Thứ tư, ngày 24/04/2024

Tin tức trong ngành

Đường sắt Bắc Nam và những chuyến đi nặng lòng


(05/09/2019 16:15:26)

Đầu năm 2018, một sản phẩm của báo điện tử VietnamPlus gây kinh ngạc cho nhiều đồng nghiệp là tập hợp hơn 30 bài viết về ngành đường sắt Việt Nam, được thực hiện trong 9 tháng với nhiều chuyến ngược xuôi Bắc - Nam của nhóm phóng viên và sau đó là nhiều tháng lập trình kỹ thuật. Chùm tác phẩm “Đường sắt Bắc Nam - những niềm vui, những hy sinh và bao điều trăn trở” của nhóm tác giả Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn, Phan Hải Tùng Lâm, Đỗ Mạnh Hùng và Lã Ngọc Sơn đã vinh dự nhận giải C - Giải báo chí quốc gia và giải A - Giải báo chí TTXVN năm 2018.

Phỏng vấn nhân viên ga Hải Vân, Đà Nẵng, tháng 11/2017

Một buổi sáng giữa năm 2017, Phó tổng giám đốc Lê Quốc Minh, lúc bấy giờ là Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, gọi chúng tôi lên phòng làm việc để cùng bàn về việc thực hiện một “siêu tác phẩm” có nội dung liên quan đến tuyến đường sắt Thống Nhất. Theo ý tưởng này, chúng tôi có nhiệm vụ đi tàu dọc đường sắt từ Bắc chí Nam, qua nhiều ga lớn nhỏ để ghi lại những câu chuyện vui, buồn; những thân phận gắn liền với tuyến đường này. 

Toàn bộ các bài viết sau khi hoàn thiện sẽ được đội ngũ thiết kế xử lý theo cách thức hết sức đặc biệt. Một tấm bản đồ sơ lược Việt Nam được vẽ nên cùng biểu tượng một con tàu đi chầm chậm qua từng ga tương ứng với từng địa điểm trên bản đồ. Độc giả có thể chủ động dừng lại, click vào từng địa điểm để “thưởng thức” các bài viết, ảnh, video liên quan đến địa điểm này. Đây là hình thức thể hiện sáng tạo, mới mẻ và đặc biệt là… chưa từng có ở Việt Nam.

Cả nhóm ngay lập tức “phải lòng” ý tưởng của Tổng biên tập. Những chuyến đi đầu tiên để khảo sát, tìm kiếm nhân vật, câu chuyện… cho tuyến bài nhanh chóng được thực hiện. Có những thời điểm, chúng tôi phải ngồi ghế phụ ngay cạnh nhà vệ sinh trên suốt chặng đường từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh, hay lăn lê trong các khoang ghế cứng tồi tàn và nồng lên đủ thứ mùi. Trong suốt nửa năm đó, gần 10 con người bao gồm các phóng viên, ê kíp media, các cộng tác viên… đã thực hiện 5 chuyến xuyên Việt dọc theo đường sắt Thống Nhất.  

Tuy nhiên, thách thức nhất với chúng tôi khi tác nghiệp chính là việc liên hệ với cơ sở. Sau tái cơ cấu, ngành đường sắt đã chia ra thành các đơn vị nhỏ như nhà ga riêng, đoàn tiếp viên riêng, tổ lái tàu, tổ bán vé riêng. Vì lẽ đó, mỗi lần muốn thực hiện một đề tài nào đó, chúng tôi phải liên hệ lại với người phụ trách, việc này khá mất thời gian. 

Một điều khó khăn nữa là việc tìm đề tài. Mỗi nhà ga đi qua, chúng tôi đều phải tìm hiểu xem có những gì hay ho ở nhà ga ấy. Đó có thể là hình ảnh một nhà ga cổ kính, một câu chuyện về người gác ghi tình nguyện hàng chục năm hay đơn thuần chỉ là một người phụ nữ bán hàng kiếm sống bên đường ray.

Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận nhiều hơn với những con người bình dị, giản đơn nhưng đã lặng lẽ góp sức mình đảm bảo an toàn cho những tuyến tàu… Đó là chuyện một “gã” mắt đã kém lại vừa câm, vừa điếc ở Thanh Khê, Đà Nẵng nhưng tự nguyện đi gác chắn tàu suốt mười mấy năm để rồi tạo cảm hứng cho việc thành lập đội gác tàu từ dân đầu tiên của cả nước. 
 
Nhóm phóng viên tác nghiệp tại ga Hải Vân, Đà Nẵng

Hay đó là những suất ăn vỏn vẹn 10.000 đồng/người/ngày trên ga Đèo Gió khó khăn bậc nhất tỉnh Quảng Bình. Đó là những tâm sự của lính cầu đường bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch trên Hải Vân đệ nhất hùng quan. Ở đó chúng tôi được thấy, được cảm nhận nỗi vất vả của anh em nơi đây từ thiếu thốn trang thiết bị, đồng lương eo hẹp không đủ nuôi gia đình hay sự khắc nghiệt của thời tiết. Có thời điểm, cả đoàn bị kẹt cứng trên phân đoạn Hải Vân khi dính bão. Toàn bộ việc di chuyển ra vào ga cao nhất Việt Nam đều thực hiện bằng cách băng rừng, cuốc bộ.

Mỗi chuyến đi đều giúp chúng tôi hiểu thêm về những con người bình dị đã góp sức mình làm nên tuyến đường sắt dài hơn 1.700km xương sống đất nước này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chứng kiến và nhận ra những góc đáng buồn của đường sắt: Những bữa ăn “khắc khoải” ở một ga lẻ miền núi, đồng lương ít ỏi của những “bông hồng” gác ghi, số lượng khách ngày càng giảm sút so với các loại hình vận tải khác… Những “mảng tối” này được chúng tôi thẳng thắn đưa vào bài viết; trên cơ sở này, phân tích về yêu cầu bức thiết phải đổi thay cho toàn ngành đường sắt.

Về sau, khi tuyến bài đã tạm đóng lại, thành phẩm của chúng tôi được chuyển tới tay bạn đọc, nhưng sợi dây liên hệ của chúng tôi với những nhân vật, những ga xép vẫn được duy trì. Từ trạm gác, họ vẫn gọi điện hỏi thăm và nhắn nhủ chúng tôi chia sẻ thêm những vui buồn trong cuộc sống. Với chúng tôi, những người thực hiện loạt bài này, đó mới là thứ quý giá nhất chúng tôi nhận được từ những chuyến đi…

Trần Bách
Nội san Thông tấn số 8/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống các ngành Văn phòng, Tổ chức, Tài chính (04/09/2019 09:45:49)

Tin thi đua - Khen thưởng (04/09/2019 09:44:42)

Tiếp Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico (30/08/2019 10:57:02)

Hợp tác thông tin với Tập đoàn Aju News Corporation (Hàn Quốc) (28/08/2019 16:19:06)

Trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (28/08/2019 10:52:20)

Nâng cao chất lượng thông tin Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (28/08/2019 10:38:01)

Nhiều hoạt động vinh danh nhà báo Trần Kim Xuyến tại quê hương Hương Sơn (28/08/2019 10:36:55)

Giao ban báo chí chúc mừng Ngày truyền thống của bốn cơ quan báo chí, truyền thông lớn (28/08/2019 10:22:50)

Đại hội Chi hội nghệ sỹ nhiếp ảnh TTXVN nhiệm kỳ 2019 - 2024 (28/08/2019 09:04:20)

Ra mắt sách ảnh “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)” (19/08/2019 09:09:26)