫn còn mang tính hàn lâm. Bởi, những vụ sạt lở, sụt lún đất chỉ diễn ra cục bộ, không phổ biến ở những vùng ngập mặn thuộc các địa phương của Nam Cà Mau. Hay tình trạng biển xâm thực gây mất đất, mất rừng phòng hộ cũng chỉ diễn ra nhỏ lẻ… và chủ yếu vào mùa mưa bão.
 
Phải đến thời điểm 2015-2016, với dấu mốc đáng nhớ là trận đại hạn lịch sử khiến mọi quy luật thường thức về biến đổi khí hậu tại địa phương bị đảo lộn thì mọi người mới thực sự lo lắng. Từ đó đến nay, tình trạng sụt lún, biển xâm thực diễn ra không chỉ ở những vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau mà còn ngay cả trong mùa khô hạn.
 
Kết thúc mùa mưa bão 2014, tôi có loạt bài phản ánh tình trạng đê biển Tây gồng mình trước sạt lở, như một tiếng kêu cứu trước tác động biển xâm thực đang diễn ra nhanh và ngày càng phức tạp. Kết thúc loạt bài, không chỉ giữ liên lạc với người dân sống ven đê mà trong suốt nhiều năm liên tục, tôi đã đến ghi nhận sự thay đổi của khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu nơi đây. Bởi chỉ có đến với khu vực “đầu sóng ngọn gió” mới cảm nhận được sức mạnh của thiên nhiên lớn đến mức nào. Tôi nhận ra, mỗi năm, hàng trăm hécta rừng phòng hộ, trong đó có những những cây mấm cao lớn có tuổi đời hàng chục năm lần lượt biến mất. Chỉ mấy năm, biển đã tiến sát chân đê.
 
Tiếp đó, năm 2017, tôi có bài phân tích và dự báo về tình hình thiên tai trong thời gian tới của tỉnh Cà Mau và nhấn mạnh Cà Mau không còn khái niệm mùa sạt lở, sụt lún đất mà sẽ diễn ra bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu. Quả thật, Cà Mau bước vào mùa khô hạn năm 2019-2020 với nhiều diễn biến gay gắt và theo ước tính, thiệt hại sẽ nặng nề hơn cả đợt đại hạn năm 2015-2016, được ghi nhận là 100 năm mới xảy ra một lần. Bởi trong đợt đại hạn cách đây hơn ba năm, thiệt hại chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thì thực tế hiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra khốc liệt hơn, hình thái thiệt hại cũng khác biệt hơn.
 
Những kênh rạch tại vùng ngọt hóa đã trơ đáy, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như: hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, hàng chục ngàn hécta hoa màu đối diện với nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới, nguy cơ cháy rừng gia tăng đến đỉnh điểm… Hơn hết, tình trạng sụt lở đất ven sông, ven biển đã diễn ra trên diện rộng. Tình trạng này không chỉ phá hủy và đe dọa nhiều cơ sở hạ tầng, công trình giao thông và nhà ở mà còn gây khó khăn cho đời sống dân sinh, đe dọa sự tồn vong của cả một hệ sinh thái ngọt vùng Bắc Cà Mau, nơi có rừng U Minh Hạ. Dù chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể, nhưng theo quan sát, với tiềm lực của Cà Mau sẽ rất khó để khắc phục nếu không có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương. Việc đưa ra dự báo phải bắt nguồn từ những cơ sở hiện tại và quá khứ. Trong quá trình đó, việc ghi nhận, thu thập để có những thống kê so sánh và đưa ra nhận định chính xác là rất quan trọng với một phóng viên thường trú.
 
Cơn bão số 3 vào tháng 8/2019 đã làm vỡ một đoạn đê khiến nước mặn tràn qua, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm hộ dân sống ven đê và khoảng 300.000ha trồng lúa của vùng ngọt hóa. Đợt hạn hán năm 2019-2020, cũng chính tại đoạn đê đó, tình trạng sụt lún diễn ra khiến 400m thân đê bị hư hỏng hoàn toàn và hàng ngàn mét đê khác được dự báo có thể bị sụt lún bất kỳ lúc nào.
 
Trải qua những sự kiện đó, với trách nhiệm của một phóng viên tại địa bàn, tôi đã phản ánh thông tin kịp thời bằng nhiều loại hình báo chí đến công chúng. Trong đó, có một số sự kiện Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan đưa tin sớm và nhanh nhất, điển hình như vụ vỡ đê biển Tây vào tháng 8/2019. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi mỗi phóng viên chủ động xây dựng cho mình một mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở, đặc biệt là tại địa bàn rộng như tỉnh Cà Mau.
 
Tác nghiệp trong điều kiện thiên tai vốn dĩ đã rất khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi cùng lúc thực hiện cả ba loại hình thông tin và luôn phải đảm bảo yếu tố nhanh, chính xác đến từng câu chữ, từng khuôn hình. Tuy nhiên, có rong ruổi trên những cung đường sụt gãy, tan hoang của những ngày tháng 4 nắng như đổ lửa này mới cảm nhận được sự vất vả của bà con nơi đây đang nỗ lực từng ngày chống lại hạn mặn. Thiết nghĩ, vai trò một phóng viên thật sự có ý nghĩa chỉ khi được đứng ở trung tâm của sự kiện, mà rất có thể những thước phim, bức ảnh, dòng tin ghi lại hôm nay sẽ là tiền đề góp phần thay đổi cho vùng đất và cuộc sống người dân nơi đây.

Huỳnh Anh - Phóng viên CQTT tại Cà Mau
Nội san Thông tấn số 5/2020