Thứ bảy, ngày 27/07/2024

Tin trong ngành

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Việt Nam Thông tấn xã - Những dấu tích để lại


(05/06/2013 09:06:20)

Trên tầng 2 trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội của ngành có đặt bức tượng đồng (do Đảng Lao động Mexico tặng) Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch, dựa trên bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (TTXVN).

 

Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch

Chuyện kể rằng, lúc chụp ảnh, Bác đang sửa tin cho VNTTX. Đó là minh chứng về sự quan tâm của Người đối với cơ quan thông tấn quốc gia, như một số tác giả trong ngành đã phản ánh. Bài viết dưới đây của một cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch cho chúng ta thấy rõ điều này dưới góc nhìn khoa học, khách quan.

Hàng ngày, cho dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đọc báo, bản tin. Người đánh giá rất cao vai trò của thông tấn báo chí, trong đó có Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX - nay là Thông tấn xã Việt Nam).

 

Còn đây bút tích của Người

Trên bàn làm việc của Người ở ngôi nhà sàn hiện vẫn trưng bày chồng bản tin Người đã đọc và nghe đọc trong những ngày cuối đời. Đó là 12 tập bản tin do VNTTX phát hành từ ngày 5/8/1969 đến ngày 18/8/1969. Trong đó, có 9 tập Người đã để lại bút tích. Ở tập tin nhanh hàng ngày tham khảo đặc biệt, VNTTX phát hành mồng 5/8/1969, số 217, Người đã để lại bút tích bằng bút mực màu đỏ ở trang 1 và trang 3. Ở trang 1, bút tích của Người là một dấu chấm hỏi (?) và hai chữ Việt Nam viết tắt (V.N) ở lề trái và bốn chữ Hán. Những bút tích này được viết bên cạnh tin có nội dung như sau: "Vụ ngư phủ Việt Nam bị đắm thuyền (AP Sài Gòn 5-8). Chính phủ Mỹ đang thương lượng bí mật với Hà Nội để thu xếp việc trả lại cho Bắc Việt Nam 10 ngư phủ được tàu Mỹ cứu tuần trước ở ngoài khơi bờ biển Bắc Việt Nam". Bước đầu nghiên cứu những bút tích này, các chuyên gia cho là có thể hiểu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Mỹ cứu ngư phủ Việt Nam".
 

* Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Bác đọc cho phóng viên VNTTX ghi bức thư Bác viết bằng tiếng Pháp, trả lời đồng ý với việc nữ y tá người Pháp Geneviève de Gallard xin được ở lại chăm sóc thương bệnh binh Pháp mà không trao đổi theo con đường tù binh.
* Những trang giấy Người viết bản Di chúc trước lúc "từ biệt thế giới này" là mặt sau của bản tin nhanh tham khảo đặc biệt của VNTTX ngày 3/5/1969.

Trang 3, bút tích của Người là ba chữ Hán ở lề trái, bên cạnh đoạn tin có nội dung sau: "Lào: Đài TNHK 5-8-69. Cơ quan thông tin chính thức "Lao Press" ở Vạn Tượng vừa ngỏ lời kêu gọi những nước ký kết vào Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 hãy gấp rút hành động để đình chỉ những hoạt động xâm lược chống lại Ai-lao xuất phát từ Bắc Việt". Ba chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở đoạn này có nội dung là "tố Bắc Việt".

Bản tin nhanh tham khảo đặc biệt số 219, ngày 6/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích chữ Hán màu đỏ ở lề bên trái, trang 3 cạnh đoạn tin có nội dung sau: "Bộ ngoại giao Pa-ki-xtan cho biết: Một phái đoàn thiện chí Pa-ki-xtan gồm 2 người do Đại sứ Pa-ki-xtan ở Bắc kinh Key-dơ dẫn đầu sẽ sang thăm Bắc Việt Nam vào cuối tháng này. Tháng 5 năm ngoái, một phái đoàn Bắc Việt Nam đã sang thăm Pa-ki-xtan". Bút tích của Người là hai chữ Hán dịch nội dung có nghĩa là "Đại hội". Có thể hiểu ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tin tức ngoại giao này liên quan đến phiên họp toàn thể lần thứ 30 và 31 Hội nghị Paris về Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra căng thẳng có ảnh hưởng đến nước ta.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện nữ phóng viên VNTTX Tuệ Oanh (1968)

 Trong Bản tin nhanh hàng ngày số 186, ngày 7/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích chữ Hán ở tin bài: "Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc chia cắt Nam Việt Nam" ở trang 1 phần Điểm báo Mỹ. Bút tích chữ Hán có 5 từ được dịch là "chia cắt Nam Việt Nam". Ở trang 10 của bản tin này cũng có bút tích chữ Hán viết bằng bút mực đỏ ở đoạn tin viết: "Ông Ních-xơn nói đến việc lại sắp rút quân ở Việt Nam. Trong cuộc gặp các lãnh tụ chính của Quốc hội, Ních-xơn đã nói đến việc đó, nhưng danh từ mà Ních-xơn dùng là "thay thế" quân đội chứ không phải là "rút quân". Bút tích của Người ở đoạn này nghĩa là "tăng quân? giảm quân". Như vậy có thể thấy Người rất lưu tâm đến tin chiến sự miền Nam, mỗi thay đổi chiến lược trên chính trường có ảnh hưởng đến đồng bào Nam bộ đều được Người trân trọng giữ lại.

 

Những tập bản tin nhanh hàng ngày, từ 5 - 18/8/1969 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bút tích, là nguồn sử liệu có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân dân của Người, cũng là bằng chứng thể hiện sự quan tâm của Người dành cho cơ quan thông tấn nhà nước.

Liên quan đến tin miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai còn có bút tích chữ Hán cạnh đoạn tin: "Trước khi bị Tổng thống Ngô Đình Diệm đóng cửa năm 1955, Đại thế giới là một sòng bạc của giới thượng lưu do phái Bình xuyên quản lý được sự đồng ý của Bảo Đại. Quyết định mở lại sòng bạc này là một phần nhằm chính thức hóa những cuộc đánh bạc lén lút mặc dù có lệnh cấm, một phần nhằm thu thuế mà ngân sách quốc gia đang rất cần"; bút tích chữ Việt ghi "quân Mỹ" và bút tích chữ Hán ghi "quân số" trong bản tin ngày 10/8/1969 cạnh phần tin ngoại trưởng Mỹ nói về việc rút quân khỏi Việt Nam. Lề bên trái có chữ "Mỹ chết" ở bản tin ngày 18/8/1969 viết về số lính Mỹ chết và bị thương ở miền Nam Việt Nam trong thời gian một tuần (do báo Mỹ thống kê). 
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đến chiêm bái bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng lao động Mêhicô tặng TTXVN

Sự quan tâm của Bác đối với VNTTX

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra hãng thông tấn nhà nước Việt Nam với tên gọi Việt Nam Thông tấn xã. Ngày 23/8/1945 là ngày làm việc đầu tiên của VNTTX. Ngày 15/9/1945, đúng 13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Đài vô tuyến Bạch Mai, phát đi toàn thế giới những bản tin mang ký hiệu viết tắt là: VNTTX, VNA, AVI, nội dung là toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, thông báo sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và danh sách Chính phủ lâm thời.

Những sự kiện quan trọng trong nước và thế giới đều được VNTTX thông tin đều đặn.

20 giờ ngày 19/12/1946, TTXVN phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Ngày 4/3/1952, Bác Hồ đến thăm T6, cơ quan VNTTX tại Tuyên Quang. Đêm ấy Bác ngủ lại và nói chuyện thân mật với anh chị em PV, BTV.

7 giờ 30 phút sáng mồng một Tết Ất Mùi (1955), tết đầu tiên ở Hà Nội, VNTTX vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Bác chúc VNTTX "Phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và đảm bảo sự thật". Bác nhắc nhở: "Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi". Sự quan tâm, chăm sóc của Bác, lời chúc Tết của Bác cũng là lời huấn thị về nghiệp vụ đối với VNTTX. Bác đã duyệt trực tiếp nhiều tin, bài của VNTTX, căn dặn về nghề với các phóng viên tin, ảnh. Bác đã đọc những tin người tốt, việc tốt của VNTTX hàng ngày và thưởng huy hiệu cho một số cá nhân được biểu dương trên bản tin. Bác đã xem và thường xuyên nhận xét tin của VNTTX, cả tin phổ biến cũng như tin tham khảo, chỉ ra những thiếu sót, kể cả lỗi dịch sai, phiên âm không chuẩn. Mấy ngày trước khi đi xa, ngày 18/8/1969, Bác còn nhận xét bản tin nhanh lúc 7 giờ ngày hôm đó của VNTTX. Đó là lời nhận xét cuối cùng của Bác đối với tin tức của VNTTX.

Vũ Thu Hằng
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tin thi đua khen thưởng (03/05/2013 11:04:45)

TTXVN làm Trưởng khối Thi đua các ngành Khoa học- Văn hóa- Xã hội năm 2013 (03/05/2013 11:03:30)

Giao ban cấp ủy quý I/ 2013 :Toàn Đảng bộ nỗ lực thực hiện tốt các mặt công tác Đảng (03/05/2013 10:58:47)

Tăng cường hợp tác với Kiểm toán Nhà Nước (03/05/2013 10:55:56)

Thanh niên Ban Biên tập tin Trong nước: Hướng tới những người khuyết tật (03/05/2013 09:47:30)

Đi nhẹ, nói khẽ, sạch sẽ, gọn gàng... (03/05/2013 09:45:06)

Thanh niên TTXVN: "Nói không" với mũ bảo hiểm không đạt chuẩn (03/05/2013 09:43:21)

“Nhà” thông tấn có đám cưới “đời sống mới”  (02/05/2013 16:31:04)

Làm báo khoa học: Khó, nhưng vẫn...say! (02/05/2013 15:44:23)

30 năm "Khoa học & công nghệ" Thách thức và cơ hội (02/05/2013 15:35:34)