Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Ký ức Hà Nội 1972


(05/01/2022 14:24:34)

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 đóng vai trò quyết định buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) có mặt cùng các đơn vị chiến đấu thường trực trên các trận địa phòng không, đưa tin và hình ảnh quân và dân ta đánh thắng máy bay B52 Mỹ, bắt giặc lái. Nội san Thông tấn xin giới thiệu hồi ức của nhà báo Trần Đình Thảo, nguyên Trưởng phân xã Hà Nội về những tháng ngày oanh liệt ấy.

Máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi, bốc cháy dữ dội, đêm 27/12/1972

1. Sáng 27/12/1972, Phân xã Hà Nội có mặt đông đủ anh chị em phóng viên. Chúng tôi hội ý rất nhanh, sau đó bắt tay ngay vào công việc, trước hết là tin, bài tố cáo tội ác man rợ của không quân Mỹ rải thảm B52 vào 22 giờ đêm qua. Tiếp đó là tin khắc phục hậu quả ở Bệnh viện Bạch Mai và tin sẵn sàng chiến đấu cho đêm nay.
 
Trong tâm trí mỗi người vẫn nặng trĩu niềm xót thương đồng bào ta ở Khâm Thiên vừa bị tàn sát. Không biết có bao nhiêu người bị vùi lấp trong núi gạch ngói sụp đổ kia. Tin tổng hợp chiến sự cho biết, đêm 26/12, không quân Mỹ đã bố trí 30 máy bay B52 rải bom xuống phố Khâm Thiên, có 9.932 quả bom rải xuống con phố dài 1.700 mét với mật độ kinh khủng nhất thế giới. Trận bom khiến 278 người dân, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già và 55 trẻ em thiệt mạng.
 
Con ngõ Hồ Dài nằm ở đầu phố Khâm Thiên vừa bị bom Mỹ san phẳng. Sáng nay, anh Đặng Đình Lễ vẫn chưa hoàn hồn. Đêm qua, người đầy máu, Lễ gào khóc tìm vợ trong đống đổ nát, tan hoang. Lễ vừa tròn 23 tuổi, vợ anh cũng vừa 20, hai người là bạn học cùng phổ thông, mới làm đám cưới ngày 24/12, được hai ngày thì vợ đã chết thảm. Ngồi lặng lẽ trên khúc vỉa hè còn lành lặn, giữa khu phố tan hoang sau trận bom, Lễ nhớ lại những hình ảnh người vợ thân yêu của mình. Đêm qua, trong căn hầm nhỏ có khoảng 80 người trú ẩn. Sau tiếng nổ đinh tai nhức óc của hai quả bom rơi vào nóc hầm khiến căn hầm đổ sập, rất nhiều người đã thiệt mạng. Lễ may mắn nằm cuối hầm nên chỉ bị thương nhẹ. Anh ngóc dậy, cố đẩy từng xác người trong hầm chen ra ngoài tìm vợ. Lễ lật từng đống gạch đá nhưng không thấy vợ đâu. Biết tin vợ được đưa đến bệnh viện, anh vội vàng chạy đến Bệnh viện Việt Đức thì thấy vợ đang nằm trên băng ca, người đầy máu, cánh tay bị thương, trên cơ thể vẫn còn mảnh bom găm vào, Lễ bật khóc nức nở. Một lúc sau, bác sỹ thông báo bệnh viện đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu được vợ anh. Lễ gục xuống, thất thần trước nỗi đau quá lớn.
 
Bà Trần Thị Mỹ (sinh năm 1939), sau đêm kinh hoàng đó, đã may mắn sống sót. Tối qua, bà nằm trong hầm còn nghe thấy tiếng pháo phòng không của ta bắn lên ầm ầm và thiếp đi trong nỗi sợ hãi. Sáng 27/12, bà ra khỏi hầm và nhìn thấy phố Khâm Thiên đổ nát, tất cả đã bị san phẳng. Bà ngồi đây nhìn căn nhà đổ sập và nhớ những người hàng xóm mới mất tối qua.
 
Ngày 27/12, sổ tay phóng viên Phân xã Hà Nội ghi: 104  máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ đánh phá Mễ Trì, Văn Điển, Đông Anh của Hà Nội và Thường Tín, Đan Phượng, Hoài Đức của Hà Tây. Đồ Sơn, cầu Thượng Lý ở Hải Phòng cũng bị đánh phá dữ dội. Trời sập tối, chúng tôi sẵn sàng vào trận. Tuy nhiên, không ai ở Phân xã biết rằng đêm nay sẽ là đêm lịch sử của Quân chủng không quân mới tròn 8 tuổi. Đêm đó, MIG 21 của ta xuất kích, truy kích và tiêu diệt gọn một chiếc B52. Sau 10 ngày làm mưa làm gió trên bầu trời miền Bắc, chiếc B52 đầu tiên của Không quân Mỹ đã bị Không quân Việt Nam bắn rơi. Người bắn rơi chiếc máy bay B52 ấy là phi công Phạm Tuân, sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là phi công Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.
 
Ngay trong đêm, khi nhận được tin, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Duy Hưng đã lên tận sân bay chúc mừng và động viên chiến công đầu của Không quân Việt Nam. Bản tin này, tôi hoàn thành đúng vào lúc đồng hồ vừa chỉ sang 0 giờ 0 phút ngày 28/12. Ngày hôm sau, trên đà chiến thắng, Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều lại “hạ” thêm một chiếc B52 nữa. Đồng đội của anh chia sẻ, trước khi xuất kích, Thiều nói, nếu bắn không rơi tại chỗ, tôi sẽ lao thẳng vào nó và anh đã thực hiện như vậy. Sau này, anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một con phố ở Gia Lâm, Hà Nội đã mang tên anh - Vũ Xuân Thiều.
 
Phóng viên VNTTX có mặt tại phố Khâm Thiên ngay sau trận bom B52, tháng 12/1972

2. Sau này, trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Phạm Tuân đã chia sẻ kỷ niệm bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Cuối năm 1972, Mỹ rất tự tin đưa B52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đưa Hà Nội vào thế bất lợi trên bàn đàm phán ở Paris… Máy bay B52 của Mỹ hồi đó được coi là “siêu pháo đài bay”, “quả đấm thép” để triển khai cuộc chiến tranh hiện đại.
 
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, khoảng 21 giờ ngày 27/12/1972, tôi được lệnh sẵn sàng xuất kích từ sân bay Yên Bái. Số hiệu của tôi lúc đó là 361, cả ba Sở chỉ huy chính ở Hà Nội, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Mộc Châu (Hòa Bình) và một đài phụ trợ ở Yên Phong (Bắc Ninh) thay nhau nhắc nhở: 361, mục tiêu ở đằng trước 200km… 150km… 100km; bật tên lửa ở vị trí hai quả, mở nút phóng tên lửa, quan sát...
 
Cách máy bay B52 còn 4km, tôi nhận lệnh bắn. Khi đó, tôi thấy vẫn còn hơi xa, đèn chưa rõ lắm nên tôi báo cáo về Sở chỉ huy. Khẩu lệnh thứ hai, hạ lệnh “Bắn! Thoát ly ngay bên trái!”. Tôi vẫn lỳ báo cáo “chờ chút!”. Đến khẩu lệnh thứ ba “Bắn. Thoát ly ngay!”, tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt, tôi phóng luôn hai quả. Quả tên lửa thứ nhất bay sát mục tiêu, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực đâm thẳng vào mục tiêu. Tôi kéo máy bay lên và lật ngửa nhìn thấy chiếc B52 trúng đạn, lửa cháy sáng rực cả một góc bầu trời Sơn La, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
 
Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
 
Gần 50 năm trôi qua kể từ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Tôi giở lại trang nhật ký phóng viên hồi ấy mà rưng rưng xúc động. Nét mực đã nhạt, trang giấy đã phai mầu. Các anh Nam Minh, Hữu Cứu, Vũ Hanh, Duy Nhân, chị Tường Vân nay đều không còn nữa. Người còn sống thì già yếu, gặp nhau cũng khó khăn hơn. Nửa thế kỷ đã trôi qua mà kỷ niệm về những ngày công tác tại Thông tấn xã Việt Nam  vẫn còn nguyên vẹn trong tôi./.

Trần Đình Thảo
Nội san Thông tấn số 12/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”: Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động (05/01/2022 14:23:51)

Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (31/12/2021 17:04:53)

TTXVN và Đại sứ quán Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác truyền thông (28/12/2021 18:46:26)

Tăng cường phối hợp công tác với Ban Kinh tế Trung ương (28/12/2021 15:07:36)

Công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước và thế giới do TTXVN bình chọn (27/12/2021 11:12:55)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa (22/12/2021 21:30:27)

Phim tài liệu của báo Việt Nam News giành giải Nhất tại LHP phim ngắn của Mỹ (22/12/2021 17:40:03)

Đảng ủy TTXVN ra Nghị quyết về nhiệm vụ thông tin chiến lược trong tình hình mới (21/12/2021 14:17:28)

Thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức trực tuyến (20/12/2021 17:10:17)

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực (18/12/2021 22:33:32)