Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Điện báo viên kiên trung


(02/08/2022 16:06:30)

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Võ Công Thu (1946-1972) hy sinh đến nay, hình ảnh chàng thanh niên Võ Công Thu hiền lành, đôn hậu, hay cười, sẵn sàng giúp đỡ mọi người năm nào vẫn còn trong tâm trí người thân, bạn bè lúc sinh thời tại thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung-Tây Nguyên Ngô Anh Văn viếng các liệt sĩ khi hài cốt vừa được tìm thấy và cất bốc, tháng 8/2011

Ông Võ Công Sáu, em trai của liệt sĩ Võ Công Thu, hiện đang sống tại thôn Phú An, xã Đại Thắng, là người thờ cúng liệt sĩ. Những ngày tháng Bảy này, tiếp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại Quảng Nam, được gặp lại các đồng nghiệp trẻ nơi anh trai mình đã từng công tác cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Võ Công Sáu không giấu được xúc động. Ông  tâm sự, tôi sinh sau anh Thu đúng một giáp - 12 năm nên khi anh đi thoát ly, tham gia cách mạng tôi mới 3 tuổi. Mãi sau này, khi tôi lớn lên, mỗi năm cũng chỉ được gặp anh một đôi lần khi anh đi công tác, tranh thủ về thăm nhà. Tuy chỉ tranh thủ, nhưng mỗi lần về thăm, anh luôn quan tâm hỏi han sức khỏe, động viên ba mẹ và các em, dặn dò từng em phải chăm lo học tập để trở thành người có ích.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, là anh cả của 5 anh em, anh Võ Công Thu luôn gương mẫu, không nề hà bất cứ việc gì để phụ giúp ba mẹ nuôi dạy các em ăn học. Từ ngày anh đi thoát ly, ba mẹ chúng tôi thương anh nhưng luôn động viên anh gắng công tác tốt. Ba mẹ luôn lấy anh là tấm gương sáng cho các em noi theo. Những câu chuyện về anh, chúng tôi được nghe ba mẹ kể hằng ngày. Thuở bé, anh Thu rất chăm chỉ. Ngoài giờ học, anh dành thời gian cùng ba mẹ ra đồng cày cấy, bắt tôm, bắt cá, chăn nuôi lợn, gà, vịt… Là cậu bé hiền lành, lễ phép, ai có công chuyện gì, anh Thu đều sẵn sàng giúp đỡ hết sức tận tình và chu đáo. Trời phú cho anh có giọng hát rất hay, đặc biệt với các bài nhạc dân ca, bài chòi của quê hương… Khi mới 15 tuổi (năm 1961), Võ Công Thu đã được tham gia vào đoàn văn công tỉnh Quảng Đà. Sau một thời gian cùng các văn nghệ sĩ đoàn văn công tỉnh Quảng Đà có mặt tại các chiến trường biểu diễn phục vụ quân và dân ta, Võ Công Thu được điều động về Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đà, sau đó về công tác tại Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Gia nhập đội quân VNTTX, Võ Công Thu trở thành điện báo viên thuộc đài minh ngữ Khu 5 do nhà báo Hoàng Văn Đáo phụ trách.

Trong bài viết “Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm”, Nội san Thông tấn số 9/2011, tác giả Văn Sơn và Lê Xuân Thành đã cho biết, cho đến năm 1968, chỉ có VNTTX thuộc Ban tuyên huấn Khu 5 mới có đài minh ngữ. Tin tức, bài vở của các tỉnh muốn chuyển cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) phải gửi bằng đường giao liên về TTX Khu 5, từ đó mới phát cho Tổng xã. Sau Tết Mậu Thân (1968), do tầm quan trọng của mặt trận Quảng Đà, VNTTX đã cử một bộ phận có đem theo đài minh ngữ vào mặt trận này. Sau một thời gian bị địch đánh phá ác liệt, nhà báo Đinh Trọng Quyền, Trưởng phân xã, bị thương nặng, phải cùng cả bộ phận ra Bắc. Theo đề nghị của Đặc khu ủy Quảng Đà, Trung ương đã chi viện cho Quảng Đà một đài minh ngữ để phục vụ hoạt động của VNTTX, nằm ngay trong Ban Tuyên huấn.

Với kỹ thuật hiện đại, địch dễ dàng dò theo tín hiệu của đài để xác định tọa độ đặt máy, cũng như địa điểm cơ quan sử dụng máy. Đài mật ngữ thì nhiều, nên dù có biết tọa độ cũng khó biết là đài của cơ quan nào. Nhưng đài minh ngữ thì chỉ VNTTX mới có nên xác định được ngay khu vực đóng quân của Ban Tuyên huấn.

Đêm định mệnh 21 rạng sáng 22/5/1972 ấy có một cuộc họp của Ban Tuyên huấn Đặc khu. Kết thúc cuộc họp, ai nấy về hang của mình. Một giờ đêm, một loạt bom B52 đã giáng trúng cơ quan Ban Tuyên huấn, tiếng nổ cực lớn, mặt đất rung chuyển, bụi đá rào rào mù mịt, cây cối đổ rạp ngổn ngang. Sau trận bom, 10 đồng chí hy sinh và rất nhiều người khác bị thương. Lúc đó, cơ quan chỉ tìm thấy thi thể của 5 đồng chí và đưa đi chôn. Còn 5 đồng chí khác hy sinh trong hang đá, bị khối đá lớn mấy chục tấn đè nặng, vẫn nằm lại đó. Trong số đó có hai đồng chí của Thông tấn xã Giải phóng là nhà báo Hoàng Văn Đáo, phụ trách đài minh ngữ Quảng Đà và điện báo viên Võ Công Thu.

Cho đến giữa tháng 8/2011, sau nhiều lần họp bàn, lựa chọn các phương án của các đơn vị chức năng TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, công việc cất bốc hài cốt liệt sĩ mới chính thức được tiến hành. Gần 100 kg thuốc nổ đã được các chiến sĩ công binh sử dụng để phá vỡ và chuyển dịch các khối đá lớn trên đỉnh hang về hướng xác định, tạo điều kiện để các thợ đá thủ công phá dỡ từng tảng đá lớn che lấp hài cốt liệt sĩ. Sau hơn 10 ngày làm việc liên tục, cật lực, hài cốt các liệt sĩ đã được cất bốc, dù không còn nguyên vẹn. Liệt sĩ Võ Công Thu cùng các đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh được đưa ra ngoài, kết thúc 39 năm mỏi mòn chờ đợi và không ngừng tìm kiếm của gia đình và cơ quan./.

Trịnh Bang Nhiệm - Phóng viên CQTT tại Quảng Nam
Nội san Thông tấn số 7/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đảng ủy Thông tấn xã việt Nam: Triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm (02/08/2022 16:02:42)

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và cuộc phỏng vấn dành riêng cho TTXVN (02/08/2022 15:59:32)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2022 15:37:01)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chiến khu Tây Ninh (26/07/2022 16:49:22)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Truy điệu và an táng hài cốt nhà báo liệt sĩ TTXVN Đỗ Văn Đạt (25/07/2022 17:14:49)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Đoàn thanh niên B1 thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ (22/07/2022 09:12:09)

Tuổi trẻ B2 hướng về biển đảo quê hương (22/07/2022 09:10:42)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Thăm gia đình liệt sĩ TTXVN (21/07/2022 16:06:59)

Quản trị hiệu quả thông tin thông tấn trên không gian mạng  (21/07/2022 15:50:10)

Phối hợp truyền thông chính sách với Bảo hiểm xã hội Việt Nam  (20/07/2022 15:55:47)