Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Hồi ức Điện Biên


(06/05/2014 09:31:14)

“Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc, hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng... Đêm 7/5/1954 náo nức đúng như thế đấy”- 60 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo lão thành Võ Thế Ái vẫn còn nhớ cảm giác rạo rực trong đêm nhận tin quân ta đại thắng. Ông là một trong những phóng viên thông tấn được tham gia thông tin về chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.

 

1.Trong cuốn “Thông tấn xã Việt Nam- Nửa thế kỷ một chặng đường”, đồng chí Trương Ðức Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, viết: “Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, VNTTX giữ liên lạc bằng vô tuyến (moóc) với mặt trận và Ban Tuyên huấn mặt trận Ðiện Biên Phủ, cung cấp tin, tường thuật từ mặt trận về cho báo Ðảng, báo Quân đội, Ðài tiếng nói Việt Nam, báo cáo kịp thời cho Bác Hồ và Trung ương. Ðồng chí Hoàng Tuấn trực tiếp dẫn đầu một tổ phóng viên đi mặt trận, có Nguyễn Khắc Tiếp, Lê Bá Thuyên (vừa ở VNTTX Liên khu 5 ra), Trần Hữu Năng, để đưa tin chiến thắng, cùng một số phóng viên nhiếp ảnh thuộc phòng nhiếp ảnh vừa mới thành lập. Ðồng chí Ðào Tùng lúc này thường trực cạnh đồng chí Tố Hữu tại Văn phòng Trung ương, phát tin bài về Ðiện Biên Phủ đi các nơi.
Ngày 9/5/1954, phóng viên VNTTX từ mặt trận đã điện về bài tường thuật gây chấn động dư luận trong nước và thế giới: Tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, bắt sống tướng Ðờ Cáttơri và toàn bộ Bộ chỉ huy của địch.”
 
Bài tường thuật trận tổng công kích tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do PV VNTTX từ mặt trận gửi về.

2.Sách sử thì phải cô đọng như vậy. Còn diễn biến thực tế hẳn là rất sinh động với những chi tiết thú vị. Mong tìm hiểu rõ về một thời kỳ đáng nhớ của ngành, cuối tháng 3 vừa qua, nhóm PV Nội san Thông tấn đã tìm gặp ông Võ Thế Ái, một trong số những cán bộ VNTTX từng tham gia thông tin về Ðiện Biên Phủ.
Thú thực, chúng tôi hơi bất ngờ trước “phong độ” của “lão nhà báo” Võ Thế Ái. Ðã 84 tuổi, nhưng ông vẫn rất tinh anh, và có vẻ “hợp đất” Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Tây Mỗ, Hà Nội nên “sống vui, sống khỏe...” ở đây. Trên mảnh sân xanh mát của Trung tâm, ông tâm đắc kể với chúng tôi về quãng đời cầm bút ở Việt Bắc:
Thời kỳ ấy, chỉ đạo chung công tác thông tin là Giám đốc Hoàng Tuấn. Nhóm thu phát tin chiến sự  có các biên tập viên (BTV) Dương Thị Duyên, Trần Kim Châu và đồng chí Lê Bá Thuyên chịu trách nhiệm chỉnh lý bài vở. Ðồng chí Lê Chân chỉ đạo việc đưa tin thế giới, phần lớn liên quan đến Ðiện Biên Phủ và chiến tranh Ðông Dương. Trên khu đồi rợp cây xanh, không khí lao động rất căng thẳng. Thường thường, tin điện từ mặt trận dồn về lúc đêm tối nên BTV phải làm việc cho tới khuya dưới những ngọn đèn dầu trẩu tù mù. “Có biết anh Lê Chân và anh Thuyên đều cận thị nặng mới biết các anh ấy phải chịu cực nhọc thế nào!”- ông Ái cảm thán.
Ðội ngũ điện vụ- kỹ thuật (Ðỗ Văn Ðậu, Lê Bá Tâm, Lê Ngọc Hoan, Lương Văn Hóa, Trịnh Minh Kính...) cũng tất bật đêm ngày, vừa nhận và chuyển điện từ tiền phương về cho bộ phận biên tập, vừa thu xếp chuyển tin đã biên tập cho các báo Nhân dân, Cứu quốc và cho các miền đất nước, điện tin tham khảo ra mặt trận...
Những khoảnh khắc không thể nào quên trong chiến dịch ĐBP do PV VNTTX ghi lại
Các ông Võ Thế Ái và Trần Hữu Năng được giao nhiệm vụ vừa biên tập, vừa thay nhau ra tiền phương đưa tin về dân công vận tải và làm cầu đường phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Không chỉ viết tin, bài, ông Võ Thế Ái còn nỗ lực thực hiện một cuốn  sách về những người làm đường phục vụ kháng chiến. Sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, ông lại được cử đi theo phái đoàn Liên hợp quân sự ba bên ở Lào và Campuchia. Với những đóng góp đó, ông đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Ðiện Biên”.
Trong dòng hoài niệm, người “Chiến sĩ Ðiện Biên” này cũng không quên một bài học nghiệp vụ của anh em VNTTX thời ấy. Số là, sau khi đại bác ta nã những phát đạn đầu tiên vào trận địa địch, bộ phận biên tập nhận được một số bài viết về những nỗi vất vả, hiểm nguy của việc kéo pháo, trong đó có nêu gương Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn cứu pháo. Anh em ở nhà cứ ngỡ là “kéo pháo vào trận địa” nên biên tập theo tinh thần đó. Về sau mới biết, theo chỉ đạo của cấp trên, nên các chiến sĩ ta đã kéo pháo vào trận địa lại kéo pháo ra. Sau này chúng ta phải có bài đính chính.
 
Những khoảnh khắc không thể nào quên trong chiến dịch ĐBP do PV VNTTX ghi lại
 
 
3.Một nhà báo lão thành khác của VNTTX, ông Ðinh Chương, nguyên PV chính trị- ngoại giao, người có bút danh Hồng Cúm gắn liền với chiến dịch Ðiện Biên Phủ, có một kỷ niệm đẹp: Ðêm 7/ 5/ 1954, ở ngọn đồi T6 (T6 là tên của VNTTX thời kỳ ở An toàn khu Việt Bắc) khi tất cả đã im ắng, chuẩn bị chìm trong giấc ngủ, thì có tiếng chuông điện thoại. Ông Chương là người cầm ống nghe. Hóa ra đó là tin chiến thắng.
“Nước mắt tôi muốn trào ra. Tôi phải nén lòng, cố giữ bình tĩnh để bản tin không sai sót. Tin điện ngắn gọn mấy dòng: ‘Ngày 7- 5- 1954, ta tập trung toàn lực lượng tiến công phân khu trung tâm và 3 giờ chiều ngày 7- 5 ta bắt đầu tổng công kích. Ðến 4 giờ chiều, lá cờ quyết chiến quyết thắng đã tung bay trên nắp hầm chỉ huy của tướng Ðờ Cátxtơri’.
Chép tin xong, tôi báo ngay cho các đồng chí phụ trách T6 và chẳng mấy chốc tất cả anh chị em trong cơ quan đều biết”. (Trích trong cuốn Thông tấn xã Việt Nam- Nửa thế kỷ một chặng đường).
Qua ngòi bút của ông Ðinh Chương thì niềm vui của cán bộ công nhân viên cơ quan VNTTX lúc nhận tin chiến thắng Ðiện Biên Phủ trào dâng như vô cùng, vô tận: “Mọi người sung sướng reo hò muốn đứt gân cổ, ôm lấy nhau và nhảy múa, ca hát vang dậy cả núi rừng”.
 
Trước ngày tiếp quản Thủ đô, tháng 8/1954, PV  Võ Thế Ái (ngoài cùng bên phải) đã có mặt tại sân bay Bạch Mai để thông tin về việc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva 

4.Ôn lại ký ức Ðiện Biên Phủ, không thể không nhắc đến việc chiến thắng lịch sử này đã góp phần khai sinh một tờ báo của TTXVN. Ðó là Báo ảnh Việt Nam. Nói về sự kiện này, Tổng biên tập Nguyễn Thắng nhấn mạnh: “Với các thế hệ làm báo của Báo ảnh Việt Nam, chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm xưa không chỉ là một trang sử chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta, mà còn là một trong hai nguyên cớ chính để khai sinh ra tờ báo của chúng tôi”.
Tại sao chiến thắng Ðiện Biên Phủ lại góp phần cho ra đời Báo ảnh Việt Nam?
Thời kỳ đó các phương tiện thông tin còn nghèo nàn và lạc hậu, hình ảnh chiến thắng oai hùng của quân và dân Việt Nam được chuyển tải đến nhân dân thế giới còn ít và chưa kịp thời. Chính vì thế, Trung ương Ðảng và Hồ Chủ Tịch đã quyết định cho ra đời báo Hình ảnh Việt Nam (tiền thân của Báo ảnh Việt Nam hiện nay). Tờ báo thông tin chủ yếu bằng hình ảnh đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam từ ngày đó đến nay làm công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Số 1 của báo Hình ảnh Việt Nam ra đời đúng 5 ngày sau khi Hà Nội được giải phóng, ngày 15/10/1954, và phát hành đi khắp thế giới. Trong số báo này có 11 trang giới thiệu những hình ảnh chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðến số báo Hình ảnh Việt Nam thứ 2 - số đặc biệt về chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ thì cả 54 trang báo là một cuốn phim sống động, giới thiệu chi tiết từ những ngày đầu quân và dân ta mở đường kéo pháo, tải đạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm ra chiến trường cho đến khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng Ðờ Cátxtơri và toàn bộ chỉ huy của tập đoàn cứ điểm ra đầu hàng.
Vậy là, một thời gian sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, qua báo Hình ảnh Việt Nam, cả thế giới đã được thấy một Việt Nam anh hùng bất khuất, làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình.
 
5.Sáu mươi năm sau ngày cha ông “Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt...” làm nên một chiến công chói lọi trong lịch sử đất nước, rất nhiều thành viên của “gia đình thông tấn” trực tiếp “đồng hành” cùng toàn quốc kháng chiến chống Pháp, đã khuất núi. Chắc hẳn, còn nhiều câu chuyện  đáng nhớ về Ðiện Biên Phủ chưa kịp kể.
Nhưng, những giá trị lịch sử không phai mờ theo năm tháng. Lật giở những trang ký ức về một thời đoàn quân VNTTX “đồng cam cộng khổ” chiến đấu cùng toàn dân tộc, những thế hệ đi sau càng thấm thía niềm tự hào vì được đứng trong đội ngũ những người làm báo thông tấn có truyền thống dùng “ngòi bút làm vũ khí” để góp phần công sức vào sự nghiệp đấu tranh và dựng xây đất nước.  
Được gặp Bác trên đường chiến dịch
Trong kháng chiến chống Pháp, việc chuyển tin tức để báo cáo Bác Hồ và Trung ương chỉ dựa vào... đôi chân của nhân viên VNTTX.  Trong một bài báo, “cựu binh” Nguyễn Tiến Lực đã kể chuyện công việc của ông vào thời kỳ ấy như sau: Ngày ngày lấy tin tức của PV ở các mặt trận điện về, chuyển cho BTV. Sau khâu biên tập, tin bài được giám đốc duyệt rồi đưa đi in ấn, đưa sang cho các báo, đài. Phần còn lại in roneo rồi gửi đường dây chuyển đến các các tỉnh ủy, khu ủy từ Khu IV trở ra. “Ðặc biệt mỗi lần in ấn, chúng tôi được chỉ thị in 6 bản chung bằng giấy pơluya rồi cho vào phong bì với những cái tên và địa chỉ người nhận mà ngày nào tôi cũng viết và viết rất nắn nót: Ông Dũng (Bác Hồ), ông Thận (đồng chí Trường Chinh), ông Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp), ông Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng)... rồi tôi trực tiếp đưa đi...”.
Chính trong một lần đi đưa tin cho các lãnh đạo vào đầu năm 1954, ông Nguyễn Tiến Lực đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gặp gỡ một đoàn cán bộ giữa đường, được một “ông già mặc áo dạ” hỏi han, dù thấy người cần vụ của Bác, ngờ ngợ trong đoàn có Bác Hồ, nhưng khi “ông cụ bảo cho nhận tin”, người “giao liên” trẻ của VNTTX vẫn cẩn thận hỏi tên ông cụ - đúng nguyên tắc công vụ “Ðúng tên thì cháu đưa”. Trước sự nguyên tắc ấy, lãnh tụ không hề phật lòng. Theo lời kể của ông Lực “Ông già bật cười thành tiếng và nói rất vui: Tên là...là... ông Dũng! Ðược chưa nào?”. Nhận phong bì tin tức, Bác bóc ra xem rất nhanh, thông báo luôn với những người xung quanh: Tình hình Ðiện Biên Phủ hay lắm. Mỗi ngày diễn biến mỗi khá và có lợi cho ta nhiều.
Trong niềm “sung sướng đến bủn rủn cả chân tay”, ông Nguyễn Tiến Lực được trò chuyện với Bác Hồ, được nghe Bác căn dặn: Cháu hãy đưa tin cho Bác nhanh hơn nữa nhé.

Hà Nguyễn
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sách "Năm tháng xa xanh": Một thời "hoa lửa" của những nhà báo đi trước (02/04/2014 10:44:00)

Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 9 của báo Thể thao&Văn hóa: Lần đầu tiên ban tổ chức tự sản xuất chương trình (02/04/2014 10:39:03)

Chung tay nâng cao kỹ năng sống cho giới trẻ (02/04/2014 10:36:11)

Công đoàn TTXVN: Hướng trọng tâm vào hoạt động của công đoàn cơ sở (02/04/2014 10:28:16)

Khối thi đua các nghành Khoa học - Văn hóa - Xã hội tổng kết công tác thi đua năm 2013. (02/04/2014 10:23:21)

TTXVN tham gia cuộc bình chọn nhân vật số 1 năm 2013 của ITAR TASS (02/04/2014 10:07:16)

Đoàn Bộ Ngoại giao Thái Lan đến thăm và làm việc với Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam. (02/04/2014 10:04:46)

Đảng bộ TTXVN học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) (02/04/2014 10:00:05)

Phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc và Đại học Quốc gia Hà Nội (02/04/2014 09:55:11)

Phía sau những nữ nhà báo thông tấn... (01/04/2014 10:19:29)