Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Về với Hòn Đất U Minh


(26/09/2006 10:03:51)

Kết thúc Festivanl Mê Kông, tôi nói với Phạm Quang Vũ, Phó Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hoà - đồng tài trợ cho festival: Du lịch mới chỉ là một mảng của ĐBSCL, công ty đã tài trợ khá lớn, các anh có đồng ý tiếp tục tài trợ cho một chương trình xã hội của báo Tin Tức không? - "Báo Tin Tức định tài trợ cho những đối tượng nào, vùng nào?", Phạm Quang Vũ hỏi. - "Chúng tôi định về những vùng chiến khu còn nghèo khó, nơi còn những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình chính sách gặp khó khăn để tri ân với những người đã cống hiến những người con thân yêu cho Tổ quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và những cháu học sinh nghèo học giỏi, những chủ nhân tương lai của những miền đất quật cường đó." - "Cụ thể là vùng nào, tỉnh nào?", anh hỏi lại.

“Theo tôi, nếu được, ta nên chọn điểm đến đầu tiên là Kiên Giang, cụ thể là hai địa danh đã đi vào sử sách là Hòn Đất, U Minh”. Anh gật gù: “Chúng tôi đồng ý với đề nghị này, vì điều này cũng phù hợp với một trong những tiêu chuẩn được nhận giải thưởng WPO là làm công tác xã hội. Vả lại, chúng tôi cũng muốn thông qua chương trình này để đáp lại sự tin cậy của khách hàng”.
    Trước tiên, tôi đề nghị anh mua khoảng 100 tờ báo hàng ngày gửi đến các bưu điện văn hóa xã cho bà con ở tỉnh Kiên Giang đọc. - “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề nghị này anh Vũ nói và kể từ ngày 1/4/2006, Vinacafé mua tài trợ 100 tờ báo để gửi cho Kiên Giang. Nhưng điều quan trọng hơn là Vinacafé kết hợp với Báo Tin Tức tổ chức tốt đợt làm công tác xã hội này”.
     Anh Vũ nói tiếp: “Và chúng tôi tài trợ cho chương trình trọn gói là…”. Tôi ngần ngừ: “Thật cám ơn nhưng với một số tiền vài trăm triệu như vậy chúng tôi không biết cách quản lý, nên chăng là báo Tin Tức sẽ đặt vấn đề với tỉnh Kiên Giang, với các huyện, trường học, nghĩa là “làm thủ tục”, còn việc trao quà cũng như chi dùng thì doanh nghiệp nên trực tiếp quản lý và trao tận tay, báo Tin Tức sẽ có đại diện làm việc này”. Thấy tôi bối rối trước số tiền mà doanh nghiệp định tài trợ, Phạm Quang Vũ, một người luôn “tư duy” trên những chục tỷ, trăm tỷ bật cười: “Thôi vậy cũng được, nhưng khi trao quà thì người chủ trì nhất định phải là báo Tin Tức”.
     Phòng Đại diện báo Tin Tức tại TP. HCM chưa bao giờ gặp phải tình huống vừa mừng vừa lo như lúc này. Tôi báo cáo với Phó giám đốc VPĐD TTXVN tại TP. HCM kiêm Phó Tổng biên tập báo Tin Tức Phạm Nhật Nam Tìm ra một kế hoạch để làm sao “tiêu” hết số tiền cho đúng mục đích mà doanh nghiệp đã duyệt chi.
     Quả thật viết một vài bài báo, một vài chuyên đề không khó, có lẽ vì chúng tôi quen, nhưng để tiêu một số tiền lên đến cả trăm triệu đồng thì là một việc mới mẻ. Anh Phạm Nhật Nam chỉ đạo: “Việc đầu tiên là phải xuống Kiên Giang xin phép UBND tỉnh để làm công tác xã hội, sau đó liên hệ với các ban ngành như Lao động – Thương binh và Xã hội và Giáo dục để tìm ra những BNVNAH, những gia đình chính sách đang gặp khó khăn và các cháu học sinh con nhà nghèo thực sự học giỏi.
     Tôi trình bày vấn đề với Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong. Ông vô cùng cảm kích nói: Tôi hoan nghênh và cảm ơn chủ trương của báo Tin Tức và Vinacafé định làm một chuyến “Về nguồn” với Kiên Giang, không kể dù ít, dù nhiều, một đồng quà, một tấm bánh đến với những gia đình cách mạng, đến với những người đã hy sinh một phần thân thể đang gặp khó khăn đều là biểu hiện cái tâm, cái đức. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực chính sách “đền ơn đáp nghĩa” của Đảng.
     Cuối tháng 4/2006, đoàn tiền trạm đã về Hòn Đất, U Minh. Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất Bùi Văn Đạt vui mừng nói: “Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của tỉnh và đã kết hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội lên danh sách các đối tượng được nhận quà. Nhưng vui mừng hơn, anh Đạt nói tiếp, là từ đầu tháng Tư, các điểm bưu điện văn hoá xã đã có thêm tờ báo Tin Tức của TTXVN , mang lại những thông tin mới mẻ, hấp dẫn và nhiều tính chất dự báo chính xác cho cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa. Nói thật với các anh, ở vùng Ba Hòn, người dân không chỉ thiếu thốn về cơm áo gạo tiền mà còn “đói” cả thông tin. Có tờ Tin Tức, cán bộ và nhân dân nắm chắc thông tin trong và ngoài nước và cả chủ trương chính sách của Đảng hàng ngày…”
     Trưa tháng Năm lồng lộng gió, Hòn Đất trong cái thế của Ba Hòn uy nghi, đường bệ trấn giữ một vùng trời biển, là không gian, là cảnh huống, là câu chuyện trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức mà nhân vật trung tâm là chị Sứ - Nguyên mẫu là Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng. Chúng tôi đến đây, vượt qua một hố bom rộng như một cái ao nhỏ để vào viếng một ngừơi phụ nữ anh hùng. Mộ mới tôn tạo tựa lưng vào vách núi, bóng cây che mát quanh năm và  nghi ngút hương khói tưởng niệm của các đoàn khách thập phương. Nhà báo lão thành Lê Việt Thảo nói với Mai, một học sinh lớp 11 ở tỉnh Thái Bình: “Vào đến Kiên Giang phải đến Hòn Đất, đến Hòn Đất phải lên viếng chị Sứ”. Ông hỏi: “Cháu có biết chị Sứ không”? Tiếc thay, câu trả lời của Mai lại là không. Cũng không thể trách cháu vì chương trình văn PTTH hình như đã không còn giảng dạy tác phẩm này. Nhưng đứng trên đỉnh núi, dù là những ngừơi dạn dày trận mạc đã đi qua gần hết cuộc đời hay những cháu nhỏ không hề biết đến chiến tranh, đều nhận ra vẻ hùng vĩ, nên thơ cùng những vết tích tàn khốc của chiến tranh. Đó là những hố bom 30 năm vẫn chưa lấp hết. Thịt da của đất đai vẫn chưa lành hẳn. Nỗi đau mất mát của con người vẫn còn âm ỉ.
     Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội Đoàn Tuyết Anh dẫn chúng tôi tới thăm BMVNAH Nguyễn Thị Nhung ở xã Sơn Kiên. Trí nhớ của mẹ đã sút giảm. Dù là đang ở trong một căn nhà khang trang nhưng mẹ vẫn nhớ về căn nhà lá ở Kênh Ngang mà mẹ đã tạo dựng trong những ngày đầy gian khó của kiếp sống tha phương cách nay gần 2/3 thế kỷ. Nơi ấy, 4 người con của mẹ đã đi theo cách mạng và không ai trở về sau ngày toàn thắng. Nước mắt của người mẹ 86 tuổi “không còn để khóc những đứa con”, nỗi đau dường như đã kết tinh vào ký ức để hôm nay mẹ ngồi đó kể về từng người con từ tuổi ấu thơ. Các anh như đang về theo lời mẹ kể, chúng tôi nghe trong ngọn gió rưng rưng… Đến khi anh Phạm Nhật Nam và anh Phạm Quang Vũ trao quà tặng thì mẹ bảo: “Không, tôi không nhận, đây không phải là nhà tôi”. Tất cả chúng tôi đều cay khoé mắt.
     Chúng tôi tới thăm và tặng quà cụ Vũ Quốc Sủng, 90 tuổi. Cụ quê ở Nam Định, vào Hòn Đất lập nghiệp từ năm 1942, trọn một đời cần lao, trọn một đời tin yêu cách mạng. Trong 3 người con trai theo kháng chiến thì hai người đã hi sinh. Trên bàn thờ là hai tấm ảnh đã không còn rõ nét và những tấm huân chương. Người cha già nhớ về các con mình ngày đi đánh giặc giản dị và gian khổ như cụ đi “mở cõi” năm nào. Cầm tay cụ, anh Phạm Quang Vũ nói: “Khi chúng con còn ngồi trên ghế nhà trường ngoài miền Bắc đã biết đến Hòn Đất anh hùng, nay mới được về đây để tri ân với những bậc cha mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc những người con thân yêu, thể hiện đạo lý” uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”. Cụ xúc động nói: “Hai con tôi đã vì nước hi sinh cũng là vẻ vang, nay lại được qúi báo đến thăm và tặng quà tôi rất xúc động và cảm ơn nhiều lắm”.
     Được đến thăm và tặng quà cho các mẹ VNAH, những gia đình thương binh, liệt sĩ, chúng tôi hiểu thêm những hy sinh vô giá và tấm lòng trung trinh với Đảng, với cách mạng của người dân Hòn Đất, U Minh ; nhủ lòng đừng lơ đễnh, đừng quên những người cha già, mẹ yếu tận chân trời góc bể đã vì cách mạng mà hy sinh tất cả. Chúng tôi cũng nhận ra những khó khăn của biết bao gia đình vùng chiến khu, nhất là với không ít các cháu học sinh. Tại trường PTTH Phan Thị Ràng, sau khi trao 40 phần quà cho các cháu học sinh nghèo học giỏi nhân dịp trường tổng kết năm học, Phó Giám đốc sở Giáo dục Huỳnh Quốc Khánh đã nói với chúng tôi: “Nhiều học sinh phải nghỉ học vì gia đình quá nghèo. Có nơi, đầu cấp thì có ba lớp 10 nhưng tới lớp 12 chỉ còn một lớp”. Tôi tranh thủ hỏi một học sinh lớp 7/2 tên Hoà, vừa được nhận quà tặng, về hoàn cảnh gia đình của em. Hoà nói: “Nhà con nghèo lắm, mẹ đi làm mướn, cha đi bán kem, không đủ ăn. Nhà có 5 anh em chỉ mình con còn đi học, các anh chị đều bỏ ngang vì không có tiền”. Khi được hỏi về số tiền thưởng, Hoà trả lời: “Con mang về phụ giúp cha mẹ. Đối với con, số tiền này quá lớn. Cảm ơn các chú, các bác đã cho con”.
     Về với Hòn Đất, U Minh trong tháng năm này, chúng tôi những muốn đến với từng mẹ VNAH, từng gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, các anh các chị thương binh, những gia đình vùng chiến khu năm xưa nay còn nghèo khó; ngõ hầu chia sẻ trong muôn một những lẽ  vui buồn và khó khăn thường nhật.
     Và chúng tôi hẹn nhất định sẽ trở lại với Hòn Đất, U Minh…

Nguyễn Quang Vinh
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)