Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Bài học của nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh


(03/07/2006 10:51:54)

Vào khoảng tháng 3/1977, tôi và các phóng viên ảnh Minh Trường, Minh Lộc, Lâm Hồng Long được Ban Kinh tế mới thành phố Hồ Chí Minh mời đi viết tin, chụp ảnh về Khu kinh tế mới dâu - tằm - tơ Gia Lành (lúc đó thuộc tỉnh Lâm Đồng). Khu kinh tế này được coi là một trong những thành công của chính sách cải tạo tư sản sau giải phóng, bởi nơi đây có 14 nhà tư sản công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã quyết "rời bỏ thành phố", đầu tư vốn xây dựng khu kinh tế mới trồng dâu, nuôi tằm.

          Sau khi thăm Gia Lành, chúng tôi được mời lên thành phố Đà Lạt họp, nghe báo cáo về Khu kinh tế này. Điều đặc biệt là tôi đã được gặp cụ Võ An Ninh tại thác Pren và cụ đã cho tôi một bài học mà càng ngày tôi càng thấy thấm thía. Sau khi được anh Minh Trường giới thiệu làm quen, tôi thấy cụ chụp rất nhiều ảnh về những nam, nữ thanh niên mặc quần loe, áo bó cưỡi ngựa. Thấy lạ, tôi hỏi cụ phải chăng cụ chụp cho người quen hay chụp ảnh lấy tiền. Cụ trả lời: "Chụp ảnh tư liệu vì sau này sẽ không còn cảnh quần loe như thế này nữa". lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là quần loe thì có gì mà chụp (cho dù có những quần loe gấu rộng tới 50 phân). Tôi cũng được phát máy ảnh nhưng không hề chụp một tấm ảnh nào về cảnh này. Sau này, khi mốt quần loe không còn, tôi mới thấy tiếc và thấm thía câu nói của cụ. Tôi càng hiểu hơn khi xem những tấm ảnh quý, hiếm được cụ chụp từ nạn đói năm 1945 với những người chết bên về đường, xác chất đầy xe ba gác!

 

Trẻ em Thái Bình từng nhóm lang thang ngoài đường đói rét, không nơi nương tựa, cái chết đang đe doạ từng ngày... (Ảnh: Võ An Ninh).

          Trong các năm 1979 - 1981, tôi được cử đi học tiếng Anh ở Hà Nội. Mỗi buổi sáng từ khu tập thể Mai Hương đến lớp học ở 79 Lý Thường Kiệt, chúng tôi thường bị kẹt xe, nhất là đoạn phố Bạch Mai, phố Huế. Giữa đường là tàu điện, hai bên là ô tô, xe đạp chen chúc nhích từng chút một. Một số người đi xe đạp đã dong xe lên vỉa hè hoặc vác trên vai để "đi cho nhanh", kịp giờ làm việc. Nhớ câu nói của cụ Võ An Ninh, lúc đó, tôi rất muốn chụp một vài kiểu về cảnh giao thông chật chội, chen lấn trên nhưng không có máy ảnh. Giờ đây, đường Bạch Mai đã rộng hơn và không còn cảnh tàu điện chạy leng keng như trước nữa, thật tiếc.

 

          Cũng khoảng chục năm trước đây thôi, quê tôi còn nghèo khó, rất nhiều nhà tranh, vách đất, nhà thấp lè tè, cửa sổ là mấy ô vách không trát bùn, nằm san sát nhau dưới bóng những bụi tre già. Giờ đây, về nhà, toàn thấy nhà xây, nhà tầng, "bói" không ra cảnh nhà lụp xụp, ẩm thấp như trước đây nữa. Dù mừng vì quê hương đổi mới nhưng cũng thấy tiếc khi mình không chụp, lưu lại những cảnh nhà nghèo khó trước đây.

 

          Mỗi khi nghĩ về Hà Nội, tôi lại nhớ đến những câu hát "ngõ nhỏ, phố nhỏ", "mái ngói thâm nâu", "bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời". Những đặc điểm đó có cái còn lâu dài nhưng có cái sẽ mất. Nếu không chụp, không lưu giữ thì sau này con cháu sẽ khó mà hình dung ra được.

 

          Học tập cụ Võ An Ninh (dù rất khó học nổi), ở Vũng Tàu, tôi đã chụp cảnh Bãi Trước, Bãi Sau, đường Hoàng Hoa Thám trước khi đập phá, cải tạo xây dựng lại và cảnh các điểm trên đã và đang được xây dựng lại và cảnh các điểm trên đã và đang được xây dựng. Dù tay nghề non kém, khó có thể sử dụng đăng báo được nhưng cũng thoả mãn ý nguyện của mình, khi các nơi này xây dựng xong, mình vẫn có những cảnh cũ trước đây để ngắm và nhớ lại.

 

          Thiết nghĩ, đối với phóng viên tin, việc ghi chép những điều "mắt thấy tai nghe" hàng ngày để viết và làm tư liệu là cần thiết. Tuy vậy, nếu không ghi thì vẫn còn có thể nhớ lại ( vì đã chứng kiến) hoặc sưu tầm trong tư liệu, thư viện. Còn đối với phóng viên ảnh, nếu không ghi lại tư liệu bằng hình ảnh thì sau này sẽ mãi mãi không còn dịp để chụp lại được, như người ta thường nói "hối không kịp". Đó là điều tâm đắc trong tôi qua lần gặp nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh.

Đồn Việt
(Theo Nội san thông tấn, số 6-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo chí Thuỵ điển coi trọng quyền riêng tư cá nhân  (27/03/2006 15:40:01)

Những tờ báo, hãng thông tấn lạ trên Thế giới (27/03/2006 15:40:01)

Nước Mỹ đào tạo nhà báo tương lai như thế nào? (27/03/2006 15:40:01)

Ý kiến nhỏ về lối làm tin công thức, dập khuôn  (27/03/2006 15:40:01)

Nhà báo & nhân cách nghề nghiệp (27/03/2006 15:40:01)

Về ảnh nghệ thuật và ảnh báo (27/03/2006 15:40:01)

Các kỹ năng phỏng vấn (27/03/2006 15:40:01)

Thông tin các phân xã trong nước:Lượng tăng nhưng chất chưa tăng  (27/03/2006 15:40:01)

Một sự tìm tòi trong bố cục thể hiện  (27/03/2006 15:40:01)

Một số lời khuyên khi đưa tin về các cuộc họp, hội nghị  (27/03/2006 15:40:01)