Thứ ba, ngày 23/04/2024

Đào tạo

Khóa bồi dưỡng kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề phía Nam: Đúc rút từ thực tế làm nghề


(04/12/2018 11:14:48)

 

PV Nguyễn Huy Thành, CQTT Ninh Thuận, trình bày bài tập thực hành

Thực tiễn tác nghiệp cùng những ví dụ sinh động, cụ thể của các giảng viên đã khiến lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề khu vực phía Nam trở nên hấp dẫn. Việc nêu vấn đề cùng trao đổi từ hai phía đã tạo không khí sôi nổi trong các buổi học, giúp việc cập nhật những kỹ năng mới dễ dàng hơn.
 
Diễn ra trong hai ngày 1 - 2/11, lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn phối hợp với Cơ quan khu vực phía Nam tổ chức có 24 học viên là phóng viên (PV) các CQTT, đơn vị thông tin tại phía Nam. Hầu hết các học viên đều có thời gian làm báo từ vài năm tới hàng chục năm, trong đó có 8 Trưởng CQTT. Điều này đặt ra yêu cầu phải lựa chọn giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn làm báo, khả năng truyền đạt cũng như các nội dung trao đổi cần gắn với thực tế sôi động của khu vực phía Nam.
 
Bốn giảng viên tham gia khóa học gồm các nhà báo: Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng ban biên tập tin Kinh tế; Ninh Hồng Nga, Tổng biên tập báo Tin tức; Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập kiêm Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và Hoàng Đức Long, Trưởng phòng Chính trị - Xã hội, Trung tâm Truyền hình Thông tấn.
 
Theo nhà báo Lê Thị Thanh Huyền, việc biến những số liệu khô khan của các chuyên đề kinh tế thành những chủ đề hấp dẫn thu hút người đọc không còn quá khó khăn. Hiện thông tin kinh tế ở khu vực phía Nam chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số tin, bài mà Ban biên tập tin Kinh tế tiếp nhận. Tuy nhiên, những bài viết có chiều sâu chưa nhiều. Đây cũng là vấn đề mà Ban biên tập tin Kinh tế đặt ra với các CQTT trong khu vực, đầu mối sản xuất thông tin.
 
Câu chuyện về đặt tít chính, tít phụ, viết sapô được nhà báo Ninh Hồng Nga chia sẻ như một yếu tố cần thiết, quan trọng với các chuyên đề dài, chuyên sâu. Hiện nay, nhiều PV rút tít đơn điệu, viết sapô quá dài mà vẫn không thể hiện được chủ đề của tác phẩm. Điều này rất bất lợi đặc biệt với báo điện tử, nơi mà người đọc thường vào xem tác phẩm khi tít và sapô hấp dẫn, lôi cuốn họ. Những bài tập được lấy từ chính bài viết của PV trong khu vực đã giúp mỗi học viên nắm ngay được vấn đề cần truyền đạt.
 
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trao đổi kỹ năng xử lý thông tin khi làm điều tra

Với nhà báo Nguyễn Đức Hiển, câu chuyện tác nghiệp của anh qua các bài báo, loạt bài cụ thể như: “Tôi đi tìm Bao Công”, “Dọc đường mãi lộ”, “Hai lúa đi tìm công lý”, “Khi tôi tuyên án tử hình”…, liên quan trực tiếp đến những vấn đề pháp lý mà bất cứ PV nào cũng có thể đối mặt khi thực hiện phóng sự điều tra. Đó là chuyện sử dụng câu chữ phù hợp trong phóng sự không chỉ khiến bài viết hấp dẫn mà còn chặt chẽ, logic, mang tính định lượng rõ ràng, hạn chế sự suy diễn, giúp PV tránh được những chế tài của pháp luật. Cách tìm kiếm đề tài, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, người dân khi thu thập tư liệu, cũng như cách chọn thể loại phù hợp để thể hiện đều là những kinh nghiệm quý cho mỗi PV. Trong phần thực hành theo chủ đề giảng viên gợi ý, các nhóm đều thực hiện khá tốt và có những bổ sung cho nhau hợp lý để có tác phẩm báo chí chất lượng.
 
Thảo luận nhóm

Nội dung livestream bằng điện thoại thông minh với sự dẫn dắt của nhà báo Hoàng Đức Long khá sôi động khi phần lý thuyết ngắn gọn và các học viên được chia nhóm thực hành ngay tại chỗ. Việc livestream đang được Truyền hình Thông tấn tận dụng tối đa nhằm phát huy thế mạnh của công nghệ, tăng tính tương tác với khán giả. Với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet đủ mạnh, PV có thể thực hiện những clip trực tiếp từ hiện trường. Đầu mối tiếp nhận thông tin livestream, kỹ năng để hình ảnh phong phú, kỹ năng thu tiếng… được giới thiệu cụ thể trong quá trình thực hành giúp các học viên tiếp nhận tốt hơn.
 
Sau khóa học, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn và các đơn vị sẽ thực hiện đánh giá chất lượng các bài viết, chuyên đề của PV trong khu vực, từ đó rút kinh nghiệm để các lớp bồi dưỡng tiếp theo đạt hiệu quả hơn.
 
Trưởng CQTT Kiên Giang Lê Huy Hải: Những kiến thức cơ bản về các vấn đề pháp lý khi thực hiện các bài điều tra, nhằm phòng tránh và hạn chế những rủi ro nghề nghiệp, rất bổ ích với PV. Đặc biệt, các câu chuyện nghề với dẫn chứng, minh họa từ thực tiễn làm báo của các đồng nghiệp trong và ngoài ngành là những bài học giá trị, có sức thuyết phục.
Trưởng CQTT Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu: PV được trang bị sớm kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề, phóng sự điều tra sẽ có cái nhìn tổng thể khi thực hiện bài viết và cách thể hiện phù hợp. Những cách thức khai thác thông tin, phát hiện chủ đề, viết bài đáp ứng yêu cầu của ngành cũng như của các ban biên tập, tòa soạn được chia sẻ là công cụ hữu dụng với PV trong quá trình tác nghiệp
Phóng viên CQTT Đồng Tháp Phan Thị Ngọc Chương Đài: Kỹ năng livestream trong thời buổi cạnh tranh thông tin, nhất là mạng xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, với PV các CQTT hiện tác nghiệp độc lập cùng lúc nhiều loại hình báo chí, để thực hiện nhuần nhuyễn kỹ năng này cần có sự cố gắng và thời gian rèn luyện qua các sự kiện.

 

Quang Hùng
Nội san thông tấn số 11/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nâng cao kỹ năng chụp ảnh báo chí cho phóng viên CQTT khu vực phía Nam (05/07/2018 15:13:49)

Thích ứng với xu thế báo chí trong kỷ nguyên số (02/04/2018 17:17:46)

Tập huấn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 2018 (22/02/2018 16:46:48)

Bản quyền trong lĩnh vực báo chí xuất bản (15/01/2018 10:38:00)

Khóa bồi dưỡng Trưởng cơ quan thường trú phía Nam: Thiết thực và hiệu quả (01/12/2017 15:56:25)

Nâng cao kỹ năng "gác cổng" thông tin (01/11/2017 15:27:50)

Tập huấn truyền thông về APEC Việt Nam 2017  (18/10/2017 11:12:31)

Tập huấn kỹ năng làm báo chí dữ liệu (05/09/2017 10:39:20)

Tập huấn kỹ năng sản xuất đồ họa chuyển động (04/08/2017 11:30:09)

Học làm truyền hình trên thiết bị di động (25/01/2017 15:53:40)