Thứ tư, ngày 24/04/2024

Mở cửa thư viện

Thư viện TTXVN:
Nguồn tư liệu nghiệp vụ, lịch sử và văn hóa phong phú


(05/11/2008 09:08:28)

Những ai đã quen với việc bước lên tầng ba Nhà số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) là nhìn thấy ngay Thư viện TTXVN - một không gian vuông vắn, thoáng đãng thì chắc chắn ít nhiều có cảm giác gò bó khi đến với Thư viện (thuộc Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu) mới được chuyển sang bên Nhà 79 cùng phố. Lối đi giữa các giá sách hẹp. Bàn đọc kê gần sát cửa ra vào với 8 chiếc ghế kê sít vào nhau quanh chiếc bàn dài. Hai cô thủ thư cũng ngồi "dính" vào với bàn đọc.

            Có điều, tuy chật chội nhưng mọi thứ vẫn gọn gàng, ngăn nắp. "Do diện tích hạn hẹp nên chúng tôi càng phải cố gắng sắp xếp mọi thứ hợp lý, khoa học hơn tạo thuận lợi cho việc đọc, tra cứu tài liệu", đ/c Phùng Đăng Bách, Giám đốc Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu nói và cho biết lượng sách báo (báo hàng ngày, tạp chí định kỳ phổ biến trên thị trường), tài liệu nghiệp vụ báo chí nói chung và thông tấn nói riêng vẫn được bổ sung thường xuyên, bảo đảm phục vụ độc giả trong ngành.

            Tổng số đầu sách của thư viện lên tới gần 12.000 cuốn, trong đó có khoảng 200 đầu sách nghiệp vụ báo chí. Dễ dàng tìm thấy ở đây những cuốn sách nghiệp vụ mỏng, khổ nhỏ của các hãng thông tấn quốc tế AFP, AP, Reuter dịch sang tiếng Việt- gọi là tài liệu thì đúng hơn- đã trở thành cẩm nang gối đầu giường của nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên TTXVN, như Cách viết tin, Viết tin như thế nào, Cẩm nang viết tin, vv. Nhiều nhất là số sách nghiệp vụ biên soạn hoặc dịch từ tiếng nước ngoài trong thời kỳ đổi mới, trong đó có nhiều đầu sách do Nhà xuất bản Thông tấn cung cấp, chẳng hạn như Cách điều khiển phỏng vấn, Ảnh báo chí, Cơ sở hoạt động sáng tạo của nhà báo... Tuy nhiên, trừ cuốn Nghề báo, những kỷ niệm khó quên của nhà báo Đỗ Phượng ra, gần như chưa thấy ở đây các sách đúc kết lý luận làm tin thông tấn hiện đại của ngành.

            Các phóng viên, biên tập viên có thể đến cập nhật nhiều thông tin chuyên sâu về cho các lĩnh vực tư tưởng văn hóa, kinh tế, ngân hàng, tài chính kế toán, văn hóa, khảo cổ qua các tạp chí chuyên ngành đặt mua hàng tuần, hàng tháng. Và đương nhiên là hàng chục ấn phẩm "cây nhà lá vườn" của TTXVN có mặt đầy đủ tại đây. Nếu muốn tra cứu các ấn phẩm của cơ quan phát hành những năm về trước, một cách có hệ thống, thì hãy đến Trung tâm DK-TL, các đồng nghiệp của chúng ta ở đó sẵn lòng giúp đỡ tìm những thứ bạn cần.

            "Có thể nói lượng sách báo và tài liệu của thư viện đáp ứng được nhu cầu của độc giả", chị thủ thư Trần Kim Oanh khẳng định, nêu ra những cuốn nghiệp vụ được tra cứu nhiều nhất là Báo chí Việt NamTìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam của nhà báo Hồng Chương, Công việc của người viết báo của nhà báo Hữu Thọ, vv. Chị cho biết thêm trong dịp này, nhiều sách báo, tài liệu về Bác Hồ, đặc biệt là cuốn Sửa đổi lối làm việc của Bác được bạn đọc đông đảo trong ngành đến tìm, tra cứu phục vụ cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

            Chỉ có một điều băn khoăn là sách về các trào lưu văn học mới có vẻ "thưa thớt". Trên giá chỉ thấy những tác phẩm trong và ngoài nước quen thuộc và cũ vàng màu thời gian, hiếm thấy những tác phẩm hiện bày bán nhiều ở phố sách Tràng Tiền. Sách báo giải trí cũng ít. "Việc đọc sách báo giải trí là một nhu cầu chính đáng của độc giả, nhưng ngân sách cơ quan dành cho việc mua các loại ấn phẩm này hạn chế nên chúng tôi ưu tiên mảng sách nghiệp vụ, sách tra cứu về thể chế chính trị-xã hội, luật pháp, lịch sử, văn hóa...", đ/c Phùng Đăng Bách giải thích. Đúng vậy, thế mạnh thứ hai của TTXVN sau mảng sách nghiệp vụ là sách tư liệu lịch sử Việt Nam và thế giới. Thật thú vị khi tìm thấy ở đây những cuốn "hàng độc", như Từ điển La Rousse 6 tập (do Công đoàn Pháp tặng TTXVN) hoặc Từ điển phát âm tiếng Anh (English Pronouncing Dictionary của tác giả Daniel Jones, do J.M.Dent & Sons LTD và E.P.Dutton & Co. Inc xuất bản), vv.

 

            Sách là của chung, cần giữ gìn

            Nhìn bề ngoài, công việc thủ thư trông có vẻ bình lặng nhưng thực ra đó là một cái "tĩnh" rất "động". Luôn tay ghi chép, sắp xếp sách báo cho gọn ghẽ sau khi độc giả đọc xong, chị Trần Kim Oanh và chị Nguyễn Bích Ngọc còn dành nhiều thời gian để đọc, không phải cho nhu cầu riêng mà đọc phục vụ công tác. "Là thủ thư thì phải ham đọc, học hỏi những điều trong sách, có vậy mới có thể gợi ý, hướng dẫn mọi người tìm đúng những thứ họ cần", chị Oanh tâm sự. Độc giả của thư viện khá đông, có cả người ngoài ngành, chủ yếu là sinh viên các trường đại học đến tra cứu, tìm tư liệu chính trị, lịch sử thế giới. Nếu đến để đọc tại chỗ thì không nhất thiết phải có thẻ thư viện. Thủ tục làm thẻ đơn giản, chỉ cần làm một cái đơn đề nghị lên phụ trách Trung tâm DK-TL, có chữ ký xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác. Tuy nhiên, thư viện hiện nay hạn chế cho mượn do bị thất thoát nhiều, nhất là sách văn học. Đầu sách nào thư viện chỉ có một cuốn thì độc giả phải đọc tại chỗ. Có từ hai cuốn trở lên thư viện mới cho mượn mang về. Thời gian mượn: từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên có những độc giả rất "lỳ", mượn lâu, khó đòi, có khi hàng năm không trả mặc dầu thư viện gọi điện đến tận đơn vị nhắc nhở nhiều lần. Ngược lại, có những độc giả trung thành và nhiệt tình mách thêm các nguồn sách bổ sung, có người còn tặng thêm sách cho thư viện.

            "Chúng tôi luôn tìm tòi cải tiến chất lượng công tác, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Thư viện là tài sản chung, rất cần sự quan tâm chung của tất cả mọi người, kể cả ý thức của độc giả trong việc bảo quản sách báo", đ/c Phùng Đăng Bách mong muốn. "Cửa thư viện TTXVN luôn mở rộng đón tất cả, cố gắng phục vụ tốt công tác chuyên môn của ngành và làm cho đời sống tinh thần của mọi người thêm phong phú".

Minh Cầm
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2008