Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Thông tin về dịch COVID-19: Khi bộ máy “phòng bị” được kích hoạt


(29/04/2020 10:40:20)

Phòng làm việc Ban biên tập tin Kinh tế trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, tháng 4/2020

Nguyên tắc vàng” của Ban biên tập tin Kinh tế trong suốt thời gian “chiến đấu” với đại dịch COVID-19 là chủ động phương án, giữ dòng chảy thông tin ở tất cả các loại hình!
 
Mới nghe tưởng đơn giản, nhưng thực tế, với một đơn vị thông tin nguồn có đủ các loại hình sản phẩm thông tin như Ban biên tập tin Kinh tế, điều đó không hề dễ. Nhất là trong bối cảnh số lượng tin, bài trong dịp dịch bệnh lại tăng lên, những nguy cơ về khả năng nhiễm bệnh luôn rình rập các phóng viên trong quá trình tác nghiệp…
 
Bên cạnh việc phải đảm bảo phát tin nguồn ở cả ba lĩnh vực kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới và kinh tế tham khảo, hằng ngày, Ban ra bản tin in Kinh tế thế giới tham khảo. Một tháng ra hai bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới 52 trang/số, mỗi tuần một chương trình Talk Tiêu điểm Kinh tế phát trên Vnews, cập nhật thời sự kinh tế trên trang tin điện tử tổng hợp Bnews.
 
Từng nấy sản phẩm là từng nấy nỗi lo. Lo dịch bệnh nhỡ phóng viên gặp sự cố thì tin tức duy trì thế nào? Vì phóng viên kinh tế đều mỗi người chuyên sâu một lĩnh vực và có các mối quan hệ lấy tin riêng. Chương trình Tiêu điểm là Talk tại trường quay, lỡ khách mời sợ dịch bệnh không đến trường quay thì sao? Cả Ban có hai người mi trang cho ấn phẩm in hằng ngày và bán nguyệt san, một người đang nghỉ thai sản, giờ còn một người, nếu có sự cố cách ly dù là F2, F3 thì làm sao đây? Đủ tình huống đặt ra. Trong bối cảnh ấy, tập thể Ban phụ trách một lần nữa xác định điều quan trọng nhất lúc này là giữ người. Giữ người là giữ việc. Việc làm theo chế độ giãn cách bắt buộc phải thực hiện, với mức độ khác nhau ở mỗi thời điểm.
 
Vậy, thực hiện làm việc theo chế độ giãn cách phải theo phương án nào, để có thể vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho anh em, vừa đảm bảo bất luận tình huống nào xảy ra cũng không làm “đứt mạch” ở tất cả các loại hình thông tin?
 
Trong giai đoạn làm việc giãn cách, Ban và các phòng vẫn duy trì giao ban hằng ngày trực tuyến và trực tin liên tục

Ban biên tập tin Kinh tế đã tổ chức thực hiện chế độ làm việc giãn cách theo mức độ từ thấp đến cao. Mức độ thấp là khi đầu mùa dịch. Mức độ cao là những ngày dịch bệnh có xu hướng tăng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, nhất là trong những ngày thực hiện cách ly xã hội.
 
“Giữ” được người ở đây không chỉ là giữ sức khỏe, mà giữ việc quản lý nhân sự ở trong bất kỳ tình huống nào. Ngay trong những ngày làm việc giãn cách, dù ở mức độ nào, Ban vẫn giữ nếp các phòng thông báo lịch từng phóng viên làm việc gì, ở đâu trong ngày. Ngay trong Ban phụ trách cũng giữ nếp báo cáo cho nhau công việc thường xuyên. Trong giai đoạn “cao trào” là 22 ngày giãn cách làm việc ở nhà (từ ngày 1-22/4), những phóng viên, biên tập viên khi luân phiên làm việc tại nhà cũng quán triệt quan điểm: thời gian làm việc ở nhà là thời gian làm việc cơ quan, do đó bắt buộc để thông điện thoại 24/24 và không vì lý do “bận việc nhà” mà ảnh hưởng tới công việc. Với tinh thần ấy, dù làm việc ở đâu, nhưng bất kỳ khi nào cần triệu tập, phóng viên, biên tập viên đều có mặt ngay tại cơ quan. Cùng với đó là chế độ thưởng phạt nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với những lúc bình thường.
 
Các cuộc giao ban hằng ngày, hằng tuần vẫn được duy trì theo hình thức trực tuyến, hoặc trực tiếp khi cần thiết. Do đặc thù của đơn vị thông tin nguồn, thường xuyên phải giữ liên lạc với các cơ quan thường trú, tất cả các phòng của Ban biên tập tin Kinh tế luôn có lãnh đạo và nhân viên luân phiên trực tại Ban với khung giờ cách nhau, hạn chế thấp nhất các kíp trực gặp nhau để tránh khả năng lây bệnh nếu chẳng may gặp phải. Ngay cả đội ngũ lãnh đạo trực có mặt tại Ban cũng vậy.
 
Đôi khi, anh em trong Ban vẫn đùa vui rằng không thể giăng hết “tướng” gặp nhau trực tiếp cùng một lúc, nhỡ lây bệnh hết, ai điều hành?! Không thể tập trung phóng viên cùng một nơi (ba phòng nghiệp vụ đều ngồi chung trong phòng lớn), nhỡ chỉ một người nhiễm, tất cả phải cách ly ở nhà theo quy định, lấy ai làm tin.
 
Nói vui nhưng lại là chuyện có thật. Bởi trên thực tế cả cấp ban, lẫn các phòng cũng đã có những trường hợp F2, F3, F4 phải tự cách ly tại nhà. Với phóng viên cũng vậy. Tập thể lãnh đạo và nhân viên trong Ban những ngày đầu dịch luôn canh cánh lo bất cứ anh em nào chẳng may đi tác nghiệp lại nhiễm bệnh, nhất là với phóng viên. Chẳng thế mà ngay khi nhận được tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nguy cơ nhiễm bệnh vì liên quan tới chuyến bay có người nhiễm COVID-19, ngay lập tức, phóng viên theo dõi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã được Ban yêu cầu làm việc từ xa và không lên cơ quan. Tất cả các phóng viên đều trong trạng thái sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ cho nhau khi cần thiết.
 
 Trên thực tế, mặc dù nếp làm việc của Ban là phân công phóng viên theo dõi từng lĩnh vực, nhưng các phóng viên đều được đào tạo theo hướng khi cần có thể tác nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, tất cả vẫn cố gắng cao nhất phương án “giữ người để giữ thông tin”. Đến lúc này, toàn Ban một lần nữa thấm thía cái lợi của phương pháp đào tạo phóng viên đa năng, cho phép một phóng viên có thể viết ở tất cả các lĩnh vực, có thể làm các loại hình thông tin! Dù không thể giỏi hết, nhưng cũng đủ để khi gặp sự cố, dòng thông tin Thông tấn không vì thế mà đứt đoạn.
 
Chuyện tác nghiệp theo phương pháp giãn cách trong giai đoạn “chiến đấu” với COVID-19 nhiều lắm. Chuyện anh em phòng Tổng hợp muốn giãn cách cũng khó vì phòng quá bé, việc mi trang và văn thư giấy tờ không thể gián đoạn. Việc xử lý với các trường hợp chẳng may F2, F3, F4 thế nào để đảm bảo anh em làm việc từ xa hiệu quả, giữ cho anh em nhưng cũng không để gây hoang mang trong toàn Ban, không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng.
 
Nhưng sau tất cả, khi bộ máy “phòng bị” được kích hoạt đúng hướng, những nỗi lo cũng mau chóng tiêu tan. Cao hơn cả, đó là ý thức, sự đồng lòng của mỗi cán bộ nhân viên trong toàn Ban đối với công việc mình đang làm. Chính vì vậy, trong những tháng qua, lượng truy cập tin nguồn, truy cập trên Bnews vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong giai đoạn khó khăn này, Ban vẫn tiếp tục và hoàn thành thay đổi giao diện mới cho Bnews theo đúng dự kiến, không lùi, không hủy.
 
Phóng viên Lê Trung Nguyên, báo Tin tức thực hiện phỏng vấn ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) tại tâm dịch Hạ Lôi, ngay trong đêm đầu tiên bị phong tỏa, đêm 7/4

Những giải pháp điều hành, tác nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19 vô tình cũng là bài thử hiệu quả cho những cải cách mà Ban biên tập tin Kinh tế đã làm trong thời gian qua. Chứng minh cho hướng đi, hướng phát triển thông tin đa phương tiện ở cấp Ban hoàn toàn đúng đắn. Đi trên con đường ấy chính là những phóng viên đa năng, tự tin ứng phó với mọi thử thách để giữ dòng chảy thông tin TTXVN.

Lê Huyền - Trưởng ban biên tập tin Kinh tế
Nội san Thông tấn số 4/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tin về dịch COVID-19: 90 ngày xông pha vào các điểm nóng (29/04/2020 10:38:17)

Tiến tới Đại hội Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Thay đổi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới (29/04/2020 10:28:10)

Tiến tới Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Đã có 37/45 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội (29/04/2020 10:22:56)

Thêm một cuốn sách về chủ đề biển đảo (29/04/2020 10:21:15)

Tiếp nhận vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 (24/04/2020 12:35:29)

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Những khoảnh khắc lịch sử do phóng viên TTXVN thực hiện (22/04/2020 16:40:31)

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020): Phóng viên TTXVN theo các cánh quân ra trận (22/04/2020 16:11:55)

Ra mắt bài hát chống tin giả bằng 15 ngôn ngữ (10/04/2020 18:09:58)

Thư của Tổng giám đốc gửi tập thể người làm báo TTXVN trong cuộc chiến chống COVID-19 (10/04/2020 17:58:50)

Ủng hộ 100 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 (08/04/2020 14:50:07)