Thứ ba, ngày 14/05/2024

Người tốt việc tốt

“Sống hết mình và làm điều gì cũng phải hết mình”


(13/12/2006 10:51:20)

Nhân dịp hai cán bộ của TTXVN được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt" năm 2006, NSTT đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Trương Anh Ngọc - Phó trưởng Biên tập tin Thể Thao, báo Thể thao & Văn hoá, người vừa được tặng danh hiệu trên.

Trương Anh Ngọc thời kỳ làm BLV thể thao tại đài PT-TH Hà Nội. (Ảnh: CTV).

Chào anh Trương Anh Ngọc, anh đến với nghề báo như thế nào?

Trước khi về công tác ở TTXVN, tôi đã có 4 năm làm việc cho đài PT-TH Hà Nội. Trước đó, trước cả khi tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV, tôi đã từng làm việc tại Trung tâm giá trị gia tăng (VASC) thuộc Công ty truyền dẫn thuật số liệu (VDC). Hồi đó, tôi làm một bình luận viên thể thao và nghề chính là làm BLV bóng đá, chủ yếu là bóng đá Italia.

Đó là công việc cực kỳ vất vả, nhiều sức ép và không bao giờ có thể thành công nếu không yêu nó, say mê với nó. Bốn năm làm ở đài PT-TH Hà Nội không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để giúp tôi hiểu được thế nào là sức ép, thế nào là công chúng và điều gì họ cần ở mình với tư cách là người đem đến cho họ những thông tin bổ ích nhất. Đây là những hành trang cần thiết đầu tiên cho tôi vào nghề.

Chuyển từ báo hình sang báo viết, anh thấy thế nào?

Đây thực sự là cuộc thử sức không dễ dàng. Khi chuyển từ tư duy hình tượng sang tư duy báo viết; từ những gì mang ý nghĩa trực tiếp (theo đúng nghĩa của từ này) sang một công việc đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn. Nhưng vì tôi yêu thích tờ Thể thao & Văn hoá từ bé và luôn mơ ước một ngày nào đó được viết cho nó, nên tôi nhanh chóng làm quen với công việc mới và trong bốn năm đã trở thành cây bình luận thể thao quốc tế của tờ báo, cũng là một trong những nhà báo thể thao quốc tế trong một làng báo hiện nay.

Bốn năm là cả một quá trình tìm tòi, suy nghĩ, định hướng được một lối đi riêng, một phong cách riêng đầy cá tính và gai góc. Tôi nghĩ mình đã gặt hái kết quả bước đầu trong nghiệp viết cũng như đã có những thành công bước đầu trong nghiệp BLV.

Anh Ngọc trong công việc hiện nay tại báo TT- VH. (Ảnh: CTV).

Chà! "Trở thành cây bình luận thể thao quốc tế của tờ báo Thể thao - Văn hoá", bí quyết của anh là gì?

Không dễ dàng để trở thành một cây bút viết về một lĩnh vực gì đó nếu không chịu khó đọc, học, nghe độc giả phản hồi và trực tiếp tiếp xúc với họ. Tôi đã theo công việc của một người viết báo từ 4 năm nay, thời gian cho công việc choán nhiều thời gian hàng ngày của tôi. Nhưng không lúc nào là tôi không đọc, đọc tất cả những gì liên quan đến mảng mình viết. Tôi thường lấy thông tin từ Internet và đọc những tờ báo nước ngoài ra hàng ngày trên Internet (bằng tiếng Ý, tiếng Anh). Thậm chí, tôi còn in ra để đọc, nghiền ngẫm tất cả để tìm thông tin, ý tứ để bình luận. Tôi công khai địa chỉ email của mình trên tờ báo để có thể tiếp nhận phản hồi của độc giả, lập một blog cá nhân để tăng cường giao lưu với độc giả, tranh thủ quảng bá cho tờ báo. Đồng thời qua giao tiếp trực tuyến, có thể tìm kiếm những cộng tác viên mới. Nói chung là tôi tận dụng tất cả những thế mạnh của công nghệ để phục vụ cho công việc, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ và mở rộng sự hiểu biết của mình.

Vừa qua, thành công của tờ Tin nhanh World Cup 2006 có một phần không nhỏ công sức của anh. Khi được phân công thực hiện tờ Tin nhanh, tâm trạng của anh như thế nào?

Tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi cảm thấy hơi lo lo. Tờ Tin nhanh của TT&VH đã từng là tờ tin hàng đầu về lĩnh vực đưa các thông tin trong các giải World Cup và EURO suốt hơn 20 năm qua, chủ yếu vì sự độc quyền của nguồn tin. Nhưng sự "thống trị" ấy đã không còn tồn tại khi Internet tràn vào Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tờ báo thể thao hàng ngày ra đời, đã giành một phần rất lớn thị phần của tờ TT&VH, vốn ra một tuần 2 số trước kia và từ 4/2005 lên 3 số nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thông tin quá lớn của độc giả. Lượng phát hành của các tờ Tin nhanh của TT&VH đã giảm trong 2 kỳ gần đây là World Cup 2002 và EURO 2004.

Vậy anh đã làm gì để cùng với cả tập thể toà soạn giành một phần "sự thống trị" đó?

Trước hết, chúng tôi phải tìm nguyên nhân chính đã khiến tờ Tin nhanh sa sút. Chúng tôi nhận thấy về khách quan, đó là sự ra đời của các tờ báo thể thao, lượng thông tin thể thao trên các phương tiện thông tin khác đầy ắp, trong khi khả năng tiếp thị của họ tốt hơn ta.

Về chủ quan, phong cách của TT&VH sau gần 20 năm vẫn không thay đổi, vẫn chủ yếu là tin bài dịch, thiếu các bài viết có phong cách riêng, độc đáo và "gây sốc", không thu hút được các cây bút có uy tín, trình bày không bắt mắt và cũng không có chiêu lăng xê, chủ yếu vẫn dựa vào uy tín sẵ có để níu kéo các độc giả trung thành, nhưng không thể lôi kéo được các độc giả mới.

Tuy nhiên, với tờ Tin nhanh lần này, cơ quan muốn "đánh một trận lớn", sẵn sàng chấp nhận rủi ro, để lấy lại uy tín cho tờ báo. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi lại không có nhiều sự lựa chọn về nhân sự, vì chỉ được lập một "đội đặc nhiệm" trực tiếp làm nội dung không quá 15 người cho một tờ báo ra hàng ngày và sẽ kéo dài hơn một tháng. Đăc biệt nó không hề liên quan một chút nào về nội dung với tờ báo vẫn ra 3 số thường kỳ. Trong khi đó, các báo đối thủ đều có một lực lượng chuyên nghiệp đông gấp 4, 5 lần, đồng thời họ lại có cách tiếp thị tốt hơn... Nói tóm lại, nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó giống một ván bài mà chúng tôi không được phép thua.

Tất cả những điều đó đã tạo ra một sức ép không nhỏ đối với chúng tôi. Nhưng tôi là một người còn trẻ, mới 30 tuổi, đã quen với sức ép và sự kỳ vọng từ khi còn làm bên đài truyền hình, cộng thêm một chút "liều lĩnh", "ngông cuồng" và thích "thách thức" của tuổi thanh niên nên tôi chấp nhận tất cả, không hề cảm thấy sợ hãi hay ngại ngùng điều gì.

Được Ban lãnh đạo cơ quan chỉ đạo sát sao, Ban biên tập Báo khuyến khích, tôi vạch ra kế hoạch bài vở, cách trình bày, đến việc tạo ra một đội ngũ cây viết có uy tín hàng đầu và có phong cách được thừa nhận trong giới báo chí thể thao. Ngay cả việc làm thế nào, viết gì, với văn phong nào và phân cho những ai viết mảng gì, bao nhiêu chữ, cách làm thế nào để lôi kéo độc giả chỉ bằng cách chạy tít, hay trình bày... đều được chúng tôi tính toán rất cụ thể và chi tiết trong vòng vài tuần trước khi bắt đầu chiến dịch. Thậm chí, các quan hệ công chúng, việc quảng bá tờ báo thế nào trên tivi, phương tiện thông tin rộng rãi và hiệu quả nhất, cũng được chúng tôi tính tới.

Tóm lại là làm tất cả những gì để tờ Tin nhanh không những khác mà phải độc đáo hơn các tờ báo khác, được độc giả tiếp nhận và quan tâm.

Kết quả là trong ván bài này, báo TT&VH đã không thua!

Hậu World Cup, công việc của anh bây giờ là gì?

Tôi lại trở về với công việc cũ của mình thôi. Từ đầu năm 2005, tôi được Ban biên tập trao thêm trọng trách mới: Làm Phó trưởng phòng tin Thể thao, phụ trách mảng Quốc tế. Tôi đã mạnh dạn cải tiến cách trình bày, đưa thông tin, cách viết bài theo một phong cách mới để tạo ra một hướng đi mới mẻ, trẻ trung và "Tây" hơn cho bộ phận được quan tâm và hút khách nhất của tờ báo, trong thời điểm đang có sự cạnh tranh quyết liệt với các tờ thể thao khác.

Sau World Cup 2006, anh em làm World Cup báo TT&VH vẫn áp dụng những bài học thành công của Tin nhanh vào phần thể thao Quốc tế của tờ TT&VH. Công việc này khó khăn và gian nan hơn tờ Tin nhanh.

Điều trăn trở và tâm huyết của tôi cũng là điều trăn trở và tâm huyết của những người làm báo TT&VH: Đó là làm thế nào để nâng cao chất lượng của tờ báo, cũng như tăng được số lượng; tiếp tục tạo cho tờ báo một bản sắc riêng, cùng với cơ quan tìm ra cơ chế phát hành hiệu quả nhằm tăng số lượng. Đó là điều không dễ dàng trong hoàn cảnh hiện nay.

Trương Anh ngọc cùng gia đình. (Ảnh: CTV).

Công việc toà soạn luôn luôn bận rộn, chiếm nhiều thời gian, công sức, vậy người "giữ lửa" trong gia đình nhỏ của anh có phàn nàn gì không?

Vợ tôi từng là phóng viên văn hoá và là người đứng chương trình "Du lịch văn hoá" của Đài PT-TH Hà Nội. Cùng là phóng viên nên cô ấy rất hiểu tôi và công việc của tôi. Cô ấy là người luôn động viên, khích lệ và đứng đằng sau những thành công của tôi. Chúng tôi có một con gái 3 tuổi. Tôi không có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ của mình, nhưng luôn cố gắng tối đa để chăm sóc những người thân, và dành toàn bộ những ngày cuối tuần cho họ.

Một ngày làm việc bình thường của anh?

Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều là rời cơ quan. Những ngày ra báo thì làm tới 10 giờ tối mới về nhà. Nhưng tôi luôn giữ cho mình thói quen làm việc ở nhà bằng cách đọc tài liệu hoặc viết bài cho những trận đấu quan trọng, hoặc những vấn đề lớn mà mình quan tâm. Nói chung tôi làm việc trên 10 tiếng một ngày.

Phương châm sống và làm việc của tôi là "Live to the fullest" - sống hết mình và làm gì cũng phải hết mình, để sau này không phải hối tiếc là mình đã không cố gắng.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện với Nội san. Chúc anh và đồng nghiệp của mình có được nhiều thành công hơn nữa trong việc phát triển, nâng cao uy tín tờ TT&VH.

Thục Hiền
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006