Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Hoạt động nghiệp vụ

Báo chí dữ liệu: Hướng đi mới của tương lai


(03/10/2017 10:56:41)

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn và Liên chi hội nhà báo TTXVN phối hợp tổ chức lớp tập huấn về báo chí dữ liệu cho 30 PV, BTV các báo điện tử, đơn vị thông tin trong ngành, nhằm cập nhật xu hướng mới của báo chí hiện đại, từ ý tưởng thể hiện đến quy trình sản xuất cùng kinh nghiệm xử lý dữ liệu. Nội san Thông tấn giới thiệu bài viết của nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Nhà báo, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, về loại hình báo chí này.


Năm 2004, khi đang làm việc tại Ban biên tập tin Đối ngoại, tôi được cán bộ Trung tâm Kỹ thuật thông tấn giới thiệu một sản phẩm được gọi là “thông tin đồ họa” của đối tác AFP. Họ cung cấp cho cơ quan miễn phí một năm, nhưng đã qua 6 tháng mà chưa có ai sử dụng. Tôi xin thử nghiệm, biên dịch rồi đưa lên website vnanet.vn. Cái duyên đến với báo chí dữ liệu bắt đầu từ đó.
 
Tất nhiên báo chí dữ liệu (data journalism) là một khái niệm lớn hơn nhiều, thông tin đồ họa chỉ là một phần nhỏ. Kể lại để thấy rằng chúng tôi đã “chạm” vào loại hình báo chí này từ khá sớm, khi báo chí Việt Nam mới dừng ở mức độ vẽ hình minh họa cho các bài viết trên báo in. Sau chuyến tham quan học hỏi ngắn ngày tại công ty Graphic News ở London, tôi xin phép Ban lãnh đạo cơ quan và Ban biên tập tin Đối ngoại tuyển dụng hai nhân viên thiết kế đồ họa để chính thức tham gia vào lĩnh vực xa lạ này.
 


Năm 2010, VietnamPlus tiến thêm một bước là bắt tay với AFP để sản xuất thông tin đồ họa, tiếp đó là đồ họa tương tác về 5 giải bóng đá châu Âu (thậm chí đã có khả năng phân tích 5 trận đấu gần nhất để đưa ra dự đoán tỷ số) đến videographics. Từ giữa năm 2016, việc sản xuất thông tin đồ họa tương tác chuyển sang một hướng mới. Chỉ sau một khóa đào tạo, toàn bộ phóng viên, biên tập viên của VietnamPlus được làm quen với những công cụ tạo đồ họa tương tác online mà không cần có kỹ năng đồ họa, cũng không cần biết gì về ngôn ngữ lập trình. Tòa soạn đã cử một số phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm tham dự các lớp đào tạo về báo chí dữ liệu ở trong và ngoài nước với mục tiêu có những “data journalist” thực thụ. Phóng viên VietnamPlus không chỉ là “3 trong 1” (viết bài, chụp ảnh, quay video) mà còn phải biết làm đồ họa tương tác để bổ sung cho bài viết của mình.
 
Data Journalism là thể loại báo chí được nhắc đến nhiều trong hơn một thập niên trở lại đây. Người ta cho rằng, việc đưa tin với sự hỗ trợ của máy tính đã được sử dụng không chính thức trong nhiều thập niên nhưng cơ quan báo chí lớn đầu tiên được ghi nhận sử dụng loại hình báo chí này chính là tờ The Guardian của Anh với trang Datablog ra mắt vào tháng 3/2009. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc ai nghĩ ra thuật ngữ “báo chí dữ liệu” song nó bắt đầu được sử dụng nhiều kể từ khi các tài liệu về cuộc chiến ở Afghanistan được tiết lộ trên trang Wikileaks vào tháng 7/2010.
 
Một bài viết trên trang The Next Web ví von báo chí dữ liệu là cuộc hôn phối giữa khả năng “ngửi tin” của một phóng viên và tình yêu đối với việc phân tích dữ liệu của một nhà thống kê. Bằng cách phân tích các bộ dữ liệu khổng lồ, các “nhà báo dữ liệu” sử dụng dữ liệu để phơi bày sự thực và kể câu chuyện của họ. Điều đó có nghĩa là các nhà báo phải lục lọi hàng đống dữ liệu và nhờ đến các công cụ digital, để tìm ra những điểm bất thường thú vị biến nó thành tác phẩm báo chí.
 
Nói đến báo chí dữ liệu cũng là nói đến khái niệm “hình ảnh hóa” (visualisation) – thực chất là ám chỉ tới các biểu đồ. Dữ liệu và khả năng hình ảnh hóa kết hợp với việc phân tích báo chí và lối viết bài hấp dẫn sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn nhiều so với các bài báo thông thường. Báo chí dữ liệu tranh thủ sức mạnh của máy tính, các hình thức thể hiện dữ liệu digital cùng những công nghệ khác để trình bày dữ liệu theo cách thức lôi cuốn, hữu hiệu và nhanh chóng hơn cách đưa tin truyền thống.
 
Một ví dụ rõ ràng nhất của báo chí dữ liệu là vụ Panama Papers, với 11,5 triệu bản tài liệu và 2,6 TB dữ liệu. Các phóng viên đã phải sử dụng phần mềm đặc biệt để phân tích hồ sơ nhằm hỗ trợ cho các bài phóng sự điều tra của họ. Ngoài ra, có thể kể đến những dự án nổi bật khác như bài viết của Telegraph về chi tiêu của các nghị sỹ Quốc hội Anh, bài mô tả hiệu quả của vaccine bằng những hình ảnh trực quan trên Wall Street Journal, hay dự án “Build a New St. Louis” của tờ nhật báo khu vực St. Louis Post - Dispatch thách thức bạn đọc tái thiết khu vực này trong khi vẫn tiết kiệm ngân sách. Kể cả những dữ liệu bị phủ bụi nhiều năm cũng có thể trở nên hấp dẫn khi được tích hợp với bản đồ: Trang Shipmap.org theo dõi hoạt động của các tàu container đã cung cấp những thông tin vô cùng chi tiết.
 

Các chuyên gia cho rằng trong kỷ nguyên đầy rẫy tin giả trên Internet, nhất là trên các mạng xã hội như hiện nay, dữ liệu là thứ có thể giúp phân biệt những điều xảy ra thực tế và những điều hư cấu.
 
Ở Việt Nam, xu hướng báo chí dữ liệu đã nhen nhóm ở một số báo điện tử hoặc trang tin điện tử nhưng chưa có nhiều sản phẩm. Sử dụng công cụ online và áp dụng trên quy mô toàn tòa soạn với tất cả các phóng viên, biên tập viên trong việc sản xuất các nội dung báo chí dữ liệu và tiến tới sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn chính là một hướng đi mới của VietnamPlus.
 
* Các công cụ hỗ trợ trình bày báo chí dữ liệu:
- Bảng tính (spreadsheet)

- Công cụ hình ảnh hóa (visualization tools)

- Phần mềm mapping: Google Fusion, Tableau Public, QGIS, PostGIS, SpatiaLite

- Ngôn ngữ lập trình: SQL, PHP, Perl, Python, Ruby

- Công cụ phân tích tài liệu: Document Cloud, Jigsaw

- Sử dụng các phần mềm làm đồ họa tĩnh: Adobe Illustrator, Adobe Photoshop

- Lập trình Flash và HTML5 để tạo đồ họa tương tác

- Các công cụ web-based hoặc có thể tải về thiết bị Mobile apps 

- Visme: Được gọi là ‘con dao Thụy Sỹ để sản xuất nội dung visual. Tạo ra sản phẩm đồ họa chuyên nghiệp, các bài thuyết trình tương tác, banner, biểu đồ.

* Một số phần mềm trực tuyến miễn phí: 
- Visual.ly: Là nền tảng sáng tạo infographic, vừa là cộng đồng chia sẻ sản phẩm trên mạng Internet, theo dõi điều gì đang là xu hướng, những hình ảnh đẹp được website này lựa chọn và những hình được người dùng yêu thích. 

- Piktochart: Có thể tùy biến template về font chữ, icon, màu sắc và nhiều tính năng khác. Ngoài 9 template miễn phí, để truy cập thêm phải nâng cấp lên bản mất phí.

- Infogr.am: Có thể tạo pie charts, bar graphs, line và matrix graphs bằng cách tải thông tin ở dạng file Excel; công cụ tạo các loại biểu bảng tương tác. Có 6 templates miễn phí. 

- Easel.ly: Có giao diện người dùng thân thiện, dễ hiểu và gợi ý các thủ thuật trong quá trình sáng tạo. Templates được gọi là Themes (Visual Themes). 

- Creately: Công cụ hiệu quả để tạo ra các biểu đồ đẹp, có thể sử dụng mà không cần đăng ký.

- Vizualize.me: Là công cụ tạo sơ yếu lý lịch (resume) tương tác, kết nối với tài khoản LinkedIn để thu thập thông tin và tạo lập tự động.

- ChartsBin: Chuyên dành cho việc tạo charts và graphs, không cần biết về lập trình, chỉ cần gắn code lên website hoặc blog 

- Dipity: Tạo interactive timelines dựa theo thời gian xảy ra sự kiện. Gắn code sẵn lên website.

 
 

Theo Nội san thông tấn số 9/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: