Thứ năm, ngày 18/04/2024

Tin hoạt động của TTXVN

Đón nhận những kỷ vật cuối cùng của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo


(31/07/2017 09:25:21)

Các đồng chí nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN: Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị; đại diện các gia đình TBLS và các bạn trẻ thăm Phòng truyền thống, ngày 24/7/2017


Một cặp ni lông màu trắng đã cũ, phía trong gói ghém tập tài liệu về liệt sỹ Hoàng Văn Đáo. Một túi nhỏ đựng chiếc đồng hồ hiệu Orient và ngòi bút máy trông còn rất sáng. Anh Hoàng Hữu Nam, con trai nhà báo liệt sỹ Hoàng Văn Đáo (1930 - 1972), nén xúc động, cẩn thận giới thiệu từng hiện vật và trân trọng trao tặng lại Phòng Truyền thống cơ quan. Đây là những giấy tờ liên quan đến cha mà anh còn lưu giữ cho đến nay, bao gồm: Giấy chứng minh nhân dân dự bị, giấy ra vào, bức thư cha gửi về cho gia đình khi ông đang công tác tại chiến trường khu V năm 1964 cùng một tập lý lịch (bản sao chép) của nhà báo Hoàng Văn Đáo. Lần giở chiếc đồng hồ và chiếc ngòi bút máy, giọng anh như nghẹn lại: “Đây là hai trong số những kỷ vật được các chú, các bác đồng nghiệp của cha tôi tìm thấy cùng với hài cốt của ông”.

Đối với những người làm công tác truyền thống của cơ quan, đây là những hiện vật, tư liệu vô cùng quý giá. Bởi lẽ, cho đến giờ, trong danh sách hơn 260 liệt sỹ thông tấn, nhà báo Hoàng Văn Đáo là liệt sỹ được tìm thấy gần đây nhất và có rất ít thông tin.

Cách đây 45 năm, đêm ngày 21 rạng ngày 22/5/1972, một loạt bom B52 đã rải trúng cơ quan Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà ở căn cứ Hòn Tàu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam khiến 10 đồng chí hy sinh và rất nhiều đồng chí khác bị thương. Lúc đó, cơ quan chỉ tìm thấy thi thể của 5 đồng chí và đưa đi chôn. Còn 5 đồng chí khác hy sinh trong hang đá, bị khối đá lớn mấy chục tấn đè nặng, vẫn nằm lại đó. Trong số đó có nhà báo Hoàng Văn Đáo, phụ trách Đài minh ngữ TTXGP Quảng Đà và điện báo viên Võ Công Thu. 

Chiến tranh đã lùi xa, mỗi người mỗi ngả nhưng các đồng chí, đồng nghiệp cũ ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà, ở TTXVN khi xưa vẫn canh cánh trong lòng vì những đồng chí của mình hy sinh trên núi Hòn Tàu vẫn chưa về được với gia đình, quê hương. Cho đến giữa tháng 8/2011, sau nhiều lần họp bàn, lựa chọn các phương án của các đơn vị chức năng thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, công việc cất bốc hài cốt liệt sỹ mới chính thức được tiến hành. Gần 100 kg thuốc nổ đã được các chiến sỹ công binh sử dụng để phá vỡ và chuyển dịch các khối đá lớn trên đỉnh hang về hướng xác định, tạo điều kiện để các thợ đá thủ công phá dỡ từng tảng đá lớn che lấp hài cốt liệt sỹ. Sau hơn 10 ngày làm việc liên tục, cật lực, hài cốt các liệt sỹ đã được cất bốc, dù không còn nguyên vẹn. Liệt sỹ Hoàng Văn Đáo được đưa ra ngoài cùng với các hiện vật mà ông luôn mang theo bên mình, kết thúc 39 năm mỏi mòn chờ đợi và không ngừng tìm kiếm của gia đình và cơ quan.

Tại lễ truy điệu tổ chức sau đó, ngoài chiếc đồng hồ và ngòi bút, còn có chiếc lon guy - go, máy quay tay ragono, chiếc manip không còn nguyên vẹn, được anh Nam tiếp nhận và trao tặng Bảo tàng Đà Nẵng. Một hiện vật nữa là tấm vải dù của nhà báo Dương Đức Quảng nhờ ông đem ra Hà Nội. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì ông đã hy sinh. Tấm vải dù đã được nhà báo Dương Đức Quảng xin lại.

Chiếc đồng hồ và ngòi bút máy là những món đồ nhà báo Hoàng Văn Đáo sử dụng, giữ gìn trong suốt thời gian công tác tại cơ quan TTXGP khu V. Giờ đây, đối với anh Nam, đó là những kỷ vật cuối cùng, còn lại từ cha mình. Hơn 6 năm lưu giữ, kể từ ngày được đón về cùng với hài cốt của cha, rất nhiều cơ quan, đơn vị đã đến xin để phục vụ công tác trưng bày nhưng anh đã từ chối. Sau này, khi biết TTXVN có một Phòng truyền thống để lưu giữ và trưng bày kỷ vật của các nhà báo liệt sỹ Thông tấn, anh đã quyết định trao tặng lại cơ quan, với mong muốn hiện vật sẽ được bảo quản, gìn giữ và trưng bày, để truyền thống của ngành được tiếp nối qua nhiều thế hệ. 

Tiếp nhận kỷ vật của gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Đáo tặng Phòng truyền thống TTXVN
Một số kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo

Như vậy, cùng với những hiện vật mới được tiếp nhận này, Phòng truyền thống TTXVN hiện đang có một bộ sưu tập những kỷ vật vô giá của các liệt sỹ Thông tấn trong tổng số gần 400 hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại đây. 

Nhiều cán bộ phóng viên TTXVN đã từng biết đến chiếc ống kính máy ảnh chụp tầm xa của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, được ông sử dụng để chụp bức ảnh nổi tiếng “Nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình) bắn cháy tàu chiến Mỹ trong trận đánh ngày 07/02/1967”. Đây là bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” vừa vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Cuốn sổ ghi chép bằng tiếng Pháp của liệt sỹ đầu tiên của ngành, Phó Giám đốc Nha thông tin phụ trách VNTTX Trần Kim Xuyến, trong thời gian học tại Trường Quốc học Vinh (1935 – 1939). Những bức thư cảm động của nhà báo Thẩm Đức Hòa gửi cho vợ là bà Phương Bích Ngân từ mặt trận Thừa Thiên Huế trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hay tấm bia mộ gió của nhà báo liệt sỹ Trần Ngọc Đặng, đúc bằng xi măng, nặng gần 20 kg mà đồng đội đã dựng gần nơi ông hy sinh trong một cánh rừng ở Tây Ninh. Mãi đến năm 1993, khi gia đình và cơ quan tìm được hài cốt của ông và đưa về Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tấm bia được tặng lại cho Phòng truyền thống và lưu giữ cho đến ngày nay. 

Rất nhiều hiện vật quý giá phản ánh cuộc sống giản dị và lao động nghề nghiệp cực nhọc, nguy hiểm nhưng cũng rất hào sảng, cao quý, giàu sức sáng tạo và hiệu quả của các nhà báo, kỹ thuật viên Thông tấn đang được giới thiệu tại Phòng truyền thống TTXVN, nhắc nhở mỗi chúng ta về niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao khi đứng trong đội ngũ những người làm báo của cơ quan Thông tấn quốc gia.
 

Theo Nội san thông tấn số 7/2017