Thứ tư, ngày 04/12/2024

Nghiên cứu khoa học

Bước khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu khoa học


(25/02/2016 15:55:30)

8 ĐỀ TÀI ĐƯỢC NGHIỆM THU NĂM 2015

* Nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan thường trú trọng điểm ở trong nước của TTXVN.

* Đổi mới cách tiếp cận, truyền tải thông tin tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của TTXVN.

* Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hành các ấn phẩm báo, bản tin in của TTXVN trong bối cảnh hiện nay.

* Các giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch trên các sản phẩm báo chí TTXVN.

* TTXVN với công tác tuyên truyền về biển, đảo trong thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài.

* Giải pháp chuẩn hóa cách sử dụng danh từ riêng tiếng nước ngoài trong tin tức của TTXVN hiện nay.

* Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên, đáp ứng yêu cầu phát triển thông tin đa phương tiện giai đoạn 2015 - 2020.

* Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tôi không rõ TTXVN bắt đầu công tác nghiên cứu khoa học từ khi nào. Chỉ biết năm 1983, khi tôi về nhận công tác tại Ban Tổ chức cán bộ thì lúc đó TTXVN đã có Viện Thông tấn và có chức năng nghiên cứu khoa học ngoài công tác đào tạo bồi dưỡng. Tuy nhiên, chỉ sau ít năm, Viện Thông tấn giải thể để ra đời Phòng Đào tạo bồi dưỡng thuộc Ban Tổ chức cán bộ, sau này tách ra thành Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn và vẫn giữ lại nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhưng Trung tâm tập trung vào công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ là chính.

Mãi đến cuối năm 2009, đ/c Trần Mai Hưởng khi đó là Tổng giám đốc, đã quyết định thành lập Hội đồng Nghiên cứu phát triển TTXVN với chức năng chính là: "Tham mưu cho lãnh đạo TTXVN về những vấn đề khoa học phát triển ngành TTXVN trong từng giai đoạn, phù hợp với chủ trương phát triển thông tin của Việt Nam và xu hướng phát triển truyền thông, báo chí khu vực và quốc tế nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thông tấn Nhà nước" (theo Quyết định số 1122/QĐ-TTX ngày 30/12/2009), công tác nghiên cứu khoa học đã có một dấu mốc mới.

Hội đồng Nghiên cứu phát triển gồm các đồng chí trong Ban lãnh đạo cơ quan và hầu hết Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Một Hội đồng có lẽ có quy mô lớn nhất từ trước cho đến lúc đó, thậm chí là đến tận bây giờ. Hội đồng có một Tổ thư ký, cũng gồm các đồng chí cấp phó ban các đơn vị chủ chốt trong ngành.

Nghĩ lại thời gian chưa lâu đó mà không khỏi suy tư. Thực sự trong tất cả thành viên Hội đồng với từng ấy con người, có lẽ không nhiều người biết nghiên cứu khoa học là thế nào, kể cả tôi cũng vậy. Để Hội đồng đi vào hoạt động, tôi đã phải lặn lội sang mấy bộ ngành quen biết để tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của các Viện nghiên cứu, các Trung tâm Khoa học của họ để về vận dụng cho TTXVN. Bước đầu, Hội đồng cũng xác định được nội dung hoạt động, xây dựng được quy chế làm việc, thậm chí là đề xuất được 6 đề tài nghiên cứu khoa học - toàn là những vấn đề cấp thiết đối với ngành. Nhưng bắt đầu nghiên cứu thế nào, quy trình ra sao, lấy kinh phí ở đâu... lại là những bài toán chưa có lời giải.

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2016

* Nghiên cứu xây dựng một ban biên tập chuyên ngữ vững mạnh toàn diện của TTXVN, làm nền tảng cho tuyên truyền đối ngoại của cả nước

* Bộ hướng dẫn nghiệp vụ (style - guide) "Chuẩn hóa về phiên âm danh từ riêng tiếng nước ngoài trong tin tức của TTXVN"

* Xây dựng Bộ Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ ngành thông tấn           

* Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chỉ tiêu thống kê của TTXVN

* Nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm mô hình Cloud Computing cho hệ thống máy chủ của TTXVN

* Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng di động hỗ trợ tác nghiệp thông tin tại TTXVN

Thường trực Hội đồng phải mời "chuyên gia" từ Bộ Nội vụ sang, giảng cho các nội dung thế nào là đề tài nghiên cứu khoa học, cách phân biệt giữa đề tài và dự án, cách đặt tên đề tài, xây dựng nội dung chuyên đề... Học xong rồi mà học viên thấy vẫn "mù mờ". Lại loay hoay tìm hiểu, hỏi han tiếp. Sau rồi Hội đồng cũng bắt tay vào công tác nghiên cứu, phân công người chủ trì, người viết chuyên đề. Nhưng ai cũng bận công việc, vấn đề thì lớn, tiền không có, nên hết năm 2011 chỉ có một đề tài hoàn thành, còn lại đều dang dở. Bản thân tôi khi đó đang phải tham gia xây dựng Đề án về cơ chế tài chính cho TTXVN nên cũng không dành được nhiều thời gian để đôn đốc hoạt động này.

Cho đến những năm 2012, 2013, khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi, thông qua các mối quan hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ, được giao chủ trì một đề tài cấp quốc gia thì chúng tôi mới vỡ lẽ: Hóa ra Nhà nước có kinh phí để cấp cho các đề tài nghiên cứu khoa học, thậm chí có khá nhiều văn bản pháp luật quy định về các quy trình, thủ tục trong công tác này. Cũng qua đó, chúng tôi đã thiết lập được mối quan hệ với các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ để họ hướng dẫn làm thủ tục cho TTXVN được công nhận là một đầu mối nghiên cứu khoa học bằng ngân sách Nhà nước và cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành.

Lại thêm một thời gian tìm hiểu, học hỏi các đơn vị bạn, mời chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các quy trình, thủ tục lập dự toán kinh phí đề tài, cách xây dựng thuyết minh đề tài, các định mức chi tiêu... Mọi việc cứ sáng tỏ dần.

Năm 2013, Hội đồng bắt đầu triển khai việc thông báo tuyển chọn đề tài và lập dự toán kinh phí cho năm 2014 theo đúng quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính. Với những đề xuất vấn đề nghiên cứu do Hội đồng đưa ra, các đơn vị trong ngành hăm hở bắt tay vào việc đăng ký đề tài và làm thuyết minh đề tài. Kết quả thật không ngờ, 14 đề tài của 14 đơn vị được tuyển chọn trong năm đâu tiên. Tuy nhiên, sau một quá trình gian nan hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, bao gồm từ việc thành lập Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài, thẩm định kinh phí đến lập dự toán kinh phí gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả là TTXVN chỉ được cấp chưa đầy nửa kinh phí theo dự toán. Điều tiếc nhất là phải cắt đi gần một nửa số đề tài và để không phải bớt kinh phí, Hội đồng quyết định kéo dài thêm thời gian thực hiện cho 8 đề tài được chọn triển khai.

Cả tôi lẫn các anh chị em tham gia các đề tài đều không nghĩ rằng nghiên cứu khoa học lại "vất vả" đến thế. Cái khó nhất đối với dân thông tấn khi làm khoa học là không có thời gian để "nghiên cứu". Bởi công việc thông tin bận rộn hàng ngày, hàng giờ, trong khi hầu hết anh chị em tham gia viết chuyên đề đều là lãnh đạo hoặc cán bộ chủ chốt của các đơn vị. Tưởng rằng đã làm nghề viết lách thì viết chuyên đề chắc không khó, nhưng ai biết được nó đòi hỏi phải chiều sâu tư duy, kiến thức lý luận khoa học, một đầu óc tổng hợp, chứ không chỉ là những kinh nghiệm thực tế. Cái vất vả thứ hai mà mọi người không lường tới, đó là công tác thanh quyết toán với hàng đống chứng từ vô cùng chặt chẽ. Quả thật tiêu một đồng của Nhà nước không dễ chút nào!

Chán nản có, bực bội có, buông xuôi có, thậm chí "thề" không bao giờ làm nghiên cứu khoa học nữa cũng có. Đó là cảm xúc của không ít "nhà nghiên cứu sau khi tham gia những đề tài đầu tiên.

Tuy vậy, khó mấy cũng có thể vượt qua, miễn là có quyết tâm và có phương pháp. Cho đến hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, với 5/8 đề tài nghiên cứu khoa học triển khai năm 2014 được Hội đồng nghiệm thu cấp ngành (bao gồm cả những chuyên gia báo chí bên ngoài) đánh giá xuất sắc, còn lại đều đạt loại khá, thì hoạt động nghiên cứu khoa học của TTXVN năm đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi.

Bên cạnh những khó khăn, vất vả, điều mà tôi thấy hài lòng nhất, đó là có những anh chị em tâm sự rất thật rằng: Làm nghiên cứu khoa học giúp cho chúng tôi có dịp nhìn lại công việc của đơn vị mình, nói rộng ra là của toàn ngành để biết mình đang đứng ở đâu, sắp tới mình sẽ ra sao. Lâu nay, chúng ta cứ mải miết với tin, bài, với những công việc sự vụ hối hả mà không dành thời gian để lắng lại, để suy nghĩ về công việc, về tương lai của TTXVN nhiều hơn.
Với tôi, sau mỗi buổi họp nghiệm thu đề tài, được nghe những đánh giá, phân tích, bình luận của Hội đồng, được nhìn thấy nụ cười nở trên môi, nghe thấy tiếng vỗ tay phấn khích khi một đề tài được cho điểm xuất sắc... lại dâng trào bao cảm xúc. Mong sao kết quả hôm nay là khởi đầu cho công tác nghiên cứu khoa học được nhân rộng trong toàn ngành, nhất là lớp trẻ của TTXVN để hoạt động này sẽ còn được tiếp nối lâu dài và đem lại nhiều thành công hơn nữa.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: