Thứ năm, ngày 25/04/2024

Công tác nghiên cứu khoa học

Nâng cao chất lượng tuyến tin phản hồi, định hướng, bác bỏ thông tin sai lệch


(11/05/2016 15:40:38)

Nhóm PV TTXVN đưa tin về vụ việc mất an ninh trật tự tại Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An (tháng 8/2013)

Đề tài NCKH "Các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các sản phẩm báo chí TTXVN" do nhóm nghiên cứu thuộc Ban biên tập tin Trong nước thực hiện đã được Hội đồng nghiệm thu cấp ngành đánh giá xuất sắc. Trao đổi với phóng viên NSTT, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thiện Thuật và Thư ký Nguyễn Quang Vũ cho biết, cả nhóm đã vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện NCKH, nhất là công tác thu thập, tìm kiếm tư liệu từ các đơn vị báo chí bên ngoài, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm trong báo giới. Việc tìm được chuyên gia có khả năng tổng hợp, phân tích vấn đề để tham khảo cũng không dễ dàng...

Nhóm nghiên cứu đã cơ bản đạt được mục tiêu mang tính chiến lược của đề tài là: "Tăng cường vai trò Trung tâm thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước của cơ quan thông tấn quốc gia". Trong số này, NSTT xin trích đăng một phần chương III, chương quan trọng của đề tài: "Giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng và số lượng thông tin của TTXVN - khối thông tin trong nước ở tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch".

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin ở mức độ cao như hiện nay, việc nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch được mỗi PV, BTV TTXVN nói chung, khối thông tin trong nước nói riêng xác định là hết sức quan trọng và cần thiết.

           

Tổ chức thông tin tốt.

Đây là giải pháp quan trọng bởi lẽ, trong bất cứ một cơ quna báo chí, cơ quan truyền thông đại chúng nào, không chỉ có mỗi PV hoạt động đơn lẻ, chủ động mà luôn cần vai trò "nhạc trưởng", sự chỉ đạo, gợi ý, hướng dẫn, lên kế hoạch, tổ chức tuyến thông tin, liều lượng thông tin ra sao cho hiệu quả, phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể về nhân lực, vật lực và yêu cầu khách quan của cuộc sông, của việc thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cơ quan báo chí. Việc tổ chức thông tin cũng giúp cho dòng chảy thông tin của cơ quan báo chí được liên tục, không đi chệch "đường ray", không bỏ sót, bỏ lọt sự kiện và cũng hạn chế được tình trạng "đánh với, đuổi theo" sự kiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng thông tin.

TTXVN là cơ quan thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, giữ vững vai trò là nguồn tin chính thống của quốc gia, đảm bảo đúng định hướng trong công tác thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại cũng như thông tin phục vụ yêu cầu quản lý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc tổ chức thông tin có vai trò quan trọng và cần thiết, giúp các cơ quan báo chí thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích của mình, thể hiện "tầm và tâm" của đội ngũ những người làm báo ở cơ quan đó, góp phần khẳng định thương hiệu của TTXVN.

Để nâng cao chất lượng và số lượng thông tin của TTXVN ở tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, việc tổ chức thông tin cần phải kịp thời, nhanh chóng và cụ thể hơn. Chẳng hạn, đối với mỗi vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội đang đòi hỏi phải có những thông tin định hướng cần thiết hoặc trước những luồng thông tin thiếu chính xác, sai lệch thậm chí là xuyên tạc, nhất thiết phải tổ chức thông tin một cách kịp thời, hợp lý, để mỗi sản phẩm thông tin thuộc tuyến tin này thực sự là một sản phẩm kết tinh của một tổng thể đã nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan báo chí chính thống.

Việc tổ chức thông tin cần được tiếp tục thực hiện đồng bộ thống nhất từ trên xuống dưới, từ Ban lãnh đạo cơ quan đến các ban biên tập; xuống các phòng chuyên đề hoặc các cơ quan thường trú (CQTT) địa phương và tới từng PV; có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các loại hình thông tin và các đơn vị thông tin.

Việc tổ chức thông tin ở Ban lãnh đạo cơ quan thể hiện qua những chỉ đạo, gợi ý, đề nghị, yêu cầu thông tin đối với một ban biên tập hoặc một CQTT cụ thể. Việc tổ chức thông tin cũng thể hiện ở việc Ban lãnh đạo cơ quan yêu cầu các phòng, ban chức năng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cần thiết để đội ngũ PV, BTV trực tiếp tác nghiệp.

Việc tổ chức thông tin đối với Ban lãnh đạo cơ quan cũng thể hiện ở việc quyết định ra chế tài, chính sách khen thưởng, khuyến khích các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc có chế tài xử phạt, kỷ luật nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với các ban biên tập, việc tổ chức thông tin, nhất là với tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, đối với khối thông tin trong nước được thể hiện ở chỗ tham mưu giúp Ban lãnh đạo cơ quan có những chỉ đạo, hợp lý, kịp thời, sát thực tiễn. Đặc biệt, với nhiệm vụ được giao của một đơn vị chuyên môn, mỗi ban biên tập cũng cần có sự dự báo để từ đó có những thông tin chính xác, đúng đắn, tham mưu cho lãnh đọa cơ quna và các phòng chuyên đề, các CQTT có thông tin định hướng, chỉnh lý.

Các ban biên tập cũng sẽ trực tiếp xây dựng những đợt, tuyến thông tin đối với một vấn đề cụ thể cần có sự định hướng, phản hồi kịp thời và "dài hơi"; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên đề và CQTT để thực hiện tuyến tin. Ban biên tập sẽ kết nối, hình thành đường dây liên kết, tạo thành tuyến tin có mở đầu, kết thúc một cách hợp lý.

Các phòng chuyên đề, các CQTT và từng PV trên cơ sở các chỉ đạo, gợi ý thông tin, cần tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo đúng yêu cầu, đúng định hướng và đạt hiệu quả thông tin.

Với mỗi PV, khi được gioa nhiệm vụ thực hiện tuyến tin, bài này cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sự nhanh nhạy, kịp thời để có được sản phẩm thông tin "nhanh, đúng, trúng, hay"; cần tự hình thành sợi dây liên kết, xuyên suốt trong sản phẩm thông tin của mình để tin, bài được logic, dễ hiểu.

 

Nhà báo Nguyễn Quang Vinh (đứng) và Trưởng CQTT tại Điện Biên Chu Quốc Hùng phỏng vấn người dân bản Huổi Khon tại điểm nóng Mường Nhé, Điện Biên, tháng 5/2011

Rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho phóng viên

TTXVN với lợi thế là có hệ thống PV thường trú ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và PV trực tiếp theo dõi, tuyên truyền các hoạt động diễn ra ở tất cả các bộ, ban, ngành Trung ương. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, đối với khối thông tin trong nước, điều trước tiên là phải rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén nghề nghiệp cho mỗi PV, tạo điều kiện để mỗi PV có thể nhanh nhạy nhận biết những vấn đề nổi cộm, những thông tin cần phải phản hồi, chỉnh hướng hoặc bác bỏ một cách đúng đắn kịp thời. Nếu được bồi dưỡng, mỗi PV sẽ ý thức rõ ràng hơn, nhận biết sâu sắc hơn về bản chất, vấn đề cốt yếu của mỗi sự kiện, hiện tượng đã và đang diễn ra trong cuộc sống, tại địa bàn được phân công theo dõi, phản ánh và nhận biết kịp thời những vấn đề công chúng, dư luận trong nước và quốc tế đang quan tâm, đang mong muốn hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ, khách quan để từ đó tìm hiểu, tiếp cận và phản ánh kịp thời, góp phần định hướng dư luận và đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, có dụng ý xấu của các thế lực thù địch.

Để có được bản lĩnh chính trị vững vàng của một nhà báo chân chính, sự nhanh nhạy, linh hoạt của một nhà báo "thạo nghề", ngoài việc  được cơ quan tạo điều kiện, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, bản thân mỗi PV phải luôn nỗ lực tự học hỏi, bổ sung kiến thức, giữ vững phẩm chất của người làm báo cách mạng, hiểu được thông tin mình đưa ra vì mục đích gì, nhằm định hướng điều gì và phản bác điều gì, từ đó góp phần nâng cao số lượng và chất lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch.

 

Xây dựng hệ thống cộng tác viên (CTV) tin cậy

Mỗi CQTT tại các địa phương phải xây dựng được hệ thống CTV tin cậy, gắn bó, am hiểu tình hình địa phương, tạo được mối quan hệ mật thiết với cơ sở, với các đầu mối cung cấp thông tin ngay tại chỗ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam - từng căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đây là tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Đối với riêng tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, nếu không có đội ngũ CTV tin cậy, không có những người có trách nhiệm, những người được giao quản lý một cơ quan, lĩnh vực hay các chuyên gia am hiểu tường tận về một vấn đề, làm sao nhà báo có thể "nói có sách, mách có chứng" để tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch thực sự đạt chất lượng, hiệu quả.

Đối với giải pháp này, chúng tôi xin nêu một ví dụ, về vụ việc mất an ninh trật tự liên quan đến tôn giáo xảy ra ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2013. Nhóm PV CQTT tại Nghệ An và các PV được Tổng xã gửi về đã có những thông tin, đúng đắn, khách quan, những bài phỏng vấn, những người có trách nhiệm, chức sắc tôn giáo và cả người dân địa phương rất chân thực, đầy đủ, phản ánh đúng bản chất sự việc, góp phần bác bỏ những thông tin sai lệch nếu không đúng bản chất sự việc, có dụng ý xấu cảu các thế lực thù địch. Để làm được điều này, nếu không có đội ngũ CTV, không có sự giúp đỡ, đồng lòng của những người có trách nhiệm, nhóm PV khó có thể hoàn thành loạt tác phẩm báo chí đầy thuyết phục mà sau đó đã giành được giải thưởng tại Giải báo chí quốc gia.

 

Thay đổi quan niệm của phóng viên về luồng thông tin

Cần thay đổi quan niệm, suy nghĩ còn tồn tại ở một số PV, BTV là chỉ những vấn đề to tát, đại sự mới cần thiết phải có thông tin tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch. Hiện nay, trong thời đại bùng nổ thông tin với muôn vàn sự kiện diễn ra trong đời sống, khó có thể nói thông tin nào là quan trọng, không quan trọng, bởi lẽ có thể đối với một lĩnh vực thông tin nào đó, với một bộ phận công chúng này sẽ không quan tâm nhưng với bộ phận công chúng khác lại đang rất quan tâm. Chính vì vậy, để nâng cao số lượng và chất lượng tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, mỗi PV, BTV cần nỗ lực ở mức cao nhất để đáp ứng thông tin chứ không nên chỉ tư duy đơn giản và cứng nhắc là "vấn đề này cần, vấn đề kia không".

 

Am hiểu và có lập trường tư tưởng vững vàng

đối với đội ngũ BTV khi được giao trách nhiệm biên tập, xử lý các tin, bài thuộc tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch cần có lập trường tư tưởng vững vàng, am hiểu vấn đề mà thông tin đề cập. Nói một cách cụ thể, mỗi BTV phải góp phần làm cho thông tin trở nên "sáng, sắc, sâu và chuẩn xác hơn".

Yêu cầu nêu trên đòi hỏi công tác biên tập, hiệu đính đối với các tin, bài thuộc tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch phải đặc biệt cẩn trọng, BTV phải thường xuyên nâng cao, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và giữ vững bản lĩnh chính trị để khi biên tập tin, bài "nhạy cảm" này được chính xác, rõ ràng, khách quan và chân thực nhất; phải cẩn trọng, cân nhắc từng từ ngữ sao cho phù hợp, phản ánh đúng bản chất sự kiện, đáp ứng sự quan tâm, mong mỏi của công chúng.

 

Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích PV, BTV

Giải pháp này dù không phải là yếu tố quyết định việc nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến thông tin song lại có vai trò hỗ trợ, động viên, khuyến khích mỗi PV, BTV trong quá trình tác nghiệp, phấn đấu vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng thông tin, giữ vững vị thế, vai trò của cơ quan TTXVN.

Về cơ chế, chính sách, tùy theo từng thời điểm, từng địa bàn tác nghiệp, các cấp quản lý nên có những sự hỗ trợ, những cơ chế ghi nhận sự nỗ lực của PV, BTV một cách phù hợp, kịp thời, kể cả việc quyết định khen thưởng đột xuất.

Các cơ chế, chính sách cần cụ thể hóa việc khuyến khích, khen thưởng nếu PV, BTV hoàn thành tốt nhiệm vụ đi đôi với chế tài kỷ luật, trừ điểm định mức... với những cá nhân hoặc tập thể không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2016