Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Xí nghiệp In TTXVN : Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy...


(01/10/2012 11:16:49)

Có thâm niên vài chục năm công tác ở đơn vị in TTXVN, trong đó nhiều năm giữ cương vị Phó Giám đốc xí nghiệp, tác giả Nguyễn Văn Triệu ăm ắp tình cảm và rất nhiều kỷ niệm về một thời "vạn sự khởi đầu nan" để ôn lại cùng bạn đọc Nội san Thông tấn vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Xí nghiệp In - tiền thân của Công ty TNHH một thành viên In-Thương mại TTXVN.

Với ý đồ nâng cấp khả năng in ấn và sản xuất ảnh của TTXVN, được sự hỗ trợ của hãng KYODO Nhật Bản, năm 1976 cơ quan đã tổ chức một đoàn do ông Đỗ Phượng (lúc đó là Phó Tổng biên tập TTXVN) dẫn đầu, hai thành viên là ông Nguyễn Văn Triệu, Xưởng phó xưởng In và ông Hồng (lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp ảnh 3 tại TP. HCM) sang Nhật làm việc, kết hợp khảo sát kỹ thuật.

Đúng là thời gian trôi nhanh thật. Thoáng cái, Xí nghiệp In đã bước vào tuổi ba mươi; còn nếu tính từ khi nó bắt đầu hình thành và cho ra ấn phẩm đầu tiên thì đã là trên bốn mươi năm. Đối với tôi, thời gian làm việc ở Xí nghiệp In là "những năm tháng không thể nào quên".

Thành lập xưởng in selen

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, sản phẩm chính của VNTTX là ảnh và các bản tin. Vậy bản tin được in ra như thế nào? Ban đầu, các bản tin in bằng máy in roneo quay tay, có lẽ đã được dùng từ thời kỳ chống Pháp. Chất lượng các bản tin rất kém. Mỗi lần in không khác gì đánh vật.

Trước tình hình đó, Bộ Biên tập đã cho nhập về một số máy in cỡ nhỏ của Tiệp Khắc (cũ) và máy chụp để chế ra bản in trên khuôn nhôm theo phương pháp tĩnh điện selen, quen gọi là máy in selen. Từ đó, tổ in selen được thành lập với 2 máy chụp selen và 4 máy in offset cỡ nhỏ, nhân lực chỉ có hơn chục người và trực thuộc Phòng Kỹ thuật do ông Lương Văn Hóa phụ trách. Lúc này, do kỹ thuật chưa ổn định, tổ mới in thử các bản tin.

Công nhân bộ phận thành phẩm, Công ty In - Thương mại, vận hành máy đóng ghim

Được sự giúp đỡ của TTX Ba Lan (PAP), cơ quan cử một số cán bộ sang Ba Lan để học thêm về máy chụp selen. Khoảng năm 1974 - 1975, sau khi tăng cường thêm đội ngũ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, các bản tin chính thức được in ra từ dây chuyền in selen này, chất lượng được cải thiện đáng kể, đẹp hơn, rõ hơn, bản tin được gấp lại như một quyển vở mỏng khổ 19x26cm, có măng sét in màu. Sau khi VNTTX có hệ thống in này, hầu như tất cả các bộ, ngành trong nước đều thành lập một xưởng in nhỏ để in các bản tin nội bộ và phục vụ các nhu cầu khác. Các kỹ sư, thợ sửa chữa máy in, chụp và thợ in giỏi của TTX được dịp phô diễn kỹ thuật ở nhiều xưởng kiểu này.

Tuy nhiên, chế bản bằng máy chụp selen vẫn có nhiều nhược điểm: Không chụp được ảnh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chất lượng in không ổn định. Các máy in của Tiệp Khắc độ bền lại kém, nên đội ngũ cán bộ kỹ thuật in của cơ quan ta đã phải vượt qua nhiều khó khăn và từ đó, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị, được tất cả các cơ sở in ở Hà Nội áp dụng. Dưới đây là một vài sáng kiến:

- Máy chụp chế bản in của Ba Lan chỉ dùng cho khổ in A4, trong khi máy in Tiệp Khắc thì lại là khổ gấp đôi. Ban đầu, anh em phải lấy tấm khuôn in nhôm cắt đôi, chế bản từng nửa một, khi in lại phải dùng đúng hai nửa này, lắp lại thật chuẩn vào máy in để in ra cùng lúc hai nửa. Như vậy vừa tốn nhiều công sức, lại rất hay bị lắp sai trang in, in ngược... ngoài ra còn rất hại máy. Chúng tôi đã cải tiến như sau: Cắt bỏ phần khung hạn chế cự ly của tờ khuôn in ở máy chụp selen, đưa nguyên cả tấm nhôm vào, chụp hai lần ở hai bên của tấm khuôn nhôm. Vậy là khuôn in nguyên khổ, chỉ việc lắp vào máy in ra hai trang tin, đỡ nhiều công sức và tránh nhầm lẫn, lãng phí.

     - Tấm khuôn in là tấm nhôm, trước đây chỉ dùng một lần một mặt, xong bỏ đi. Nhưng đây là vật tư phải nhập từ Tiệp Khắc, giá đắt, cho nên dùng một lần thôi thì lãng phí quá lớn.Chúng tôi quyết tâm tìm cách sử dụng lại tấm khuôn in nhôm này. Sau nhiều lần thí nghiệm, chúng tôi đã thành công, tẩy được lớp mực tạo thành phần tử in trên khuôn và đưa vào sử dụng lại. Chưa hết, chúng tôi còn thành công trong việc sử dụng cả mặt sau của tấm khuôn in. Như vậy từ việc sử dụng một lần, tấm khuôn in được sử dụng 4 lần hoặc nhiều hơn nữa, tiết kiệm rất nhiều cho Nhà nước. Việc sử dụng nhiều lần này còn tạo cho nhiều người trong cơ quan có thêm việc làm tăng thu nhập từ tẩy khuôn in. Với những sáng kiến này, trong hội nghị toàn quốc về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ kỹ thuật được nhận giải cao và phần thưởng là một chiếc quạt cây trị giá 600 đồng.

Bước tiếp theo của quá trình thành lập Xí nghiệp là việc sáp nhập bộ phận in roneo và phát hành, lúc đó do bà Mùi phụ trách, vào bộ phận in selen. Sau khi tăng cường thêm một số máy móc và mở rộng mặt bằng, cơ quan quyết định nâng cấp bộ phận in selen thành "xưởng in" vẫn trực thuộc Cục Kỹ thuật thông tấn do ông Lương Văn Hóa là Cục trưởng, ông Trần Quang Phong là Xưởng trưởng, còn tôi là Xưởng phó. Đó là khoảng giữa năm 1976. 

Dây chuyền in báo tại Công ty TNHH một thành viên In và Thương mại TTXVN

Bước ngoặt lớn - in bản tin phục vụ Đại hội IV

Với quyết tâm ra được bản tin "Ảnh thời sự" vào dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (cuối năm 1976), trước đó Bộ Biên tập đã cho phép tăng cường trang thiết bị và đổi mới công nghệ cho xưởng in.

Để thực hiện việc này, ông Phong và tôi được cử vào TP. Hồ Chí Minh, vừa phối hợp với anh em trong đó tìm kiếm các thiết bị, vừa học tập công nghệ tại nhà in Trần Phú. Khi đã có được một số máy, cơ quan điều hai xe tải lớn từ Hà Nội vào để chở ra. Việc này không dễ dàng một chút nào. Lúc đó mới giải phóng, trên quốc lộ 1 có rất nhiều trạm kiểm soát. Để tránh phiền phức, chúng tôi phải xin giấy phép đặc biệt.

Khi ra đến Hà Nội, cả xưởng in tập trung toàn bộ nhân lực vào công việc vì chỉ còn chưa đầy một tháng là phải ra bản tin đầu tiên. Khó khăn phát sinh trong mọi khâu, từ lắp ráp máy, chạy thử và đào tạo công nhân vận hành thử máy, làm ra sản phẩm. Tiếp theo là tính toán công nghệ ghép các khâu thành một dây chuyền chế bản ảnh và làm ra khuôn in để lắp ráp vào máy in hiện có. Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng chúng tôi phải làm nhiều việc có thể nói là khó tin, để khắc phục những khiếm khuyết của dây chuyền chắp vá này. Ví như không có máy để tạo ra các dòng chữ tít to, anh em cắt ghép chữ trong tít của các báo Nhân Dân, Hà Nội mới để dán thành nội dung mình cần, sau đó chụp, sửa bằng tay nhiều lần để có được tít như ý.

Chúng tôi cũng tự chế ra lớp cảm quang để tráng lên bản khuôn in selen tạo thành khuôn in để in ảnh. Mày mò mãi mới thành công.

Vì máy in khổ nhỏ, chỉ in được tờ báo bằng nửa yêu cầu, chúng tôi gấp đôi tờ giấy trắng lại, in hai mặt ngoài xong lại phải gấp lật giấy lại để in hai trang còn trắng để ra được tờ báo có khổ gấp đôi khổ máy. Đây là cách làm có lẽ chưa từng có trong lịch sử ngành in.

Khi mà các khâu sản xuất bản tin hàng ngày vẫn phải hoạt động bình thường, để in thử ra được một tờ báo, hầu hết anh em cán bộ, kỹ sư và công nhân xưởng in chúng tôi đã phải có mặt tại xưởng cả tháng liền. Ông Lương Văn Hóa lúc đó đã có tuổi, ngoài việc chỉ đạo ban ngày, buổi tối ông còn đến ngủ tại phòng làm việc, ban đêm thỉnh thoảng lại xuống xưởng xem xét và kiểm tra. Riêng tôi, đúng thời gian đó đón đứa con đầu lòng (giữa tháng 11/1976), vì không thể rời cơ quan, tôi phải nhờ người nhà đưa vợ đi sinh. Rất may vợ tôi là người cùng cơ quan nên hiểu và thông cảm với công việc của chồng.

Cuối cùng, nỗ lực cả về sức lực và trí tuệ của cả tập thể đã được đền đáp. Đúng ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tờ "Ảnh thời sự" đầu tiên của TTXVN ra đời. Đều đặn hàng ngày, Giám đốc Đào Tùng (đại biểu dự Đại hội) mang những tờ tin này tặng Đại hội.

In tin nhanh Espana 82, rồi thành lập xí nghiệp

Khi TTXVN có thêm các thiết bị có khả năng thu nhanh được các bản tin thời sự và ảnh của các hãng thông tấn quốc tế, sau khi xem xét khả năng của xưởng in, Ban lãnh đạo cơ quan quyết định ra bản tin nhanh Espana 82.

Khó khăn duy nhất lúc ấy là vấn đề thời gian. Các trận đấu thường kết thúc vào lúc rạng sáng, nếu bị kéo dài có thể gần 7 giờ sáng mới xong. Sau đó các bản tin telex mới được dịch, biên tập lại để đưa đến xưởng in. Vậy thì mấy giờ mới phát hành? Bàn bạc thảo luận cụ thể với ban biên tập và thống nhất giờ đưa tin giờ chót đến xưởng in, chúng tôi cam kết ra bản tin lúc 8 giờ sáng. Riêng vòng loại chưa có các trận phải đá thêm giờ, sẽ ra được sớm hơn. Đó là thời điểm phù hợp với giờ đi làm của cán bộ, viên chức.

Chúng tôi bố trí máy in, tạo thành dây chuyền OTK, kiểm đếm, gấp xếp và đi thẳng ra ba cửa sổ phía đường Lê Thánh Tông để bán. Những trận vòng bảng, vì thời gian ổn định nên 6giờ30 sáng chúng tôi đã có những tờ tin đầu tiên xuất xưởng. Vào giờ này, trụ sở TTXVN phía đường Lê Thánh Tông chật kín người dừng lại mua tin. Nhiều độc giả, khi nhìn qua cửa sổ xưởng In, thấy tờ tin nhanh từ các máy in đến thẳng tay họ, đã thốt lên: Đúng là tin "tươi", báo nóng!

Tôi muốn nói thêm là thời đó, chúng tôi làm việc như thế mà không hề đòi hỏi thù lao. Cả đợt in "Ảnh thời sự" và "Espana 82", chúng tôi chỉ được bồi dưỡng ăn tại chỗ, không có khoản làm thêm nào.

 Sau thắng lợi của lần in tin nhanh bóng đá đầu tiên này, Bộ Biên tập quyết định chuyển đổi và nâng cấp tờ tin này, mở rộng thêm mảng văn hóa và cho ra đời tờ tin Văn hóa - Thể thao, sau đổi thành báo Thể thao&Văn hóa hiện nay.

Để đáp ứng nhiệm vụ mới, Bộ Biên tập cũng quyết định nâng cấp xưởng in, thành lập Xí nghiệp in I TTXVN, hạch toán độc lập. Không có, dù là một buổi lễ nhỏ, để công bố sự kiện này. Ông Phong lên nhận quyết định về phát cho từng người, vậy là xong. Ông Phong là Giám đốc xí nghiệp, tôi là Phó Giám đốc kiêm Quản đốc phân xưởng In. Từ đây, ngoài các bản tin, xí nghiệp đảm nhận in nhiều tờ báo khác của cơ quan, ngoài ra còn nhận in thêm nhiều ấn phẩm ngoài ngành để tận dụng năng lực của thiết bị và đội ngũ kỹ thuật, công nhân, lúc này đã có tay nghề vững vàng. Do vậy, đời sống của cán bộ công nhân viên xí nghiệp được cải thiện nhiều. Xí nghiệp cũng từng bước mở mang, phát triển. 

Nguyễn Văn Triệu
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Có một tình yêu lớn với Việt Nam và Chủ Tịch Hồ Chí Minh (01/10/2012 11:05:43)

Vẻ vang Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ! (01/10/2012 10:44:48)

Tâm sự người đi trước (01/10/2012 10:30:44)

Kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập TTXGP Trung Trung bộ: Hơn nửa thế kỷ cho dòng tin chảy mãi (01/10/2012 10:13:27)

Công đoàn TTXVN tập huấn công tác kiểm tra, tài chính (29/08/2012 15:57:45)

Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN tặng quà tại 18 tỉnh thành (29/08/2012 15:55:42)

Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương năm ( khóa XI) (29/08/2012 15:50:43)

TTXVN và tỉnh Quảng Ninh hợp tác về truyền thông (29/08/2012 15:48:19)

TTXVN và MONTSAME tăng cường hợp tác (29/08/2012 15:45:29)

Hội Cựu chiến binh TTXVN nêu cao truyền thống " Bộ đội Cụ Hồ" (29/08/2012 14:45:45)