Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ


(04/11/2016 18:19:49)

Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn K26, tháng 3/2013, PV Trịnh Xuân Tư được đầu quân về thường trú tại Điện Biên, một tỉnh biên giới miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc. Gần đây, loạt bài viết, ảnh và truyền hình phản ánh rất công phu về tình trạng phá rừng ở huyện Tủa Chùa (đăng tải tháng 8 + 9/2016) của PV Xuân Tư và nhóm tác giả CQTT tại Điện Biên, đã được dư luận đặc biệt quan tâm, được đồng nghiệp trong và ngoài ngành đánh giá cao.

Phóng viên Xuân Tư tại khu vực rừng gỗ nghiến bị tàn phá


Ngày 9/8, mở đầu cho chuỗi ngày điều tra gian khó và cực kỳ phức tạp, vượt hơn 150km từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đến bản Hột, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Gặp người đã cung cấp thông tin, nghe anh kể về mức độ rừng gỗ nghiến trăm tuổi đang bị tàn phá, chúng tôi nóng lòng muốn tận mắt chứng kiến.
Để lại chân máy và ba lô tại nhà dân, chúng tôi lập tức lên đường. Con đường mòn từ bản Hột lên rừng toàn những dốc cao thẳng đứng, sau những cơn mưa trở nên lầy lội. Đến khi không còn đường, chúng tôi phải bỏ lại xe giữa rừng, lần theo tiếng máy cưa để định hướng. Băng qua một quả đồi nữa, chúng tôi thấy hơn 10 chiếc xe máy đang tập kết. Toàn bộ đều là xe Win 100, lốp sau được cuốn xích để dễ dàng hơn trong việc leo núi và chạy đường bùn lầy. Những chiếc xe này được lâm tặc sử dụng để chở thớt nghiến ra khỏi rừng.
Càng đi sâu vào đại ngàn, những cây gỗ nghiến đường kính từ 0,8 - 1,3m bị đốn hạ nằm la liệt. Chỉ các phần gốc cây bị rỗng ruột và những mảnh vụn mỏng trong quá trình “chế tác” thớt bị bỏ lại, xung quanh mùn cưa vẫn còn rất mới. Tiếng máy cưa mỗi lúc một gần hơn. Sợ lâm tặc phát hiện nên chúng tôi không đi theo đường mòn mà chọn cách luồn rừng, băng qua những vách đá tai mèo sắc nhọn để tiếp cận được nhóm người đang xẻ gỗ, đẽo thớt. 

 

Lúc đầu, chúng tôi chỉ định quay từ xa, nhưng sau khi đã đủ hình, chúng tôi lại muốn đến gần hơn. Phát hiện có người lạ, lại mang theo máy quay, máy ảnh, ngay lập tức, nhóm người dừng hoạt động. Sau khi biết chúng tôi không phải là kiểm lâm, họ kéo mũ, khăn trùm che mặt, cúi sập xuống để tiếp tục xẻ gỗ, đẽo thớt, mặc cho chúng tôi quay hình. Tiếp tục đi tìm các điểm khai thác gỗ khác của lâm tặc, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục thân cây gỗ nghiến cổ thụ bị đốn hạ. Đến ba giờ chiều, trời nắng, cũng là lúc thấy đói và khát, chúng tôi đã quyết định quay về.
Từ rừng về, chúng tôi bắt đầu làm việc với các cơ quan chức năng. Tại xã Mường Đun, Chủ tịch xã đi vắng, Phó Chủ tịch không trả lời phỏng vấn. Chủ tịch HĐND xã rồi đến kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đều khẳng định không có chuyện phá rừng như phóng viên phản ánh. Chúng tôi đến gặp những lãnh đạo cao hơn. Nhưng cả Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa và Hạt kiểm lâm huyện đều phủ nhận thực trạng phá rừng trên địa bàn, đẩy trách nhiệm cho huyện Tuần Giáo và cho rằng những vị trí rừng bị phá đều thuộc đất huyện Tuần Giáo?!
Hạt kiểm lâm Tủa Chùa còn đề nghị phóng viên cùng họ quay trở lại rừng để xác minh bằng tọa độ GPS. Chuyến đi thứ nhất chưa kịp hồi sức thì phóng viên lại vất vả lên rừng lần thứ hai. Bức xúc hơn là Hạt kiểm lâm Tủa Chùa cho rằng tất cả những vị trí mà phóng viên phản ánh đều thuộc đất huyện Tuần Giáo, sau khi đo bằng GPS. Hạt kiểm lâm và chính quyền Tủa Chùa khẳng định trên địa bàn huyện không có tình trạng phá rừng. Sau bài phản ánh đầu tiên với tiêu đề “Rừng Điện Biên trước nguy cơ cạn kiệt cây gỗ nghiến” được phát, chính quyền huyện Tủa Chùa còn gửi văn bản đề nghị TTXVN cải chính thông tin.
Theo chỉ đạo của Trưởng CQTT, chúng tôi quyết định trở lại rừng thêm lần nữa để chính quyền huyện Tủa Chùa phải “tâm phục, khẩu phục”. Lần này, hành lý được trang bị thêm một chiếc máy định vị vệ tinh GPS như của lực lượng kiểm lâm. Chúng tôi bịt kín mặt mũi và lên thẳng rừng, không dừng lại ở xã, bản để tránh gây sự chú ý. 
Từ sáng sớm, chúng tôi lại vượt quãng đường dài để trở lại rừng. Tất cả những vị trí có cây gỗ nghiến bị đốn hạ, khai thác đều được chúng tôi đo tọa độ GPS. Đến khoảng 12 giờ trưa, đồng nghiệp của tôi bị dính lông sâu ở cổ, sau đó lan ra mẩn ngứa khắp toàn thân. Chúng tôi phải quay lại lán của người dân để xin muối xát vào trị ngứa. Ngay sau đó, gần 20 cán bộ kiểm lâm và xã Mường Đun ập tới khiến chúng tôi phải tạm lánh bên trong lán để tránh bị phát hiện. 
Vừa đến lán, một cán bộ kiểm lâm hỏi chủ nhà: Có thấy hai ông nhà báo ở đâu không? Một cán bộ kiểm lâm khác với ánh mắt dò xét nhìn thấy chúng tôi. Sau đó, nhóm người này ngồi rải rác quanh lán suốt hơn hai tiếng. Biết đang bị “theo dõi”, không thể tác nghiệp, chúng tôi bèn rút về. Trên đường đi chỉ sợ… bị đánh nên phóng thật nhanh về thẳng huyện Tuần Giáo, cách bản Hột khoảng 80km để ăn cơm và nghỉ ngơi. 
Về đến cơ quan, tôi gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thông báo chúng tôi đã trở lại rừng và đo bằng GPS, xác định rõ ràng trên đất Tủa Chùa có rất nhiều cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép. Tuy nhiên, Chủ tịch huyện vẫn phủ nhận và nhất mực đòi TTXVN cải chính thông tin. Tôi viết tiếp bài “Rừng bị xẻ thịt, chính quyền vẫn không thừa nhận”. Bài viết đã gây hiệu ứng dư luận mạnh mẽ. UBND tỉnh Điện Biên liền chỉ đạo làm rõ vụ việc phá rừng này.
Ngay sau đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mời các cơ quan báo chí, chính quyền huyện Tủa Chùa và Chi cục Kiểm lâm Tỉnh dự Hội nghị giao ban báo chí, nhằm làm rõ những vướng mắc xoay quanh loạt bài phản ánh tình trạng phá rừng theo như TTXVN phản ánh. Tại đây, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, vẫn một mực phủ nhận thực trạng phá rừng trên địa bàn và vẫn bao biện, đổ “tội” cho huyện Tuần Giáo. Thế nhưng, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên lại thừa nhận thực trạng phá rừng tại huyện Tủa Chùa. Chúng tôi đã chiếu những hình ảnh về rừng bị tàn phá tại huyện Tủa Chùa, được đo bằng định vị GPS. Trước những chất vấn của các đại biểu dự hội nghị và những hình ảnh không thể chối cãi, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa đã phải thừa nhận tình trạng phá rừng đang diễn ra trên địa bàn.
Kết thúc loạt bài phản ánh về tình trạng phá rừng ở huyện Tủa Chùa, cũng là tròn một tháng kể từ chuyến lên rừng đầu tiên. Loạt bài đã tốn rất nhiều công sức của anh em phóng viên, nhưng điều chúng tôi tâm đắc là sự thật đã chiến thắng. Chính sự thật không thể chối cãi đã khiến huyện Tủa Chùa phải thừa nhận, chính sự thật đã khiến họ phải “tâm phục, khẩu phục”. 

Sau Hội nghị Giao ban báo chí, mọi người hoan hô chiến công của anh em báo chí TTXVN và báo Điện Biên Phủ đã đi đến cùng sự việc, chiến thắng được huyện Tủa Chùa, vốn là huyện có “truyền thống” phản bác báo chí số một của tỉnh Điện Biên, khi có bất kỳ phản ánh nào về vấn đề tiêu cực trên địa bàn. Bản thân tôi cảm thấy vui mừng khi sự thật đã được phơi bày, khi một lãnh đạo từng lớn tiếng phản bác báo chí cuối cùng cũng đã nhận lỗi, thừa nhận thực tế. 
Được Tổng giám đốc TTXVN, lãnh đạo Trung tâm Truyền hình thông tấn thưởng “nóng”, được anh em đồng nghiệp, bạn bè động viên, chúng tôi càng thấy ấm lòng và yêu nghề báo hơn. Tôi hiểu rằng, khi mình tâm huyết với nghề, với công việc thì tất yếu sẽ được đền đáp./.
 

Theo Nội san thông tấn số 10/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: