Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Những dòng sông hội tụ


(08/01/2024 10:07:40)

Diễn đàn văn hóa sông Trường Giang (Dương Tử) diễn ra trong hai ngày 24-25/11/2023 tại Trung tâm hội nghị quốc tế sông Dương Tử, TP. Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tân Hoa xã và tỉnh Giang Tô phối hợp tổ chức. Tại đây, Phó trưởng phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt, Ban biên tập tin Thế giới Trần Lê Anh đã có dịp được tiếp xúc, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như được giới thiệu, quảng bá Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đến với bạn bè quốc tế.

Phóng viên Trần Lê Anh tham quan thành phố Nam Kinh trong dịp dự diễn đàn văn hóa sông Trường Giang, tháng 11/2023

1. Với chủ đề “Những dòng sông hội tụ vì một tương lai bền vững”, diễn đàn tập trung thảo luận về con đường phát triển bền vững của các con sông lớn; cùng phát huy các giá trị chung của nhân loại; những cơ hội và thách thức đối với văn hóa, sinh thái, kinh tế và truyền thông về sông ngòi mà các đô thị ở lưu vực sông phải đối mặt; hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển di sản ven sông trong bối cảnh toàn cầu hóa; thúc đẩy phát triển bền vững các thành phố ven sông lấy văn hóa làm trung tâm, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái của các con sông.
 
Ban tổ chức diễn đàn văn hóa sông Trường Giang đã khéo léo lồng ghép các hình ảnh, bài viết, tham luận nhằm tuyên truyền, quảng bá đất nước, con người và văn hóa Trung Quốc đến bạn bè quốc tế. Đó là hình ảnh sông Trường Giang dài hơn 6.300km, con sông dài nhất châu Á và thứ ba thế giới, chảy qua 10 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Đó cũng là hình ảnh Nam Kinh, cố đô duy nhất trong 4 cố đô của Trung Quốc nằm bên sông Trường Giang và là thành phố trung tâm quan trọng của vùng hạ lưu sông Trường Giang. Nam Kinh với hàng loạt thành tựu văn hóa hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại đã trở thành sợi dây kết nối Trung Quốc với phương Tây, tạo nên những biểu tượng văn hóa đặc sắc, phản ánh di sản lịch sử và thể hiện nền văn minh Trung Hoa.
 
Diễn đàn với sự tham dự của gần 400 khách mời bao gồm: đại diện UNESCO, lãnh đạo tỉnh Giang Tô và TP. Nam Kinh, lãnh đạo Tân Hoa xã, đại diện đại sứ quán và lãnh sự quán các nước, đại diện các thành phố ven biển thế giới, các tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bảo vệ di sản, các chuyên gia, học giả, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí của hơn 20 nước.
 
2. Mặc dù lượng khách lớn song khâu tổ chức của Tân Hoa xã vẫn rất chu đáo và để lại nhiều ấn tượng tốt. Ngay từ khi nhận được thông tin phóng viên quốc tế tham dự diễn đàn, Ban tổ chức đã cử phóng viên của Tân Hoa xã liên lạc với từng phóng viên để đặt vé máy bay; sắp xếp lịch trình đưa đón sân bay; sắp xếp chỗ ở khách sạn, chỗ ngồi trong hội nghị, hướng dẫn vào khu vực ăn uống dành cho đại diện các tổ chức quốc tế và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, thậm chí có khu dành riêng cho người ăn chay. Tất cả đều diễn ra rất gọn gàng và chuyên nghiệp.
 
Các phóng viên CQTT của Tân Hoa xã ở các địa phương gần Nam Kinh như: Bắc Kinh, Thượng Hải… đều có mặt để phối hợp tổ chức. Ngay khi xuống sân bay, mỗi phóng viên quốc tế được cấp một thiết bị phát wifi 4G để tiện liên lạc hoặc phát tin, bài. Mỗi phóng viên của Tân Hoa xã phụ trách một nhóm phóng viên của từng khu vực trên thế giới. Họ chủ động cung cấp tài liệu, hình ảnh của diễn đàn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các phóng viên nước ngoài khi tác nghiệp tại hiện trường.
 
3. Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều 24/11, diễn đàn truyền thông quốc tế về nền văn minh sông lớn của thế giới đã diễn ra với sự tham dự của hơn 20 đại diện các hãng thông tấn, các cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế cùng nhiều phóng viên các cơ quan báo chí lớn của Trung Quốc, với mục đích tạo nền tảng để báo chí quốc tế hiểu rõ hơn vai trò quan trọng và sự phát triển bền vững của các dòng sông; tác động sâu sắc của công cuộc công nghiệp hóa đến nguồn nước. Qua đó, cùng cộng đồng quốc tế truyền thông giúp người dân hiểu, tham gia bảo vệ, kế thừa và phát huy văn hóa sông lớn, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tăng cường trách nhiệm toàn cầu, cùng chung tay giải quyết các vấn đề như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học và phá huỷ các di sản văn hoá ven sông…
 
Ngày 25/11/2023, Tân Hoa xã đã tổ chức cho đoàn phóng viên quốc tế đi tham quan một số địa danh nổi tiếng ở Nam Kinh gắn liền với con sông Trường Giang với mong muốn các phóng viên sẽ là cầu nối để các nước cùng đối thoại và trao đổi về văn minh sông lớn, hội nhập và gắn kết.
 
Mặc dù chuyến tham quan chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng các phóng viên quốc tế đã có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi tác nghiệp tại nước ngoài và hiểu hơn về công việc của nhau. Tôi cũng tranh thủ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thông tin của TTXVN tới các đồng nghiệp quốc tế để họ hiểu rõ hơn về cơ quan Thông tấn quốc gia của Việt Nam.
 
Chuyến công tác đã giúp tôi có được những trải nghiệm thú vị, học được kỹ năng tổ chức sự kiện, quảng bá du lịch cũng như cách thức tác nghiệp của các phóng viên quốc tế./.

Trần Lê Anh
Nội san Thông tấn số 12/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuyến đi nhiều cảm xúc (04/04/2022 16:46:48)

Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử (30/08/2021 17:09:32)

Trường Sa - Một mùa Xuân mới đang về (09/02/2021 09:30:38)

Đồng hành với người dân vùng hạn mặn Cà Mau (01/06/2020 16:01:09)

Giữa “chảo lửa” Ninh Thuận mùa khô 2020 (29/04/2020 11:01:20)

Vụ 39 nạn nhân Việt Nam thiệt mạng tại Anh: Chủ động thông tin & phối hợp ăn ý với các đơn vị (04/12/2019 08:48:05)

Tác nghiệp nơi nắng gió Phan Rang (01/10/2019 10:17:43)

Đam mê là động lực lớn nhất (01/10/2019 10:12:50)

Phong trào "Áo vàng" - Nơi báo chí không được chào đón (02/01/2019 16:31:16)

Những kinh nghiệm không muốn dùng lại (04/12/2018 11:16:09)