Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai


(06/10/2020 10:18:51)

Gần 10 năm làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại tỉnh Hà Tĩnh - nơi được coi là “chảo lửa, túi mưa”, tôi cũng như anh em phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) đã dần quen với việc tác nghiệp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Dải đất miền Trung hầu như năm nào cũng phải lo “gánh gồng” chuyện bão lũ. Giống như người dân nơi đây, những phóng viên thường trú luôn chuẩn bị tâm thế để tác nghiệp mỗi khi mưa lũ về.

Phóng viên Hoàng Ngà trao đổi với cựu chiến binh Đậu Văn Tiến - người tham gia mở đường băng cản lửa tại hiện trường vụ cháy rừng ở Nghi Xuân, tháng 6/2019

Đã thành thói quen, ngay khi có thông tin về tình hình mưa bão tại địa bàn, anh em phóng viên CQTT Hà Tĩnh nhanh chóng chuẩn bị phương tiện tác nghiệp, từ điện thoại 3G, máy tính đến máy ảnh, máy quay... sẵn sàng lên đường. Ngoài ra còn những thứ không thể thiếu khi đi tác nghiệp mưa bão là áo mưa, túi nilon để bảo vệ máy, vài chiếc bánh, chai nước phòng thân.

Dấn thân vào vùng “tâm bão” đối với phóng viên thường trú vốn đã vất vả, với phóng viên nữ chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Ba CQTT trong khu vực là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi đơn vị đều có một nữ phóng viên đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, khi nhận được lệnh “đi ngay, lũ lụt đang lên nhanh lắm” là chúng tôi lên đường.

Con đường từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh lên vùng lũ Hương Khê khá xa, khoảng 60 km. Để đến được những vùng “rốn lũ” như Phương Mỹ, Phương Điền chúng tôi phải thuê thuyền nhỏ của dân, đi hàng tiếng đồng hồ. May mắn hơn thì đi nhờ xuồng máy của lực lượng vũ trang. Chòng chành trên con thuyền nhỏ, mọi hiểm nguy đều có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bao nhiêu lo lắng lúc đó không còn dành cho bản thân mà cho máy quay, máy ảnh, máy tính và các phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp khác.

Thế nhưng, khi đến nơi, trực tiếp nhìn thấy những ngôi nhà ngập tới nóc, những đôi bàn tay chới với giơ ra đón nhận hàng cứu trợ, những cụ già, em nhỏ run rẩy ngồi trên nóc nhà giữa mênh mông biển nước, mọi vất vả đều tan biến. Và chúng tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của mình lúc này là phải có những thông tin, hình ảnh chân thực nhất, sống động nhất, phản ánh chính xác những khó khăn mà người dân vùng lũ đang phải chịu đựng để chuyển tới bạn đọc.

Khác với mùa mưa bão, mùa nắng hạn tại miền Trung thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Nhiệt độ những ngày nóng cao điểm dao động từ 39-40 độ C, cộng với gió phơn thổi mạnh nên thời tiết khắc nghiệt hơn những địa bàn khác, không chỉ gây khó khăn cho đời sống và sản xuất của nhân dân mà còn rất dễ xảy ra cháy rừng.
 
Lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực dập lửa

Nhớ lại thời điểm cuối tháng 6/2019, tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi gần 50 ha rừng phòng hộ. Từ khi về thường trú tại Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên tôi gặp một vụ cháy rừng lớn như vậy. Liên tiếp bốn ngày từ 28/6-1/7, khắp các huyện, từ Nghi Xuân đến Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra với diễn biến phức tạp, tái phát nhiều lần... Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả lực lượng cùng với nhân dân gồng mình chống giặc lửa. CQTT tại Hà Tĩnh cũng kịp thời có mặt tại hiện trường vụ cháy, nỗ lực chuyển tải thông tin bằng cả ba loại hình về Tổng xã một cách sớm nhất.

Khó khăn khi tác nghiệp cháy rừng tại Hà Tĩnh là các vụ cháy thường xảy ra vào đêm, điểm phát cháy ở vùng sâu, vùng xa nên khó có thể tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất. Do địa hình hiểm trở nên việc gửi tin, ảnh, hình về Tổng xã cũng không thuận lợi. Để có được những thông tin, hình ảnh chân thực, ngoài việc chụp ảnh, chúng tôi còn dùng máy ảnh để quay hình, phỏng vấn lãnh đạo địa phương, lực lượng kiểm lâm ngay tại hiện trường để gửi về Tổng xã. Với sự giúp sức của các anh chị biên tập ở các ban tin nguồn, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, những thông tin, hình ảnh gửi về được xử lý nhanh chóng và phát kịp thời phục vụ các cơ quan báo chí và công chúng.
 
Một số kinh nghiệm tác nghiệp an toàn khi xảy ra báo lũ, cháy rừng:

* Tác nghiệp bão lũ, phóng viên biết bơi sẽ là một lợi thế, bên cạnh đó cần phải có trang phục bảo hộ như áo phao.

* Khi đưa tin ở vùng nguy hiểm, nhất thiết phải đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau, nếu có sự giúp đỡ của lực lượng chức năng như bộ đội, công an... sẽ an toàn nhất.

* Tác nghiệp tại các sự kiện nóng cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt của phóng viên. Trong một số hoàn cảnh cụ thể, phóng viên có thể dùng điện thoại để ghi hình.

* Khi đưa tin các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, phóng viên phải chọn vị trí tác nghiệp thuận lợi, có lối thoát khi tình huống xấu xảy ra. Vị trí đứng tác nghiệp nhất thiết phải tránh ngược chiều gió so với đám cháy, phòng lửa cháy lan, khói và hơi nóng táp vào người gây nguy hiểm đến tính mạng.

* Khi tham gia chữa cháy rừng, không để cơ thể bị mất nước, dẫn đến kiệt sức và lả đi. Vì thế, cần mang theo nước uống, cùng vài quả chanh, ít muối để phòng khi hết nước, ngậm một lát chanh cùng muối sẽ giúp bù nước rất hiệu quả (Kinh nghiệm quý này, tôi được bác Đậu Văn Tiến - người hùng mở đường băng cản lửa cứu rừng chia sẻ trong lần đưa tin về vụ cháy rừng tại huyện Nghi Xuân).

Hoàng Thị Ngà
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)

Trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020 (29/09/2020 17:56:48)

Đẩy mạnh phối hợp truyền thông giữa tỉnh Phú Thọ và TTXVN (23/09/2020 09:08:03)

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó tổng giám đốc TTXVN (21/09/2020 10:50:05)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Dâng hương tưởng niệm các nhà báo-liệt sỹ TTXVN (15/09/2020 11:16:19)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TTXVN cần tiếp tục giữ vững vị thế là một trung tâm thông tin tin cậy của Đảng, Nhà nước (13/09/2020 14:41:09)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng TTXVN nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập (13/09/2020 14:13:06)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện mạnh  (12/09/2020 10:02:04)