Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 70 năm thành lập Phân xã Bắc Kinh, Trung Quốc (1952-2022) : Những năm tháng khó quên


(26/01/2022 10:13:16)

Tôi nhận nhiệm vụ thường trú ở nước ngoài từ năm 1996, khi bắt đầu bước sang tuổi 50 và luân phiên liên tục giữa hai địa bàn Hong Kong và Bắc Kinh (Trung Quốc) cho đến lúc nghỉ hưu. Hơn mười năm công tác, bám trụ tại địa bàn sôi động và nhiều đặc thù này đã để lại trong tôi những kỷ niệm nghề sâu sắc, khó quên.

Từ trái qua: Hai phóng viên Phân xã Bắc Kinh Đỗ Chuyên và Lê Tư Vinh, một cán bộ sứ quán và ông Võ Nhân Lý (lúc đó là biên tập viên tiếng Việt của Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc, sau này là Phó tổng giám đốc TTXVN) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, giai đoạn 1954-1957

Bỡ ngỡ Hong Kong
 
Tháng 1/1996, khá bất ngờ, tôi có quyết định đi thường trú tại Hong Kong. Từ máy bay bước xuống sân bay Khải Đức, chân tôi hơi “run”. Ám ảnh của những bộ phim chưởng khiến cảm giác về Hong Kong của tôi bị méo mó. Thậm chí, tai tiếng của những băng nhóm tội phạm Ma Cao khiến cho cả nhiệm kỳ đầu tiên tại Hong Kong, tôi không dám cho vợ con sang Ma Cao chơi.
 
Sau này nghĩ lại thấy mình thật ngây ngô. Tôi đến thường trú được hơn một năm thì Hong Kong trở về với CHND Trung Hoa. Vì thế, tôi đủ thời gian để chiêm nghiệm, tìm hiểu xem mảnh đất tư bản này phát triển như thế nào và cái nôi của chủ nghĩa tư bản sẽ ra sao trong lòng Trung Quốc.
 
Tôi còn nhớ, một chuyên gia cao cấp của Ủy ban chứng khoán quốc gia Trung Quốc sang Hong Kong nghiên cứu về chứng khoán. Sau ba năm học tập, trước khi trở về Đại Lục, khi được phóng viên hỏi ông đã học được gì ở Hong Kong, khá bất ngờ, ông không trả lời về chuyên môn mà chỉ nói bốn chữ: “Mô hình pháp trị”. Quả thực, bằng mô hình pháp trị và nền kinh tế thị trường với mức độ tự do hóa cao hàng đầu thế giới, từ một làng chài nghèo nàn, lạc hậu với hơn một nghìn ngư dân của 100 năm trước đã trở thành trung tâm tài chính thương mại hàng đầu thế giới, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore trở thành 4 con rồng châu Á, làm nên những câu chuyện thần kỳ về kinh tế.
 
 Trước khi Hong Kong trở về với Đại Lục, nhiều học giả và giới nghiên cứu dự đoán sẽ có làn sóng ra đi của các nhà tư bản và nền kinh tế Hong Kong có nguy cơ sụp đổ. Nhưng chính quyền Trung ương, với Luật cơ bản về Hong Kong và chính sách “một nước hai chế độ”, đã thành công trong việc duy trì nhịp sống của Hong Kong. Ngày 1/7/1997, thời điểm chính thức trở về với CHND Trung Hoa, Hong Kong đang độ phát triển rực rỡ, là trung tâm tài chính của châu Á, trung tâm thương mại của toàn cầu, nơi hàng loạt công ty, ngân hàng lớn trên thế giới đặt trụ sở và là “trung tâm thông tin” của thế giới, nơi các nhà báo nổi tiếng đổ về để săn tin về Đại Lục.
 
Sau vài tuần làm quen địa bàn, tôi dần nhận ra, cuộc sống ở Hong Kong rất thanh bình, dân trí cao, văn minh, lịch sự. Ba năm ở Hong Kong tôi chưa hề chứng kiến cảnh cãi chửi nhau hay ăn cắp vặt. Tuy nhiên, Hong Kong lại vô cùng chật chội, diện tích chỉ hơn 1.000km2 mà dân số lên đến 8 triệu người. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, chính quyền đã tận dụng mọi phương tiện giao thông, khoét rỗng lòng đất để làm tàu điện ngầm, xây dựng hệ thống taxi, xe buýt công cộng rộng khắp. Điều thú vị là họ vẫn giữ hệ thống đường tàu điện cũ, hằng ngày vẫn đi lại leng keng.
 
GDP bình quân đầu người ở Hong Kong khi đó đã lên tới 27.000 USD, còn anh em phóng viên vẫn sống với mức lương khiêm tốn, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi. Để duy trì sinh hoạt ổn định, cách duy nhất là tự nấu ăn. Điều thú vị là ở Hong Kong, những món người Việt Nam khoái khẩu lại rất rẻ. Một đô la Mỹ có thể mua được một khay chân gà, một đĩa tim gà, ba quả tim lợn, một đĩa với năm hay sáu cái đầu gà, vịt còn dính cái cổ rất dài… Bia thì cứ đợi hết “date” mới dám mua, giảm tận 70%. Cuộc sống ở Hong Kong thú vị và ấm cúng, giúp chúng tôi nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành tốt công việc của mình.
 
Nhà báo Lương Ích Kiên (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Tổng giám đốc Hồ Tiến Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Xã trưởng Tân Hoa xã

Sôi động Bắc Kinh
 
Hết nhiệm kỳ công tác tại Hong Kong, đầu năm 2001, tôi nhận nhiệm vụ đi thường trú tại Bắc Kinh. Từ Hong Kong sang Bắc Kinh đúng là từ ao ra biển lớn. Ngồi trên ô tô từ sân bay trở về Phân xã, tôi choáng ngợp trước sự hoành tráng của thủ đô Bắc Kinh. Chợt nhớ một vị lãnh đạo đã từng nói: “Nếu chỉ được đi thường trú ngoài nước một lần, hãy chọn Bắc Kinh - nơi có cả vẻ đẹp hiện đại lẫn cổ đại”. Quả đúng như vậy, Bắc Kinh mang dáng dấp của một thành phố hiện đại, thậm chí còn đẹp hơn nhiều thành phố châu Âu nhưng vẫn còn nguyên dấu ấn của kiến trúc cổ đại, với Cố Cung, Di Hòa viên, Thiên Đàn…
 
Công việc ở Bắc Kinh cũng vất vả hơn, đoàn đến đoàn đi tấp nập. Trong một nhiệm kỳ rưỡi ở Bắc Kinh, chúng tôi may mắn được đón hai Tổng giám đốc: Hồ Tiến Nghị và Lê Quốc Trung sang thăm Trung Quốc theo lời mời của Xã trưởng Tân Hoa xã. Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã tiếp Tổng giám đốc Hồ Tiến Nghị. Đây là những sự kiện lớn trong hoạt động đối ngoại của TTXVN và Phân xã Bắc Kinh.
 
Trong nhiệm kỳ này, tôi có vinh dự được tham gia đưa tin Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Trung Quốc, do anh Mai Quang Huy, phóng viên chuyên trách, có việc bận ở trong nước nên cơ quan cử tôi làm thay. Lúc này, anh Hồ Tiến Nghị đang làm Trợ lý Tổng Bí thư và cùng đi với đoàn. Thật may, nhờ có anh giúp đỡ nên công việc đưa tin diễn ra thuận lợi.
 
Trưa hôm đó, tại Côn Minh, đoàn lên máy bay về nước, tôi ngồi trong Tổng lãnh sự quán gõ nốt đoạn cuối của tin dài 7 trang. Trong lúc căn chỉnh lại, loay hoay thế nào mà cả 7 trang tin bay mất. Tôi cuống cuồng, cố tìm cách lấy lại mà không được. Trong đầu đã nghĩ, giờ gõ lại cũng chỉ được hai, ba trang vì đã 5 giờ chiều, trong khi tôi hẹn phóng viên Xuân Tuân sẽ phát ảnh và tin về lúc 6 giờ 30 phút. Rất may, Tổng lãnh sự có anh Doãn Khánh Tâm thành thạo máy tính. Tâm loay hoay một hồi thì lấy được bài viết. Tôi mừng quá, phát xong tin mới thở phào nhẹ nhõm. Sau này nghĩ lại vẫn còn cảm thấy hú vía.
 
Thường trú tại Bắc Kinh, chúng tôi được đón vị khách đặc biệt, đó là phóng viên Tân Hoa xã Vương Phong. Chị không chỉ là khách của Phân xã mà còn là khách quý của Sứ quán, bởi chị mang theo tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Chị thường kể cho chúng tôi một kỷ niệm đặc biệt: được chụp ảnh chung với Bác Hồ khi mới 5 tuổi. Tháng 5/1957, bố chị - ông Vương Duy Chân, Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Việt Nam, có mặt tại sân bay Gia Lâm để đưa tin Nguyên soái Liên Xô Kliment Voroshilov sang thăm Việt Nam. Được biết Bác Hồ cũng ra sân bay đón đoàn, cô bé Tiểu Hồng (tên gọi của chị Vương Phong khi nhỏ) đòi bố cho đi theo để được nhìn thấy Bác Hồ. Chiều con gái, ông mang Tiểu Hồng ra sân bay và gửi con đứng cùng gia đình Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Khi Bác Hồ đi đến, phát hiện cô bé đáng yêu liên tục gọi “Bác Hồ! Bác Hồ” bằng tiếng Trung, Người cúi xuống, trìu mến hỏi: “Cháu mấy tuổi rồi? Cháu có thích Việt Nam không?”. Ngay lập tức, cô bé trả lời: “Cháu thích Việt Nam! Cháu yêu Bác Hồ!”. Hình ảnh này đã được các phóng viên chụp lại và chị Vương Phong gìn giữ đến bây giờ. Sau này, tôi đem bức ảnh đó sang Bát Tràng, nhờ họ in lên chiếc đĩa men và gửi tặng chị.
 
Mỗi lần chị đến chơi, Phân xã lại vang lên tiếng hát, những bài hát ca ngợi tình hữu nghị hai nước. Chị còn cùng anh em Phân xã dịch một số bài hát ra tiếng Trung như bài: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Hà Nội mùa ThuEm ơi Hà Nội phố.
 
Nhóm phóng viên CQTT tại Bắc Kinh, Trung Quốc (từ trái qua) Phạm Hải Yến, Hà Thị Tường Thu và Lê Trung Kiên, tại tỉnh Cát Lâm, năm 2017

Trở lại Hong Kong
 
Tháng 7/2006, tôi rời Bắc Kinh về nước để ba tháng sau nhận quyết định trở lại Hong Kong. Hong Kong lúc này cũng đã nhạt mùi “tư bản” và đang hòa vào nhịp sống, phát triển của Đại Lục. Tôi quay lại nếp sống của nhiệm kỳ đầu tiên: công việc diễn ra đều đặn, những món ăn khoái khẩu rẻ tiền, bia hết “date” và những đêm tá lả cuối tuần cùng với thịt chó, vịt nướng của mấy anh em.
 
Những ngày cuối nhiệm kỳ, anh em Phân xã bất ngờ “săn” được tin Trung Quốc thành lập thị trấn Tam Sa. Mạng Sina Trung Quốc tung tin về “Kế hoạch A, đánh Việt Nam trong vòng 30 ngày”. Một mặt tôi chuyển nhanh thông tin về nước, mặt khác tôi báo cáo với Lãnh sự quán trong buổi giao ban chung. Từ trong nước, Phó thủ tướng Vũ Khoan, thông qua Lãnh sự quán, đã yêu cầu Phân xã gửi nguyên văn bản tiếng Trung tin về “Kế hoạch A”. BBC và Đài tiếng nói Hoa Kỳ cũng nhanh chóng đưa tin. Phía ta sau đó đã phản ứng mạnh mẽ về thông tin này.
 
Đầu năm 2009, tôi về hưu mang theo những kỳ niệm khó quên trong những ngày làm việc ở Thông tấn xã, nhất là những năm tháng công tác tại Hong Kong và Bắc Kinh. Gợi lại những kỷ niệm nho nhỏ này đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Phân xã Bắc Kinh, làm tôi nhớ tới các bậc đàn anh đi trước như: Đỗ Chuyên, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Minh Lượng, Ngô Văn Khương, Trần Thư… Nhờ sự giúp đỡ của các anh, chúng tôi, những thế hệ tiếp theo với: Nguyễn Xuân Chính, Lương Ích Kiên, Lương Ngọc Chấn… đã trưởng thành và tiến bộ nhanh trong công tác. Và ngọn lửa nhiệt huyết lại được tiếp nối bởi thế hệ trẻ: Hà Tường Thu, Lương Anh Tuấn, Đặng Tiến Trung. Tất cả đều đã và đang đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Phân xã (nay là cơ quan thường trú) và của TTXVN.

Lương Ích Kiên - Nguyên Trưởng phân xã Bắc Kinh (Trung Quốc)
Nội san Thông tấn số Xuân 2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông báo tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2021  (26/01/2022 09:59:16)

Thăm và chúc Tết Nhâm Dần 2022 (25/01/2022 10:57:54)

Bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh, năng lực cho đội ngũ nhà báo trẻ (25/01/2022 09:54:00)

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng: TTXVN được trao 4 giải thưởng Giải Búa liềm vàng năm 2021  (22/01/2022 00:07:18)

TTXVN mở chuyên mục “Văn hóa soi đường” (18/01/2022 18:27:33)

Hai đơn vị của TTXVN nhận Bằng khen của Bộ Tài chính (17/01/2022 17:01:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc (17/01/2022 12:25:43)

Phát động phong trào thi đua năm 2022 (17/01/2022 11:41:07)

Xua tan giá lạnh vùng cao Điện Biên  (14/01/2022 16:33:39)

Khai mạc triển lãm ảnh trực tuyến “Việt Nam-Ấn Độ: 50 năm hợp tác” (07/01/2022 21:11:36)