Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Chuyến tác nghiệp nhớ đời


(31/03/2020 10:44:11)

Đầu năm 2020, Quỹ Hòa bình Sasakawa và Trung tâm báo chí nước ngoài tại Nhật Bản mời tôi tham gia một chương trình tác nghiệp dành cho các phóng viên Đông Nam Á về đề tài lao động nhập cư Đông Nam Á tại Nhật Bản. Khi đó dịch COVID-19 chưa được công bố. Được sự đồng ý của Lãnh đạo cơ quan, tôi nhận lời tham dự chương trình. Chuyến đi đã cho tôi những trải nghiệm nhớ đời, khác hẳn với những lần công tác nước ngoài trước đó.

Nhân viên một cửa hàng tiện lợi ở Nhật vẫn không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng, ngày 27/2

1. Theo kế hoạch, chuyến công tác diễn ra từ ngày 16 đến 29/2. Trước khi lên đường một tuần, hai chữ Nhật Bản bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên các bản tin COVID-19 của báo chí quốc tế do con tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở ngoài khơi thành phố Yokohama, trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất ngoài Trung Quốc. Sau đó, có thông tin xuất hiện bệnh nhân trong nội địa Nhật Bản, không rõ nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, lúc đó, số ca nhiễm ở nước này chỉ khoảng trên 10 người. Tôi tin vào hệ thống y tế hiện đại của Nhật Bản và công tác chuẩn bị đã hoàn tất, nên tôi quyết định vẫn thực hiện chuyến đi theo đúng kế hoạch.

Biết Nhật Bản khan hiếm khẩu trang không chỉ vì dịch COVID-19 mà còn do vào mùa dị ứng phấn hoa, nên tôi đã mua nước sát khuẩn và khẩu trang từ Việt Nam. Nói thật, tôi vẫn nghĩ những thứ này sẽ chỉ thực hiện trên máy bay, còn khi vào Nhật Bản chắc không đến mức nghiêm trọng.

Tôi bất ngờ khi chuyến bay sang Nhật Bản vẫn kín người, tất cả đều sử dụng khẩu trang, trừ các em bé sơ sinh. Ngột ngạt, khó thở là cảm giác đầu tiên nhưng tất cả phải chấp nhận vì an toàn của bản thân. Nhưng khi đặt chân xuống sân bay Nhật Bản tôi thấy số người sử dụng khẩu trang lại không nhiều.

Sáng hôm sau, tôi đến trụ sở của Quỹ hòa bình Sasakawa để tham dự cuộc họp đầu tiên của nhóm báo chí Đông Nam Á. Cũng giống như ở Việt Nam, ngay sảnh tầng 1 tòa nhà có đặt lọ sát khuẩn tay. Dự cuộc họp có 15 người, thì 100% không đeo khẩu trang. Vì phép lịch sự, tôi cũng không dùng khẩu trang. Hôm đó, Chủ tịch Quỹ Sasakawa đến chào mừng đoàn: “Rất cảm ơn các bạn đã đến Nhật Bản khi đang có dịch COVID-19”. Tuy nhiên, ông cũng nhắc rằng, “việc đeo khẩu trang là không cần thiết vì một nghiên cứu ở Mỹ nói rằng khẩu trang không che kín toàn bộ khuôn mặt vì vậy vẫn có khả năng lây nhiễm” và rằng “rửa tay là biện pháp phòng dịch tốt hơn đeo khẩu trang”.
 
Phóng viên Phan Tuấn Anh, CQTT TTXVN tại Điện Biên, ghi hình tại khu vực cách ly trường Quân sự tỉnh Điện Biên, ngày 22/3

2. Trong ba lô của tôi luôn có hai lọ nước sát khuẩn, ba chiếc khẩu trang đề phòng trường hợp phải tham gia vào đám đông ở nơi công cộng. Vì sự cẩn thận này mà tôi đã tạo ra hai câu chuyện cười trong đoàn.

Đúng như tôi dự đoán, ngày đầu tiên ở Nhật Bản, đoàn nhà báo được đi tham quan hệ thống tàu điện ngầm metro. Tôi sử dụng khẩu trang khi bước vào nhà ga trong khi các bạn Nhật và nhà báo Đông Nam Á đi cùng không dùng. Một lần mải câu chuyện nên khi bước vào ga, tôi chưa kịp đeo khẩu trang. Tôi vội dừng lại và gọi với các bạn Nhật chờ tôi lấy khẩu trang trong ba lô. Anh Hayashi, Giám đốc điều hành Quỹ Sasakawa, cười và nói: “Đâu cần thiết phải đến mức thế”, các bạn Đông Nam Á cũng cười. Tôi trả lời rằng: “Tôi đeo khẩu trang không chỉ vì tôi mà còn để bảo vệ những người xung quanh”.

Câu chuyện thứ hai là rửa tay. Lần đó, khi bước vào sảnh một tòa nhà cao tầng tại Osaka, tôi lập tức rửa tay sát khuẩn, sau đó bước vào thang máy lên tầng trên dự hội nghị. Lên đến khu vực diễn ra hội nghị, tôi lại sát khuẩn tay lần nữa. Nhà báo Taro của Nhật Bản bật cười thắc mắc. Tôi giải thích: “Vì rửa tay là biện pháp phòng dịch còn tốt hơn cả đeo khẩu trang, anh cũng biết điều đó mà”. “Ừ, chị nói đúng. Tôi cũng bắt chước chị, rửa tay liên tục”, anh Taro nói.

Trước khi đi Nhật, tôi được bạn bè, đồng nghiệp nhắn nhủ rằng nếu có mua quà thì mua khẩu trang vì chất lượng tốt. Trong chuyến đi, chúng tôi được đến thăm một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn của Nhật Bản, nơi có lao động Đông Nam Á đang làm việc. Tranh thủ cơ hội, tôi lượn ngay ra khu vực bán khẩu trang. Đập vào mắt tôi là dòng chữ tiếng Nhật: “Mỗi người chỉ được mua một túi khẩu trang”.

Suốt hành trình công tác, dù ở Tokyo hay ở các địa phương khác, tôi đều tranh thủ ghé vào các cửa hàng dược mỹ phẩm để tìm khẩu trang. Câu trả lời luôn là: “Chúng tôi không còn khẩu trang để bán”. Kế hoạch mua khẩu trang làm quà bị hủy bỏ.
 
Phóng viên Tuyết Mai, CQTT TTXVN tại Hà Nội (thứ hai bên trái), trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch tại quận Bắc Từ Liêm, ngày 21/3

3. Sang tuần thứ hai, tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn. Nước Nhật bắt đầu chú trọng tới các biện pháp phòng COVID-19.

Ngày 26/2, chúng tôi đến dự cuộc họp giao ban tin tức của bộ biên tập hãng thông tấn Kyodo, với khoảng 50 người tham dự, có cả Tổng biên tập, Phó tổng biên tập. Lúc này, số người đeo khẩu trang đã chiếm tới 90%.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm báo Asahi, một trong những nhật báo hàng đầu của Nhật Bản. Khi đón chúng tôi, việc đầu tiên là họ phát khẩu trang và yêu cầu sử dụng khi tham quan trụ sở.

Sáng 28/2, buổi họp cuối cùng của đoàn trước khi kết thúc chuyến công tác, tôi được chị Mayuko của Trung tâm báo chí nước ngoài cho biết, nhiều siêu thị và cửa hàng ở Nhật Bản hết khăn giấy và giấy vệ sinh. Tôi cười và hỏi: “Người Nhật bắt đầu lo lắng chăng?”. Chị Mayuko gật đầu và nói: “Nếu chính phủ yêu cầu các trường nghỉ học, tôi sẽ phải nghỉ làm để trông con”.

Buổi chia tay, Chủ tịch Quỹ Sasakawa bước vào và cúi chào. Ông mở đầu bằng yêu cầu: “Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ không thực hiện thủ tục bắt tay nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus Corona. Chúng ta có thể cúi đầu chào nhau theo kiểu Nhật hoặc chắp tay theo kiểu Thái Lan nhưng tuyệt đối không bắt tay nữa nhé”. Tất cả cùng phá lên cười vì yêu cầu bất ngờ này.

Tôi rời nước Nhật vào ngày 29/2, khi tình hình COVID-19 tại quốc gia này đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Hai tuần tôi ở Nhật, mọi việc đã thay đổi quá nhanh. Nếu như trước khi đi, mọi người vẫn cho rằng nước Nhật an toàn thì khi trở về, tôi đã chủ động tự cách ly tại nhà 14 ngày bởi Nhật Bản đã trở thành một ổ dịch lớn.

Cẩm Tuyến - Trợ lý Trưởng Ban biên tập tin Thế giới
Nội san Thông tấn số 3/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đại hội Chi hội nhà báo Cơ quan khu vực miền Trung-Tây Nguyên (31/03/2020 10:35:55)

Gắn hoạt động Đoàn với chuyên môn, nghiệp vụ (31/03/2020 10:33:49)

Phát động phong trào thi đua năm 2020 (31/03/2020 09:26:45)

Giải âm nhạc Cống hiến 2020: Xác nhận chủ nhân của 9 hạng mục  (25/03/2020 17:56:28)

Vũ điệu “Ghen Cô Vy” của thanh niên Thông tấn (20/03/2020 14:33:13)

Cập nhật nhanh và chính xác thông tin về COVID-19 trong nước và thế giới (13/03/2020 16:16:01)

Đại hội Đảng bộ cơ sở Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn nhiệm kỳ 2020-2025 (12/03/2020 17:59:01)

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc (09/03/2020 16:59:38)

Chúc mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (09/03/2020 09:54:20)

Hoạt động xã hội của Hội cựu chiến binh TTXVN tại Hà Giang (05/03/2020 16:43:54)