Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Kỷ niệm 35 năm Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng (1979 -2014): Đoàn quân thông tấn cũng "xung trận"


(10/02/2014 16:24:29)

“Ðón xuân dưới tháp Ăngco/ Vẳng nghe tha thiết điệu hò quê hương/ Ta đi khắp nẻo chiến trường/ Tình quê sâu lắng, niềm thương dạt dào...”. Ðó là những câu thơ mà nhà báo thông tấn Nguyễn Ðình Cao đã cảm tác khi làm nhiệm vụ đặc biệt trên đất bạn Campuchia, vào một dịp tết cách đây 35 năm - tết Kỷ Mùi 1979.

 

“... nước Việt Nam hòa bình, thống nhất chưa tròn 2 năm, một số phóng viên tin, ảnh TTXVN lại trở lại nghiệp vụ phóng viên chiến tranh ở ngay biên giới Tây Nam” - đồng chí Ðỗ Phượng, nguyên Ủy viên TƯ Ðảng, nguyên Trưởng đoàn công tác S.78 gồm các chuyên gia TTXVN sang giúp hãng thông tấn SPK (Campuchia), hồi tưởng.
Nhiều đợt công tác gối nhau trong 10 năm (từ năm 1978 đến cuối 1988), tổng cộng khoảng 200 người con thông tấn (bao gồm cả lãnh đạo, PV, BTV, cán bộ, kỹ sư, công nhân, lái xe) đã lên đường làm nhiệm vụ cao cả: Giúp SPK đào tạo nhân lực, làm công tác thông tin, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật...
 
Những lớp học dồn dập
“Tối mùng 2 tết, chúng tôi được cấp một ít xương và thịt bò mang hầm lên, nhưng muối thì quên không bỏ, lại bỏ nhầm mấy viên ký ninh chống sốt rét...”. Món thịt bò hầm đặc biệt ấy là một chi tiết vui trong ký ức của ông Trương Ðức Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, về những lớp học với mật độ dày đặc vào dịp đầu năm 1979, để giúp hãng thông tấn Campuchia SPK.
Ông kể lại: Tôi được phân công cùng các anh Phan Thành Nghiêm (Trưởng tiểu ban tin Văn xã), Trần Sơn (phóng viên Ban BT Ảnh), sau này có thêm anh Nguyễn Huy Hoàng, làm nhiệm vụ đào tạo PV cho bạn. Lớp đầu tiên gần chục học viên, chuyên về ảnh, đào tạo cấp tốc (không học lý thuyết, làm quen với máy ảnh rồi đi chụp luôn) trong mấy ngày để kịp sang Phnom Penh phục vụ cho buổi lễ ngày 25/01/1979 mừng thắng lợi của nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn Khmer Ðỏ.
Trong số các cán bộ, công nhân viên TTXVN sang giúp TTX SPK, hai người đã ngã xuống trên đất bạn: Ðồng chí Nguyễn Năng Phát, cán bộ kỹ thuật, hy sinh ngày 11/7/1979. Ðồng chí Nguyễn Ðình Thủy, cũng là cán bộ kỹ thuật, hy sinh ngày 11/02/1982.
Ngay sau đó là lớp PV khóa 1 SPK với hơn 40 học viên, trình độ khác nhau, tuổi tác chênh lệch, có em mới 14 tuổi. “Thầy” Trương Ðức Anh nhớ mãi việc ban phụ trách lớp phải vừa “dạy” vừa “dỗ” các em, về chương trình riêng xây dựng cho lớp - chỉ tập trung làm tin và chụp ảnh thời sự, chú trọng thực hành, về việc gần 2 giờ sáng nhận điện thoại của công an một quận ở TP. Hồ Chí Minh gọi lên nhận người - một học trò Campuchia đi chơi rồi quên đường về, cứ đứng giữa đường mà khóc... Kết thúc chương trình đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh, các thầy TTXVN còn đưa học trò SPK 1 sang Phnom Penh và ông Trương Ðức Anh tiếp tục ở lại, làm công tác đào tạo, bồi dưỡng PV cho bạn thêm mấy tháng nữa.
Sau này, TTXVN còn mở thêm các lớp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đào tạo cán bộ kỹ thuật, PV tin, ảnh cho SPK với rất nhiều nhà báo tên tuổi tham gia: Nguyễn Ðức Giáp, Vũ Ðảo, Nguyễn Tử Nên, Phan Tuệ Oanh, Ðoàn Thanh, Tạ Quang Tuyến, Ðặng Kiên, Dương Hồng Tư... Nhiếp ảnh gia Ðinh Quang Thành có thời chuyển nghề làm giáo viên, chính là để hỗ trợ cho SPK. Ông đạt kết quả tốt với một lớp 18 học viên ở TP. Hồ Chí Minh nên được lãnh đạo ngành phân công tiếp tục đảm nhiệm một lớp dài hạn nữa ở Phnom Penh vào thời kỳ 1982- 1983, rồi lại tham gia một lớp nữa năm 1988.
 
 
Trưởng đoàn chuyên gia Ðỗ Phượng và Phó Tổng giám đốc SPK Y Lon (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia kỹ thuật Cù Yển Vũ, Nguyễn Ðức Nam... kiểm tra nhân viên SPK đánh moóc
Vừa làm thông tin, vừa “cầm tay chỉ việc”Khi SPK phải bắt đầu từ con số 0 (viết về ngày đầu đặt chân đến Phnom Penh, không hẹn mà gặp, nhiều nhà báo thông tấn đều dùng cụm từ “thành phố chết”) thì buổi đầu, một số PV tin, ảnh, lái xe (Vũ Xuân Bân, Hoàng Văn Sắc, Trần Mai Hưởng, Vũ Duy Thông, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Ðăng Chiến, Phạm Nhật Nam, Bùi Lương Duyên...) của TTXVN, với những cái tên Campuchia, đã lên đường, đi làm tin, chụp ảnh về các vùng giải phóng của bạn. Về sau, theo lời ông Ðỗ Phượng, khi “guồng máy của SPK khởi động tốt” thì “tuy còn phải giúp bạn nhiều việc nhưng không còn tình trạng làm thay bạn”...
Sau này, ôn lại chuyện cũ, trong cuốn sách “Những năm tháng ở Campuchia” (NXB Thông tấn- 2009) có “dòng thác” kỷ niệm của các PV chiến trường Campuchia. Trong đó, có những câu chuyện sinh động về “một thời gian khó” của nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Uy, có những “kỷ niệm không thể nào quên” của nguyên Trưởng Ban BT Ảnh Phạm Tiến Dũng, có những chặng đường gian nan của lái xe Bùi Lương Duyên hay câu chuyện đậm màu tình cảm về một chiều ba mươi tết của nữ nhà báo Phạm Mỵ... Trong ký ức của “đoàn quân thông tấn” in dấu cả “ấn tượng hãi hùng khi nhìn thấy tận mắt những đống xương sọ người chất cao hàng mét”, lẫn sự thương cảm dâng trào trước cảnh ngộ đau lòng của những người Campuchia sống sót, những lần lặn lội giữa hiểm nguy để làm tin, chụp ảnh... Có chuyện kể về những bữa ăn với đu đủ kho muối hay bí, cá khô nhưng cũng có những cuộc liên hoan “tiết canh, lòng xe điếu”. Rồi chuyện về “nhóm mất tích” của Nguyễn Ðăng Chiến làm lãnh đạo ngành và đồng chí, đồng nghiệp lo âu...
Mỗi người một khía cạnh, một “góc trời riêng”, nhưng tất cả những câu chuyện muôn vẻ ấy đều “hòa giọng” khẳng định: Các nhà báo thông tấn đã không quản gian nguy, hết lòng vì “người bạn” SPK với tinh thần quốc tế cao cả.
 
Bên cạnh việc giúp bạn công tác thông tin, đào tạo nhân lực, TTXVN còn tư vấn về tổ chức cán bộ, hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thông tấn (ngay sau ngày giải phóng Phnom Penh, đồng chí Trương Việt Cường dẫn đầu nhóm kỹ sư vô tuyến, cơ khí, điện, điện báo... sang giúp SPK, sau đó nhiều cán bộ, kỹ sư sang tăng cường, hàng chục tấn thiết bị của TTXVN được đưa sang đất bạn...). Có thể nói, với phương châm “giúp bạn cũng là giúp mình” TTXVN đã không tiếc nhân lực, công sức, máy móc... góp phần không nhỏ trong sự trưởng thành của TTX Campuchia SPK (nay là AKP).

         

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ðảng ủy TTXVN: Lãnh đạo toàn ngành tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thông tin  (10/02/2014 15:58:05)

Hội nghị tổng kết công tác toàn ngành:Hứa hẹn những bước tiến mới trong năm 2014 (10/02/2014 15:50:11)

10 sự kiện nổi bật của Thông tấn xã Việt Nam năm 2013. (Do Nội san Thông tấn bình chọn) (10/02/2014 15:41:40)

Thư chúc Tết của Tổng Giám đốc TTXVN (10/02/2014 14:41:01)

Tổng kiểm tra sức khỏe cán bộ công nhân viên toàn ngành: Nhiều người có bệnh mãn tính (30/12/2013 15:46:58)

5 cơ quan thường trú trọng điểm sắp ra đời (30/12/2013 15:43:06)

Bồi dưỡng nghiệp vụ viết bình luận cho PV, BTV các đơn vị thông tin (30/12/2013 15:41:39)

TTXVN và Kyodo tổ chức triển lãm ảnh tại Nhật Bản (30/12/2013 15:39:04)

Trao tặng Kỷ niệm chương cựu chiến binh VN cho các cựu chiến binh thông tấn (30/12/2013 15:37:48)

TTXVN hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (30/12/2013 15:35:27)