Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Bốn mươi năm- Một danh hiệu


(07/02/2013 09:03:18)

Giở tập bản thảo đọc bài viết của một số phóng viên GP10. Nhiều hồi ức đẹp, nhiều kỷ niệm hay, có khá nhiều chuyện về cuộc sống của phóng viên ở chiến trường mà nhờ đọc mới được biết. Có điều, đọc tất cả các bài viết, không bài nào giải nghĩa vì sao có tên GP10. Cho đến nay đã có vài chục khóa đào tạo của Thông tấn xã. Chỉ nói riêng từ khóa 1 đến khóa 10 đã có bao nhiêu đồng chí được điều đi các chiến trường nhưng không khóa nào có tên GP. Đương nhiên anh em đều hiểu chữ GP là giải phóng và vì khóa 10 đào tạo phóng viên cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) cho nên việc đặt tên GP10 là điều dễ hiểu.

Suy nghĩ đó không sai, nhưng ý nghĩa sâu xa của GP10 thì chắc chắn anh em không hiểu được. Đối với họ, năm 2013 là vừa đúng 40 năm ngày họ rời Hà Nội vào chiến trường, nhưng đối với chúng tôi, nói 40 năm cũng được, nói 41, 42 năm cũng không sai.

Nhớ lại cuối năm 1971, Văn phòng Trung ương gọi đích danh lên gặp anh Lê Văn Lương. Vì sao lại gọi đích danh, tưởng cũng nên nhắc lại sự phân công của năm người lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã thời đó. Anh Đào Tùng làm Tổng biên tập, phụ trách chung và trực tiếp lo quan hệ quốc tế, có nhiệm vụ tranh thủ bạn bè để xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại tương ứng với kỹ thuật thông tấn quốc tế đồng thời phải có ít nhất một cơ sở kỹ thuật dự phòng (sau này ta có được ba cơ sở kỹ thuật tương đương với các hãng châu Âu mà anh là người có công đầu), anh Đào Tùng trực tiếp phụ trách cơ sở dự bị 1: T6 (Hà Đông). Anh cũng là người hàng ngày trực tiếp làm việc với Chính phủ, anh Tố Hữu và Ban Tuyên huấn Trung ương. Anh Trần Thanh Xuân phụ trách mảng tin thế giới, các phân xã nước ngoài và phụ trách cơ sở dự bị 2: T7 (Hòa Bình). Anh Lê Chân phụ trách mảng tin đối ngoại và khi có Hội nghị Paris, anh trực tiếp chỉ đạo thông tin về hội nghị và trong tình huống chiến tranh mở rộng, anh sẽ trực tiếp phụ trách cơ sở dự bị 3: T8 (Tuyên Quang). Anh Hoàng Tư Trai phụ trách tài chính, hậu cần đời sống cán bộ, vừa lo xây dựng Tổng xã vừa lo xây dựng các cơ sở dự bị. Có lẽ trong năm anh em, anh Hoàng Tư Trai vất vả hơn cả, phải lo chạy công việc với nhiều ngành và địa phương. Đỗ Phượng lo xây dựng Đảng và công tác tổ chức cán bộ, phụ trách các phòng tin miền Bắc, tin miền Nam, phân xã nhiếp ảnh, phòng thông tấn quân sự, phòng thư ký biên tập, các phòng B, C, K, mạng lưới phân xã miền Bắc và các cơ sở TTXGP.

Các PV GP10 vĩnh biệt hai bạn cùng khóa : Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh, cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết), hy sinh trên đường ra chiến trường

Nhân viết về GP10, nhắc lại sự phân công này để anh em rõ vì sao cả năm người đều chung lo cho GP10, cùng giảng bài cho lớp học. Riêng Đỗ Phượng lại được gọi lên gặp Thường trực Ban Bí thư.

Trở lại cuộc làm việc với anh Lê Văn Lương, Thường trực Ban Bí thư. Cuộc làm việc kéo dài, bởi anh Lương hỏi rất kỹ về lực lượng cán bộ, phóng viên, thiết bị thông tin của toàn ngành ở cả miền Bắc và miền Nam, không chỉ hiện tại mà cả kinh nghiệm bố trí lực lượng mùa xuân 1968, lực lượng phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào và khả năng đảm đương nhiệm vụ ở các chiến trường và cả miền Bắc trong năm 1972 mà anh dự báo sẽ rất quyết liệt. Trong năm 1972, ta quyết định chiến đấu trên tất cả các mặt trận, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt mặt trận Trị Thiên, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Anh nói thêm: Thông tấn xã đã thực sự trở thành cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước theo đúng lời dạy của Bác Hồ từ năm 1965. Ban Bí thư nhất trí công nhận VNTTX đã phấn đấu trở thành cơ quan thông tin chiến lược đáng tin cậy từ những năm 1967 - 1969 và nay đã có thể bỏ chữ đáng để trở thành cơ quan thông tin chiến lược tin cậy.

Hôm nay, các anh Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu nhất trí phân công tôi mời anh lên để bàn nhiệm vụ có tính chiến lược cho năm 1973 và những năm sau theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đề nghị của Trung ương Cục miền Nam.

Ngoài công việc thường xuyên, năm 1972, các anh phải tập trung đào tạo lực lượng phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên và chuẩn bị cơ sở kỹ thuật hiện đại cho TTXGP B2, B1 và cả B3, B5, chậm nhất trong quý I năm 1973 phải lên đường. Anh Nguyễn Duy Trinh đã chỉ thị cho các trường Đại học ưu tiên phân phối sinh viên tốt nghiệp loại ưu tú, đủ sức khỏe, tư cách và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho VNTTX. Các anh đến các trường chọn người và tập trung đào tạo nghiệp vụ. Trung ương Cục cũng yêu cầu cử một lãnh đạo mà cụ thể là anh vào thay anh Vũ Linh đã được giao nhiệm vụ khác nhưng anh Ba (Lê Duẩn) nói, người cụ thể cần xem xét thêm sau. Khu ủy V cũng đề nghị điều động anh Đinh Ngọc Hường vào phụ trách TTX Khu 5.

Về người lãnh đạo, ta còn thời gian xem xét. Lúc này lãnh đạo VNTTX phải coi nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo phóng viên và kỹ thuật viên là nhiệm vụ ưu tiên đột xuất phải hoàn thành trong năm 1972.

Chỉ vài tuần sau, chị Lê Thị Sáu, chuyên trách lo cán bộ cho miền Nam cùng các đồng chí phụ trách tổ chức cán bộ và thư ký biên tập, thông báo: Các trường đại học được biết việc cung cấp các sinh viên ưu tú với số lượng lớn cho TTXGP đều hết sức vui mừng như nhìn thấy sự nghiệp giải phóng miền Nam sắp hoàn thành. Vì vậy, trường nào cũng đáp ứng mọi yêu cầu của TTX. Các tổ công tác của TTX đã tập hợp được 1500 hồ sơ và sau khi xem xét đã trình lãnh đạo 300 hồ sơ để xét duyệt. Dự kiến chỉ tuyển dụng trên dưới 150 nên việc lựa chọn thực sự khó khăn. Họ đều là những sinh viên ưu tú, có học lực và tư cách tốt, tinh thần sẵn sàng đi chiến trường. Việc lựa chọn chỉ còn dựa vào hai yếu tố sức khỏe và gia đình (neo đơn hoặc có nhiều người tham gia quân đội). Cùng lúc, trung tâm kỹ thuật cũng đã hoàn thành việc lựa chọn trên dưới 100 thanh niên nam nữ để đào tạo điện báo viên và kỹ thuật viên, công nhân ảnh, điện cơ khí. Ít ngày sau, tại địa điểm sơ tán không quá xa Hà Nội, ba lớp phóng viên, điện báo và kỹ thuật khai giảng cùng thời gian.

Riêng về lớp phóng viên, mọi vấn đề về chương trình người giảng dạy, cán bộ giáo vụ và phương tiện cho phóng viên ảnh đều đã được chuẩn bị chu đáo. Về trách nhiệm đối với các lớp học này đương nhiên thuộc về Hoàng Tư Trai và Đỗ Phượng, nhưng riêng lớp phóng viên thì có hai vấn đề được bàn bạc nhiều lần trong ban lãnh đạo: Một là, có nên để tên lớp là Phóng viên khóa 10 như các khóa trước không? Kết luận của anh Đào Tùng: Vì đây là lớp đặc biệt được tổ chức theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đào tạo cho chiến trường nên cần đặt tên cho lớp học là GP10 (gọi tắt khóa phóng viên đặc biệt cho TTXGP). Vấn đề thứ hai là hiệu trưởng lớp sẽ là người bổ sung lãnh đạo cho TTXGP cùng một thời gian với anh chị em như chỉ đạo của Ban Bí thư. Cái khó ở điểm này là ý kiến của anh Năm Trần Thanh Xuân. Anh Xuân nói: "Thực ra anh Đỗ Phượng trẻ, khỏe, lại phụ trách miền Nam nên được Thường vụ Trung ương Cục chỉ định là đúng. Tuy nhiên, các anh đều biết tôi rời quê hương sang Pháp rồi về Việt Bắc, sau lại sang Pháp rồi trở về Hà Nội, chưa một lần được trở lại quê hương. Mấy năm nay vì phải đi đường bộ cả nửa năm trời, tôi tự lượng sức không chịu nổi, còn đi đường công khai thì sợ dễ bị lộ nên không dám đề nghị. Nay đã có thể đi ôtô nên đề nghị được trở về tham gia chiến đấu trong những năm cuối đời để giải phóng quê hương. Vì vậy, tôi xin được là hiệu trưởng lớp học, quen biết anh chị em, cùng anh chị em vào chiến trường".

Ai cũng tôn trọng và quý mến anh Trần Thanh Xuân cả về năng lực nghiệp vụ và đạo đức nhưng sở dĩ xưa nay không ai nghĩ đến việc cử anh vào chiến trường vì sức khỏe của anh. Tuy nhiên, không một ai nỡ nói lời không đồng tình với anh. Kết luận của anh Đào Tùng là: Ta cử anh Xuân làm hiệu trưởng lớp học, nhưng chỉ đến lớp khi cần, không phải ở lại tại chỗ, để anh ở Hà Nội lo chăm sóc sức khỏe, nếu đến đầu năm 1973, sức khỏe tốt hơn, chúng ta sẽ tổ chức chu đáo chuyến đi cho anh thỏa ước nguyện.

Là người ít nhiều có trách nhiệm và gắn bó với tất cả anh chị em của GP10, chỉ xin ghi lại đây vài cảm nghĩ. Một là, hàng chục lần điều quân ra chiến trường, có hai lần không bao giờ quên được: Cuộc ra quân lớn năm 1973, dẫu rằng có tai nạn hai lần đổ xe, hai người hy sinh ngay trên đường ra trận. Nhớ đến anh Thuyên ít nhưng luôn nhớ đến bé Oanh, cô gái Thái Nguyên trong diện ở lại, quyết tâm xin đi bằng được. Dẫu em chưa có được chỉ một dòng tin nhưng em vẫn xứng đáng là liệt sĩ nhà báo thông tấn. Đội quân đông đảo không chỉ làm phóng viên chiến trường mà sau ngày giải phóng miền Nam, họ còn là một lực lượng xung kích trên các tuyến công tác khác nhau của Thông tấn xã, không chỉ tin, ảnh mà cả trong quản lý. Rất thương tâm khi có một số anh chị em đã không còn có mặt trong năm thứ 40 này. Họ về cõi vĩnh hằng trong bệnh tật nhưng mầm mống bệnh tật không biết có bao nhiêu di hại của chất độc da cam, của sốt rét rừng, đói khát, gian truân trong thời chiến đã hủy hoại dần sức sống của họ.

Đối với chúng ta, họ đều là liệt sĩ của ngành thông tấn, đâu cần một giấy tờ chứng nhận nào. Xin mãi mãi nhớ đến họ.

Cuộc ra quân thứ hai chính là mùa xuân năm 1975. Tiếng pháo giòn giã báo tin đại thắng từ số 5 Lý Thường Kiệt thì cũng là lúc ở Tổng xã không còn một phóng viên, điện báo viên dự bị nào. Toàn ngành đã vào trận.

Các em GP10 đang còn có mặt trong năm thứ 40 này, xin được gọi tất cả là các em. Cảm ơn các em và gia đình các em đã có một thời góp phần xứng đáng tô thắm phẩm chất của cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và nhà nước ta.

Đỗ Phượng: Nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013