Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Trường Sa - Một mùa Xuân mới đang về


(09/02/2021 09:30:38)

“Gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh” - dòng thông báo thường ngày hay nghe trên chương trình dự báo thời tiết vốn là cái gì đó thật xa xôi với một biên tập viên như tôi. Nhưng hành trình kéo dài 30 ngày từ đất liền đến Trường sa, bao gồm cả việc phải cách ly, đã cho tôi hiểu thế nào là “đạp sóng, đạp gió” để hoàn thành nhiệm vụ.

Mang Xuân đến nhà giàn. Ảnh Minh Đức, Ban biên tập Ảnh, chụp trong chuyến ra Trường Sa, tháng 1/2021

Một ngày như mọi ngày, sau ca trực đêm về là giấc ngủ bù cho lại sức. Khi ngủ dậy, nhận được thông báo của phòng qua Zalo về việc cử phóng viên đi Trường Sa, tôi vội đăng ký ngay, để được một lần ra nơi đầu sóng ngọn gió, được trải nghiệm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân đội ta và được thử thách chính bản thân mình. Không lâu sau khi đăng ký, lãnh đạo Ban, sau đó là cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hỏi tôi về các thông tin cá nhân liên quan. Đang loay hoay trả lời thì bỗng một câu hỏi khiến tôi đứng hình: “Em đi ngay được không, ngay ngày mai?”. Ngớ người ra một lúc, mọi thứ quá nhanh, sau vài phút trao đổi, tôi nhận lời và ngay lập tức chuẩn bị đồ đạc để “alo là lên đường”. Lịch thông báo mùng 10 lên tàu nhưng mùng 5 tôi đã phải có mặt ở vùng 4 Hải quân.
 
Cách ly
 
Khi tới quân cảng Cam Ranh, lý do của sự gấp gáp mới được sáng tỏ. Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, chỉ một số báo đài được phép tham gia đoàn công tác lần này. Vì liên quan tới dịch bệnh nên các phóng viên phải đi cách ly và kiểm tra tại viện Pasteur Nha Trang. Sau khi nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, tôi và Trần Thành Đạt, phóng viên Ban biên tập Ảnh cùng “team” VTV và Truyền hình Quốc phòng còn phải kiểm tra các chỉ số sức khỏe khác trước khi lên tàu.
 
Sau những ngày cách ly “có wifi và 3G” là tới giai đoạn “cách ly” thực sự. Ngày thực hiện nhiệm vụ đã tới! Với một biên tập viên lần đầu đi công tác biển đảo, tôi cảm thấy lo ngại khi không còn hệ thống thông tin liên lạc quen thuộc. Mọi liên hệ với đất liền chỉ từ chiếc sim Viettel mỗi khi tàu tới gần đảo nổi hoặc đảo chìm ngoài Trường Sa. May mắn thay, trong chuyến đi lần này có phóng viên Thành Đạt - người từng ra nhà giàn năm 2018. Anh đã chỉ cho tôi từ cách xây dựng kế hoạch, lên đề tài đến các kỹ năng “mềm” trên tàu, đặc biệt là khi bị say sóng.
 
Sau ba ngày lênh đênh trên biển, đảo đầu tiên đoàn chúng tôi tiếp cận là đảo Đá Lớn. Tuy nhiên, biển động dữ dội, không thể hạ xuồng vào đảo, đoàn công tác buộc phải thay đổi kế hoạch chuyển sang đảo nổi Sinh Tồn. Tôi lo lắng không biết 16 ngày tới sẽ như thế nào. Liệu mọi thứ có suôn sẻ không?
 
Phóng viên Trần Quang Vinh, Ban biên tập tin Trong nước TTXVN, phỏng vấn các chiến sỹ tại trạm rada 590, Côn Đảo, tháng 1/2021

Trải nghiệm không quên
 
Đó là một sự trùng hợp khó tả! Đảo đầu tiên mà đoàn công tác đến và lên được là Sinh Tồn - cái tên làm tôi rất ấn tượng. Từ ngoài tàu nhìn vào, Sinh Tồn được bao quanh bởi hệ sinh thái biển rất đặc biệt. Đặt chân lên xã đảo Sinh Tồn, cảm nhận đầu tiên là mọi thứ rất khang trang, từ những con đường được trải bê tông sạch sẽ đến dãy nhà công vụ được xây dựng kiên cố, tô điểm bằng những hàng cây xanh đặc trưng của Trường Sa như bàng vuông, phong ba, bão táp, tra… tỏa bóng mát rượi. Trên đảo có đủ cả trường học, nhà văn hoá, chùa và bệnh xá. Ngắm nhìn một lượt, tôi và Đạt bắt tay ngay vào triển khai các công việc đã dự kiến.
 
Điều dễ nhận thấy là cán bộ, chiến sỹ và người dân rất quan tâm theo dõi Đại hội lần thứ XIII của Đảng qua hệ thống thông tin tuyên truyền. Mỗi tối, mọi người ngồi tập trung trước ti vi, đón chờ bản tin thời sự 19 giờ để cập nhật diễn biến các phiên làm việc cũng như thảo luận về nội dung trong chương trình nghị sự. Trên những trục đường chính, dãy nhà công vụ treo những tấm áp phích rực rỡ chào mừng sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: “Chúng tôi thông tin đầy đủ các nội dung của Đại hội XIII đến quân dân trên đảo, cũng như tạo điều kiện để mọi người có thể theo dõi sự kiện này qua hệ thống báo đài và các buổi sinh hoạt chính trị”.
 
Cứ thế, tại các đảo chìm khác như Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Đá Lớn, công việc của tôi và Đạt diễn ra suôn sẻ khi nhận được sự hỗ trợ từ thủ trưởng đoàn công tác, thuỷ thủ đoàn tàu KN-490 cũng như cán bộ, chiến sỹ và người dân tại các đảo. Nhắc tới đây, tôi lại nhớ tới lời của Đại tá Lê Đình Hải, Trưởng đoàn công tác: “Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp nên đoàn công tác không có nhiều anh em phóng viên. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn về thời tiết và số lượng đảo phải ra vào liên tục, mong hai đồng chí phóng viên của TTXVN đi hết các đảo. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, việc các đồng chí lên đảo cũng thể hiện sự quan tâm, động viên cho anh em đang làm việc nơi đây”.
 
Phóng viên Trần Thành Đạt, Ban biên tập Ảnh TTXVN và Nguyễn Anh Hiển, Ban biên tập tin Thế giới TTXVN, tạo chân máy thực hiện dẫn hiện trường tại đảo Cô Lin, tháng 1/2021

Lời nói vừa là sự nhắn nhủ, vừa là giao nhiệm vụ của anh giúp chúng tôi có thêm động lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn trong di chuyển và sức khoẻ, để lên tổng cộng 8 điểm đảo trong hải trình kéo dài 19 ngày. Vì vậy, dù là đảo lớn hay đảo chìm, hai anh em cũng luôn sẵn sàng xuống xuồng vào đảo để chụp hình, ghi âm phỏng vấn các cán bộ chiến sỹ đang công tác tại các đảo của Trường Sa.
 
Kết thúc hải trình với nhiều kỷ niệm khó quên, như lần ngồi đàn hát trên đảo Tiên Nữ hay buổi tham gia tăng gia sản xuất cùng cán bộ chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn Đông. Một chuyến đi để hiểu hơn về tình quân dân, về những hy sinh thầm lặng của cán bộ chiến sỹ đang công tác trên đảo, về nghị lực của con người. Một mùa Xuân mới đang về với Trường Sa, chúc các anh luôn chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc .

Anh Hiển
Nội san Thông tấn số Xuân 2021