Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Thông tin về dịch COVID-19: 30 ngày và những nhân vật chưa một lần gặp mặt


(01/09/2020 11:31:13)

Có thể nói, đợt thông tin về vụ giải cứu hơn 200 công nhân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước do tình trạng dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ kéo dài nhất và cũng để lại nhiều cảm xúc nhất đối với hai phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam tại Pretoria (Nam Phi) trong nhiệm kỳ thường trú. Vì không có đường bay do phong tỏa nên đây cũng là lần đầu tiên phóng viên và những nhân vật của mình chưa một lần được gặp mặt trực tiếp, mặc dù thường xuyên liên lạc thông tin trong suốt một tháng.

Nhóm công nhân Việt Nam về tới sân bay quốc tế Nội Bài, ngày 29/7/2020

- Công nhân A: Lại báo chí à, mấy hôm trước có tờ nào đó về quê tôi hỏi han người làng qua loa rồi đăng tin lăng nhăng, không những không giúp được gì mà còn khiến vợ con, họ hàng ở nhà thêm lo.

- Phóng viên: Các anh ơi, chúng tôi là đại diện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại khu vực châu Phi. TTXVN là cơ quan thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi sẽ trực tiếp lấy thông tin từ các anh để đưa tin về nhà, qua đó sẽ giúp lãnh đạo cấp cao nắm tình hình chuẩn xác để đưa ra kế hoạch kịp thời nhất.

- Công nhân B: Anh phóng viên này nói đúng đấy, TTXVN là báo nhà nước đàng hoàng, với cả hồi ở Việt Nam em đã thấy cái anh nhiều râu này trên tivi rồi, anh em đừng lo…


Đây là đoạn hội thoại đầu tiên được kết nối qua Zalo video call giữa phóng viên CQTT Pretoria và nhóm công nhân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo vào ngày 27/6/2020, sau khi CQTT nắm được những thông tin bước đầu về tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong nhóm hơn 200 công nhân đang thi công một con đập thủy điện tại quốc gia Tây Phi này.

Bà xã là người cung cấp thông tin đầu tiên
 
Vào một buổi tối cuối tháng 6, khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì bà xã gửi tin nhắn qua Facebook Messenger nói rằng trên Facebook có thông tin về một nhóm công nhân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo kêu cứu sau khi một số thành viên bị mắc COVID-19. Tôi vội lên mạng tìm hiểu nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ thông tin nào đề cập tới vấn đề này.
 
Sáng hôm sau, qua mối quan hệ cá nhân, tôi gọi điện cho người quen tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng không liên lạc được. Tôi và phóng viên CQTT họp khẩn để bàn kế hoạch tiếp cận càng sớm càng tốt với nhóm công nhân tại Guinea Xích Đạo do tại thời điểm đó, chúng tôi chưa có bất cứ manh mối nào.
 
Làm thế nào để có số điện thoại của thành viên trong nhóm này? Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, trong nhóm công nhân có 4 người quê ở Bắc Giang. Sau khi thống nhất, phóng viên đã liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh để xin số điện thoại của một trong bốn người này.
 
Sau khi lấy được số điện thoại, chúng tôi gửi tin nhắn giới thiệu. Tuy nhiên, những dòng tin nhắn ban đầu chúng tôi gửi đi không nhận được hồi âm mặc dù dòng trạng thái đề rõ là “đã xem”. Cuối cùng, chúng tôi quyết định gọi video call cho tăng tính tin cậy. Mặc quần áo chỉnh tề, ngồi ở bàn làm việc cùng máy tính và máy quay có logo TTXVN bên cạnh, chúng tôi bấm video call trên Zalo.
 
Các phóng viên CQTT tại Pretoria (Nam Phi) bàn giải pháp liên lạc với nhóm công nhân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, tháng 7/2020

Tạo dựng niềm tin
 
Như nội dung đoạn hội thoại đã đề cập ở phía trên, phóng viên đã vấp phải sự nghi ngại từ nhóm công nhân khi tiến hành cuộc gọi đầu tiên, bởi lẽ một số tờ báo có thể đã phần nào làm họ mất đi sự tin tưởng, thậm chí có công nhân còn nói rằng báo chí các anh bây giờ chỉ câu view là nhanh.
 
Là phóng viên của TTXVN, chúng tôi đã cố gắng gây dựng lòng tin, để họ thấy rằng họ hoàn toàn tin tưởng vào TTXVN, cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng và Nhà nước.
 
Chính vì vậy, trong những ngày đầu tiếp cận, phóng viên CQTT đã không vồ vập ngay vào việc lấy thông tin để khiến họ nghĩ rằng mục đích chính của chúng tôi chỉ là viết tin, bài. Chúng tôi đã làm quen với họ như những người bạn, những đứa con xa xứ cùng chung cảnh ngộ giữa đại dịch lịch sử.
 
Với cách tiếp cận đó, chúng tôi dần lấy được tình cảm của nhiều anh em công nhân. Và họ sẵn sàng chia sẻ về cuộc sống thường ngày, về tình hình dịch bệnh, thậm chí là về từng bữa ăn, giấc ngủ của họ.
 
Có những ngày, chúng tôi không thể liên lạc được với họ vì nhiều lý do như không kết nối được, có công nhân bị đưa đi cấp cứu... và đó là những hôm mà chúng tôi cùng thao thức, lo lắng tựa như tình cảm của những người thân trong gia đình.
 
Có đêm, một công nhân gọi điện cho chúng tôi nói trong nước mắt rằng do bệnh chuyển biến xấu, đồng nghiệp ở cùng phòng đã đi cấp cứu. Câu chuyện bị gián đoạn bởi những tiếng nấc nghẹn khiến chúng tôi không cầm được lòng và chỉ biết nói rằng: “Đừng quá lo lắng em ơi, bạn ý sẽ ổn thôi. Chính phủ đang lên phương án đưa mọi người về Việt Nam sớm. Em nói với mọi người hãy yên tâm và thật tin tưởng nhé!”.
 
Những “phóng viên” bất đắc dĩ
 
Trong thời gian thu thập thông tin để viết những tin, bài đầu tiên, chúng tôi đã nhờ anh em công nhân chụp ảnh và quay video hiện trường để tăng tính thuyết phục cho bài viết. Mặc dù anh em đã rất nhiệt tình gửi tin và hình về CQTT nhưng đa số hình ảnh không dùng được vì chất lượng kém.
 
Chúng tôi quyết định “mở lớp” cấp tốc huấn luyện chụp ảnh và quay video từ xa cho một số anh em trẻ. Qua group Zalo do CQTT lập, chúng tôi đã hướng dẫn một số kỹ thuật cơ bản của chụp ảnh và quay video. Anh em tiến bộ rất nhanh và gửi nhiều sản phẩm về CQTT, trong đó một số đã được Tổng xã sử dụng. Bên cạnh đó, để nắm tình hình một cách toàn diện, chúng tôi cũng nhờ họ chụp quang cảnh của công trường làm việc, bếp ăn cũng như nơi ở và sinh hoạt của nhóm công nhân.
 
Cùng với việc thu thập thông tin để viết tin, bài, CQTT cũng đóng vai trò như một kênh liên lạc, truyền tải những thông tin chính thống và chuẩn xác từ trong nước đến với anh em công nhân, đặc biệt các vấn đề liên quan đến kế hoạch đón cả nhóm về nước.
 
Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh trong quá trình trao đổi thông tin giữa CQTT và nhóm công nhân là dữ liệu (data) di động. Sau một thời gian liên lạc thường xuyên với gia đình ở Việt Nam cũng như với CQTT, lượng data còn lại trong tài khoản di động của phần lớn anh em gần cạn kiệt trong khi việc mua data ở nước sở tại rất khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn họ bị cách ly tập trung sau khi phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Nếu nhóm công nhân hết data, CQTT sẽ mất liên lạc với họ và sẽ không thể triển khai nhiệm vụ mà cơ quan yêu cầu.
 
Sau khi suy tính, phóng viên CQTT đề xuất với anh em ý tưởng dùng tiền của phóng viên CQTT để mua data từ xa bằng việc thanh toán online qua website nhà mạng mà họ đang sử dụng tại Guinea Xích Đạo. Tuy nhiên, phương án tưởng chừng như khả thi này đã không thực hiện được vì những bất cập trong thanh toán online tại các quốc gia châu Phi.
 
Với quyết tâm không để mất liên lạc, phóng viên CQTT tiếp tục đưa ra ý tưởng những công nhân ở gần nhau sẽ chung tiền mua data cho một sim rồi dùng chính điện thoại lắp sim đó làm trạm phát wifi để mọi người có thể vào mạng bằng chính điện thoại của mình. Phương pháp này đã thành công!
 
Thực tế, qua quãng thời gian trên, phóng viên CQTT đã may mắn được nhiều anh em công nhân tin tưởng, đặc biệt sau khi gửi cho họ xem những tin, bài mà CQTT viết về hiện trạng của họ, cũng như những thông tin chính thống của TTXVN về kế hoạch của Chính phủ đón công dân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo về nước.
 
Phóng viên Trương Phi Hùng đưa tin từ thủ đô Pretoria (Nam Phi)

Hóa thân vào nhân vật
 
Sau khi có thông tin chính thức về ngày giờ máy bay sang đón, anh em công nhân vui lắm, hai phóng viên CQTT Pretoria cũng vậy. Trước hôm về hai ngày là sinh nhật của Bùi Đăng Khoa, chàng đầu bếp 23 tuổi quê ở vùng đất chùa Hương. Khoa nói đây là sinh nhật đầu tiên mà em xa gia đình, không được thưởng thức những món ăn do mẹ và chị gái nấu, tuy nhiên em vẫn thấy đủ ấm áp khi có anh em công nhân ở bên.
 
Cũng hôm đấy, tôi nhận được chỉ đạo từ Ban lãnh đạo ngành về việc cần phải có bài viết kịp thời đăng tải ngay sau khi nhóm công nhân về đến Việt Nam. Tôi chợt nghĩ đến Khoa rồi quyết định chọn chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết là nhân vật dẫn chuyện cho bài viết của mình.
 
Tuy nhiên, làm thế nào để phỏng vấn được Khoa về những gì diễn ra trên chặng bay và cảm xúc của em khi về đến Việt Nam, trong khi tôi phải hoàn thành bài viết sau khi máy bay hạ cánh và đăng tải khi nhóm công nhân đã về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 tại Đông Anh. Chắc chắn là việc phỏng vấn không thể thực hiện được vì về đến sân bay, em không thể có ngay sim điện thoại Việt Nam để liên lạc, cũng như em còn bận thực hiện các thủ tục nhập cảnh.
 
Tôi quyết định sẽ liên lạc với Khoa trước khi em ra sân bay Bata, Guinea Xích Đạo, vì chỉ còn cách duy nhất là trò chuyện với em rồi hai anh em cùng hóa thân vào những cảm xúc như khi đang ngồi trên máy bay. Cần phải đưa ra trước kịch bản sát với thực tế. Sáng hôm sau, tôi bấm máy gọi Khoa:
 
- Khoa ơi, mai về rồi, cảm xúc của em hiện tại thế nào?
 
- Em thấy rất ấm áp và hạnh phúc vì được trở về với gia đình sau nhiều ngày thấp thỏm chờ đợi. Em cũng vui vì chuẩn bị gặp lại anh em cùng đoàn bị cách ly trong thời gian qua.
 
- Em định sẽ làm gì trên suốt chuyến bay dự định kéo dài hơn 10 tiếng?
 
- Chắc chắn em và mọi người sẽ ngủ luôn thôi anh, nhiều ngày qua bọn em đã không chợp mắt tí nào cả.
 
- Trên máy bay luôn có đội ngũ bác sỹ và tiếp viên Việt Nam Airlines túc trực đấy, yên tâm em nhé.
 
- Vâng, em rất cảm kích khi biết chuyện này anh ạ. Chắc là chỉ có người Việt Nam mình mới như vậy anh nhỉ.
 
- Khi về đến Việt Nam anh em chưa được gặp gia đình ngay đâu vì cách ly, nhưng mọi người sẽ được đón tiếp như người nhà, vì đấy là tình nghĩa đồng bào em ạ.
 
- Vâng em biết rồi, được trở về mảnh đất quê hương, được gặp đồng bào là điều tuyệt vời nhất rồi anh ạ.


Cuối cùng thì bên cạnh những thông tin thu thập trước đó, tôi đã đủ tư liệu để thực hiện bài viết. Tôi bắt đầu viết khi máy bay cất cánh, khi Khoa và anh em công nhân đang chìm trong giấc ngủ và khi ở Việt Nam, những công việc cuối cùng đã hoàn tất để đón họ.
 
Tôi hẹn Khoa là về đến Việt Nam, có mạng thì nhắn cho tôi ngay. Sau khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, tôi vào mục ảnh trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan để xem. Tôi cố tìm Khoa trong dòng người tại sân bay nhưng không thể vì tất cả đều kín mít trong bộ quần áo phòng dịch.
 
Hai ngày sau Khoa nhắn cho tôi, bảo rằng bây giờ em mới vào được mạng. Đọc bài viết tôi gửi, Khoa bảo thực tế những gì diễn ra trên chuyến bay đúng như nội dung bài viết, cũng đúng như những gì hai anh em đã lên kịch bản trước hôm bay.
 
Khoa hẹn, khi nào tôi về nước sẽ mời lên thăm chùa Hương quê em, ăn món vịt Vân Đình nổi tiếng cùng với mấy anh em trong đoàn để mọi người còn biết mặt nhau. Chắc chắn rồi, về Việt Nam, tôi sẽ đến thăm nhà Khoa và các anh em trong đoàn từ Guinea Xích Đạo về, để ôn lại những ngày tháng không quên./.

Trương Phi Hùng - Trưởng CQTT tại Pretoria, Nam Phi
Nội san Thông tấn số 8/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tin về dịch COVID-19: Nóng bỏng tuyến đầu  (01/09/2020 11:25:14)

Thông tin về dịch COVID-19: Ghi từ “mặt trận” Quảng Nam (01/09/2020 11:23:41)

Kỷ niệm 10 năm ngày Truyền hình Thông tấn phát sóng (25/8/2010-25/8/2020): Vừa là phóng viên, vừa là khán giả (01/09/2020 11:18:59)

Kỷ niệm 10 năm ngày Truyền hình Thông tấn phát sóng (25/8/2010-25/8/2020): “Hậu phương” vững của sản phẩm truyền hình (01/09/2020 11:17:14)

Kỷ niệm 10 năm ngày Truyền hình Thông tấn phát sóng (25/8/2010-25/8/2020): Thế giới 360 độ trên sóng VNews (01/09/2020 11:16:13)

Kỷ niệm 10 năm ngày Truyền hình Thông tấn phát sóng (25/8/2010-25/8/2020): Những ngày làm bạn với “con ngựa sắt” (01/09/2020 11:14:55)

Kỷ niệm 10 năm ngày Truyền hình Thông tấn phát sóng (25/8/2010-25/8/2020): Vững vàng trên hành trình mới (01/09/2020 11:12:59)

Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (01/09/2020 11:11:00)

Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQTT phía Nam (01/09/2020 11:09:02)

Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Khẳng định vị thế thông tin ảnh tại các sự kiện lớn (01/09/2020 11:07:46)