Thứ bảy, ngày 22/06/2024

Giải báo chí

Giải báo chí TTXVN 2023: Sự sống nảy mầm trên đất chết


(23/05/2024 08:18:29)

Rà phá bom, mìn là nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình. Không ít người đã hy sinh, chịu thương tật suốt đời khi đưa “tử thần” ra khỏi lòng đất. Nhưng thành quả là hàng trăm ngàn héc ta “đất sạch” để người dân có tư liệu lao động sản xuất, yên tâm ổn định cuộc sống, cùng giữ đất biên cương. Quan trọng hơn nữa là góp phần đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với điểm nhìn đó cũng như chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Bộ đội Công binh, năm 2023, phóng viên Dương Anh Tùng, Ban biên tập tin Trong nước - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã thực hiện tác phẩm "Sự sống nảy mầm trên những vùng đất chết”, ghi nhận nhiều hồi âm tích cực từ cơ quan quản lý và công chúng.

Phóng viên Ban biên tập tin Trong nước TTXVN Dương Anh Tùng trò chuyện với bà Vinh Thị Nhọt, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn - người bị mất hai cánh tay do bom, mìn còn lại sau chiến tranh, tháng 7/2023

Việt Nam là một trong những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom, mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh, với hơn 800.000 tấn bom, mìn nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng diện tích bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm do bom, mìn vào khoảng hơn 6,1 triệu héc ta, chiếm hơn 18% tổng diện tích cả nước. Từ năm 1975 đến nay, những quả bom nổ dưới lòng đất đã khiến hơn 10 vạn người thương vong, phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ công binh đã hy sinh và bị thương khi hóa giải “tội ác giấu mặt”.
 
Vì vậy, Đảng và Nhà nước chủ trương rà phá bom mìn đem lại bình yên cho nhân dân; đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đảm bảo các điều kiện đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Binh chủng Công binh là đơn vị thực hiện chủ trương này. Hóa giải “tội ác giấu mặt” là nhiệm vụ trực tiếp cận kề hiểm nguy, một sơ xuất nhỏ có khi hy sinh cả tính mạng. Song, thành quả từ sự cống hiến đó là 10 năm qua, gần 500.000 héc ta đất ô nhiễm và vùng vành đai biên giới đã được hồi sinh. Có “đất sạch”, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã vượt lên số phận, viết nên cuộc sống mới, là mùa màng bội thu. Tiềm năng đất đai được giải phóng cũng thúc đẩy hình thành các điểm dân cư mới ở khu vực giáp biên giới nhằm tạo “phên giậu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cương thổ quốc gia…
 
Trên tinh thần ủng hộ của lãnh đạo Phòng tin Chính trị - Ngoại giao và lãnh đạo Ban biên tập tin Trong nước, ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã xây dựng đề cương, lên kế hoạch tác nghiệp. Và loạt bài Sự sống nảy mầm trên những vùng “đất chết” đã ra đời sau những chuyến thực tế dài ngày của phóng viên ở tuyến biên giới phía Bắc.
 
Chùm bài là những dẫn chứng chân thực về cuộc sống, sự đổi thay và bước đầu no đủ nhờ “đất sạch” của những người dân, hộ dân, những bản làng giáp biên giới phía Bắc của Lạng Sơn, Hà Giang - những tỉnh hiện có nhiều “đất sạch” do được rà phá, giải phóng bom mìn. Hay những chia sẻ về sự hy sinh thầm lặng từ một số cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Công binh - những người chịu thương tật suốt đời trong quá trình làm nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình. Đó là câu chuyện xúc động, tận sâu đáy lòng của Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu, Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh).
 
Thượng úy, thương binh Lý Đình Hiếu, Lữ đoàn Công binh 239 (Bộ Tư lệnh Công binh) sắp xếp lại tủ thuốc của trạm xá, tháng 7/2023

Khi cùng đồng đội dò gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, anh Lý Đình Hiếu không may bị một quả mìn phát nổ làm mất một bàn chân phải. Chính vì vậy, anh không thể tiếp tục trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn. Anh đã xin đi học lớp y tá để có thể tiếp tục phục vụ trong quân đội cũng như mong muốn “kinh nghiệm và bài học xương máu của mình sẽ giúp các đồng đội, đồng chí tránh được những tai nạn đáng tiếc”.
 
Chúng tôi cũng có những “cận cảnh” sinh động từ bản tái định cư Nặm Xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Việc làm sạch bom, mìn ở địa bàn này đã thúc đẩy điều kiện hình thành các điểm dân cư mới giáp biên nhằm góp phần tạo “phên giậu”, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc bảo vệ Tổ quốc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
 
Chi tiết “đắt” trong loạt phóng sự này là chia sẻ xúc động của bà Vinh Thị Nhọt, người dân tộc Nùng và cô giáo Nguyễn Thị Hương, người bị bon mìn cướp đi một chân, đều ở xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; các anh Bồn Văn Đặng và Triệu Văn Nguyên, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Cái nghèo và khao khát được trồng trọt, gieo cấy, được làm chủ, được phát triển kinh tế trên chính mảnh đất cha ông khiến họ quên đi hiểm họa bom, mìn đã được chính quyền và các anh Bộ đội báo trước.
 
Với sự chịu khó tìm tòi cộng đôi chút may mắn khi gặp được những vỉa mạch, phôi liệu cuộc sống, loạt phóng sự Sự sống nảy mầm trên những vùng “đất chết” đã có thêm những góc nhìn đa chiều, nhiều phía, phản ánh đúng tầm vóc, ý nghĩa của chủ trương, hoạt động rà phá bom, mìn, vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh. Loạt phóng sự khởi đăng đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) là sự tri ân hàng ngàn liệt sĩ đã nằm lại các nghĩa trang nơi biên cương phía Bắc vì độc lập tự do, vì Tổ Quốc, vì giữ vững từng thước đất của cha ông để lại. Tác phẩm cũng góp phần lan tỏa, bồi đắp lòng yêu nước, soi chiếu giá trị của hòa bình.
 
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Công ty TNHH MTV Xử lý bom, mìn, vật nổ 319 thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn ở khu vực thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Sau khi xuất bản, loạt bài đã được lãnh đạo TTXVN, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Công binh ghi nhận với nhiều hồi âm tích cực. Đặc biệt, việc tác phẩm được Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2023 đánh giá cao và trao giải A là niềm vinh dự lớn đối với những người làm báo chúng tôi./.

Dương Anh Tùng - Ban biên tập tin Trong nước
Nội san Thông tấn số 4/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: