Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Những ngày học "nghề thông tấn"


(02/12/2013 10:39:30)

Vậy là 45 ngày học nghiệp vụ thông tấn đã kết thúc. Mười tám phóng viên trẻ chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, đi nhận nhiệm vụ mới. Mỗi người mang theo bao kỷ niệm đáng nhớ, những kiến thức, kỹ năng cơ bản, và một tâm thế sẵn sàng cho những thử thách trong sự nghiệp làm báo sắp tới.

 

Nhớ ngày đầu tiên, tôi bước vào phòng học của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đầy rụt rè, bỡ ngỡ. Với một phóng viên trẻ mới được tuyển dụng như tôi, Cơ quan TTXVN mang một tầm vóc quá lớn nên những băn khoăn dồn đến: Tôi sẽ phải học gì, làm việc ra sao? Liệu tôi có đủ năng lực không?...

Nhưng rồi, qua từng giờ, từng ngày học hỏi, tôi đã tìm được những câu trả lời cho chính mình. Chúng tôi được tìm hiểu về truyền thống của ngành, về chức năng, nhiệm vụ của TTXVN; công việc của một phóng viên thường trú; đạo đức và trách nhiệm của nhà báo; học lý thuyết và thực hành các loại hình báo chí của TTX: tin, ảnh, báo điện tử, truyền hình... Và quan trọng nhất, chúng tôi được đích thân nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc TTXVN, định hướng về tư tưởng và nhiệm vụ của các phóng viên thường trú trong giai đoạn mới. Đặc biệt, sau chuyến đi thực tế, tận mắt chứng kiến mô hình Cơ quan thường trú Bà Rịa - Vũng Tàu, và nghe Trưởng đại diện Đoàn Mạnh Dương chia sẻ, những băn khoăn, rụt rè trong tôi biến mất, nhường chỗ cho một ngọn lửa đang dần nhen nhóm, đó là niềm đam mê, thôi thúc, mong muốn học hỏi, mong muốn làm nghề và vững tin hơn trên con đường mình đã chọn.

Và người làm "cháy" lên ngọn lửa đó chính là những giảng viên - nhà báo tài giỏi, nhiệt tình, tâm huyết mà chúng tôi được học: PGS. TS Vũ Quang Hào sâu sắc qua những bài giảng về viết tin, bài hiện đại, đặt nền móng cho nghiệp báo. Một "cây" viết phóng sự vào hạng nhất - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết. Một vị Trưởng ban lão làng- nhà báo Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban biên tập ảnh, nhẹ nhàng, lắng đọng qua những bài giảng kết hợp thực hành chụp ảnh báo chí. Một vị Tổng biên tập trẻ trung - nhà báo Lê Quốc Minh đến từ báo điện tử VietnamPlus, cùng bài giảng về xu thế báo chí hiện đại. Rồi Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình thông tấn, nhà báo Vũ Duy Hưng thân thiện, gần gũi với những chia sẻ đầy đam mê về truyền hình; là các Hoàng Đức Long, Khánh Hiếu, Lưu Hoàng Tiến, Kiều Mạnh Hà ân cần theo sát, chỉ bảo, uốn nắn chúng tôi trong gần một tháng học nghiệp vụ truyền hình. Dù chỉ giảng dạy trong một tuần, một ngày hay thậm chí một buổi, nhưng mỗi nhà báo đã để lại cho chúng tôi những bài học rất thiết thực và bổ ích.

Không trực tiếp giảng dạy, nhưng để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, đó là Ban tổ chức lớp học (thuộc Chi nhánh phía Nam của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn) với những đóng góp âm thầm nhưng vô cùng quan trọng. Từ ly cà phê nóng hổi giữa những buổi học căng thẳng, chiếc giá đỡ quần áo tiết kiệm chi phí giặt ủi, tấm vé dự dạ hội ca nhạc của trung tâm, đến một chiếc bánh mì, một lọ thuốc khi học viên đau ốm, ... các thầy, cô, anh chị trong Ban tổ chức lớp luôn làm hết sức để các học viên tập trung cao nhất cho việc học. Có một chuyện mà tôi chắc sẽ nhớ mãi, đó là khi những phóng viên xa nhà chúng tôi gặp sự cố với thẻ ngân hàng, loay hoay chưa xử lý được trong lúc số tiền mang theo đã sắp cạn. Ngay sau khi biết tin, Ban tổ chức lớp đã tạm ứng gấp cho chúng tôi một khoản chi phí hỗ trợ. Tuy không nhiều nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận tấm lòng của đồng chí, đồng nghiệp yên tâm học tập giữa TP. Hồ Chí Minh phồn hoa, náo nhiệt.

Rồi cũng đến buổi tổng kết khóa học. Có nhiều nụ cười, nhiều đôi mắt ngấn lệ. Niềm vui vỡ òa khi những sản phẩm truyền hình đầu tay của lớp chúng tôi được trình chiếu báo cáo. Những phát biểu chan chứa cảm xúc trong giờ liên hoan chia tay khiến chúng tôi ai nấy đều dạt dào xúc động.

Có lẽ, khóa học vẫn là chưa đủ để các học viên - phóng viên trẻ chúng tôi có thể tác nghiệp thành thạo, nhưng chúng tôi đã có nền tảng vững vàng để bước vào nghề. Đây sẽ là những kỷ niệm theo suốt cuộc đời tôi: 45 ngày đầu tiên tại Thông tấn xã Việt Nam.

 

 

 

Chúng tôi - những phóng viên mới toanh của TTXVN - tràn đầy đam mê với nghề báo. Chúng tôi vô cùng tự hào khi được đứng trong đội ngũ phóng viên thông tấn. Mặc dù chưa có bài báo nào, mới chỉ đang trong thời kỳ tham gia khóa học nghiệp vụ, nhưng qua các bài giảng, các buổi trao đổi, nói chuyện của lãnh đạo ngành và các nhà báo nhiều kinh nghiệm, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Niềm say mê, nhiệt huyết với công việc, kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu của các cô, chú, anh, chị đi trước đã "truyền lửa" cho lớp trẻ chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi đã hăng say hơn trong học tập, cố gắng nắm bắt tốt nhất những kiến thức mà các giảng viên chia sẻ, để sau này vững vàng hơn khi đi tác nghiệp.
 
 
 
 
 
                                          

 

Thạch Rober

Xuất thân là giáo viên sư phạm, tôi vào công tác (với vai trò biên dịch viên Việt-Khmer) tại Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (Chi nhánh phía Nam) nên vẫn chưa hiểu hết về cách sản xuất một tác phẩm báo chí.

      Sau thời gian tham gia khóa học, tôi đã lĩnh hội rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Giờ đây tôi mới biết để làm một sản phẩm tin cần có những yếu tố nào. Thực hiện phóng sự ảnh hoặc truyền hình cần có tư duy hình ảnh như thế nào để chọn góc ghi hình đẹp và đủ. Nhất là sự xuất hiện để dẫn hiện trường, thực hiện phỏng vấn...

      Qua khóa học, tôi đã tự tin hơn khi thực hiện một bài báo hay tin truyền hình. Hành trang kiến thức này sẽ là cơ sở để tôi dần hoàn thiện các kỹ năng làm báo của mình.

 
 
 
 
 

Trần Thị Thu Hiền

            Gần hai tháng tham gia lớp học, tôi đã học hỏi tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm báo. Để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là cách dạy, khả năng truyền cảm hứng của hai nhà báo Khánh Hiếu và Đức Long trong học phần truyền hình. Khái niệm "câu hình" ban đầu đã làm tôi rối tung, mất ngủ để tìm ra sự logic trong tư duy hình ảnh...

Thế nhưng, với cách giảng dạy, hướng dẫn thực hành, với những nhận xét kỹ càng, hai nhà báo đã dẫn dắt tôi vào "nghề truyền hình". Tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ căng thẳng, mệt mỏi khi đi thực tế đến niềm vui có được những hình ảnh quay đẹp. Từ những đêm thức trắng để hoàn thiện một phóng sự, cơn buồn ngủ như trôi đi trong niềm hạnh phúc khi sản phẩm được đánh giá tốt...
 
 
 
 
 
 

 

Vũ Xuân Triệu

 

Tháng 10 năm 2013 là thời gian đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Thật bất ngờ và hạnh phúc khi tôi nhận được điện thoại từ Ban Tổ chức cán bộ của TTXVN thông báo mình đã trúng tuyển. Nhớ lại những ngày đi thi quả thực tôi khi nào cũng bị ám ảnh bởi hiệu ứng "CÔCC" (con ông cháu cha) đã trở nên rất phổ biến ở những kỳ thi tuyển công chức khắp nơi. Thế nhưng, nhìn vào cách thức tổ chức thi, tôi thực sự tin vào một kỳ thi nghiêm túc và mọi việc diễn ra đúng như vậy.

Giờ đây tôi có thể tự hào nói rằng: Bằng trí tuệ của mình, tôi đã trở thành phóng viên TTXVN. Nhất là sau khi được tham dự khóa học nghiệp vụ, tôi tin rằng TTXVN là môi trường làm việc lý tưởng cho các bạn trẻ thực sự có năng lực và muốn cống hiến cho nghề báo.

Trịnh Quốc Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vô cùng thương tiếc anh Sáu Nghĩa! (02/12/2013 09:57:37)

Báo điện tử VietnamPlus đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (02/12/2013 09:53:31)

Người dân và chính phủ - Chương trình mới của Truyền hình thông tấn (06/11/2013 09:57:13)

Hội nghị trực tuyến tập huấn triển khai sử dụng văn bản điện tử, thư điện tử  (06/11/2013 09:54:41)

Tin Thi đua khen thưởng (06/11/2013 09:50:33)

Hai cơ quan thường trú Lâm Đồng, Đăk Nông gia nhập "đội hình" B1 (06/11/2013 09:48:52)

TTXVN có thêm một khóa phóng viên mới (06/11/2013 09:46:57)

Công đoàn viên thông tấn góp tay hỗ trợ đồng bào miền Trung (06/11/2013 09:44:20)

TTXVN phối hợp tổ chức triển lãm ảnh về quan hệ Việt - Anh (06/11/2013 09:41:33)

TTXVN tham gia chương trình phối hợp hoạt động nhân đạo (06/11/2013 09:36:17)