Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Tôi được chứng kiến lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam


(07/07/2015 10:48:36)

Trước ngày ký Hiệp định Paris mấy hôm, tôi được gọi lên gặp các anh Đào Tùng và Đỗ Phượng. "Bộ biên tập chọn Kim đi Sài Gòn làm phóng viên tại Ban Liên hợp quân sự bốn bên đồng thời làm trưởng đoàn TTXVN tại đó. Cùng đi với Kim có Trần Mai Hạnh và ba kỹ thuật viên, điện báo viên. Ngày mai cả đoàn sẽ đi nhận quân trang quân phục tại Bộ tư lệnh Quân khu 3 ở Hà Đông...".

Phóng viên VNTTX tại Ban liên hợp quân sự bốn bên tham gia giám sát những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam

Rời phòng làm việc của lãnh đạo cơ quan, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được đi làm phóng viên tại Sài Gòn, nơi tôi theo dõi tin tức trong hơn 10 năm qua, vì lần đầu tiên trong đời được đi công tác bằng máy bay từ Gia Lâm vào Sài Gòn. Còn lo vì công việc quá quan trọng, nhiệm vụ rất nặng nề. Lo vì sống trong lòng địch liệu có an toàn, tuy nói là thời hạn chỉ 60 ngày, nhưng biết đâu lại kéo dài 6 tháng, 6 năm ... Nhưng nói thế thôi, mừng, lo gì thì công việc của cơ quan giao là phải thực hiện, tôi chẳng đắn đo gì.

Ngày 25/01/1973, tôi đi lĩnh quân trang, quân phục cùng Trần Mai Hạnh, Trương Việt Cường, Ngô Duy Phùng và Phạm Quang Khang. Ngay chiều hôm đó Bộ biên tập lại chỉ đạo: Trần Mai Hạnh ở lại, còn bốn người chúng tôi đi Sài Gòn. Ngay hôm sau, 26/1, bốn anh em vào ở trong Trạm 66 (ở phố Hoàng Diệu) để cùng sinh hoạt với các đơn vị khác, chuẩn bị cho chuyến đi. Tại đây có hàng trăm sĩ quan ở các chiến trường và đơn vị được điều động về tham gia hai phái đoàn quân sự. Hàng ngày chúng tôi được nghe phổ biến nhiệm vụ, tập đi đứng, quay phải, quay trái... và được ăn theo chế độ bồi dưỡng trước khi vào Nam công tác. Sáng 27/1, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tại thủ đô nước Pháp. Loa truyền thanh khắp Hà Nội thông báo tin này liên tục. Đường phố Hà Nội rợp cờ hoa để đón đoàn đàm phán Hiệp định hòa bình Paris trở về. Thời điểm này cũng đúng vào dịp Tết Quý Sửu cổ truyền nên niềm vui càng được nhân lên gấp bội.

Ngày 30/1, chúng tôi ra sân bay Gia Lâm để đi công tác. Sau 5 giờ bay bằng máy bay C-130 (do Mỹ đưa ra), chúng tôi tới sân bay Tân Sơn Nhất. Quân ngụy cho một đại đội đứng vây quanh máy bay của chúng tôi và bắt chờ tới hơn ba tiếng đồng hồ ở bãi đậu, dưới cái nắng cháy da cháy thịt phương Nam. Mãi tới gần tối chúng tôi mới được xe khách của Mỹ đón và đưa về Trại Davis, nơi đóng trụ sở của hai đoàn quân sự ta, ngay bên rìa sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi ổn định cơ sở thu phát tin giữa Sài Gòn và Hà Nội, chúng tôi bắt đầu phát những tin tức đầu tiên về hoạt động của đoàn, về không khí trong Trại Davis và các địa điểm xung quanh, những nhận xét về các hoạt động của địch vào ban đêm.

Trong tháng 2/1973 tôi tham gia nhiều chuyến đi giám sát các cuộc rút quân ở Nha Trang và Đà Nẵng, chứng kiến các cuộc trao trả tù binh tại Lộc Ninh, Xa-mát (Tây Ninh), Hoài Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Đà Nẵng, Đức Nghiệp (Gia Lai) và thăm một số trại giam (trước khi trao trả tù binh). Biết là hàng tuần có những chuyến máy bay Mỹ bay ra Gia Lâm thực hiện công vụ, trong các chuyến đi vào vùng giải phóng, tôi thường nhắn anh em bộ đội miền Bắc tranh thủ viết thư thăm gia đình rồi mang về Sài Gòn, cho vào phong bì gửi theo đường quân bưu. Các thư đó được chuyển nhanh ra Bắc. Có nhiều gia đình, từ ngày người thân vào Nam chiến đấu, lúc ấy mới nhận được thư chiến trường gửi về, mừng không sao tả xiết.

Trong 60 ngày công tác tại Sài Gòn, kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi có lẽ là hai lần được chứng kiến những tên lính Đại Hàn cuối cùng rút khỏi Nha Trang và những tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam VN.

Ấy là trưa 10/3/1973, tại sân bay Nha Trang, tôi cùng các sĩ quan liên hợp 4 bên trèo lên chiếc máy bay B.447 chở lính Hàn rời khỏi Việt Nam. Đây là những tên lính cuối cùng của các sư đoàn Mãnh Hổ, Rồng Xanh... đã từng làm mưa làm gió một thời ở khu 6. Chúng tôi đếm từng tên một theo danh sách trước khi cho phép máy bay cất cánh rời Nha Trang, chấm dứt sự có mặt của quân chư hầu trên đất nước ta.

Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 29/3/1973, tôi cùng đồng đội chứng kiến những tên lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Trong giây phút tên sĩ quan Mỹ cuối cùng bước lên cầu thang máy bay để trở về Mỹ, tôi cũng như các sĩ quan quân đội hai miền Nam Bắc đều tự hào khi được thay mặt cho đội quân bách chiến bách thắng, chứng kiến sự rút lui nhục nhã của địch. Bản thân tôi, với tư cách là nhà báo của VNTTX, lại càng tự hào khi được thay mặt cho gần 1.000 cán bộ phóng viên thông tấn cả nước, được có mặt trong giờ phút thiêng liêng ấy, là một nhân chứng sống của sự kiện lịch sử quân đội Mỹ chấm dứt sự hiện diện trên đất nước ta.

Ngày 3/4/1973, tôi cùng anh em phân xã trở ra Hà Nội, bàn giao lại văn phòng và các thiết bị thông tin cho anh Nguyễn Châu Quỳ, Trưởng phân xã Giải phóng vừa từ Hà Nội vào cùng 4-5 anh em phóng viên, kỹ thuật viên khác. Họ trụ lại trong trại Davis cho đến ngày 30/4/1975 và góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các thiết bị chúng tôi đem vào Sài Gòn từ đầu năm 1973, vào thời điểm 30/4/1975 đã trở thành đường truyền tin ảnh duy nhất của các phóng viên, không chỉ của VNTTX mà cả các báo khác nữa, tham gia thông tin về Đại thắng Mùa xuân 1975. 

Nguýằ…n Nhặ° Kim-NguyÃên Trặ°ỏằŸng Ban biÃên tỏºưp tin Đỏằ‘i ngúºĂi
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhiều hoạt động thể thao và văn nghệ hướng tới kỷ niệm "sinh nhật" TTXVN (07/07/2015 10:28:00)

Rà soát các công việc hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành (07/07/2015 10:24:22)

Đại hội đại biểu liên Chi hội Nhà báo TTXVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 -2020: Đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. (07/07/2015 10:09:01)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 4/2015) (09/06/2015 10:13:12)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 5/2015) (08/06/2015 16:10:30)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại: Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước (08/06/2015 11:13:55)

Thông tin đối ngoại góp phần nâng cao vị thế Việt Nam (08/06/2015 11:05:53)

Chủ tịch nước dự lễ khai trương Cơ quan thường trú tại Praha (CH Czech) (08/06/2015 11:02:13)

TTXVN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin phục vụ IPU -132 (11/05/2015 11:04:09)

Thanh niên B2 và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất: Cùng nhau cống hiến sức trẻ (11/05/2015 10:54:50)