Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Nơi "kể" sử ngành thông tấn


(25/02/2016 16:05:32)

Tôi thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến quá trình xây dựng Phòng truyền thống mới của ngành, từ khi phương án xây dựng, trưng bày hiện vật đang còn được "nâng lên đặt xuống", cho đến lúc những hình ảnh, tư liệu hiện vật quý in dấu chặng đường 70 năm phát triển của TTXVN được bày trang trọng trong không gian hiện đại tại tầng 10, Trung tâm Thông tấn quốc gia. Đây không chỉ là nơi để cán bộ, phóng viên TTXVN hôm nay hiểu thêm về lịch sử hào hùng của cha anh mà còn là điểm đến cho những hồi tưởng, cảm xúc về những năm tháng đã qua của những người "dân" Thông tấn.

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thăm Phòng truyền thống của TTXVN

        Những cung bậc cảm xúc

Học chuyên ngành bảo tàng, được lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn giao nhiệm vụ trông coi Phòng truyền thống, tôi có cơ hội đón tiếp những đoàn khách tới tham quan, được chứng kiến nhiều khoảnh khắc xúc động. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trong một lần đến TTXVN đã ghé thăm Phòng truyền thống. Được Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi giới thiệu, ông chăm chú lắng nghe, xem kỹ các nội dung trưng bày, những khoảnh khắc lịch sử sống động bằng hình ảnh và hiện vật của ngành thông tấn. Dừng lại một lúc lâu tại khu "Tri ân liệt sĩ", mắt không rời khỏi bảng danh sách có hình ảnh các liệt sĩ thông tấn, khuôn mặt ông đượm buồn, xúc động trước những hy sinh của cán bộ, phóng viên TTXVN cho sự nghiệp của đất nước.

Từ khi khánh thành đến nay, Phòng truyền thống đón rất nhiều đoàn cán bộ hưu trí của ngành. Nhiều người rưng rưng ngắm nhìn những kỷ vật thân thuộc, qua bao năm gìn giữ, nay được bày ngay ngắn trong tủ kính tại Phòng truyền thống. Bà Phương Bích Ngân, vợ liệt sĩ Thẩm Đức Hòa, tuổi đã cao, đi lại khó khăn vẫn cất công đến tận nơi, để rồi xúc động vỡ òa trước những hiện vật của hai vợ chồng được trưng bày tại đây.

Cảm xúc đó không chỉ thấy ở thế hệ đi trước, những người từng gắn bó với ngành trong thời kỳ chiến đấu đầy khó khăn và nguy hiểm mà còn hiện diện trên gương mặt của nhiều cán bộ, phóng viên trẻ. Bạn Đỗ Phương Nga, biên tập viên Ban biên tập tin Kinh tế, chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của những cô chú nhà báo thế hệ trước đã vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong chiến tranh để đưa thông tin đến được với độc giả. Tôi cảm thấy rất tự hào và may mắn khi được làm việc trong một môi trường có bề dày lịch sử. Và tôi tự hứa với mình sẽ phải thật cố gắng để tiếp bước các thế hệ đi trước". Bạn Nguyễn Việt Đức, biên tập viên báo điện tử VietnamPlus xúc động: "Mỗi lần đến tham quan Phòng truyền thống của cơ quan, được ngắm nhìn những bức ảnh, những hiện vật và những dòng chú thích được coi là một câu chuyện sống động về truyền thống của cơ quan trong suốt 70 năm qua. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm để tiếp nối truyền thống của cơ quan góp phần vào nỗ lực chung của toàn ngành, đưa cơ quan TTXVN trở thành một hãng thông tấn quốc gia mạnh".

 

Hiện vật và nội dung trưng bày đa dạng

Phòng truyền thống TTXVN khởi công ngày 16/1/2015 và hoàn thành sau ba tháng thi công. Để kịp tiến độ, cán bộ, phóng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn (đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung trưng bày) đã làm việc không kể ngày đêm, lựa chọn trong số hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh có trong kho, những hiện vật, bức ảnh phù hợp để trưng bày. Có thời điểm, cán bộ của Trung tâm phải thực hiện những chuyến đi sưu tầm cấp tốc để tìm cho được hiện vật phù hợp. May mắn là được sự ủng hộ và nhiệt tình hợp tác của cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN các thế hệ, chúng tôi đã nhanh chóng có đủ hiện vật để kịp trưng bày theo đúng tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Bích, phu nhân Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Giáp (đã mất), khi chúng tôi ngỏ lời đã nhiệt tình tìm và trao tặng chiếc máy chữ ông sử dụng trong thời kỳ kháng chiến và nhiều tờ báo của thông tấn từ những số đầu tiên mà ông cẩn thận giữ lại. Ông Phạm Nho Nghĩa tuy tuổi đã cao nhưng vẫn đến trao tận tay cán bộ Phòng truyền thống những kỷ vật gắn bó với cuộc đời làm báo của mình. Anh Nguyễn Hữu Trung, phóng viên Trung tâm Truyền hình thông tấn, mang từ Trường sa về hai lá cờ đỏ sao vàng mà những người lính cảnh sát biển tặng trong chuyến tác nghiệp, sát cánh cùng cảnh sát biển trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cũng nhờ công sưu tầm và lưu giữ cẩn trọng của các "bậc tiền bối" làm công tác truyền thống của ngành, cùng với nhiệt tâm hiến tặng hiện vật của các cán bộ phóng viên, công nhân viên TTXVN các thời kỳ, Phòng truyền thống mới có những hiện vật quý để trưng bày. Trong đó phải kể đến: Những bút tích của Bác Hồ kính yêu, của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; những cuốn sổ, chiếc bút, bộ máy ảnh từ thời mới bắt đầu vào nghề của các phóng viên thông tấn; những chiếc máy phục vụ thu phát tin trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà các phóng viên thông tấn đã "lao tâm khổ tứ" để giữ gìn...

Từ khi mở cửa đến nay, Phòng truyền thống vinh dự được đón hàng ngàn lượt khách tham quan, chỉ tính riêng trong tháng 9/2015, tháng cao điểm với các hoạt động chào mừng 70 năm thành lập ngành, Phòng truyền thống đã tiếp đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài ngành. Ngoài những lời động viên khen ngợi, chúng tôi còn nhận được nhiều góp ý chân thành. Đó sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những hiện vật quý, phù hợp bổ sung hoàn thiện nội dung trưng bày, để Phòng truyền thống của TTXVN ngày càng phong phú về hiện vật, sống động về hình ảnh, đa dạng về nội dung, hình thức trưng bày.
Phòng truyền thống TTXVN được khánh thành tháng 4/2015, có diện tích khoảng 200m2, trưng bày gần 200 hiện vật và 270 bức ảnh, giới thiệu về quá trình xây dựng, hoạt động và phát triển của ngành. Nội dung trưng bày gồm 6 chủ đề chính: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với TTXVN; TTXVN năm 1945 - 1954; TTXVN năm 1954 - 1975; TTXVN từ 1975 - nay; Tri ân liệt sĩ; TTXVN với bạn đọc trong nước và quốc tế. Các khu trưng bày bổ trợ: Tổ hợp nghệ thuật mô phỏng hình ảnh các phóng viên TTXGP đang tác nghiệp trong căn chòi lợp lá đơn sơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; sa bàn khu Di tích VNTTX tại Sơn Dương, Tuyên Quang (1952 - 1954); Giúp bạn cũng là giúp mình; Các ấn phẩm của TTXVN; Lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Mâm cỗ” báo Tết thịnh soạn đón xuân  (25/02/2016 14:58:21)

Cảm xúc đầu xuân (25/02/2016 14:36:24)

TTXGP tham gia Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968  (25/02/2016 14:30:04)

Câu đối Tết đầu tiên của Bác Hồ viết sau Cách mạng Tháng Tám (25/02/2016 11:29:23)

Phát triển đảng viên tại các chi bộ cụm cơ quan thường trú (25/02/2016 11:25:07)

Thông tin về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Chuẩn xác - Kịp thời - Đúng định hướng (25/02/2016 11:20:23)

Những con số ấn tượng năm 2015 (25/02/2016 10:59:20)

Thư chúc Tết (25/02/2016 10:57:44)

Chúc mừng Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (25/02/2016 10:54:14)

10 sự kiện nổi bật của TTXVN năm 2015: (Do Nội san Thông tấn bình chọn) (25/02/2016 10:28:45)