Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Những kỷ vật vượt thời gian


(31/12/2020 16:34:15)

Trong số hơn 200 hiện vật hiện đang trưng bày tại Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), có khoảng 2/3 số hiện vật do các phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) hiến tặng. Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, về một lớp người đã sống, chiến đấu và học tập trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, góp phần tô thắm lịch sử vẻ vang của TTXVN Anh hùng.

Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc các bức ảnh và hiện vật trưng bày trong Phòng truyền thống của TTXVN, ngày 13/9

Nhiều người đến thăm Phòng truyền thống TTXVN đặt tại tầng 10, Trung tâm Thông tấn quốc gia, Hà Nội, đều rất ấn tượng với tổ hợp nghệ thuật mô phỏng một ê kíp gồm phóng viên, điện báo viên và nhân viên quay ragono của TTXGP đang tác nghiệp trong lán lợp lá trung quân đặt ở góc phòng. Ở đó, người xem bắt gặp những vật dụng rất đỗi quen thuộc một thời, từ chiếc võng dù, hộp đựng máy được chế từ hòm đạn đại liên đến bộ máy phát điện quay tay, máy thu phát tin trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điểm độc đáo của mô hình chính là mái lá trung quân được lấy từ chính cánh rừng nơi TTXGP từng đóng quân năm xưa, do Cơ quan thường trú tại Tây Ninh gửi ra.

Trong số những hiện vật quý trưng bày tại Phòng truyền thống của ngành, phải kể đến chiếc máy thu phát 15W-xD6 từng dùng để phát bản tin đầu tiên của TTXGP, đánh dấu sự ra đời của cơ quan ngôn luận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 12/10/1960. Chiếc máy là hiện vật gốc duy nhất gắn với ngày thành lập TTXGP còn lưu giữ được cho đến nay.

Liên quan đến chiếc máy thu phát này, đồng chí Đỗ Văn Ba (1924-2009), nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN, nguyên Phó giám đốc TTXGP, cán bộ phụ trách đầu tiên về kỹ thuật của TTXGP, đã kể lại trong bài viết “15 năm làn sóng điện không bao giờ tắt” như sau: “Đúng 19 giờ, như đã hẹn với Việt nam Thông tấn xã tại Hà Nội, bản tin đầu tiên sau gần 7 năm vắng bóng không liên lạc với Hà Nội sắp được phát. Tôi ngồi vào máy thu phát lòng đầy lo âu, hồi hộp. Đồng chí Đặng Văn Sông hai chân đạp đều máy phát điện ragono, mắt nhìn vào khoảng xa đăm chiêu, lo lắng... Tôi lên máy, hỏi Hà Nội có nghe được tín hiệu morse không. Hà Nội trả lời nghe rất tốt. Tôi đề nghị phát một mạch không ngừng, tranh thủ giải quyết sớm đề phòng máy bay địch phát hiện. Hà Nội đồng ý và yêu cầu phát nhanh. Tôi phát tin liên tục gần hai tiếng đồng hồ. Có thể nói, có bao nhiêu khả năng chuyên môn tôi dồn hết vào phiên liên lạc đầu tiên này. Tôi vừa rời tay khỏi manip, Hà Nội báo đã nhận được đầy đủ 100% và chúc chúng tôi vui, khỏe trước khi kết thúc phiên liên lạc. Tôi sung sướng, nước mắt giàn giụa ôm chầm đồng chí Sông, người nhễ nhại mồ hôi cũng đang khóc trước sự xúc động của toàn thể anh em có mặt tại phiên phát sóng đầu tiên ấy”.

Trong Phòng truyền thống còn trưng bày một chiếc máy thu phát 15W nữa của phân xã Nam Tây Nguyên, được nhiều khách tham quan và giới truyền thông quan tâm bởi nó gắn với một sự kiện vô cùng bi thương.

Ngày 13/6/1970, giữa cánh rừng giáp biên giới Campuchia, bên bờ sông Đắc Siêng, trong trời mưa tầm tã, khi năm thành viên của phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên đang tập trung làm tin phát về Tổng xã tại Sài Gòn thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom chùm tọa độ. Cả năm đồng chí đều hy sinh. Chiếc máy thu phát 15W bị vùi sâu trong lòng đất. Phóng viên Nguyễn Trung Hiếu, lúc đó đang đi chữa bệnh nên may mắn sống sót. Đầu năm 1971, ông lần tìm về căn cứ, chứng kiến cảnh tượng tan hoang mà đau đớn tột cùng. Đào bới phần sót lại trên mặt đất ngổn ngang, bom đạn cày xới, ông tìm thấy chiếc máy thu phát dưới hầm trú ẩn, bị một miếng bom xuyên thủng và bật tung nắp. Ông sửa lại, lắp pin mới, rồi lên sóng liên lạc với TTXGP và Quân khu 10, phát đi thông báo 5 thành viên của phân xã đã hy sinh, xin tăng cường người và đề nghị được tiếp tục liên lạc với Tổng xã. Phân xã Nam Tây Nguyên chính thức được hồi sinh sau gần một năm trời đứt sóng.
 
Chiếc máy thu phát 15W của phân xã Nam Tây Nguyên hiện đang được trưng bày tại Phòng truyền thống TTXVN

Chiếc máy thu phát 15W đã theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu đi khắp các chiến trường, tiếp tục sứ mệnh truyền tin về Tổng xã cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Chiếc máy được ông bảo quản, giữ gìn như báu vật, sau đó tặng lại Phòng truyền thống TTXVN vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, năm 1995.

Có một hiện vật rất đặc biệt nữa là tấm bia khắc tên nhà báo liệt sỹ Trần Ngọc Đặng - Dũng sỹ diệt xe cơ giới, hy sinh năm 1967 trong trận càn Junction City. Tấm bia được đúc bằng xi măng, nặng gần 20 kg, từng đặt tại phần mộ của liệt sỹ ở căn cứ TTXGP trong rừng sâu. Năm 1993, hài cốt của liệt sỹ được Đoàn 180 (Đoàn an ninh R) di dời về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, huyện biên giới Tân Biên, Tây Ninh. Tấm bia được đồng đội của ông truyền tay nhau mang ra Tổng xã Hà Nội, tặng lại cho Phòng truyền thống và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Còn rất nhiều hiện vật khác nữa, giản dị, mà đong đầy biết bao tình cảm, bao câu chuyện nghề, chuyện đời. Chiếc nồi quân dụng theo chân của lái xe Trương Đại Chiến đi khắp các chiến trường, nhắc nhớ về những ngày gian khó. Chiếc hòm đạn đại liên của phóng viên Vũ Tứ Hải, bên trong có gioăng cao su ngăn nước vào, rất thích hợp để đựng máy ảnh mỗi khi phải bơi qua sông. Hay chiếc chảo nhỏ được gò từ mảnh nhôm chiến lợi phẩm, là quà cưới của một người bạn tặng đôi vợ chồng trẻ Phùng Văn Dựng và Võ Thị Nhuẫn, tại căn cứ Chàng Riệc, Tây Ninh, năm 1974. Những lá thư cảm động của nhà báo liệt sỹ Thẩm Đức Hòa (1931-1967) gửi cho người vợ trẻ là bà Phương Bích Ngân từ mặt trận Thừa Thiên Huế trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt…
 
Khách tham quan khu trưng bày các hiện vật của liệt sỹ TTXVN tại Phòng truyền thống, tháng 9/2020

Hàng trăm hiện vật, bức ảnh đặt tại Phòng truyền thống TTXVN hôm nay mang theo những thông điệp đặc biệt về những trang sử vẻ vang của ngành, được xây đắp từ máu và mồ hôi, công sức của các thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có TTXGP. Thế hệ hôm nay càng thêm trân quý về cuộc sống và lao động nghề nghiệp lắm cực nhọc, hiểm nguy nhưng cũng rất hào sảng, giàu sức sáng tạo và hiệu quả của các nhà báo thông tấn trong suốt chiều dài lịch sử 75 năm của ngành./.

Xuân Quang
Nội san Thông tấn số 12/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hội nghị Trưởng cơ quan thường trú trong nước: Đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp (31/12/2020 16:32:27)

Thông báo Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2020 (31/12/2020 16:30:08)

Tập huấn nghiệp vụ bảo vệ và lái xe an toàn (31/12/2020 16:06:22)

Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (31/12/2020 16:05:24)

“Vượt bão” - Chương trình truyền hình đặc biệt mừng Tết dương lịch trên kênh VNews  (28/12/2020 16:41:39)

Giành nhiều giải thưởng báo chí về môi trường (28/12/2020 12:04:01)

Kênh Factcheckvn của TTXVN là kênh thông tin có tác động xã hội trên TikTok (28/12/2020 10:47:17)

“Lịch 2021 tương tác” của TTXVN kết nối với nội dung báo chí (28/12/2020 10:20:00)

Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2020): Giao lưu với Học viện Phòng không-Không quân  (22/12/2020 11:30:21)

Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020): TTXVN và Sư đoàn 304 phát huy truyền thống “Thủy chung-trong sáng-sắt son”  (22/12/2020 11:21:35)