Thứ bảy, ngày 27/07/2024

Tin trong ngành

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt V: Tiêu chí nào cho giải thưởng


(08/11/2016 15:26:58)

Tác phẩm “Nghẹn ngào đón mừng chiến sĩ thắng lợi trở về (Quảng Trị 1973)” trong bộ ảnh Ký ức chiến tranh của nhà báo Chu Chí Thành được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012


1. Như Nội san Thông tấn số tháng 9/2016 chúng tôi đã phân tích, bộ ảnh Những tấm ảnh để lại của nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng là tác phẩm đặc biệt xuất sắc. Cả năm bức ảnh đều thể hiện rõ sức chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, nêu cao tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam. Những tấm ảnh chụp những con người thật, việc thật trong những năm chiến tranh chống Mỹ, không chỉ có sức thuyết phục người đương thời mà còn ảnh hưởng tích cực, lâu bền và sâu sắc tới các thế hệ mai sau. 
Đây là đặc điểm ưu việt của kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh mà các nhà nghiên cứu gọi là tính tài liệu của ảnh. Nhờ có đặc tính này, những tác phẩm do các nhiếp ảnh gia Lương Nghĩa Dũng, Hứa kiểm, Lâm Tấn Tài chụp cách đây trên dưới nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn sức sống, được Hội đồng cấp Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.
Một số ý kiến cho rằng, những bức ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước hầu hết có nguồn gốc từ ảnh báo chí với đối tượng là con người, là sự kiện, sự việc trong xã hội; sử dụng phương pháp phóng sự ghi thực và tác giả là các nhà báo. Như vậy sao có thể gọi là ảnh nghệ thuật? Ảnh nghệ thuật, theo quan điểm này là ảnh phong cảnh, chân dung, kiến trúc, sinh hoạt… có thể được dàn dựng, hậu kỳ chụp có thể sử dụng kỹ xảo, bố cục lại hình ảnh, chắp ghép, bỏ phần này, lấy phần kia v.v… 
Quan niệm như vậy mới bao hàm một phần nhỏ của ảnh nghệ thuật và đã tự bó hẹp phạm vi ảnh nghệ thuật, xa rời đặc thù nhiếp ảnh, đánh mất thế mạnh của nhiếp ảnh. Đi sâu tìm hiểu, loại trừ những tấm ảnh dùng kỹ xảo, thì có gì khác nhau giữa ảnh đăng báo và không đăng báo khi nhà nhiếp ảnh chụp một con người, một sự kiện, một công trình kiến trúc, một phong cảnh cụ thể? Câu trả lời là hoàn toàn không. Vì sự hình thành những bức ảnh ấy vẫn vận hành trong nguyên lý tạo hình nhiếp ảnh và ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật nhiếp ảnh. Còn bức ảnh cụ thể đó có chất lượng cao hay không, được in báo hay không, đáp ứng được yêu cầu ảnh nghệ thuật hay không, lại là một chuyện khác.

Tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của tác giả Lê Minh Trường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007
Tác phẩm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của tác giả Lê Minh Trường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007

2. Lần này, lĩnh vực nhiếp ảnh có 37 tác giả đăng ký Giải thưởng Nhà nước, một tác giả đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tại vòng 1, Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu đồng ý đưa 11 tác giả vào diện đề cử Giải thưởng Nhà nước, một tác giả vào diện Giải thưởng Hồ Chí Minh để chuyển lên Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước. Tại vòng 2, Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước bỏ phiếu 8 tác giả đề cử Giải thưởng Nhà nước, một tác giả vào diện Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tại vòng 3, Hội đồng cấp nhà nước bỏ phiếu bốn tác giả đề cử Giải thưởng Nhà nước và một tác giả đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. 
Đáng chú ý tại vòng 2, Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước với 13/15 thành viên đã bỏ phiếu thuận cho bộ ảnh của Nguyễn Đặng, đạt 88,67% và chỉ cần một phiếu nữa là đủ tỷ lệ vào vòng 3. Cụm tác phẩm của Nguyễn Đặng gồm năm ảnh: Dân quân Tây Ninh tải đạn ra mặt trận; Vượt sông; Tiến quân về Sài Gòn; Tập trung hàng chuyển ra tiền tuyến; Nhân dân Đồng Tháp Mười tải đạn phục vụ chiến dịch. Bộ ảnh được cho là thiếu sự cô đọng về nội dung và thiếu nhất quán về thể loại ảnh. 

Cũng phải thông cảm rằng, Nguyễn Đặng mất cách đây 10 năm, gia đình ông không có những người theo nghề nhiếp ảnh báo chí và nghệ thuật. Hơn nữa lại không biết toàn bộ ảnh của ông đã chụp trong chiến tranh, hầu hết phim ảnh đều lưu trong kho tư liệu ảnh TTXVN, khiến việc chọn ảnh có những thiếu sót đáng tiếc. Bình thường với ảnh đơn, chỉ chọn mỗi lĩnh vực một ảnh trội nhất, tiêu biểu nhất để khẳng định giá trị riêng của từng tác phẩm. Nhưng ở đây, bốn ảnh trong cụm này cùng chung một đề tài và một chủ đề (tải đạn), hình thức lại gần giống nhau, chất lượng ảnh sàn sàn như nhau. Đương nhiên, các thành viên Hội đồng phải cân nhắc theo phương pháp loại trừ, bỏ đi ba ảnh để chọn lấy một, vô hình chung làm mất đi vị trí của những ảnh khác xứng đáng. Trong khi đó, nhiều ảnh chiến tranh tốt hơn của Nguyễn Đặng lại không có mặt trong cụm tác phẩm này!

Bộ ảnh của Xuân Liễu (Hội NSNAVN) và nhiều tác giả khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Người xem ảnh có thể đặt câu hỏi: Bộ ảnh của tác giả là cụm tác phẩm gồm năm ảnh có năm chủ đề riêng biệt, hay nó là một tác phẩm gồm năm ảnh liên kết với nhau dưới một chủ đề? Sự lấn cấn này nảy sinh từ khái niệm tác phẩm ảnh độc lập (ảnh đơn) và tác phẩm gồm nhiều ảnh (serie ảnh). Vì trong hồ sơ có người gửi năm ảnh dự giải coi là năm tác phẩm riêng biệt; có người gộp năm ảnh thành một tác phẩm như một phóng sự ảnh, một tài liệu ảnh hoặc một ký sự ảnh v.v…
Thực tế cho thấy, khá nhiều người còn lúng túng từ ý đồ lựa chọn, cách sắp xếp kết cấu thể loại ảnh, tới nội dung chung, cũng như nội dung riêng từng ảnh. Sự trục trặc đó cũng xuất hiện từ khâu chuẩn bị hồ sơ tới việc bình chọn của các Hội đồng. Trở lại với bộ ảnh của Nguyễn Đặng, gia đình ông coi năm ảnh này là năm tác phẩm riêng biệt. Hội đồng phải xét từng ảnh và kết quả của nó sẽ là năm điểm khác nhau, tức là mỗi ảnh sẽ có một số phiếu tán thành hoặc không tán thành riêng biệt. Nhưng khi bình chọn, có thành viên Hội đồng đã dùng một phiếu bỏ cho cả cụm tác phẩm vì coi nó là một tác phẩm. Theo cách bỏ phiếu này, nếu cụm tác phẩm “được” là được cả, mà “loại” là loại cả, cho nên không có một ảnh đơn nào trong số năm ảnh của Nguyễn Đặng được công bố số phiếu cụ thể!

3. Tôi thực sự hụt hẫng khi bức ảnh Cầu người của Phạm Văn Thính bị rớt với 26/28 phiếu thuận, đạt 89,3% tại Hội đồng cấp nhà nước. Như vậy là chỉ cần một phiếu nữa thì bức ảnh Cầu người vượt 90%, đủ số điểm xét Giải thưởng Nhà nước. Con số 0,7% tức là bảy phần nghìn thật nhỏ bé, vậy mà đủ thẩm quyền phủ quyết con số vượt trội gấp chín mươi lần! 
Tác phẩm “Cầu người” do phóng viên ảnh TTXVN Phạm Văn Thính chụp trong chiến dịch Tết Mậu Thân, năm 1968
Tác phẩm “Cầu người” do phóng viên ảnh TTXVN Phạm Văn Thính chụp trong chiến dịch Tết Mậu Thân, năm 1968

Phải chăng, theo người không bỏ phiếu thì nội dung ảnh Cầu người bình thường hay hình thức ảnh chưa đẹp? Chả nhẽ người cầm phiếu ấy coi hành động của đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) cùng nhau ngâm mình dưới nước làm trụ cầu để cáng thương binh qua suối trong cơn lũ không phải là sáng kiến, không phải là một hành động anh hùng nặng tình người? Chẳng nhẽ hình ảnh cô TNXP tươi trẻ lấy tấm vai tròn trĩnh của mình làm mố cầu nâng cánh tay đòn lát ván cầu không là một nét đẹp? Trong lúc dòng nước ngập đến vai ba người làm trụ cầu dưới suối thì trên sàn cầu nổi bật bước chân còn đẫm nước của các đồng đội cáng thương. Trên vai hai nữ TNXP là chiếc võng bạt màu sẫm trĩu nặng một thương binh, được che thân bằng miếng vải dù hoa màu sáng. Hai nữ cáng thương và một người dẫn đường bình tĩnh bước đi trên vai đồng đội để vượt qua từng đoạn cầu. Những nụ cười, những đôi mắt ở cuối cây cầu hướng về người cáng thương… Hình ảnh trung thực, cô đọng, toát lên tinh thần nhân văn ấm áp. 
Trong kho tàng ảnh kháng chiến chống ngoại xâm của ta và ảnh chiến tranh của nhiều nước trên thế giới có những bức ảnh nhân văn cảm động đáng trân trọng. Nhưng quả thực chưa thấy hình ảnh nào lạ lùng và đặc sắc như ảnh Cầu người. Đấy là câu chuyện hiếm có mà phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng Phạm Văn Thính bắt gặp tại suối Nhun, chiến khu D, Tây Ninh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi tiếng súng còn nổ ở phía sau, TNXP đưa thương binh về chiến khu điều trị thì gặp mưa lũ. Cầu không có, thuyền không có, các anh, các chị đã dùng ván cũ của nhà kho hậu cần, bắc trên vai, chuyển thương binh vượt suối về nơi an toàn để cứu chữa. Sự việc bình dị, hình ảnh đẹp mộc mạc, hàm chứa một ý nghĩa lớn lao. 
Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dịp nhà nước tuyên dương công trạng lực lượng TNXP, bức ảnh ấy được báo Nhân Dân giới thiệu. Bảo tàng Phụ nữ TP.  Hồ Chí Minh trưng bày bức ảnh như một tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. 
Trên đây là những chuyện tản mạn bên lề việc xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt V- năm 2016. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại tài sản ảnh của TTXVN, từ đó cùng chia sẻ kinh nghiệm với hy vọng lần sau làm tốt hơn, có kết quả cao hơn./.

Theo Nội san thông tấn số 10/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội san Thông tấn số 10/2016) (08/11/2016 15:26:09)

Trung tâm Thông tin tư liệu: 20 năm trong dòng chảy Thông tấn (08/11/2016 09:59:40)

Le Courrier du Vietnam - điểm sáng của báo chí Pháp ngữ khu vực (08/11/2016 09:53:06)

Năm định hướng phát triển thông tin đồ họa  (07/11/2016 10:33:14)

Đoàn Thanh niên TTXVN đến với đồng bào vùng lũ huyện Hương Khê (24/10/2016 11:10:33)

TTXVN ủng hộ đồng bào miền Trung 310 triệu đồng (21/10/2016 15:36:27)

Ủng hộ đồng bào miền Trung khó khăn sau mưa lũ (21/10/2016 15:36:19)

TTXVN ký kết hợp tác truyền thông với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (19/10/2016 09:23:54)

Tổng hợp tin trong ngành (Theo Nội sanThông tấn số 9/2016) (13/10/2016 15:01:52)

Tăng cường phối hợp thông tin tuyên truyền giữa TTXVN và ba vùng chiến lược (13/10/2016 14:12:07)