Thứ tư, ngày 03/07/2024

Tin trong ngành

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Tìm lời giải cho vấn đề “cố hữu”


(28/04/2022 16:37:13)

Hơn ba tháng vật vã với những chuyến đi vào “vùng lõi nghèo của cả nước”, đo đếm từng vạt rừng đang bị thiêu rụi bởi đói nghèo, đối chiếu hàng ngàn con số mịt mờ trên giấy tưởng như đã bị lãng quên, cho tới hàng loạt cuộc điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ... tôi đã hoàn thành loạt bài “Giải phóng” đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng” quyết liệt hơn, góp phần giải quyết vấn đề “cố hữu”.

Phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV xoay quanh nội dung loạt bài phản ánh, tháng 7/2021

Từ nỗi trăn trở
 
Là một nhà báo chuyên viết về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từng nhiều lần “ăn, ngủ” với đồng bào dân tộc thiểu số để nghe họ chia sẻ về sinh kế, tôi luôn trăn trở sẽ viết gì đó cho người dân tại các “vùng lõi nghèo của cả nước”, với hi vọng sẽ lan tỏa được phần nào tiếng nói, tâm tư, giúp họ sớm thoát nghèo cũng như có một tương lai tươi sáng hơn. Và điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đất đai - nguồn tư liệu sản xuất vô cùng quý giá mà bấy lâu nay nhiều hộ đồng bào vẫn đang thiếu.
 
Ngược dòng thời gian, chúng ta sẽ thấy, trong suốt 30 năm qua, có một loại đất vô cùng quan trọng đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và ban hành rất nhiều quyết sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng. Đó là đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh - nguồn tư liệu sản xuất không thể thay thế của nông, lâm nghiệp và là “nồi cơm” để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Thế nhưng, thực tế đáng suy ngẫm là đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh bấy lâu nay vẫn thường xuyên bị mua bán, chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, khiến người nghèo vẫn hoàn nghèo do thiếu đất “tư liệu sản xuất”.
 
Đáng nói hơn là, diện tích đất mà các công ty nông lâm trường, ban quản lý rừng (trước đây được Nhà nước giao quá nhiều nhưng sản xuất kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí để mất rừng, mất đất) phải chuyển, trả về địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần giải quyết vấn đề thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất cho người dân từ khi thực hiện Nghị quyết 28 năm 2004 đến nay, đã lên tới hơn 1 triệu hécta. Vậy nhưng, trên thực tế, diện tích chưa bàn giao, chưa nhận hoặc nhận bàn giao rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng, chưa đo vẽ, cắm mốc, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vẫn còn rất lớn. Thậm chí, một số nơi còn đùn đẩy trách nhiệm, mới chỉ thi hành “mệnh lệnh” trên giấy...
 
Hệ quả của thực trạng trên không chỉ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến rất nhiều hộ dân phải chịu cảnh đói nghèo. Con số thống kê gần đây cho thấy, cả nước có khoảng 58.000 hộ dân thiếu đất ở, hơn 300.000 hộ dân đang thiếu đất sản xuất. Trong số đó, có những hộ gia đình có tới 5 thành viên nhưng chỉ có “nồi cơm” duy nhất là 1 sào ruộng. Câu hỏi mấu chốt đặt ra là làm sao giải quyết ổn thỏa, để vấn đề trên không còn là nỗi trăn trở kéo dài từ năm này qua năm khác.
 
Quyết đi tìm lời giải
 
Trên tinh thần ủng hộ của lãnh đạo tòa soạn, Phòng phóng viên, ngay từ đầu năm 2021, tôi đã lên kế hoạch với đề cương cụ thể và nhanh chóng đi sâu vào thực tế, nhập vai điều tra cũng như ghi nhận ý kiến của các bên liên quan. Từ đó hiểu vì sao Nhà nước đã ban hành rất nhiều “quyết sách lớn”, đốc thúc các địa phương triển khai đổi mới nhưng rừng vẫn bị mất; đất đai liên tiếp bị lấn chiếm, tranh chấp; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất sản xuất còn ở mức cao.
 
Từ thông tin ghi nhận, sau nhiều tháng lăn lộn điều tra khắp các “vùng lõi nghèo” ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tôi đã xây dựng loạt bài “Giải phóng” đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần “cuộc cách mạng” quyết liệt hơn và được ê kíp đồ họa trình bày theo hình thức Mega story, đăng tải từ ngày 7/7/2021.
 
Trong loạt bài này, tôi đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, bao gồm: các lỗ hổng của Luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách; rất nhiều công ty lâm nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả, sử dụng sai mục đích, bỏ hoang đất, rừng cũng như để xảy ra lấn chiếm, tranh chấp đất. Trong khi đó, hầu hết các địa phương đang có chung tình trạng diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành trên giấy; tỷ lệ đất giao cho người dân cũng rất ít…
 
Cùng với thực trạng, tôi cũng đã đề cập đến rất nhiều giải pháp căn cơ được đúc rút từ kinh nghiệm của các nhà quản lý qua các thời kỳ và giới chuyên gia - kỳ vọng như “hồi chuông” cảnh tỉnh, lời kiến nghị nhằm thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách lưu ý, sớm có điều chỉnh để không gây lãng phí nguồn lực đất đai; cũng như giải quyết được hiệu quả vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước trong thời gian tới.
 
Phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), ghi lại ý kiến của người dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, tháng 1/2020

“Tia sáng” đổi mới
 
Đáng mừng là sau khi loạt bài được đăng tải, người viết đã liên tiếp nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của giới chuyên gia, cử tri, nhất là kiến nghị của các đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó, nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp mang tính cấp bách như: sớm sửa đổi Luật Đất đai để chặn đứng các sai phạm “có vấn đề’ từ cách thức quản lý; phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm rõ ràng nhất là quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương quản lý, sử dụng đất đai; đề nghị Chính phủ bố trí đủ vốn, nguồn lực để thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
 
Trên cơ sở đó, ngay trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” đồng thời quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022…
 
Những quyết định, chỉ đạo trên có thể coi là “tia lửa sáng” rất đáng hy vọng, bởi việc đổi mới Luật Đất đai không chỉ hướng tới việc “lấp đầy” các “khoảng trống” chính sách hiện tại mà còn mở ra “cánh cửa lớn” để giao đất cho người biết vun trồng, giúp hàng trăm nghìn hộ dân đang thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất sớm tiếp cận được nguồn “tư liệu sản xuất” để vươn lên thoát nghèo và phát triển sinh kế bền vững.
 
Đánh giá cao việc báo điện tử VietnamPlus đã triển khai loạt bài viết rất công phu và phản ánh đúng thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm trường trong thời gian qua, ngay sau kỳ họp thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới để đưa đất nông lâm trường vào khuôn khổ. Một số công ty lâm nghiệp đang xảy ra tranh chấp đất đai; quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả tại các địa phương cũng đã triển khai đo đạc, cắm mốc, rà soát lại các phần diện tích đất nông lâm trường để chuyển về địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân./.

Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 4/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Giải báo chí trong đỉnh dịch (28/04/2022 16:30:25)

Lễ trao Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2021 (28/04/2022 16:27:49)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Góp sức cho cuộc bầu cử thành công (28/04/2022 16:22:39)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Phản ánh thực tiễn bằng góc nhìn lý luận (28/04/2022 16:20:45)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Lan tỏa những điều tốt đẹp (28/04/2022 16:18:09)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Danh sách Giải báo chi TTXVN năm 2021 (28/04/2022 16:16:33)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng quý II/2022: Tập trung cao điểm cho tuyến thông tin SEA Games 31 (26/04/2022 14:54:07)

Cựu chiến binh Cơ quan khu vực phía Nam phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ (20/04/2022 17:40:21)

Chi đoàn Ban biên tập tin Đối ngoại tổ chức đại hội điểm (20/04/2022 17:28:15)

Vô địch giải bóng đá Cúp Nhà báo và Công luận lần I (19/04/2022 16:25:27)