Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Tin tức trong ngành

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí ngữ Khmer


(28/02/2020 15:55:05)

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ Khmer Unicode trong quy trình in ấn, xuất bản báo in và báo điện tử của TTXVN”. Đề tài đưa ra nhiều giải pháp có tính ứng dụng, giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất báo in, báo điện tử, đáp ứng yêu cầu của các tòa soạn báo ngữ Khmer ở khu vực Nam Bộ.

Quang cảnh hội thảo

Nhiều sáng kiến, nhiều thông tin thú vị, cách làm hay có thể ứng dụng vào công tác chuyên môn; nhận diện, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ liên quan đến bộ gõ và font chữ Khmer trong quy trình tác nghiệp báo in, báo điện tử của các cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, thành phía Nam… Đây là những nội dung được trao đổi tại hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ Khmer Unicode trong quy trình in ấn, xuất bản báo in và báo điện tử của TTXVN” do Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam và Báo ảnh Dân tộc và Miền núi phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/11/2019.

Chủ đề của hội thảo là một trong những nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học cùng tên do Cơ quan khu vực phía Nam chủ trì, thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, chuyên viên… hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ và báo chí ngữ Khmer ở các tỉnh, thành Nam Bộ.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam hiện có trên 1,3 triệu người, cư trú xen kẽ với các dân tộc khác trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ, chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng Nam Bộ hiện có 8 chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer và 6 ấn phẩm ngữ Khmer của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi của TTXVN là ấn phẩm báo chí duy nhất ở Việt Nam được xuất bản song ngữ tiếng Việt và 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Khmer, Bahnar, Jrai, Ê-đê, Chăm, Mông, K’ho, M’nông, Tày, Xê-đăng, Cơ-tu và Hoa. Trong đó, ấn phẩm ngữ Khmer được xuất bản đầu tiên (từ năm 1991), số lượng phát hành hiện nay gần 17.000 cuốn/tháng.


Cùng với một số trang thông tin điện tử và ấn phẩm ngữ Khmer của các địa phương khu vực phía Nam, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi các ngữ nói chung, ngữ Khmer nói riêng đã chuyển tải sinh động đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng ngôn ngữ của đồng bào với các chuyên trang, chuyên mục đa dạng, nội dung phong phú, được đông đảo đồng bào, sư sãi, chức sắc tôn giáo, trí thức Khmer đón nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, ở góc độ nghiệp vụ, để theo kịp xu thế phát triển, nâng cao chất lượng in ấn, xuất bản, đặc biệt là phát triển báo điện tử trên cơ sở ứng dụng bộ gõ và font chữ Khmer Unicode, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền và nhu cầu tiếp nhận thông tin bằng ngôn ngữ dân tộc trong bối cảnh cạnh tranh và bùng nổ thông tin hiện nay còn có những khó khăn. Bộ phận thực hiện nội dung ngữ Khmer tại Báo ảnh Dân tộc và Miền núi nói riêng, những người làm báo ngữ Khmer ở Việt Nam nói chung cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong lựa chọn bộ gõ và font chữ, kỹ thuật trình bày báo in, chọn ngôn ngữ lập trình tương thích, phù hợp để xây dựng hệ thống quản lý tòa soạn báo điện tử ngữ Khmer.

Với 13 tham luận có giá trị chuyên môn cao, bám sát chủ đề hội thảo, các ý kiến đều đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, sự cần thiết và tính khả thi trong chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn của đề tài. Những vấn đề và giải pháp đưa ra đều là những câu chuyện thời sự tại các đơn vị làm báo ngữ Khmer hiện nay, như: Thực trạng và giải pháp xử lý hiện tượng nhảy chữ, xé chân chữ, xử lý khoảng trắng và canh đều nội dung khi dàn trang chữ Khmer; vấn đề lựa chọn ngôn ngữ lập trình phù hợp trong xây dựng trang thông tin điện tử, báo điện tử ngữ Khmer, sao cho độc giả có thể tiếp nhận thông tin ở bất cứ đâu, bằng bất cứ thiết bị đầu cuối nào…

Bên cạnh đó, các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo cũng bước đầu khái quát được bức tranh toàn cảnh về quá trình hình thành, phát triển và thực tiễn ứng dụng bộ gõ và font chữ Khmer Unicode tại Việt Nam nói riêng và các bộ font, bộ gõ ngữ Khmer trước đây. Qua đó, cho thấy việc ứng dụng bộ gõ và bộ font chữ mã nguồn mở Khmer Unicode trong sản xuất báo in và báo điện tử ngữ Khmer là xu thế tất yếu.
 
Giám đốc Cơ quan khu vực phía Nam, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Quốc Tuấn: Hội thảo là cuộc gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ thú vị của những người làm báo ngữ Khmer. Qua đó, khẳng định sự cần thiết và tính cấp bách trong việc thực hiện đề tài. Các thành viên tham gia đề tài đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của vấn đề xoay quanh bộ gõ và bộ font Khmer Unicode; nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, với những đề xuất có thể ứng dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm thông tin bằng ngữ Khmer. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các đơn vị làm báo ngữ Khmer trong ngành và các báo địa phương từng bước hoàn thiện quy trình xuất bản báo in ngữ Khmer, làm tiền đề phát triển các sản phẩm thông tin điện tử phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí ngữ Khmer ở Nam Bộ, từng bước lấp khoảng trống thông tin bằng ngữ Khmer trên không gian mạng.

Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Hoàng Hành: Chúng tôi đánh giá cao sự cần thiết và tính thiết thực của hội thảo và nội dung đề tài đối với sự phát triển báo chí ngữ Khmer ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, Vụ Địa phương III có thể hợp tác hiệu quả với Cơ quan khu vực phía Nam cũng như Báo ảnh Dân tộc và Miền núi trong công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về vùng đồng bào Khmer Nam Bộ và thực hiện nghiên cứu khoa học liên quan đến các lĩnh vực báo chí, ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.

Phó tổng biên tập báo Sóc Trăng Lý Thành Hưng: Tiền thân là bản tin tuyên huấn tiếng Khmer ra đời từ thời kháng chiến chống Mỹ, báo Sóc Trăng hiện chỉ có hai người làm ấn phẩm chữ Khmer. Chúng tôi vẫn sử dụng font Limon dàn trang trên phần mềm PageMaker nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh ban biên tập có kế hoạch phát triển báo điện tử ngữ Khmer vào năm 2020. Chúng tôi kỳ vọng có thể tham khảo, ứng dụng các sản phẩm của đề tài cho hướng phát triển sắp tới của tòa soạn, trong đó có việc ứng dụng các chương trình dàn trang, ngôn ngữ lập trình hỗ trợ, tương thích tốt với Khmer Unicode vì bộ font này phổ thông, tiện ích, dễ nhớ và dễ sử dụng.

Phó Tổng biên tập báo Trà Vinh Sơn Hùng: Là một trong những đơn vị làm báo ngữ Khmer sớm nhất ở Nam Bộ, báo Trà Vinh ngữ Khmer gần như là một tòa soạn thu nhỏ, hiện vẫn sử dụng các bộ font và chương trình dàn trang như lâu nay. Qua hội thảo này, báo Trà Vinh muốn tham khảo thêm các quy trình xuất bản, lựa chọn font và phần mềm dàn trang, ngôn ngữ lập trình phù hợp để ứng dụng, phục vụ công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp sắp tới, cũng như định hướng phát triển báo điện tử. Chúng tôi mong muốn TTXVN làm đầu mối giúp tập hợp kiến thức, kỹ năng cho những người làm báo ngữ Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức thêm nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề để từng bước thống nhất cách phiên âm, dịch thuật liên quan tới tiếng Khmer.

Huỳnh Văn Thảo
Nội san Thông tấn số 2/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hoạt động thăm, chúc tết của lãnh đạo ngành (28/02/2020 14:23:58)

Khen thưởng thành tích tuyên truyền của các bộ, ngành (28/02/2020 14:16:13)

Hội nghị công chức, viên chức các CQTT phía Bắc (28/02/2020 14:12:00)

Khởi động Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2020 (28/02/2020 14:11:06)

Tích cực tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới nhân dân (13/02/2020 17:52:00)

Tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội đảng các cấp (13/02/2020 16:06:15)

Tiếp đoàn đại biểu Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Việt Nam (11/02/2020 17:40:32)

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020): Đảng ủy TTXVN tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/2020 18:39:14)

Thư chúc Tết Canh Tý 2020 của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi (30/01/2020 14:37:42)

10 sự kiện nổi bật năm 2019 của TTXVN (do Nội san Thông tấn bình chọn) (21/01/2020 16:14:26)