Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2021): Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu - Tự hào là người của TTXVN


(28/10/2021 19:48:30)

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (1944-2021) thuộc thế hệ tiền bối của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) vừa qua đời tại quê hương Bình Dương ngày 29/9/2021, hưởng thọ 77 tuổi. “Lúc nào tôi cũng nghĩ và tự hào mình là người của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)”, ông không giấu được niềm hạnh phúc mỗi khi nhắc tới điều đó, dẫu rằng ông đã chuyển công tác khỏi TTXVN từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu đến thăm các đồng đội, đồng nghiệp phân xã Nam Tây Nguyên đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Dương, ngày 7/3/2014

Bên dòng Đồng Nai hiền hòa
 
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Tân Phước Khánh, Tân Uyên (Bình Dương) bên dòng sông Đồng Nai, ngay khi 15 tuổi, chàng trai Nguyễn Trung Hiếu đã gia nhập Hội học sinh, sinh viên Giải phóng tại ngôi trường mình đang theo học, tham gia cơ sở cách mạng tại xã nhà. Ba năm sau, một ngày đầu hè 1962, trong không khí sôi sục đấu tranh của nhân dân cả nước chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, Nguyễn Trung Hiếu quyết định thoát ly gia đình vào chiến khu. Tại Cứ, ông được đi học lớp vô tuyến điện, lý luận chính trị và dần bén duyên với nghề báo.
 
Là Trưởng Đài vô tuyến điện khu T6, trực tiếp có mặt tại trận địa truyền tin chiến thắng về hậu phương, rất nhiều lần Nguyễn Trung Hiếu tức anh ách khi nghe luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các đài đối phương. Sau những đêm trằn trọc không ngủ, ông quyết định chủ động liên lạc với Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), Đài Tiếng nói Việt Nam… xin mã số để chủ động viết tin, bài truyền về ngay sau mỗi trận đánh. Để tránh máy bay địch phát hiện, ông nghĩ ra cách chèn sóng để có thể phát tin mọi lúc, mọi nơi mà vẫn an toàn. Biệt hiệu “vua chèn sóng” anh em phóng viên chiến trường tặng riêng cho ông ra đời từ đấy.
 
Chỉ sau một thời gian ngắn vừa làm vừa học, chàng trai điện đài viên ngày nào đã sớm trở thành một phóng viên chiến trường của VNTTX đầy kiêu hãnh.
 
Sau những năm tháng lăn lộn khắp chiến trường miền Đông Nam bộ, năm 1972, từ “tay ngang”, ông được tín nhiệm giao trọng trách Trưởng phân xã TTXGP khu 10 - Nam Tây Nguyên. Sau giải phóng miền Nam, ông được cử làm Trưởng phân xã TTXVN tại tỉnh Sông Bé. Hai năm sau, tỉnh Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước hiện nay) đề nghị chuyển ông về làm công tác quản lý Đài phát thanh truyền hình còn non trẻ của tỉnh. Lại một trang mới mở ra với ông đầy lạ lẫm với nhiều thử thách như ngày nào và một lần nữa ông đã không phụ lòng mong đợi của những người yêu mến, tin cậy ông.
 
Hồi sinh từ đau thương
 
Bảy năm về trước, năm 2014, tiếp phóng viên Nội san Thông tấn trong căn nhà rợp bóng cây xanh ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ký ức của nhà báo Nguyễn Trung Hiếu về các đồng đội, về những chiến công của phân xã Nam Tây Nguyên lại trở về trong nỗi nghẹn ngào.
 
Ông nhớ lại, cực Nam Trung bộ là nơi gian khổ nhất miền Nam với sáu loại giặc: giặc Mỹ, giặc vắt, giặc dốc, giặc đói, giặc rách và giặc rét. Nhiều tháng trời, anh em phải ăn củ chụp, lá bép, rau rừng thay cơm. Phóng viên đều phải học đánh ma-níp, điện báo viên thì phải học làm tin, để làm sao người này hy sinh thì người kia có thể thay thế. Còn nhớ hồi tháng 10/1966, một lần vừa phát xong tin thì địch đánh vào Cứ, anh em cùng bộ đội chiến đấu với địch, diệt hàng chục tên, bắn rơi máy bay trực thăng, bảo vệ căn cứ Ðắk Siêng.
 
Hồi đó, địch có một hệ thống rà soát tín hiệu vô tuyến điện. Trong rừng, khi ta ngồi gõ máy thì ở Sài Gòn, Mỹ bật máy, phát hiện tín hiệu, lập tức khoanh vùng báo cho máy bay tới ném bom chùm tọa độ. Vì thế, với những tin quan trọng, cần phát khẩn trương, thì ngay sau khi kết thúc buổi phát tin phải nhanh chóng cuốn máy, thu dọn hiện trường. Sau 30 phút phải rời xa điểm phát tin ít nhất một cây số. Có thể nói, kỹ thuật viên của các đài minh ngữ TTXGP luôn cận kề với hiểm nguy.
 
Ngày 13/6/1970, giữa cánh rừng giáp biên giới Campuchia, bên bờ sông Ðắk Siêng, trong trời mưa tầm tã, khi năm thành viên của phân xã Nam Tây Nguyên đang tập trung làm tin phát về Cứ thì bất ngờ máy bay B57 của Mỹ ném bom chùm tọa độ. Cả năm đồng chí hy sinh. Chiếc máy điện đài 15W bị vùi sâu trong lòng đất.
 
Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, lúc đó đang đi chữa bệnh nên may mắn sống sót. Ðầu năm 1971, cùng với ông Ðỗ Phú Thông (Sáu Thông), Phó ban thông tin liên lạc T10, ông cắt đường rừng từ Ðầm Be ra sông Clong về Orang (huyện giáp ranh với khu 10) lần tìm về căn cứ. Giây phút đầu tiên khi trở về, chứng kiến cảnh tượng tan hoang, ông đau đớn tột cùng.
 
Ðược tin năm đồng chí hy sinh đã được một đơn vị bộ đội hành quân ngang qua chôn cất, ông gạt nước mắt, đào bới phần sót lại trên mặt đất ngổn ngang. Chiếc máy điện đài 15W tìm thấy dưới hầm trú ẩn, bị một miếng bom xuyên thủng và bật tung nắp, nhưng kỳ lạ sao, vẫn còn tín hiệu thu phát. Ông sửa lại, lắp pin mới, rồi lên sóng liên lạc với TTXGP, với Quân khu 10. Tin đầu tiên phát đi chính là tin thông báo năm thành viên trong phân xã đã hy sinh, xin tăng cường người và đề nghị được tiếp tục liên lạc với Tổng xã. Phân xã Nam Tây Nguyên chính thức được hồi sinh sau gần một năm trời đứt sóng.
 
Yêu thương gửi lại
 
…“Lúc nào tôi cũng nghĩ và tự hào mình là người của TTXVN, mặc dù đã chia tay với ngành từ lâu. Đó là cái nôi đào tạo tôi nên người, nên nghề để có được những thành công như ngày hôm nay. Ngay cả bà xã của tôi cũng đã từng là lính của Thông tấn xã đó”, đưa tay trìu mến giới thiệu người bạn đời, ông hồ hởi khoe.
 
Thực tế sau này, không còn là phóng viên của Thông tấn xã, chuyển sang nắm giữ sự nghiệp nhà đài còn muôn vàn khó khăn chồng chất, rất nhanh chóng, ông đã táo bạo đề ra chiến lược phát triển, đưa Đài PTTH Sông Bé ngày xưa và Bình Dương hiện nay trở thành một đài mạnh nhất nhì khu vực, được anh em trong nghề nể phục…
 
Chiến tranh qua đi nhưng trong ông vẫn đau đáu một niềm đau khôn nguôi. Trong một trận chiến, năm anh em phân xã Nam Tây Nguyên đã vĩnh viễn nằm xuống. Kỷ vật còn lại chỉ là chiếc máy điện đài 15W cũ kỹ đã theo ông đi khắp các chiến trường, tiếp tục sứ mệnh truyền tin về Tổng xã cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975 và được ông bảo quản, giữ gìn như báu vật.
 
Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu tặng Phòng truyền thống TTXVN chiếc máy thu phát 15W của phân xã Nam Tây Nguyên, tháng 9/1995

Năm 1995, kỷ niệm 50 năm thành lập TTXVN, ông về thăm và mang theo chiếc máy để gửi tặng lại cơ quan. Ông chia sẻ, đây là máy điện đài 15W, chiến lợi phẩm của Mỹ bị văng mất nắp, hư hỏng nặng vẫn còn sót lại sau trận ném bom năm ấy. Nó không chỉ của riêng tôi mà vẫn còn đó một phần máu thịt của đồng đội. Chiếc máy - chứng tích lịch sử hào hùng và đầy đau thương ấy hiện đang được trưng bày trang trọng tại Phòng truyền thống TTXVN ở trụ sở 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, mang theo những thông điệp đặc biệt về những trang sử vẻ vang của ngành, được xây đắp từ máu và mồ hôi, công sức của các thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có TTXGP Anh hùng./.

PV (tổng hợp)
Nội san Thông tấn số 10/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 67 năm ngày Báo ảnh Việt Nam ra số đầu tiên (15/10/1954-15/10/2021): Lan tỏa hình ảnh Việt Nam khắp năm châu (28/10/2021 19:43:58)

Tập huấn sử dụng công cụ sản xuất nội dung đa phương tiện (26/10/2021 09:23:45)

Giải báo chí quốc gia lần thứ XV -năm 2020: TTXVN được vinh danh 4 tác phẩm (25/10/2021 18:22:36)

Nâng cao hiệu quả phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương (25/10/2021 18:10:54)

Duy trì hiệu quả hợp tác với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (22/10/2021 16:28:54)

Tổng giám đốc TTXVN tiếp Đại sứ Saudi Arabia và Đại sứ Chile tại Việt Nam (22/10/2021 10:17:06)

Chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (19/10/2021 17:03:41)

Các tập thể và cá nhân của TTXVN nhận Bằng khen trong công tác bầu cử (19/10/2021 16:19:15)

Kỷ niệm 67 năm ngày Báo ảnh Việt Nam ra số đầu tiên: Báo ảnh Việt Nam qua tài liệu lưu trữ (14/10/2021 14:20:09)

Tăng cường hợp tác với Kiểm toán Nhà nước  (13/10/2021 10:53:53)