Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

VietnamPlus: 5 năm vượt khó


(05/11/2013 10:45:13)

Được đề nghị viết về 5 năm hoạt động của VietnamPlus nhưng suốt một tháng trời tôi không viết nổi một chữ. Không hiểu sao tôi không hề nghĩ đến cuộc khai trương hoành tráng vào ngày 13/11/2008, cũng không nghĩ đến những vụ họp báo gây tiếng vang để tung ra những sản phẩm truyền thông mới.

 

 

Ngay cả phần mềm VietnamPlus Mobile, sản phẩm đầy tự hào và hiện được coi là ứng dụng đọc tin trên điện thoại thành công nhất ở Việt Nam hiện nay với hơn 500.000 lượt tải, cũng không làm tôi bận tâm. Có lẽ, sau 5 năm, điều đáng nhớ chính là những thời khắc khó khăn của tòa soạn, những tình cảm của tập thể phóng viên-biên tập viên, những cuộc vui hết mình để xả stress và tái tạo năng lượng, nhiệt huyết cho những tháng ngày cống hiến tiếp theo, những nụ cười, và cả những giọt nước mắt của các đồng nghiệp trẻ.

Tôi cứ nhớ mãi cái ngày cầm quyết định thành lập báo trong tay, không lâu sau trận ốm "lịch sử" khiến tôi nằm bẹp suốt 5 tuần trong bệnh viện, đội ngũ cán bộ chỉ hơn chục người theo quyết định của cơ quan. Suốt mấy tháng liền, tôi đi từng đơn vị "chiêu quân" nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì ai cũng nghĩ về với đơn vị mới toanh thì lắm rủi ro. Rồi dần dà cũng tuyển được thêm một số phóng viên, biên tập viên, tất cả đều là sinh viên mới ra trường, ngơ ngác vô cùng. Người đông dần, tòa nhà của cơ quan ở 79 Lý Thường Kiệt quá chật nên loay hoay mãi mới thu xếp được một phòng làm việc nhỏ cho biên tập viên lẫn hai Phó Tổng Biên tập. Một phòng nhỏ hơn thậm chí là ngồi nhờ Ban biên tập tin Đối ngoại, chỉ đủ kê 6 chiếc bàn nhưng có tới 17 phóng viên làm việc. Và có lẽ tôi là Tổng Biên tập duy nhất ngồi hành lang suốt 4 năm liền - nơi vốn là phòng tổng đài rộng 8m2, sau đó được sửa lại nhưng cứ thông thống, tường chỉ dám làm lửng vì nếu cao lên tới trần thì không khác nào cái hộp dựng đứng.

Trong ba năm đầu tiên, cứ mỗi lần yêu cầu các phòng làm báo cáo nửa năm hay cuối năm thì loanh quanh chỉ có các đề xuất: Một là xin thêm phòng làm việc; hai là xin thêm máy tính. Phòng làm việc thì đương nhiên là không có, nên cũng chẳng có bàn mà lắp thêm máy tính. Tôi nói với cán bộ phòng: "Thôi các em đừng nêu những đề xuất kiểu này vì không thể giải quyết được đâu, động viên anh em chịu khổ chút." Thế là không còn đề xuất nào nữa! Thật may, kể từ khi được chuyển về toà nhà mới, phòng ốc rộng rãi hơn, lần đầu tiên mỗi biên tập viên có cái bàn riêng của mình, phóng viên không còn trong "tình trạng Palestine" nữa.

Có lẽ không thể không nhắc đến quá trình đào tạo tại chỗ gian nan và bền bỉ. Trong gần ba năm đầu, do phóng viên, biên tập viên đều ít kinh nghiệm chuyên môn, đa số mới rời ghế nhà trường, và hầu như tất cả đều mù mờ về báo điện tử, vậy là tuần nào toà soạn cũng tổ chức đào tạo một buổi vào thứ Năm, lại phải tránh giờ làm việc nên bắt đầu từ 13giờ. Giờ đào tạo đúng vào giờ nghỉ trưa của đơn vị khác, vì thế đã không ít lần chúng tôi bị phê bình vì không giữ trật tự.

Không phải ai cũng hào hứng với những buổi đào tạo này. Có người đứng ngồi không yên vì lo công việc riêng, có người than ngắn thở dài vì ngại, có người thậm chí ngủ gật. Nhưng chính những buổi đào tạo đó đã giúp cho kiến thức ngấm dần, và quan trọng hơn là các vấn đề đạo đức nghề nghiệp được phân tích kỹ càng để mỗi phóng viên, biên tập viên tự nhận ra cách tác nghiệp đúng đắn. Những sự kiện sau đó như vụ bắt cóc cháu bé ở Bệnh viện Phụ sản, vụ dư chấn động đất ở Hà Nội, vụ ném bom tiệm vàng, trận lụt lịch sử ở miền Trung... cho thấy đội ngũ của VietnamPlus thực sự đã trưởng thành rất nhiều, say nghề và năng động, rất phù hợp với loại hình báo điện tử, nhưng luôn đảm bảo những nguyên tắc bất di bất dịch của báo chí. Có những phóng viên hôm qua còn non nớt, hôm nay đã được đồng nghiệp các báo nhắc đến tên như một cây viết xông xáo, hiệu quả và có phần vì nể. Có những tuyến tin kết hợp cả tin phóng viên và tin quốc tế, kết hợp cả các nội dung văn bản, hình ảnh, video và đồ họa để lên thành dòng sự kiện chững chạc, đầy đặn, trở thành nguồn khai thác cho cả báo chí trong và ngoài nước.

 

Một chuyến làm từ thiện của VietnamPlus tại Hà Giang cuối năm 2012

Việc sử dụng tin bài của các đơn vị khác cũng là vấn đề gây tranh cãi. Trước đó, các báo của cơ quan vẫn sử dụng tin của các đơn vị trong cơ quan thì không có vấn đề gì, nhưng VietnamPlus sử dụng thì lại gây ra nỗi lo tin sẽ không bán được. Thời gian đã chứng minh rằng sự ra đời của VietnamPlus và sau đó cả một số trang điện tử khác của cơ quan, không hề làm giảm lượng mua tin. Vui hơn là tòa soạn đã nhận được nhiều email, nhắn tin của các phân xã, nói rằng VietnamPlus đã giúp họ đưa được thông tin lan tỏa nhanh chóng và đã trở thành kênh quan trọng đối với phân xã trong mối quan hệ với chính quyền, độc giả địa phương.

Thực sự với tôi, điều đáng tự hào về VietnamPlus không phải là vị trí báo điện tử chính thống hàng đầu ở Việt Nam, cũng không phải hàng loạt những sản phẩm truyền thông sáng tạo của toà soạn, cũng không phải kết quả đóng góp tài chính cao liên tục trong nhiều năm cho cơ quan. Tôi tự hào vì có một tập thể dần dần biết quan tâm đến nhau, không còn bị chi phối bởi tư duy cục bộ từng phòng, mọi người luôn sống chan hòa, coi VietnamPlus như gia đình thứ hai của mình. Họ làm việc và cống hiến hết mình cho TTXVN, cho VietnamPlus một cách rất tự nhiên, chẳng vì một đòi hỏi vật chất hay tinh thần gì. Nếu tòa soạn chưa bao giờ yêu cầu cơ quan khen thưởng thì các phóng viên, biên tập viên của VietnamPlus cũng chưa bao giờ đòi hỏi tòa soạn tưởng thưởng cho những kết quả của mình. Vậy mà các phóng viên vẫn xông ra đường giữa khuya, giữa trời mưa gió, trực chiến trong các sự kiện quan trọng từ 4 giờ sáng, các biên tập viên cũng đảm bảo dòng thông tin liên tục 24 giờ mỗi ngày, dẫu nhân sự ít và đa phần là nữ vẫn sẵn sàng tăng cường trực thâu đêm cho các sự kiện quốc tế đột xuất.

Tôi sẽ không thể quên những gương mặt phóng viên phờ phạc, đen đúa sau những đợt làm tin đặc biệt mà vẫn cố nở nụ cười khi về tới tòa soạn, được các đồng nghiệp ở nhà pha cho cốc nước, bóc cho miếng bánh dằn cơn đói. Tôi sẽ không quên được hình ảnh những biên tập viên, cán bộ hiệu đính mắt ngấn lệ ngồi sửa bài phóng viên gửi về từ vùng lũ, từ những vùng núi chót vót hoang vắng viết về những thầy cô giáo cắm bản, những gia đình túng quẫn sau vụ sập hầm lò. Và cả những chuyến đi từ thiện gian truân tới những nơi là địa đầu Tổ quốc mang theo những món quà giản dị cùng cả tấm lòng của tòa soạn. Tôi sẽ không bao giờ quên những giây phút vỡ òa niềm vui khi các phóng viên trẻ nhận các giải báo chí quốc gia, những chuyến dã ngoại team-building đầy cảm xúc của tòa soạn ở nhiều vùng của đất nước. Và tôi càng không thể quên những cái siết tay thật chặt, những dòng nước mắt chứa chan trong những thời điểm khó khăn nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà tòa soạn lấy câu slogan "Làm việc như điên, vui chơi triền miên" như một khẩu hiệu nội bộ. Bởi phương châm của VietnamPlus là dù làm việc hay vui chơi thì cũng phải hết mình. Hết mình vì tập thể, và hết mình vì chính bản thân mỗi người.

Lê Quốc Minh
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giao lưu trực tuyến kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 (05/11/2013 10:30:08)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thông tấn xã Việt Nam (04/11/2013 15:34:10)

Tiếp sức học sinh vùng lũ Đồng Tháp (09/10/2013 15:28:29)

Thi tuyển phóng viên khu vực Miền Trung- Tây Nguyên (09/10/2013 15:23:15)

Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội năm 2013 (09/10/2013 15:20:44)

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 đến từng đảng viân (09/10/2013 15:17:34)

Hội Cựu chiến binh TTXVN và Quỹ Hỗ trợ trẻ em Việt Nam tặng quà Tết Trung thu năm 2013. (09/10/2013 15:15:43)

Báo Tin Tức đưa vào sử dụng phiên bản số (09/10/2013 15:09:32)

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Cơ quan thường trú ngoài nước (09/10/2013 14:46:44)

Đoàn đại biểu Ban tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Cuba thăm TTXVN (09/10/2013 14:42:22)