Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Vietnam Plus: Một thời kỳ mới đang bắt đầu


(05/12/2012 12:41:26)

Ðược Nội san Thông tấn đề nghị viết về quãng thời gian bốn năm hoạt động đầu tiên của báo điện tử VietnamPlus, thực sự tôi không muốn kể lại những khó khăn chồng chất của buổi đầu chập chững, cũng không muốn nêu những kết quả đạt được tới nay vì chúng quá nhỏ nhoi. Ðiều mà tôi muốn chia sẻ là một cách thức quản trị và kinh doanh có phần “cứng rắn”, từng khiến tôi chịu không ít lời chỉ trích.

 

Trong cuộc họp đầu tiên với toàn thể nhân viên vào ngày đầu tiên của năm thứ 5 hoạt động, tức là đúng 1 ngày sau buổi lễ kỷ niệm 4 năm (13/11/2012), tôi đã khẳng định về sự bắt đầu của “một thời kỳ mới với nhiều quy định nới lỏng”. Nhưng có lẽ cũng nên có đôi lời tâm sự lẫn giải thích về thời kỳ đã qua, và tôi sẵn sàng tiếp tục nhận những phán xét về chuyện đúng - sai.
Không thể phủ nhận rằng tôi có phần chịu ảnh hưởng về triết lý sau thời gian dài sống ở Nhật Bản. Xứ Phù Tang đổ nát sau chiến tranh vươn lên mạnh mẽ trong thời gian ngắn nhờ một sự đồng thuận có phần cực đoan. Một khi con đường đã chọn thì tất thảy, từ lãnh đạo đến nhân viên, đều dốc sức, theo một hướng duy nhất. Có như vậy thì con đường cao tốc cơ bản sẽ hoàn tất nhanh chóng và rõ nét, rồi sau đó mới cho phép mở các tuyến phụ. Mà chẳng riêng ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng áp dụng cách này, và nó đã mang lại hiệu quả.
VietnamPlus buổi đầu cũng thế. Mặc dù chủ trương và hướng đi của tòa soạn được thống nhất trong Chi ủy và ban lãnh đạo báo, nhưng về những vấn đề chuyên môn, tôi áp dụng một quy định rất nghiêm ngặt về biên tập, công tác tài chính lẫn quảng cáo. Vào năm 2008, khi không có một sách giáo khoa nào dạy về biên tập cho báo điện tử, yêu cầu của tôi về độ dài gần như bằng nhau của tiêu đề tin và phần tóm tắt, thậm chí cách thả dấu câu, cách viết từ  phiên âm, gây ra nhiều tranh luận trong nội bộ. Có người nói phải để tít dài tít ngắn xen nhau cho đa dạng, thoáng mắt. Có người nói việc đặt dấu câu phải thế kia thế nọ mới đúng. Việc viết tên gốc và những từ phiên âm từ tiếng nước ngoài thì thực sự dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa, bởi ngay như việc thống nhất viết tên bằng tiếng Anh thì không phải lúc nào cũng chuẩn, nhất là đối với những tên tiếng Nga, tiếng Arập mà mỗi hãng tin Anh, Pháp lại phiên ra tiếng Anh theo một kiểu. Phiên âm đương nhiên là chuyện dài kỳ và phức tạp trong tiếng Việt, qua thời gian, thay vì được chuẩn hóa thì vấn đề lại càng trở nên rối rắm, vì thế một đề xuất thay đổi, dù nhỏ cũng có nguy cơ gây nên nhiều xáo trộn. Ðó là chưa kể những câu hỏi như: Tại sao dùng hình ảnh minh họa theo một cỡ thống nhất? Tại sao không cho nhiều ảnh vào trong bài? Rất nhiều “tại sao” tới mức câu trả lời rốt cục phải là “Cứ làm thế đi!”
Tư duy của tôi thực ra rất đơn giản. Khác với truyền hình và phát thanh phải đọc âm cho đúng, báo in thì chỉ cần nhìn quen mặt chữ, báo điện tử còn có một yêu cầu thường trực là tìm kiếm. Việc thống nhất cách viết một từ nhất định có tác dụng hỗ trợ tìm kiếm trên cả website của mình lẫn các máy tìm kiếm như Google, Bing… Ðương nhiên do tin của VietnamPlus đến từ nhiều nguồn, gồm các ban biên tập cũng như mạng lưới cộng tác viên và bản thân các phóng viên-biên tập viên của tòa soạn, nên sự thống nhất chưa được đảm bảo tuyệt đối nhưng mục tiêu hướng tới là như vậy. Hỗ trợ tìm kiếm hiệu quả không chỉ là cách thức để giữ chân độc giả mà còn giúp cho chính các BTV, PV khi muốn tra lại những tin bài trong quá khứ.
Ðòi hỏi thống nhất về độ dài của tiêu đề trong khi đảm bảo đủ nghĩa để thu hút độc giả đi sâu đọc tin không hề là điều dễ dàng. Ða số PV, BTV quen kiểu đặt tiêu đề cho báo in nên cảm thấy khá bức bối với quy định này. Việc tiêu đề dài lại phải cắt, tiêu đề ngắn quá lại phải kéo cho dài ra không phải dễ mà quen. Nhưng đến khi tòa soạn triển khai ứng dụng di động VietnamPlus Mobile thì việc này càng chứng tỏ hiệu quả, bởi toàn bộ tiêu đề và nội dung tóm tắt nằm gọn trong một màn hình. Phần hình ảnh, nhờ thống nhất kích thước nên đều tăm tắp, và xét về trải nghiệm của người dùng thì không có một tờ báo điện tử nào đạt được tính thống nhất cao như thế. Việc này sẽ còn liên quan đến những thiết kế hiện đại tiếp theo dành cho các thiết bị di động.
Quy định về quy trình biên tập và công tác PV cũng là câu chuyện được nhắc tới nhiều sau này. Cái gọi là “tam giác ngược” tưởng chừng ai cũng biết nhưng rốt cục đa số chỉ viết đúng được câu đầu tiên. Rồi tranh cãi giữa số lượng và chất lượng của tin bài, có những PV chỉ muốn viết những loạt bài “hoành tráng” làm rúng động xã hội, có người lại muốn tập trung bám ngành chứ không thiết tha những nội dung mang tính dân sinh. Hay như đòi hỏi “tất cả trong một” với PV báo điện tử để làm sao vừa có ảnh, vừa có thông tin nóng lẫn các bài viết cập nhật liên tục, phỏng vấn chuyên gia, thậm chí video và cả đòi hỏi về kỹ năng xử lý ảnh hoặc kỹ thuật căn bản… quả là quá nhiều với những PV trẻ. Trước khi đến với báo điện tử VietnamPlus, họ thấy chỉ cần viết một bài với cái ảnh gắn kèm là đủ, rồi thấy lãnh đạo đưa ra đầy những “yêu sách” chỉ khiến họ mệt thêm chứ chưa thấy ích lợi gì bởi chế độ đãi ngộ những ngày đầu hoạt động gần như không có. Thế là trong suốt một năm rưỡi, mỗi tuần đều phải có một buổi đào tạo (vào buổi trưa để khỏi phạm vào giờ làm việc), có những lúc PV ngáp ngắn ngáp dài, nhưng kiến thức thì vẫn cần phải… “nhồi nhét” liên tục. “Ðào tạo cưỡng chế” là từ mà chúng tôi hay nói đùa khi đó. Và không thể không nhắc đến chuyện xử phạt bằng biện pháp tài chính đối với những sai sót: Nhân viên bị phạt một thì cán bộ bị phạt gấp đôi, nếu mắc lỗi. Cá nhân tôi cũng vài lần phải nộp phạt rất nặng vì lỗi sai chính tả bị sót khi hiệu đính.
Quy định về quảng cáo mới là chuyện nan giải, bởi cách thức trích hoa hồng rất cao không được áp dụng tại VietnamPlus, thay vào đó là một cơ chế hoa hồng ngang bằng với mức ngoài thị trường. Một số cá nhân có mối quan hệ rộng cho rằng, quy định này không khuyến khích sự đóng góp của họ. Ngay cả những cộng tác viên cũng tuyên bố rằng họ không muốn hợp tác như vậy vì lợi ích thấp hơn so với cộng tác cùng các đơn vị khác. Ðã vậy, mức giá quảng cáo lại được đặt khá cao, ngay cả khi tờ báo mới ra đời và chưa được nhiều người biết đến. Nhiều nhân viên kinh doanh đến thử việc đều khăng khăng rằng cách làm của VietnamPlus trái với thị trường – nghĩa là phải bán giá rẻ và hoa hồng cao mới thu hút được khách hàng. Quan điểm của tôi thì khác, VietnamPlus được định vị nhắm vào phân khúc độc giả trình độ cao và khách hàng có sản phẩm cấp trung trở lên, việc ban đầu phải làm là xây dựng nội dung phù hợp thay vì vội vàng bán quảng cáo giá thấp, bởi một khi đã bán giá thấp thì không dễ để nâng lên dù chất lượng nội dung tăng. Và khi cái tên VietnamPlus đã được định hình trên thị trường, giá bán quảng cáo hoàn toàn không còn bị coi là “cao vô lý” nữa. Cho đến giờ, mức giá quảng cáo của VietnamPlus vẫn là mức được đặt ra vào cuối năm 2008, không thay đổi một xu. Và thực tế cho thấy, khách hàng đang đến.
Nhưng thực sự là không phải lúc nào tôi cũng đòi hỏi quá khắt khe với nhân viên của mình. Nhiều khi thấy họ còn chập chững chuyện bài vở, mắc phải không ít lỗi lặt vặt, nhiều người cũng sốt ruột thay. Nhưng vì đã xác định “dục tốc bất đạt”, tòa soạn trẻ trung, nhân viên thiếu kinh nghiệm, bản thân mình cũng còn vừa làm vừa học, nên chúng tôi phạt đấy mà lại quay ra động viên nhau, rồi có lúc cùng đi dã ngoại, đi hát karaoke xả “xì trét” để ngày mai lại hướng tới một mục tiêu chung.
Bốn năm của VietnamPlus là quãng thời gian quá ngắn so với các đơn vị trong cơ quan. Những gì tòa soạn đạt được còn khiêm tốn lắm, những gì đóng góp được cho cơ quan cũng còn nhỏ nhoi lắm. Và chúng tôi tự nhận thấy còn có thể cống hiến nhiều hơn cho ngành. Các PV, BTV và cả các nhân viên kinh doanh của báo giờ đây không cần phải siết kỷ luật, siết quy chế mà vẫn chạy băng băng đầy tự giác, đầy tự tin. Xin cảm ơn tất cả những cán bộ, nhân viên trong tòa soạn đã ủng hộ tôi, đã trách cứ tôi, đã có lúc không hài lòng với cách quản trị của tôi, nhưng vẫn sát cánh cùng tôi trong một tập thể đoàn kết. Và tôi xin khẳng định lại, một thời kỳ mới đang bắt đầu tại tòa soạn VietnamPlus

Tổng Biên tập: Lê Quốc Minh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2012