Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Phóng viên đi, phóng viên viết: Tác nghiệp trong chiến tranh


(03/11/2023 11:20:47)

Israel là địa bàn chiến tranh. Năm nào cũng xảy ra một vài vụ xung đột quân sự giữa quân đội nước này với các lực lượng của Palestine. Còn các vụ xung đột lẻ tẻ với các lực lượng quân sự ở các nước láng giềng khác thì xảy ra liên tục. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza trong tháng 10/2023 có tính chất nghiêm trọng và quy mô hoàn toàn khác. Sự nguy hiểm đối với các nhà báo tác nghiệp tại đây cũng tăng lên đáng kể.


Vụ tấn công của lực lượng Hamas ngày 7/10 nhằm vào dân thường và quân nhân Israel ở các địa phương biên giới phía Nam khiến 1.300 người thiệt mạng, gần 4.000 người bị thương. Sự mất mát về con người được đánh giá là lớn nhất kể từ thảm họa Holocaust thời chiến tranh thế giới thứ 2 và sẽ để lại những vết thương sâu sắc trong lòng xã hội Israel về lâu dài. Vì vậy, phản ứng trả đũa của phía Israel rất quyết liệt, số thương vong tại Dải Gaza tăng lên từng ngày và nhanh chóng chạm con số hàng chục nghìn người. Ở biên giới phía Bắc của Israel giáp với Liban, lực lượng Hezbollah cũng tiến hành các cuộc tấn công bằng đạn pháo và máy bay không người lái để ủng hộ Hamas. 

Chiến sự thu hút hàng trăm phóng viên quốc tế đổ về Israel đưa tin. Khác với các cuộc xung đột trước, lần này giới báo chí thận trọng hơn. Do ở các khu dân cư phía Nam vẫn còn các tay súng Hamas xâm nhập qua biên giới chưa rút hết, nên tình thế nguy hiểm cao hơn nhiều. Ngoài bom đạn, người nước ngoài cũng có thể trở thành đối tượng tấn công của các tay súng Hamas. Các nhà báo đang tác nghiệp tại Dải Gaza luôn ở trong tình thế nguy hiểm trước các loạt không kích trả đũa rầm rộ từ phía Israel. Chỉ trong tuần đầu tiên, đã có tới 11 nhà báo thiệt mạng tại Gaza và con số này tăng gấp đôi, lên 22 người sau hai tuần xảy ra chiến sự. Trong số đó có 18 nhà báo người Palestine, 3 nhà báo Israel và 1 nhà báo Liban (là phóng viên ghi hình của hãng Reuters), chưa kể một số khác bị thương hoặc mất tích.
 

Nhà báo Vũ Hội, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Tel Aviv (Israel), dừng xe ô tô để gửi tin về Tổng xã, tháng 10/2023

Dù đã quen với môi trường chiến tranh xung đột, các phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xác định, lần tác nghiệp này phải thận trọng hơn bội phần so với các lần trước. Bên cạnh nhu cầu thông tin về chiến sự, việc đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe được đặt lên hàng đầu. 

Những ngày đầu xảy ra chiến tranh, cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Israel là mối quan tâm trước hết đối với độc giả trong nước. Rất may là trong cuộc xung đột lần này, hầu hết cộng đồng người Việt (khoảng 500 người) tại Israel đều ở các địa phương ngoài vùng chiến sự. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam cũng cử hàng trăm sinh viên sang theo học chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp tại bốn trung tâm đào tạo của Israel. Năm nay, trung tâm Shredot gần với Dải Gaza không có tu nghiệp sinh nào theo học. Cho đến nay, ghi nhận cộng đồng người Việt tại Israel vẫn an toàn, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Việc này giải tỏa được tâm lý lo lắng đối với các cơ quan đại diện cũng như phóng viên TTXVN thường trú tại địa bàn. 

Tuy nhiên, áp lực tâm lý mỗi khi các phần mềm cảnh báo rocket và còi báo động tên lửa vang lên đã trở thành nỗi ám ảnh của các phóng viên đưa tin tại địa bàn. Các loạt pháo kích của Hamas dày đặc, liên tục và bao trùm lên hầu hết các khu vực từ miền Nam tới miền Trung, thậm chí vươn lên cả miền Bắc của Israel. Những tiếng nổ lớn như sấm tạo ra cảm giác bất cứ khi nào tình huống “tên bay đạn lạc” cũng có thể xảy ra. Trong cuộc chiến lần này, số lần phóng viên đang trên đường tác nghiệp phải dừng lại để chui vào hầm trú ẩn bên đường xảy ra nhiều hơn. Lúc ra hiện trường quay hình phải dừng trên đường để gửi hình về, ngồi trong xe ô tô cảm giác cũng không được an toàn, vì số lượng và mật độ rocket do lực lượng Hamas bắn ra liên tục và dày đặc. 

Sự tàn bạo của các tay súng khi tràn vào các ngôi làng và giết hại dân thường làm bao phủ một màu tang thương trong xã hội Israel, khiến lòng căm hận trả thù dâng cao. Trong khi đó, một số lực lượng khác ở biên giới phía Bắc cũng bắt đầu các cuộc tấn công, đe dọa đẩy cuộc chiến lan rộng ra khu vực. Cả nước khẩn trương trong không khí chiến tranh. Người dân đổ xô ra siêu thị tích trữ thực phẩm, nước uống. Những trung niên khoác áo lính trở lại. Phụ nữ quyên góp đồ ủng hộ và đến bệnh viện hiến máu. Sân bay đông nghịt người nước ngoài lần lượt rời Israel và cả những người Do Thái trở về tái ngũ. Những đoàn xe binh vận rầm rập chạy trên đường. 

Các phóng viên ngoài việc bám sát tình hình thời sự để đảm bảo luồng thông tin hằng ngày, cũng phải lên kế hoạch và các phương án an toàn trong tình huống chiến tranh lan rộng. Tác nghiệp không những nguy hiểm hơn mà còn khó khăn hơn, bởi nhiều trường hợp các nhân viên an ninh kè kè súng đạn, yêu cầu kiểm tra giấy tờ liên tục, thậm chí gây khó dễ, đòi xóa các ảnh chụp và video ghi hình. Kinh nghiệm tác nghiệp ở địa bàn đặc thù đòi hỏi phải xử lý tình huống tỉnh táo và mềm mỏng, bởi trong tình trạng chiến tranh các binh sĩ được trao quyền rất cao, mọi chuyện có thể diễn ra không theo các quy trình thông thường. Có như vậy, các phóng viên thường trú mới đảm bảo yêu cầu vừa giữ được an toàn cho bản thân, vừa có thông tin cập nhật và đầy đủ để phục vụ độc giả ở trong nước./.
 
Chiều 14/10, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, Tổng giám đốc Vũ Việt Trang đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với CQTT tại Tel Aviv về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho phóng viên và người thân trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas leo thang căng thẳng.

Tham dự cuộc làm việc còn có các Phó tổng giám đốc: Nguyễn Tuấn Hùng, Đoàn Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Sự và các phóng viên CQTT tại Tel Aviv.

Tổng giám đốc Vũ Việt Trang biểu dương CQTT tại Tel Aviv đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo thông tin về tình hình địa bàn, cập nhật báo cáo kịp thời về cuộc xung đột Israel - Hamas; chủ động xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho các thành viên của CQTT...

Lãnh đạo cơ quan nhất trí với kế hoạch của CQTT Tel Aviv về các phương án đảm bảo an toàn cho các phóng viên và người thân và phương án tác nghiệp trong điều kiện chiến sự hiện nay.
Trong những ngày tới, các phóng viên CQTT Tel Aviv tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau; liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Việt tại Israel; giữ liên lạc thường xuyên với Tổng xã, tiếp tục cập nhật báo cáo kịp thời về tình hình địa bàn, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các phóng viên và người thân.

Nội san Thông tấn số 10/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trưng bày ảnh quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan (02/11/2023 15:35:08)

Thực hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất thông tin (31/10/2023 19:04:10)

"Đồng hành cùng vùng khó" đến với học sinh nghèo Hòa Bình (30/10/2023 16:31:20)

Ngày hội hiến máu tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (30/10/2023 11:37:37)

Hoạt động của Hội cựu chiến binh TTXVN (27/10/2023 13:13:11)

Ký thỏa thuận hợp tác với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn mới (24/10/2023 16:21:44)

Hội nghị Ban chấp hành OANA lần thứ 51 tại Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang dự và thuyết trình (24/10/2023 15:30:24)

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3: Đoàn thanh niên Trung tâm Truyền hình Thông tấn được trao giải Khuyến khích  (23/10/2023 11:08:27)

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương: TTXVN được trao Bằng khen và 3 giải thưởng  (23/10/2023 11:08:04)

Hoạt động về nguồn nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2023 10:33:28)