Thứ bảy, ngày 04/05/2024

Đào tạo

Đôi điều suy ngẫm về công tác đào tạo bồi dưỡng của ngành ta


(19/12/2006 10:31:36)

Thực lòng muốn dự lễ khai trương chi nhánh Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ để nhớ lại cơ sở Châu Văn Tiếp thời 75 mà dường như muốn quan sát một cái gì mới, rất mới - cái những người lớn tuổi khó hình dung được.

Thời hội nhập, TTXVN và đội ngũ báo chí của ta sẽ phải làm gì và làm như thế nào?

Nhớ lại mấy chục năm trước, chỉ muốn hiểu rõ một khái niệm chứng khoán, cả buổi ngồi Thị trường chứng khoán Tokyo và thêm một buổi ngồi ở Thị trường chứng khoán NewYork, nghe chuyên gia giải thích cặn kẽ, vẫn như đi đêm giữa rừng! Vậy mà... Ngày nay (trong năm 2006 này), lại có biết bao loại hình báo chí, nào hình, nào mạng, có cả blog nữa chứ. Từ đó, có biết bao thể loại báo chí và biết bao nội dung, khái niệm mới xuất hiện mà nếu lớp người lớn tuổi có được gọi ra chủ trì hãng Thông tấn, một nghìn phần trăm là không điều hành nổi.

Như vậy, lẽ nào có thể xem nhẹ việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà báo đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ mới?

Không hiểu kể từ khóa I năm 1995 đến nay, TTXVN đã mở đến khóa thứ bao nhiêu? Mà không phải, dường như báo cáo tổng kết 50 năm của Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ TT đã không tính đến số lượng của các khóa đào tạo. Họ mở quá nhiều lớp dài ngày, ngắn ngày, tập trung và tại chức, mời người giảng, tự giảng hoặc hợp tác với các trường báo chí trong và ngoài nước. Họ không chỉ dạy nghiệp vụ, họ dạy lý luận Mác Lênin, họ dạy Luật, kinh tế thương mại, ngoại ngữ và cả phương thức phát hiện đề tài, tiếp cận đề tài, phản ánh đề tài bằng những cấu trúc, ngôn ngữ và phương tiện hiện đại. Vậy thì hà cớ gì lại phải giữ phương pháp tư duy số học của lớp người cũ.

Các học viên lớp 'Bồi dưỡng nghiệp vụ đưa tin, ảnh thể thao' thực hành tại Trung tâm báo chí liên hợp thể thao quốc gia. (Ảnh: PV).

Một điều thú vị là đã có hàng chục, hàng trăm lớp học kể từ năm 1955 đó mà TTXVN không quyết định thành lập trường đạo tạo chuyên ngành. Họ giải thích rằng, nếu thành lập trường sẽ không biết gọi là trường gì bởi vì tiêu chuẩn tuyển sinh và chương trình, thời gian của học quá linh hoạt. Đối tượng học có lúc chỉ là học sinh cấp II, III trải qua chiến đấu và công tác, có một chút năng khiếu viết lách; có khi chỉ là một cán bộ của hợp tác xã, một đội viên thanh niên xung phong, những người lái máy xúc ở mỏ than. Thời gian có lớp tính bằng tuần, có lớp tính bằng tháng, lại có lớp tính bằng năm. Những năm 60, 70, chỉ những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ở các trường mới được tuyển chọn. Và rồi càng về sau, tiêu chuẩn tuyển chọn nâng cao dần, có hai, ba bằng đại học và cả cao học, biết ngoại ngữ và sử dụng thành thạo máy vi tính. Hoàn toàn không phi logic khi có một nhận xét tổng quát rằng: không nhất thiết có học vị cao được đào tạo thì mới có những nhà báo giỏi. Nhiều nhà báo xuất sắc lại xuất thân từ học sinh cấp III. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bằng trình độ văn hoá thấp qua các lớp đào tạo của TTXVN có thể nhanh chóng thành thạo công việc. Trên thực tế, họ phải gian khổ hơn trong việc thu thập kiến thức, kể cả học tập tại chức, không ngừng tiếp nhận thông tin để nâng cao trình độ của mình. Ta có thể nhìn thấy ngay thông qua hai đồng chí Phó Tổng giám đốc đương nhiệm. Hà Minh Huệ học làm TTX, sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài trở về và Trần Mai Hưởng mới học xong lớp 10 phổ thông, học lớp ngắn hạn của TTX rồi lên đường vào chiến trường công tác. Đương nhiên, lúc này đây, Trần Mai Hưởng đã có ít nhất hai bằng đại học. So với Hà Minh Huệ, anh ta phải vất vả hơn nhiều bởi những năm tháng học tại chức. Rất khó trong so sánh hiện tại về trình độ học vấn giữa hai đồng chí này. Nhưng rõ ràng, cả hai đều đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và vẫn tiếp tục không ngừng nâng cao kiến thức để đảm nhiệm chức trách đang nhiều khó khăn và phức tạp hơn so với những cương vị công tác tương tự mấy chục năm trước.

            Viết miên man chuyện cũ, chuyện mới, chẳng qua chỉ để nhằm góp phần đạt tới một nhận thức chung về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói chung cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành TTX nói riêng.

            Phải chăng, từ thực tiễn hơn 50 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Thông tấn có thể đi tới mấy điều tâm đắc sau đây:

            Một là mục đích của mỗi khóa đào tạo, mỗi lớp huấn luyện cần được xác định rõ ràng. Mục đích không rõ không thể định được chương trình và thời gian phù hợp.

            Trong những năm chiến tranh, mỗi khóa đào tạo đều nhằm những mục đích rõ rằng. Có khóa đào tạo chỉ để phủ kín phóng viên ở tất cả các tỉnh, thành phố của miền Bắc. Có khóa chỉ nhằm bổ sung đội ngũ biên tập đối nội, đối ngoại, biên tập ảnh, tư liệu và đội ngũ kỹ thuật. Có nhiều khóa huấn luyện cấp tốc để đảm bảo cung cấp phóng viên, kỹ thuật viên cho chiến trường. Nhưng cũng nhằm phục vụ chiến trường, lại có những lớp đào tạo dài hạn chuẩn  bị tung vào chiến trường khi thời cơ thích hợp.

Khoá học ảnh báo chí do TTBDNVTT phối hợp với IMMF tổ chức (5/2005). (Ảnh: An Thành Đạt).

             Đích của những khóa huấn luyện trong thời gian chiến tranh, vì vậy, mà trở nên rất linh hoạt và đa dạng. Cùng một khóa, nhưng có nhiều lớp khác nhau, lớp phóng viên biên tập tiến hành song song với các lớp kỹ thuật, ngay cả các lớp kỹ thuật cũng lại có những yêu cầu khác nhau bởi chương trình khác nhau. Song song với việc đào tạo những điện báo viên theo kỹ thuật cũ (morse) và điện báo kỹ thuật mới (tự động) kể cả truyền tin và ảnh tự động, lại có lớp cơ khí, điện nhằm phục vụ cho kỹ thuật điện báo ở các trình độ kỹ thuật khác nhau.

            Sau năm 75 cho đến đầu những năm 80, mục đích của các khóa đào tạo có những điều chỉnh mới. Ở khóa 14 mở tại thành phố Hồ Chí Minh, người ta lại phải trở lại tiêu chuẩn lựa chọn như những năm 50, 60 nghĩa là phần lớn học viên chỉ ở trình độ văn hoá phổ thông. Chương trình cũng phải thay đổi: Yêu cầu chính trị và tư cách nhà báo được đặt ra ở mức cao hơn trước trong khi yêu cầu về nghiệp vụ lại có những châm chước nhất định. Nhưng những học viên khóa 14, trải qua rèn luyện và tiếp tục bồi dưỡng, nhiều người đã trưởng thành và trở thành những nhà báo có uy tín.

            Những lớp học tiếng Anh, tiếng Khơ-me và những lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, từ quản lý nghiệp vụ, quản lý phân xã đến quản lý kinh tế liên tiếp được tổ chức cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những lớp kỹ thuật mới sử dụng thiết bị tin học và vệ tinh dẫu chỉ ở trình độ sơ đẳng nhưng rõ ràng, đòi hỏi chương trình khác và điều thú vị là người giảng dạy về quản lý và kỹ thuật cũng chỉ từ những kinh nghiệm ít ỏi từ sách vở và những cuộc khảo sát ngắn hạn ở nước ngoài.

            Sang những năm 90, khi tin học hoá đã mang tính phổ biến, đội ngũ báo chí trong nước phát triển nhanh, quan hệ quốc tế mở rộng, yêu cầu đào tạo bồi dưỡng lại đặt ra một loạt vấn đề mới. Cùng với những lớp cao cấp chính trị, những lớp đại học Luật, thì yêu cầu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ báo chí hiện đại đặt ra hàng loạt vấn đề mới với những yêu cầu và hình thức đa dạng hơn nhiều so với những năm trước. Loại hình nội dung đa dạng như vậy nhưng tất cả những lớp học, những lớp bồi dưỡng ở TTX đều nhằm những mục đích, yêu cầu cụ thể và tuỳ theo mục đích, yêu cầu mà có những chương trình dài hạn, ngắn hạn khác nhau.

            Vì vậy, việc TTX không quyết định thành lập trường Thông tấn bởi vì không có trường nào bao quát được các mục đích, yêu cầu của chương trình đào tạo bồi dưỡng khác nhau như vậy. Các lớp đào tạo và bồi dưỡng đều do tổ nghiệp vụ, sau này là phòng Đào tạo bồi dưỡng cho đến TTBDNVTT hiện nay phụ trách. Tuy nhiên, những người lãnh đạo TTX đều trực tiếp chịu trách nhiệm về mục đích, chương trình, thời gian và đối tượng cho từng lớp học.

            Cũng cần nói thêm, không chỉ ngày nay, mà ngay từ những năm chiến tranh cho đến những năm 80, TTXVN đã tuyển lựa phóng viên, kỹ thuật viên thông tin và ảnh thành từng lớp gửi đi học, thực tập ở các hãng thông tấn các nước anh em. Tuy nhiên, lúc đó chỉ học nghiệp vụ, kỹ thuật, ngoại ngữ mà không học tập lý luận chính trị trừ những người đi học ở Cuba. Ở nước Cuba anh em, học được theo các trường đại học chính quy từ A đến Z.

            Nhưng dẫu thế nào, thời kỳ những năm 90 trở về trước, người lãnh đạo TTX và những người làm tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng có hai điều thuận lợi cơ bản. Đó là mục tiêu của từng lớp học dễ xác định bởi yêu cầu từng loại hình công tác khá cụ thể và cũng là đòi hỏi bức thiết của từng thời kỳ. Hai là, người học dù nguồn đào tạo và tuyển lựa có khác nhau nhưng đều có hệ tư tưởng thuần nhất, hầu như tất cả đã được xác định ý tưởng phấn đấu vì sự nghiệp thông tấn với tinh thần tự nguyện khá cao.

            Còn bây giờ đây, dẫu không nắm được cụ thể cũng cảm nhận những khó khăn mới cho người lãnh đạo TTX cùng những người làm tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng. Bởi ngay những dòng đầu tiên của bài viết đã xác định lớp người cũ sẽ không thể điều hành nổi công việc trong thời kỳ mới (dù chỉ trong tưởng tượng là được gọi ra làm việc lại).

            Tại sao vậy? Bởi dễ hiểu họ sẽ bị lạc vào "thế trận mới" với các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng trăm lần đa dạng hơn, phức tạp hơn cả về nội dung và loại hình. Thật khó xác định các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho các loại hình công tác quá phức tạp. Lại nữa, lớp người mới đang là lực lượng chủ yếu trong đội ngũ Thông tấn xã. Họ được đào tạo khá cơ bản, có chất lượng tri thức rất đáng trân trọng. Nhưng cùng với thời đại mới, họ hoàn toàn có xuất phát điểm khác lớp người cũ. Cuộc sống xã hội đang đặt ra trước họ những khả năng lựa chọn mục tiêu phấn đấu và tương lai phát triển nhiều thuận lợi và không ít thử thách. Cho nên, nếu chủ quan áp dụng ý chí phấn đấu chính trị và nghề nghiệp như lớp người cũ là điều không dễ dàng.

            Mục tiêu đã khó xác định, người cần được đào tạo bồi dưỡng lại mang sẵn những nguyện vọng, yêu cầu rất đa dạng. Nếu không có sự điều tra xác định rất cụ thế, sự thống nhất ý kiến giữa những người phụ trách các đơn vị, thật đáng lo cho những người chịu trách nhiệm về công tác đào tạo bồi dưỡng!

            Chắc chắn các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm nắm vững điều này đã có phương pháp đúng đắn và hiệu quả.

            Hai là trước kia, sau khi xác định mục đích, chương trình, thời gian và đối tượng thì việc xác định người quản lý (cùng với giáo vụ hoặc kiêm giáo vụ) và người giảng dạy có ý nghĩa quyết định đối với kết quả học tập.

            Người quản lý (thường kiêm giáo vụ) là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng thực hiện mục đích và chương trình đạo tạo, bồi dưỡng. Người ta thường coi người quản lý chỉ chịu trách nhiệm về số lượng học viên có mặt và thời gian quy định theo giáo trình. Do người quản lý tự hạ thấp trách nhiệm của mình nên học viên thường coi người quản lý như là cán bộ hành chính mà không nhận thức rõ trách nhiệm của người quản lý là người chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng của việc giảng dạy và học tập.

            Người quản lý là người theo dõi người giảng có bảo đảm chất lượng và yêu cầu đặt ra cho bài giảng, đặc biệt là bài giảng có phù hợp với yêu cầu của học viên hay không. Tình hình tiếp thu của học viên đối với mỗi bài giảng cần phải được người quản lý theo dõi một cách chặt chẽ. Từ đó, có thể xem xét việc bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy cho những tiết học sau.

            Chất lượng của mỗi lớp học, mỗi khóa học phụ thuộc vào tư cách và chất lượng công tác của người quản lý. Nếu người quản lý, thường là cán bộ phòng Đào tạo bồi dưỡng, chỉ làm nhiệm vụ quản lý hành chính của lớp học thì chỉ là thực hiện phần trách nhiệm ít nhất của mình. Theo dõi quá trình giảng dạy và tiếp thu của học viên để kịp thời đề xuất những yêu cầu bổ sung trong giảng dạy và học tập để đảm bảo chất lượng của lớp học đó mới là trách nhiệm chủ yếu của người quản lý. Người giảng dạy đương nhiên đã được chọn lựa theo yêu cầu của chương trình. Tuy nhiên, ở những lớp đào tạo và bồi dưỡng, với những yêu cầu rất linh hoạt của mục tiêu đào tạo bồi dưỡng do TTX đề ra, các giảng viên thường không chịu trách nhiệm về kết quả học tập như một thầy giáo ở các trường chính quy. Thông thường, người ta dựa theo yêu cầu của giáo trình, thậm chí nói theo yêu cầu của giáo án mà ít biết đến trình độ, yêu cầu và tình hình tiếp thu của người học. Đáng buồn nhất chính là người được mời đến thuyết trình theo giáo án có sẵn, không hiểu rõ yêu cầu và trình độ của người học để đạt tới mục tiêu vừa truyền bá kiến thức vừa gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ và tự tìm tòi để có thể đạt tới yêu cầu định ra cho mỗi bài giảng.

            Cũng nên nhớ rằng, không phải có được một chuyên gia giảng dạy nước ngoài là yên tâm về chất lượng bài giảng. Các chuyên gia đó đã có trình độ nghề nghiệp cao nhưng xuất phát từ môi trường, nội dung và đối tượng tiếp cận và luật lệ của nơi họ làm việc để trình bày bài giảng. Ở đây, chính người quản lý và giảng viên người Việt có trách nhiệm tiếp nhận những điều hữu ích từ bài giảng của thầy nước ngoài mà hướng dẫn học viên tiếp thu và vận dụng vào thực tế nước ta với những nội dung, đối tượng và tôn chỉ mục đích của các báo và chung của TTX.

            Tuy nhiên, dẫu chất lượng bài giảng dạy có đạt yêu cầu cũng chỉ là khai mở phương hướng tư duy mới để tự nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế.

            Ba là quan trọng nhất chính là nhận thức và ý thức, ý chí phấn đấu của người học. Một điều ai cũng có thể và phải biết là "sự học là công việc của cả đời người". Dẫu ở một trường đại học chính quy, một lớp học dài hạn, ngắn hạn, hay kèm cặp, vừa học, vừa làm thì kết quả cao nhất vẫn chỉ là giúp học viên một hệ thống nhận thức cơ bản, một cách nhìn, một tư duy mới, khai mở một phương hướng để người học xác định cho mình hướng đi đúng, cách tiếp cận đúng, có lợi nhất cho công việc của mình, từ đó, tự đặt ra cho mình ý thức không ngừng cập nhật, tiếp cận thông tin mới. Cũng chính từ những thông tin mới (tức là những kiến thức mới) sẽ giúp cho phương hướng tu dưỡng, tự nâng cao trình độ của mình để công việc ngày một tốt hơn. Tính tự chủ và sáng tạo trong việc làm hàng ngày chính là nguồn tri thức mới của họ và cho chính sự phát triển của bản thân họ.

            Hàng ngày, trên truyền hình, những cuộc thử thách về kiến thức trong nhiều trường hợp làm chúng ta không khỏi lo nghĩ. Không ít trường hợp những người trẻ tuổi tham dự thử thách có trình độ đại học và trên đại học không biết những điều tối thiểu về lịch sử dân tộc, không hề biết Bà Triệu quê ở đâu, sông Như Nguyệt ngày nay là chỗ nào, Hội thề Lũng Nhai là hội thề của thời kỳ lịch sử nào. Và người ta lại có dịp phê phán ngành giáo dục và đào tạo, phê phán nhà trường, phê phán người dạy. Nhưng chính những con người có học không biết đến Bà Triệu, không biết đến Như Nguyệt, không biết đến Lũng Nhai lại có thể trả lời xuất sắc về tên tuổi của các cầu thủ bóng đá, các thể loại âm nhạc trong thế giới đương đại. Ta nên trách ai? Trách nhà trường, thầy giáo hay trách chính những người trong cuộc.

            Người ta không thể trông đợi ở nhà trường trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức hoặc giả thầy cô giáo có giảng thì cũng chỉ là qua một tiết học đó thôi. Kiến thức và những điều cần biết tối thiểu cho mỗi người luôn luôn tuỳ thuộc vào ý thức tự trang bị, tự xác định nhu cầu nâng cao sự hiểu biết của mình không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn mà còn trong yêu cầu hiểu biết chung tối thiểu. Có trình độ văn hoá chung tối thiểu tưởng như không thiết thực cho công việc hàng ngày nhưng chính nó lại là nền tảng để sáng tạo trong công việc, cả trong lĩnh vực chuyên biệt.

            Đương nhiên, người chịu trách nhiệm về chươg trình, mục tiêu và đối tượng đào tạo bồi dưỡng không thể phủ nhận trách nhiệm của mình. Nhưng họ không thể thay thế cho sự chủ động trong việc tự trang bị và tự rèn luyện của từng người được đào tạo.

            Chẳng dám nói lời khuyên các bạn trẻ, chỉ xin nhắn nhủ vài lời của người lớn tuổi, ít hiểu biết về thời đại, rằng: Các bạn dù ở lĩnh vực nào của Thông tấn xã, dù có trình độ học vấn, chuyên môn đang đáp ứng tốt công việc hàng ngày cũng xin luôn nhớ  "nghề thông tấn thường phải tiếp cận hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội". Bởi vậy, không có sự hiểu biết nào (dẫu ở lĩnh vực tầm thường nhất) mà lại không cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình. Sự học, sự tự mở mang kiến thức là công việc của cả đời người và không có hiểu biết nào là quá thừa thãi, nhàm chán mà không đáng dành thì giờ cho những cái tưởng như vô vị.

Đỗ Phượng
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006