Chủ nhật, ngày 30/06/2024

Tin trong ngành

Tín hiệu đáng mừng


(08/01/2024 10:08:55)

Chuyển đổi số là yếu tố sống còn với báo chí hiện đại. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Việc giúp phóng viên hiểu rõ vai trò, vị trí của mình và tác nghiệp tốt trong thời đại số là rất cần thiết bởi chỉ có “nguyên liệu” tốt thì tòa soạn mới có thể tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng. Từ thực tế này, thời gian qua, các lớp tập huấn về kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn phối hợp với các đơn vị tổ chức đã phát huy hiệu quả khi phóng viên có những thay đổi trong cách thức thể hiện, làm mới các vấn đề, góp phần nâng cao chất lượng thông tin. Ghi nhận ở Cơ quan khu vực phía Nam, nơi các phóng viên được tập huấn vào đầu tháng 11/2023 vừa qua.

Phóng viên CQTT tại Ninh Thuận Nguyễn Huy Thành thực hiện phóng sự “Trụ điện 110KV tại Ninh Thuận bị mất trộm phụ kiện” bằng điện thoại di động, tháng 10/2023

1. Chỉ một ngày sau khi khóa tập huấn Kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số kết thúc, ngày 4/11, phóng viên Hoàng Thị Ánh Tuyết, Cơ quan thường trú (CQTT) tại Cần Thơ, đã dẫn hiện trường đưa tin sự kiện ngày hội văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ. Sự xuất hiện của phóng viên, với những trải nghiệm trực tiếp trong không gian của làng nghề gốm Bàu Trúc đã mang lại sự hấp dẫn, tươi mới cho người xem, giúp người xem có cảm giác gần gũi, như được hòa mình vào sự kiện. Chỉ một thay đổi nhỏ, với sự xuất hiện của phóng viên tại hiện trường, đã làm cho sự kiện được thể hiện theo hướng tích cực, tạo được sự khác biệt. 

Khi được hỏi về khóa tập huấn, Ánh Tuyết chia sẻ: “Chỉ với 4 ngày tham gia ngắn ngủi, tôi như ‘lột xác’ trong tư duy làm báo thời kỳ 4.0, với những góc nhìn mới trong phát hiện đề tài cùng những kỹ năng sản xuất video phát trên đa nền tảng. Với sự hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm, tôi có thể sản xuất được một tin truyền hình hoàn toàn bằng điện thoại di động, không cần máy móc cồng kềnh cũng như các phần mềm dựng phức tạp. Chúng tôi cũng được thực hành dẫn hiện trường. Đây là kỹ năng rất hữu ích và tôi đã áp dụng ngay vào thực tế công việc”.

Hiện nay, phóng viên thường trú của TTXVN tại các địa phương đều thực hiện ba loại hình thông tin: tin văn bản, tin ảnh và truyền hình. Ở những địa bàn rộng như các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, không phải chuyến đi cơ sở nào phóng viên cũng mang theo đầy đủ trang thiết bị tác nghiệp bởi phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy. Do vậy, kỹ năng tác nghiệp bằng điện thoại trở nên hữu ích khi phóng viên vội đến hiện trường đưa tin những sự kiện đột xuất, bất ngờ, hoặc gặp nhân vật cần phỏng vấn ngay trong khi máy quay đang được phóng viên khác sử dụng…

Phóng viên Nguyễn Huy Thành, CQTT tại Ninh Thuận, đã không ít lần dùng điện thoại để ghi lại các thông tin nóng, tiêu biểu như phóng sự Trụ điện 110KV tại Ninh Thuận bị mất trộm phụ kiện. Do vị trí đặt các trụ điện thường nằm ở nơi hẻo lánh nên việc mang theo một chiếc máy quay đến hiện trường không dễ dàng. Chính vì thế, việc ghi hình bằng điện thoại di động sẽ phát huy tác dụng. Phóng sự Trụ điện 110KV tại Ninh Thuận bị mất trộm phụ kiện của Nguyễn Huy Thành được phát sóng kịp thời trên VNews với nhiều hình ảnh và phỏng vấn sống động được ghi bằng điện thoại di động. 

Nói về những thay đổi sau khóa tập huấn kỹ năng về truyền hình, phóng viên Nguyễn Huy Thành cho biết: “Việc bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp bằng điện di động cho phóng viên là rất cần thiết, nhất là sản xuất các sản phẩm phát sóng trên nền tảng số. Khóa học đã giúp phóng viên thay đổi hướng tiếp cận đề tài, phân tích góc nhìn, tìm lát cắt, tạo ra những phóng sự cô đọng, có điểm nhấn để thu hút khán giả chứ không tham thông tin như trước kia”. 

Thực tế ở Ninh Thuận cho thấy, nhiều đề tài không mới, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bảo vệ rừng, giảm nghèo… đã được thay đổi cách thể hiện để trở nên hấp dẫn hơn. Cách tiếp cận đi thẳng vào khía cạnh mà công chúng quan tâm. Hình ảnh đa dạng, phong phú, chứa nhiều thông tin hơn.

Trước đây, CQTT tại Hậu Giang thực hiện phóng sự truyền hình ít hơn so với các CQTT trong khu vực. Khi được Ban giám đốc Cơ quan khu vực phía Nam nhắc nhở, các phóng viên CQTT tại Hậu Giang đưa ra lý do là tỉnh nhỏ, tái lập sau (năm 2004), chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên không có nhiều thông tin. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng này đã có sự chuyển biến tích cực. Một mặt, CQTT Hậu Giang được bổ sung thêm một phóng viên; mặt khác, tư duy tìm kiếm đề tài phóng sự truyền hình của phóng viên đã có sự thay đổi so với trước. Có nhiều đề tài không mới nhưng được khai thác linh hoạt, sáng tạo vẫn tạo ra những thông tin tốt, thu hút người xem. 

Phóng sự Hiệu quả kép từ việc nuôi thủy sản trên ruộng của phóng viên Nguyễn Thị Thúy Hằng phát sóng ngày 13/12 là một ví dụ. Phóng sự mở đầu bằng hình ảnh dẫn hiện trường của phóng viên trong bối cảnh nông dân thu hoạch cá đồng, tạo nên sự khác biệt với những phóng sự vốn chỉ có hình ảnh hiện trường. Phóng viên không chỉ khai thác hiệu quả góc độ nuôi cá đồng trong mùa lũ mà còn gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, khi lũ của sông Mê Kông nhiều năm gần đây rất thấp, mức độ sinh sản của cá tự nhiên không còn nhiều như trước kia. 

2. Thực tế ngay từ khi các CQTT tham gia sản xuất thông tin truyền hình (năm 2010), phóng viên đã được hướng dẫn các kỹ năng dẫn hiện trường, sản xuất phóng sự. Khi chất lượng hình ảnh của những chiếc điện thoại di động được nâng cao, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn đã tổ chức khóa học hướng dẫn anh em thường trú cách sử dụng điện thoại di động để ghi hình. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của các loại hình báo chí đa nền tảng buộc phóng viên phải thường xuyên cập nhật những cách làm mới phù hợp. 

Tại khóa tập huấn Kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số, phóng viên được hướng dẫn nhiều kỹ năng nâng cao khi sử dụng điện thoại di động để tác nghiệp trong những chủ đề đặc thù, phát trên đa nền tảng. Với chiếc điện thoại di động, phóng viên không chỉ phỏng vấn mà còn dựng hoàn chỉnh một sản phẩm thông tin thông qua các phần mềm và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong đọc lời bình. Bên cạnh đó, tốc độ hoàn thành sản phẩm truyền hình khi thao tác trên điện thoại di động nhanh hơn nhiều do có sự hỗ trợ của các phần mềm chuyển đổi văn bản thành giọng nói hoặc giọng nói thành văn bản. 

Ngày nay, công chúng có nhiều hình thức tiếp cận thông tin, trên nhiều nền tảng khác nhau. Điều này đã định hình các phóng sự có thời lượng ngắn, thông tin cô đọng và tạo ấn tượng ngay từ những hình ảnh mở đầu. Đồng thời, buộc phóng viên phải đi đúng, đi trúng những vấn đề mà công chúng đang quan tâm, ngay từ khâu tìm kiếm đề tài và trong kỹ năng thể hiện thông tin. Đấy là những điều mới mẻ mà khóa tập huấn Kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số cung cấp cho các học viên. Một thành công nữa của khóa tập huấn là việc tổ chức thực hành rất đa dạng khi các học viên đều phải tham gia dẫn hiện trường, ghi hình, dựng hình, hoàn thành phóng sự theo chủ đề đã được lựa chọn.

Đánh giá về hiệu quả của khóa tập huấn Kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số, Phó giám đốc Cơ quan khu vực phía Nam Phan Văn Đông cho biết: các lớp tập huấn mang tính “cầm tay chỉ việc” như thế này rất hữu ích cho phóng viên. Qua đây, phóng viên biết được những khiếm khuyết của mình để thay đổi, bổ sung; thu nạp kiến thức bổ ích để áp dụng hiệu quả vào thực tế công việc. Sau gần hai tháng kết thúc khóa tập huấn, nhiều CQTT khu vực phía Nam đã có những chuyển biến đáng mừng, đặc biệt trong tư duy tác nghiệp; phóng viên tích cực sản xuất phóng sự truyền hình. Sản phẩm truyền hình bước đầu có sự đổi mới khi phóng viên tích cực dẫn hiện trường, linh hoạt, sáng tạo trong tư duy về đề tài, chủ đề và nhất là cách thể hiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về thông tin trên nền tảng số./.
 
Khóa tập huấn Kỹ năng sản xuất video trong bối cảnh truyền thông số do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn phối hợp với Trung tâm Truyền hình Thông tấn và Cơ quan khu vực phía Nam tổ chức từ ngày 30/10-3/11 tại TP. Hồ Chí Minh.  

Tại khóa học, các học viên được cập nhật các xu hướng sản xuất sản phẩm số; một số định hướng trong sản xuất tin, bài cho nền tảng số của VNews. Cùng với đó là những kỹ năng trong tổ chức sản xuất phóng sự thời sự, từ cách lựa chọn đề tài đến cách xây dựng đề cương cho phóng sự ngắn, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, chọn khung hình đắt giá tạo điểm nhấn cho phóng sư. Đặc biệt là kỹ năng sử dụng điện thoại di động để quay, dựng, đọc lời bình, các phần mềm chuyển đổi văn bản thành giọng nói, đồ họa cơ bản, chỉnh sửa ảnh... Qua đó, nâng cao kỹ năng phát hiện vấn đề; lên ý tưởng cho video ngắn; chọn bối cảnh, dẫn hiện trường; tìm chi tiết, hình ảnh ấn tượng để xây dựng phóng sự trên từng địa bàn khác nhau.

Quang Hùng
Nội san Thông tấn số 12/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trưng bày ảnh về quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào (06/01/2024 18:47:10)

Giải Diên Hồng lần thứ hai năm 2024: TTXVN được trao 4 giải thưởng (05/01/2024 23:11:40)

Tặng nhà tình thương cho người nghèo tỉnh Bến Tre  (25/12/2023 14:21:29)

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Không ngừng vun đắp sự gắn kết qua nhiều thế hệ giữa TTXVN và Sư đoàn 304 (22/12/2023 19:19:36)

Khám sức khỏe định kỳ cho viên chức và người lao động TTXVN (22/12/2023 15:06:55)

Chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân 79 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2023 15:03:26)

Báo điện tử VietnamPlus thuộc top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc  (22/12/2023 11:55:39)

TTXVN được trao giải Nhất cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc” (20/12/2023 09:24:46)

Thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang (18/12/2023 15:04:54)

Đoàn cán bộ, phóng viên TTXVN về nguồn tại Tây Ninh (16/12/2023 17:56:03)