Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Người tốt việc tốt

Những người làm công việc thầm lặng


(11/08/2009 09:13:16)

Mọi hoạt động quản lý hành chính đều liên quan tới văn bản, giấy tờ và bởi vậy bất kỳ ở đâu, bộ phận văn thư và lưu trữ cũng được coi là cửa ngõ của cơ quan. Cần mẫn như những con ong, bao năm nay nhân viên văn thư - lưu trữ TTXVN góp phần không nhỏ trong hoạt động của cỗ máy Tông tấn.

            A lô chị ơi, Ban em thiếu một tờ Tuổi trẻ?".  Lại nhầm rồi! Đấy là lẽ thường tình thôi vì làm sao tránh được khi chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, nhân viên văn thư phải chia tới hơn 300 tờ báo các loại, đó là chưa kể hơn 200 tờ đã được cánh giao liên chia trước đó từ 6 giờ 45 phút hàng ngày để Ban lãnh đạo cơ quan, Ban Thư ký biên tập và một số Ban biên tập kịp thời điểm báo ngay đầu giờ làm việc, phục vụ công tác chỉ đạo thông tin của ngành. Một ngày mới đôi khi bắt đầu bằng là những câu hỏi thoảng qua vậy đó.

            Đúng 7 giờ 15 phút, trong căn phòng rộng hơn 40m2 như một xuởng in thu nhỏ, tiếng máy in, máy photocopy đều đều lần lượt cho ra lò những trang tin Tóm tắt tình hình trong nước và quốc tế đầu tiên cung cấp thông tin mới nhất cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước và một số bộ, ngành... ngay trong buổi sáng làm việc. Góc này thì in ấn, góc kia những bàn tay thoăn thoắt chia trang (anh em trong đơn vị quen gọi là bốc), rồi dập ghim, gấp bản tin để thành phẩm cuối cùng là những chiếc phong bì vuông vắn với đầy đủ tên người nhận, địa chỉ của họ.

            Trong khi đó, anh em "giao liên" khẩn trương phân loại bì theo bộ, ngành, địa chỉ, khu vực để đảm bảo chuyển giao kịp thời và chính xác hơn 400 bản tin sáng và chiều tới gần 70 địa chỉ khu vực Hà Nội. Có những địa chỉ dù chỉ với 01 bản tin, lại nằm trong ngóc ngách, xa trung tâm, vậy mà dù trời mưa to hay nắng gắt bản tin vẫn phải đến tay người nhận kịp thời vì nếu không lại nhận được lời trách "TTXVN đấy à? Cô ơi sao giờ này tôi chưa có tin?". Họ đâu thông cảm vấn nạn "tắc đường" ở Hà Nội!

            Có những ngày bản tin ra chậm, để đảm bảo không ảnh hưởng tới tiến độ của giao liên, cả tập thể 15 con người đã xắn tay góp sức và bởi thế có thể nói không ngoa rằng phòng Văn thư-Lưu trữ là một trong rất ít đơn vị trong cơ quan  100% cán bộ nhân viên có mặt đúng giờ làm việc và dường như không có giờ nghỉ trưa.

            Bên ngoài "xưởng in" là "phòng đen"- tên được đồng chí Chánh Văn phòng "đặt" cho bộ phận Văn thư để chỉ khu vực "không phận sự miễn vào" vì là nơi lưu giữ toàn bộ văn bản, tài liệu từ các địa chỉ trong và ngoài cơ quan chuyển tới đã và chưa được "giải mã". Đầu giờ sáng, cô nhân viên văn thư mắt liếc văn bản, tay viết số, cập nhật vào máy, phân loại văn bản để kịp thời trình xin ý kiến chỉ đạo giải quyết công việc của lãnh đạo cơ quan và Văn phòng. Có lẽ bận rộn nhất là vào các buổi sáng thứ Hai và chiều thứ Sáu, văn bản đến dồn dập, nhân viên văn thư cắm cúi làm việc, ngẩng đầu lên kim giờ đồng hồ đã chỉ con số 10, lúc đó mới được uống ly nước đầu tiên của ngày làm việc. Có lúc đến 17 giờ 30’ chiều mà văn bản vẫn tới nên thói quen "đi sớm - về muộn" là lẽ thường tình của nhân viên văn thư vì phải xử lý hết văn bản mới yên tâm ra về.

            Góp phần không nhỏ vào việc xử lý văn bản kịp thời là các nhân viên truyền và quét văn bản, sao chụp theo sự chỉ đạo của cấp trên. Công nghệ thông tin đã giúp giải phóng phần nào sức lao động của con người, bởi từ ngày áp dụng chương trình "Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc", thời gian xử lý văn bản, tra cứu thông tin được rút ngắn đáng kể, và tiết kiệm cả giấy và mực in. Song, gặp khi có sự kiện "hỏa tốc" là cả phòng lại phải xúm vào, người thì in ấn, người đóng dấu, rồi thậm chí cả đơn vị phải làm "giao liên".

           

Đóng dấu, vào sổ lưu công văn đi và đến

Còn nhớ khi mới về nhận công tác tại Văn phòng, người viết bài này đã từng được khuyến cáo "làm văn phòng được khen thì ít mà lời chê thì nhiều đấy". Mà chuyện va chạm là điều dễ hiểu thôi bởi lẽ hàng ngày phải tiếp xúc với vài chục người thuộc đủ thành phần khác nhau, bỏ qua cái sai đôi khi lại làm vui lòng đồng nghiệp mà làm đúng lại nhận được thái độ khó chịu, thậm chí cả những lời "thách thức". Thôi thì thà "mất lòng trước hơn được lòng sau", miễn là phải làm đúng chức trách của mình. Để giải tỏa stress, nhiều khi anh chị em cùng nhau chia sẻ những câu chuyện tiếu lâm để cười tếu táo, và vì vậy nỗi buồn qua mau, niềm vui công việc lại đến.

            Thầm lặng hơn là những cán bộ lưu trữ. Nào ai biết được có một kho lưu trữ với biết bao tài liệu quý hiếm được dân lưu trữ gọi là "lưu trữ lịch sử" tỉ mỉ phân loại, sắp xếp, chỉnh lý để giữ lại những gì là tinh hoa - nhân chứng lịch sử cho sự hình thành và phát triển của cả một ngành?

            Ngược dòng thời gian vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, công tác lưu trữ dường như là con số 0, phần do chiến tranh, phần cũng do nhận thức của con người nên số tài liệu quý hiếm bị thất lạc rất nhiều. Thật may mắn, Ban lãnh đạo cơ quan đã sớm nhìn ra vấn đề để đi tới quyết định lấy ngày 13/11/1992 là ngày thành lập phòng Văn thư - Lưu trữ và từ đó kho lưu trữ ngày một phong phú hơn. Chỉ cần ngồi quan sát cách họ phân loại tài liệu cũng thấy số tiền phụ cấp "độc hại" theo chế độ của Nhà nước chẳng thấm vào đâu (132.000đ/tháng, tính trung bình mỗi ngày chỉ hơn 5.000đ) bởi họ phải hít đủ thứ nào mùi giấy mốc, mùi mực in và đôi khi cả côn trùng... Có thể nói hiện nay cơ quan đã có một kho lưu trữ tương đối hiện đại (dù diện tích còn khiêm tốn), đáp ứng tốt việc khai thác tài liệu của cán bộ, công nhân viên cũng như phục vụ những sự kiện lớn của cơ quan. Để kết thúc bài viết này, mời các bạn hãy thử một lần đặt chân tới phòng Văn thư - Lưu trữ thuộc Văn phòng TTXVN - tầng 1 trụ sở 79 Lý Thường Kiệt để thấy rõ không khí làm việc nơi đây. Cửa phòng Văn thư - Lưu trữ luôn rộng mở chào đón tất cả mọi người, nhưng trừ vào "phòng đen"!

Vân Thanh
Theo NSTT số 7/2009