Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022): Một ngày theo chân Bác


(01/06/2022 10:10:49)

Sinh thời, nhà báo Mai Thanh Hải (1930-2016), nguyên Trưởng phân xã đặc biệt Nam khu 4, Trưởng ban biên tập tin miền Bắc (tiền thân của Ban biên tập tin Trong nước - Thông tấn xã Việt Nam) có vinh dự nhiều lần được phân công tháp tùng, làm tin về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều lần được Bác sửa tin và chỉ dạy cách làm tin, viết bài. Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu một kỷ niệm đẹp của nhà báo Mai Thanh Hải trong một chuyến công tác đúng dịp sinh nhật của Người.

Bác Hồ và cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã cùng con em trong cơ quan mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại An toàn khu Việt Bắc, tháng 5/1950

Giữa tháng 5/1958, một đêm đã khuya, tôi nhận được mấy chữ viết tay của anh Hoàng Tuấn, Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), do giao liên chạy bộ đưa đến có nội dung: “Năm giờ sáng mai, có mặt ở Cổng Đỏ, đi công tác một ngày”. Là phóng viên đặc biệt thường trực trong lĩnh vực này, tôi hiểu lệnh “Cổng Đỏ” (mật danh dùng thời kỳ 1954-1960, chỉ lối ra vào phía sau Phủ Chủ tịch, nhìn thẳng ra phố Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, thường dùng cho “khách nội bộ”) như thế có nghĩa là đi đưa tin về hoạt động của Bác Hồ.
 
Sáng hôm sau, trước Cổng Đỏ, tôi lên ngồi trong một chiếc xe ô tô Liên Xô hiệu Pobeda, chạy dẫn đầu một đoàn xe bốn chiếc. Xe vùn vụt chạy qua thị xã Hà Đông, đến Ba La Bông Đỏ thì rẽ trái, chạy ngang qua Bình Đà, qua hết địa phận Thanh Oai, qua cả Bật Bún (thôn làm bún ở xã Liên Bạt).
 
Đến nơi, mọi người lần lượt xuống xe, tôi nhanh chóng nhận ra Bác Hồ trong bộ quần áo nâu gụ, đầu đội mũ cát, có chiếc khăn tay giả làm quai mũ che kín chòm râu, đang bước xuống từ chiếc xe thứ hai. Lác đác mấy người dân ở bến ngó nghiêng nhìn đoàn khách lạ. Anh Trần Thế Uông (lúc đó là Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ty Công an tỉnh Hà Đông) quay sang định chào Bác. Bác nhanh nhẹn chỉ tay sang anh Nguyễn Lương Bằng vừa trên xe bước xuống: “Phái đoàn hôm nay có ông Bằng làm trưởng đoàn”. Anh Bằng rướn người ra phía trước, bắt tay anh Uông: “Phải rồi! Tôi là trưởng đoàn đây, các đồng chí có cần bàn bạc gì thêm không?”.
 
Hiểu ý trưởng đoàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Đông và cả đoàn xuống một con thuyền lớn bằng gỗ đã chờ sẵn ở bến. Con thuyền lặng lẽ lượn theo dòng suối đi vào hướng Đền Trình. Bác bỏ mũ, bỏ khăn ra, ngồi ở cửa khoang phía trước, ngắm cảnh trên bờ.
 
Lúc này, anh Nguyễn Lương Bằng mới giải thích: hôm nay là ngày 18/5, Bác muốn tránh các cuộc chúc mừng sinh nhật ở Thủ đô nên Bác bảo tôi tổ chức đi thăm một vài cảnh đẹp quanh Hà Nội. Bác không cho ai đi theo chụp ảnh, quay phim, chỉ gọi riêng một phóng viên Thông tấn xã đi viết tin để cung cấp cho báo chí trong và ngoài nước.
 
Lúc này, trong Nam, Mỹ ngụy thẳng tay đàn áp đồng bào, đồng chí ta. Ngoài Bắc đang nhộn nhạo chuyện chỉnh đốn tổ chức và sửa sai. Vì thế, việc đi thăm chùa Hương lúc này phải được đưa hết sức tinh tế trong không khí đầy nhạy cảm.
 
Phía đầu mũi thuyền, anh Uông chào Bác xong, đã báo cáo công việc bảo vệ chuyến đi. Anh quay ra vẫy một anh mặc quần áo bộ đội ngồi ở mũi thuyền vào khoang và giới thiệu:
 
- Dạ, thưa Bác, đây là đồng chí Sửu, cán bộ xã. Đồng chí Sửu sẽ báo cáo với Bác và đoàn về chùa Hương ạ.
 
Anh Sửu có vẻ như mới ở bộ đội chuyển ngành ra, luống cuống đứng lom khom trước cửa khoang, tay giơ lên ngang mày:
 
- Dạ, dạ, xin báo.... báo cáo cụ Chủ tịch Hồ... Hồ Chủ tịch...
 
Bác Hồ đưa tay ra kéo anh Sửu ngồi xuống sạp thuyền, ôn tồn nói:
 
- Hôm nay là ngày xuân, bác cháu mình đi xem phong cảnh. Chú cứ ngồi xuống đây với Bác, biết đâu nói đấy, thủng thẳng nói chuyện dần.
 
Anh Sửu dần trở lại bình tĩnh, báo cáo lịch sử chùa Hương. Bác ngồi nghe chăm chú. Đến lúc thuyền lướt qua Đền Trình, Bác cất lời, hỏi vui:
 
- Đền Trình à? Thế đoàn ta đi thẳng, không rẽ lên trình diện à?
 
Anh Sửu lúng túng, chưa nghĩ ra xem nên trả lời thế nào (vì kế hoạch đi giữ bí mật, không có cái “mục” lên Đền Trình), anh Uông vội đỡ lời:
 
- Dạ, thưa Bác, hôm qua, Tỉnh đã thay mặt đoàn, trình trước rồi ạ!
 
Cả thuyền cười ồ lên, thông cảm với lời đáp dí dỏm của ông Trưởng Ty Công an nổi tiếng là nguyên tắc này. Bác cũng vui vẻ cười, rồi kéo tay anh Sửu:
 
 - Thôi thế là được rồi. Bây giờ, cháu kể cho Bác nghe những ngày đêm vừa qua, bà con các thôn xóm mình đã hết nhộn nhạo chưa, có còn những vụ đánh nhau, chửi nhau đông người không, cán bộ đảng viên đã gương mẫu đứng ra thu xếp để gia đình, họ hàng, làng xóm mình đoàn kết lại, lo toan công việc đồng áng chưa?
 
Anh Sửu báo cáo xong cũng là lúc thuyền cập bến. Mọi người kéo nhau vào chùa Thiên Trù. Đường vào đầy cỏ lách, rêu phong. Bác quay lại hỏi các cán bộ đi trong đoàn, có ai thuộc bài phú nổi tiếng của Chu Mạnh Trinh không. Một cán bộ Tuyên huấn của Tỉnh giơ cao tay, và thế là anh ấy dõng dạc đọc:
 
“Bầu trời cảnh bụt
 
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
 
Kìa non non, nước nước, mây mây
 
‘Đệ nhất động’, hỏi rằng đây có phải
 
Thỏ thẻ rừng mai chim cung trái
 
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh...”
 
Bác đứng yên lắng nghe. Chúng tôi thấy rõ Bác rất xúc động trước thiên nhiên cuốn hút của Chùa Hương, đúng như lời văn bay bổng mà chải chuốt của bài phú. Sau đó, Bác đi dạo ngắm nhìn tầng trên lớp dưới của chùa Thiên Trù. Bác bảo với anh Bằng và anh Uông:
 
- Thiên Trù là “bếp nhà trời”, không nên để hương lạnh khói tàn thế này. Các chú về bàn với Tỉnh uỷ, dành thời gian vạch ra kế hoạch, trình với Chính phủ xin khôi phục lại Thiên Trù và cả khu chùa Hương nhé! Làm sớm việc này, lòng dân sẽ phấn chấn, nông thôn sẽ ổn định, việc này ta nên làm khẩn trương ngang với sửa sai và chống đối nhé!
 
Thăm cảnh đẹp động Hương Tích xong, cả đoàn kéo nhau ra cửa động, anh em phục vụ đã trải mấy chiếc bạt, giữa bãi tãi ra mấy tấm lá chuối to tướng, mọi người ngồi quây quần thành nhiều mâm cùng ăn cơm nắm với tép rang và muối vừng. Ăn xong, Bác gọi chúng tôi lại nói chuyện thân mật. Bác nói đại ý: Chùa Hương là nơi cảnh đẹp, ta phải biết quý trọng mà gìn giữ, vun đắp cho con cháu mình được thưởng thức, thêm yêu đất nước, giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được sống yêu thương, no ấm và lành mạnh... Tất nhiên là ta cần xây lại chùa, cần trồng thêm nhiều cây cho mát, nhưng quan trọng hơn hết là xây dựng đạo đức sống với nhau đoàn kết, thuận hòa, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và cho mọi người xung quanh mình.
 
Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, Vĩnh Phúc, ngày 30/3/1958

Nắng ngả về chiều, đường trở ra, thuyền có vẻ như trôi đi nhanh hơn. Dòng suối Yến lấp lánh ánh nắng như muôn hạt ngọc chiếu hắt từ đáy nước lên. Bác Hồ đứng ngoài sạp cửa thuyền, ngắm cảnh mây nước xa gần. Không gian đang tĩnh lặng thì từ phía dưới dòng, một con đò nhỏ chèo ngược lên, nhanh chóng ép sát mạn thuyền chúng tôi đang ngồi, một thanh niên nhanh nhẹn nhẩy sang, đi vội đến gặp anh Uông, nét mặt có vẻ lo ngại. Anh Uông thì thầm với anh thanh niên kia xong thì len vào ngồi cạnh anh Bằng và nói nhỏ:
 
- Thưa anh, kế hoạch đi từ sáng đến giờ là hoàn toàn bí mật, thế mà không biết bị lộ từ khâu nào, anh em bên ngoài chạy vào báo cáo, hàng nghìn dân đã tụ tập từ buổi trưa ở Bến Đục để đón Bác...
 
- Nhân dân đón chào Bác thì tốt thôi chứ có sao đâu...
 
- Nhưng, thưa anh, tình hình lúc này các thôn xóm đều đang nhộn nhạo sửa sai, chưa thể nói hết được mọi sự bất trắc, lỡ có lẫn kẻ xấu trong đám đông... Đề nghị anh cho chuyển Cụ sang một chiếc thuyền nhỏ và thuyền này đi vòng lối sau, còn đoàn cứ đi thuyền lớn vào bến trước.
 
- Không nên! Bác vẫn ở thuyền này, các anh thu xếp bảo vệ Bác. Nhân dân vui mừng chờ đón lãnh tụ, khí thế lành mạnh thì có gì đâu mà phải lo ngại...
 
Quả đúng như “tin tình báo” của anh Uông, khi còn cách Bến Đục vài trăm mét, chúng tôi đã thấy trên bờ đông nghịt người. Thuyền gần tới bến, các cụ bà, cụ ông vẫy nón, vẫy khăn rối rít, còn đám thanh niên mạnh chân khỏe tay thì đua nhau rào rào chạy hướng con thuyền đang dần cập bến. Chúng tôi nghe mỗi lúc một mạnh hơn tiếng hô rền vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”.
 
Lúc này, Bác tươi cười, giơ tay vẫy chào nhân dân. Trên bến, các cháu thiếu nhi đang nhảy lên rối rít, không ca hát, không hô khẩu hiệu gì, mà chỉ vang rền một tiếng reo thật lớn, kéo dài: “A! A! A! A!...”. Anh Uông hỏi Bác: “Thưa Bác, thuyền ghé lùi lên phía trên kia được không ạ”. Bác cười, chỉ thẳng vào chỗ các cháu bé đang nhảy lên reo mừng:
 
- Cho vào chỗ này! Cho vào chỗ các cháu bé này này...
 
Quả là “chuyến đổ bộ” của đoàn lên bờ rất vất vả. Nhân dân già trẻ, lớn bé xô đẩy nhau, trèo lên cây, lên mái nhà, hoa chân múa tay để tỏ hết nỗi mừng vui tràn ngập xóm thôn. Bác chỉ cười và vẫy chào, chốc chốc lại nắm lấy bàn tay mấy cụ, mấy cháu đứng sát lối đi. Anh em bảo vệ toát mồ hôi, vất vả mở một lối đi nhỏ để Bác Hồ và đoàn nhích lên từng bước một. Nhiều cụ già sung sướng hét vào tai nhau: “Cụ đấy! Cụ mặc quần áo nâu kìa! Đấy! Cụ đấy! Cụ Hồ muôn năm! Cụ Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn muôn năm!”.
 
Đoàn xe về tới Hà Nội thì trời đã tối mịt. Dừng lại xe trước cổng, Bác xuống xe, bước nhanh trên vỉa hè, tươi cười bắt tay anh Uông rất chặt: “Bác cảm ơn chú, cảm ơn Tỉnh đã thu xếp cho Bác một ngày đi thăm cảnh đẹp đất nước, thu được kết quả rất tốt đẹp”.
 
Đợi Bác lên xe, vào cổng rồi, anh Uông quay lại bồi hồi nói với chúng tôi: “Không phải chỉ toát mồ hôi như anh Bằng nói thôi đâu, mình đến mấy lần đầm đìa mồ hôi từ đỉnh đầu đến từng ngón chân. Nhưng một ngày đi công tác theo Bác như thế này, được học hỏi bằng bao nhiêu lớp huấn luyện đấy, các anh ạ!”
 
(Tư liệu Nội san Thông tấn)
 

Mai Thanh Hải
Nội san Thông tấn số 5/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Các CQTT hoạt động hiệu quả, tạo sức mạnh cho toàn ngành (01/06/2022 09:15:50)

Hướng tới Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN nhiệm kỳ 2022-2027: Đã có 22/25 chi đoàn và đoàn cơ sở tổ chức đại hội  (01/06/2022 09:12:33)

Hội cựu chiến binh TTXVN viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (30/05/2022 16:33:42)

Liên chi hội nhà báo nhận Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (26/05/2022 13:03:38)

Hãng thông tấn Campuchia học tập kinh nghiệm tổ chức thông tin SEA Games 31 của TTXVN (24/05/2022 14:36:47)

SEA Games 31: Hãng thông tấn Malaysia đánh giá tích cực về trang SEA Games 31 của TTXVN  (18/05/2022 15:35:36)

Phóng viên TTXVN tại SEA Games 31 (17/05/2022 11:41:38)

SEA Games 31: Khai mạc trưng bày ảnh “Khát vọng chiến thắng” (10/05/2022 15:40:26)

Hướng tới Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN (nhiệm kỳ 2022-2027): Tuổi trẻ các CQTT khu vực phía Bắc phát huy tính chủ động và sáng tạo trong chuyên môn (09/05/2022 09:57:06)

SEA Games 31: TTXVN ra mắt trang thông tin chuyên biệt về SEA Games 31 (04/05/2022 17:01:27)