Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Dòng tin từ rốn lũ


(03/12/2020 09:21:30)

Thị sát tình hình và chỉ đạo những giải pháp quyết liệt để khắc phục hậu quả trận bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chưa bao giờ miền Trung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phải liên tiếp hứng chịu nhiều trận lũ chồng lũ, đặc biệt là cơn bão số 9 với cường độ và mức độ tàn phá khủng khiếp nhất trong hơn 20 năm qua. Khó khăn còn rất nhiều, tuyệt đối không để bất cứ hộ nào, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng sạt lở núi phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” và bị thiếu ăn, không để xảy ra dịch bệnh, phải tìm bằng được những người mất tích, nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân. Những ngày này, miền Trung chìm trong mưa bão trắng trời. Phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Quảng Nam vẫn miệt mài, khắc phục mọi khó khăn để dòng thông tin không bao giờ ngừng chảy.

Nhóm phóng viên Truyền hình Thông tấn phỏng vấn bác sỹ cấp cứu các nạn nhân tại vùng sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 10/2020

Ngày 28/10

Khoảng 16 giờ, khi bão số 9 vừa dứt, tôi theo đoàn xe của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Văn phòng Tỉnh ủy đi nắm tình hình thiệt hại ở một số địa phương ven biển thuộc TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau khi thăm hỏi, động viên và tặng quà một số gia đình bị thiệt hại nặng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về bão số 9, tại trụ sở UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tới hơn 8 giờ tối mới kết thúc.
 
Trở về sau cuộc họp, cả tỉnh Quảng Nam mất điện, tôi cùng đồng nghiệp tại địa phương đến Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam để dùng nhờ điện máy nổ. Tại đây, tin và phóng sự truyền hình “Quảng Nam cần thực hiện 5 nhiệm vụ cấp bách sau bão số 9” đã được hoàn thiện và gửi về Tổng xã. Đồng hồ lúc này chỉ 22 giờ, chúng tôi cất máy móc ra về, ngoài trời vẫn mưa tầm tã, cây cối đổ ngổn ngang.
 
Nghỉ ngơi được một lúc, chuông điện thoại lại reo. Đầu bên kia, Trưởng CQTT Trần Tĩnh nói nhanh: có thông tin từ huyện Nam Trà My cho biết, một ngôi làng của đồng bào bị núi sập, cả làng bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn.
 
Nhận cuộc gọi xong, tôi liền gọi điện thoại đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để xác minh thông tin. Khó khăn nhất lúc này là vẫn mất điện và không có Internet. Những lúc thế này, tôi lại ao ước, giá như CQTT được cấp một máy tích điện đủ dùng trong vài tiếng đồng hồ, đề phòng lúc không có điện, nhất là trong mùa mưa lũ.
 
Loay hoay một hồi, chợt nhớ ra máy tính xách tay của phóng viên Trịnh Bang Nhiệm vẫn còn pin. Vậy là ba anh em “hợp lực”: Trịnh Bang Nhiệm rọi đèn từ điện thoại di động,  soát lỗi chính tả bản tin tôi viết vội dưới ánh sáng nhập nhoạng. Trưởng CQTT Trần Tĩnh liên tục gọi điện thoại để cung cấp thông tin. Cứ như thế, chúng tôi đã hoàn thành tin “Khẩn trương cứu hộ các nạn nhân vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My” và gửi về Tổng xã khoảng 23 giờ đêm.
 
Ngày 29/10

Sáng sớm, trời mưa to, nhóm phóng viên CQTT Quảng Nam tiếp tục bám theo mũi công tác của các cơ quan chức năng để nắm tình hình thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra. Trưởng CQTT Trần Tĩnh đến huyện Phước Sơn, nơi có hai xã bị cô lập hoàn toàn do sạt lở núi, gây tắc đường, nước sông dâng cao và chảy xiết. Phóng viên Trịnh Bang Nhiệm theo xe Văn phòng UBND tỉnh, còn tôi đi nhờ xe của Văn phòng Tỉnh ủy đến xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.
 
Đoàn tiếp cận gần hiện trường thôn 1, xã Trà Leng thì buộc phải dừng lại ngay trên quốc lộ 40B, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My, vì có ít nhất 5 điểm sạt lở nặng phía trước, giao thông giữa hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My ách tắc hoàn toàn. Tại đây, tôi đã gửi tin “Vụ sạt lở tại Nam Trà My-Quảng Nam: Thành lập Sở chỉ huy tiền phương chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn”, được Ban biên tập tin Trong nước, báo Tin Tức, báo điện tử VietnamPlus, VNews đăng phát và được nhiều báo ngoài ngành sử dụng.
 
Sở chỉ huy tiền phương do ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Chỉ huy trưởng và Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 làm Phó chỉ huy thường trực, trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến kể lại, đêm 28/10, Quân khu 5 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng và nhiều phương tiện thiết bị, thông tin liên lạc hành quân ngay trong đêm để sớm tiếp cận hiện trường. Công tác tìm kiếm diễn ra hết sức khẩn trương. Chúng tôi phân công nhau: tôi làm tin, phóng viên Trịnh Bang Nhiệm thực hiện phóng sự ảnh về chủ đề này. CQTT Quảng Nam đặt quyết tâm, tuyến thông tin về công tác tìm kiếm cứu nạn phải được thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời ở cả ba loại hình thông tin.
 
Trước mức độ khốc liệt của vụ sạt lở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng cứu hộ phải nhanh chóng vượt qua các điểm tắc nghẽn để tiếp cận hiện trường, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và huy động tất cả mọi phương tiện cùng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Ngoài nỗ lực khai thông đường bộ, các lực lượng chức năng cần sớm tính đến phương án sử dụng đường thủy, đường không để tiếp cận hiện trường một cách nhanh  và an toàn nhất.
 
Tôi làm xong bài ghi nhanh về nỗ lực tiếp cận hiện trường xã Trà Leng của lực lượng cứu hộ thì tại Sở chỉ huy tiền phương không còn phương tiện đi lại nào nữa. May quá, tôi được anh Tú, công nhân Nhà máy thủy điện Sông Tranh, chở vào hiện trường bằng xe ô tô của đơn vị. Dù chỉ cách hiện trường  hơn 3km đường đất đá lổn nhổn, nhưng do không thể di chuyển được nữa nên chúng tôi đành quay trở về Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My, cách đó khoảng hơn 40km, khi trời đã tối. Tại đây, rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí đang cặm cụi tác nghiệp. Trưởng CQTT tại Quảng Nam và anh em phóng viên tăng cường từ Đà Nẵng cũng đang khẩn trương hoàn thành tin, bài để kịp gửi ra Tổng xã. Tôi cũng “gom” đủ tư liệu để viết tin về “Vụ sạt lở tại Nam Trà My-Quảng Nam: 21 người ở hai xã Trà Leng và Trà Vân thoát nạn” gửi về Ban biên tập tin Trong nước và Kênh truyền hình VNews.
 
Ngay trong đêm 29/10, các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được huy động để san ủi đất đá, dọn dẹp cây cối, thông đường để lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác cứu hộ tại hai xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My.
 
Phóng viên Lê Lâm, CQTT tại Đà Nẵng, tác nghiệp tại vùng sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 10/2020

Ngày 30/10

Chúng tôi gần như đã tiếp cận hiện trường trong buổi sáng. Cách đó hơn 500 mét, bùn đất ngổn ngang, lực lượng tìm kiếm phải dùng một sợi dây thừng to bằng cổ tay, buộc chặt vào gốc cây, hai tay nắm chắc sợi dây thừng, chân đạp vào vách núi, lần lượt di chuyển xuống độ cao khoảng 4m để đi tiếp vào hiện trường. Tôi không thể di chuyển bằng dây thừng vì trên người mang theo máy móc tác nghiệp nên đành đi vòng qua triền núi, để tiếp tục di chuyển vào bên trong hiện trường. Khoảng 9 giờ sáng, một tốp cán bộ, chiến sỹ của Quân khu 5 thông báo đã tìm thấy các nạn nhân. Ngay lập tức, tất cả các phương tiện đào bới đều tạm dừng, thay vào đó là đào đất bằng tay.
 
Một lúc sau, mọi ồn ào bỗng dưng lắng xuống, không gian như ngưng lại khi một chiến sỹ nhẹ nhàng nâng thi thể một bé gái gần 2 tuổi lên khỏi lớp bùn đất. Tôi đứng cách đó gần 2m mà không thể quay được cảnh này, dù máy móc đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi như chết lặng đi, tay run run, nước mắt lăn dài. Cảnh tượng làm cho tất cả mọi người ở đó đều không cầm được nước mắt.
 
Mưa lớn ở Trà Leng, Nam Trà My và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn kéo dài trong nhiều ngày sau đó. Công tác tìm kiếm người mất tích tiếp tục chạy đua với thời gian. Đường vào hai xã Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn vẫn chưa được khai thông. Cùng với máy bay trực thăng, hàng trăm thanh niên được huy động để gùi lương thực, thực phẩm thiết yếu vào cho đồng bào. Thiệt hại do bão số 9 còn chưa khắc phục xong thì bão số 10, 11, 12 và 13 kéo theo những ngày mưa như trút nước, gây sạt lở núi, làm sập nhà và ngập lụt khắp nơi cứ nối đuôi nhau tràn vào dải đất miền Trung. Và anh em thường trú tại Quảng Nam vẫn lại miệt mài đưa những dòng thông tin nhanh nhất, chân thực nhất tới độc giả./.

Đoàn Hữu Trung - Phóng viên CQTT tại Quảng Nam
Nội san Thông tấn số 11/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Đi hội nghị “ảo” làm tin thật (03/12/2020 09:19:53)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Nỗ lực trong từng bản tin hình (03/12/2020 09:18:51)

Tình người qua những câu chuyện (03/12/2020 09:16:50)

Những lá thư của liệt sỹ Phạm Văn Bình (03/12/2020 09:14:40)

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (03/12/2020 08:48:54)

Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn (03/12/2020 08:47:37)

Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử liên thông (03/12/2020 08:47:00)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (03/12/2020 08:45:32)

Giành 4 giải báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc" (03/12/2020 08:44:46)

TTXVN ký thỏa thuận hợp tác truyền thông với tỉnh Kiên Giang (27/11/2020 13:15:23)