Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung


(08/11/2016 09:58:18)

Những ngày giữa tháng 10, dải đất miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ. Đặc biệt, tại các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, mưa lớn kéo dài, lũ ở các sông dâng cao khiến nhiều khu dân cư, làng mạc, đường giao thông bị nhấn chìm trong biển nước. Phóng viên các CQTT Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhóm phóng viên tăng cường từ Hà Nội đã vượt lên khó khăn, kịp thời có những tin, bài, hình ảnh ấn tượng chuyển về Tổng xã. Nội san Thông tấn đã có cuộc trao đổi nhanh với các phóng viên từ tâm lũ miền Trung.


Phóng viên Mạnh Thành từ Quảng Bình

Phóng viên Mạnh Thành (bên phải), CQTT tại Quảng Bình, phỏng vấn chị Đặng Thị Ánh (Thuận Đức, Đồng Hới) về thiệt hại do mưa lũ
Phóng viên Mạnh Thành (bên phải), CQTT tại Quảng Bình, phỏng vấn chị Đặng Thị Ánh (Thuận Đức, Đồng Hới) về thiệt hại do mưa lũ 

Sau trận mưa to trên diện rộng,  ngày 15/10, nước lên rất nhanh, giao thông bị tê liệt hoàn toàn, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch... ngập sâu từ 1m - 2,8m và bị chia cắt, có nơi bị cô lập hoàn toàn. Việc di chuyển đến các địa điểm tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 
CQTT Quảng Bình có ba phóng viên, đều có thâm niên và kinh nghiệm tác nghiệp trong vùng lũ, thông thạo địa hình. Chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ, chia ra tác nghiệp tại các điểm khác nhau, liên lạc công việc chủ yếu qua điện thoại. Tôi và Đức Thọ ra hiện trường, đến ngay tâm lũ, cập nhật thông tin cho các bản tin nguồn, đồng thời nhanh chóng ghi lại những hình ảnh về sự tàn phá của thiên nhiên, cũng như những mất mát mà bà con đang phải gánh chịu. Phóng viên Võ Thị Dung do đang “bầu bí” nên được phân công trực ở cơ quan, tập hợp thống kê số liệu, cập nhật tình hình mưa lũ, xử lý thông tin để gửi ra Hà Nội. Mỗi người một việc, phối hợp rất ăn ý, cùng nhau vượt qua khó khăn để có những sản phẩm ưng ý gửi về Tổng xã.
Nước lũ lên nhanh, giao thông bị chia cắt, chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, mưa kéo dài, gió giật mạnh khiến việc tác nghiệp gặp vô vàn khó khăn, nhất là khi cần chọn địa điểm đặt máy quay phim, tìm góc chụp ảnh, hay dẫn hiện trường. Trong mưa gió, chúng tôi vừa làm, vừa phải lo che chắn cẩn thận để máy quay không bị ngấm nước, làm sao vẫn có đủ hình ảnh chuyển về Tổng xã cho kịp giờ lên sóng. Cái rét, cái đói và mệt mỏi lúc ấy hầu như đã biến mất vì sức ép của công việc… Đến sáng 17/10, mặc dù nước đã rút, nhưng khắp các nơi lũ đi qua hiện hữu cảnh tan hoang. Đây không phải lần đầu tiên CQTT Quảng Bình trực tiếp tác nghiệp trong lũ dữ, nhưng những hình ảnh mênh mông biển nước, cảnh người và vật nổi trôi theo dòng nước luôn khiến chúng tôi bị ám ảnh. 

Phóng viên Hoàng Ngà từ Hà Tĩnh
Các phóng viên Phan Quân, Hoàng Ngà, CQTT tại Hà Tĩnh trên đường đi tác nghiệp
Các phóng viên Phan Quân, Hoàng Ngà, CQTT tại Hà Tĩnh trên đường đi tác nghiệp

Dải đất miền Trung năm nào cũng phải gánh gồng bão lũ. Cũng giống như những người dân nơi đây, những phóng viên thường trú chúng tôi luôn phải chuẩn bị tâm thế để tác nghiệp mỗi khi mưa lũ về.
Ngay khi có thông báo về tình hình mưa bão, anh em phóng viên đều sẵn sàng về mọi mặt, đặc biệt là phương tiện tác nghiệp, 3G, máy tính, máy ảnh được sạc pin đầy đủ, áo mưa, túi nilon để bảo vệ máy và không quên nhét vào ba lô vài chiếc bánh, chai nước phòng thân.
Dấn thân vào vùng “tâm bão” đối với phóng viên thường trú đã vất vả thì với nữ phóng viên không còn “son rỗi” lại càng khó khăn hơn. CQTT Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi đơn vị có một nữ phóng viên đều đang có con nhỏ hoặc đang “bầu bí”. Thế nhưng, khi nhận được lệnh “đi ngay, lũ lụt đang lên nhanh lắm…” chúng tôi đều sẵn sàng lên đường. 
Con đường từ trung tâm thành phố lên vùng lũ Hương Khê đã xa, để đến được những vùng “rốn lũ” như Phương Mỹ, Phương Điền phải thuê thuyền nhỏ của dân, đi vào mất hàng tiếng đồng hồ, may mắn hơn thì gặp được xuồng máy của lực lượng vũ trang. Chòng chành trên những con thuyền, mọi hiểm nguy đều có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bao nhiêu lo lắng giờ không còn dành cho bản thân mà cho máy quay, máy ảnh, máy tính và các phụ kiện hỗ trợ tác nghiệp. 
Thế nhưng, khi đến nơi, nhìn thấy hình ảnh những ngôi nhà ngập lên tới nóc; những đôi bàn tay chới với giơ ra đón nhận hàng cứu trợ; những cụ già, em nhỏ run rẩy ngồi trên nóc nhà giữa mênh mông biển nước, mọi vất vả như đều tan biến. Chúng tôi hiểu rằng, nhiệm vụ của mình lúc này là phải làm sao có những hình ảnh chân thực nhất, thông tin chính xác nhất về những đau thương mà người dân vùng lũ đang phải chịu đựng chuyển tới bạn đọc, để cùng chia sẻ với họ.
 
Phóng viên Công Định từ “rốn lũ” Hương Khê 
Phóng viên Công Định, Trung tâm Truyền hình thông tấn, cùng ê kíp chọn địa điểm dẫn hiện trường
 
Trong đợt mưa lũ vừa qua:
* CQTT Quảng Bình thực hiện được: 30 tin, bài; 22 tin và phóng sự truyền hình; hơn chục chủ đề ảnh (88 bức ảnh).
* CQTT Hà Tĩnh thực hiện được: 12 tin, bài; 30 tin và phóng sự truyền hình; 15 chủ đề ảnh (khoảng 40 bức ảnh).
* Nhóm phóng viên tăng cường từ Tổng xã thực hiện được: 8 tin và phóng sự truyền hình; 7 chủ đề ảnh (khoảng 60 bức ảnh).

Giữa lúc mưa lũ tại miền Trung đang diễn biến phức tạp, Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền đã chỉ đạo thành lập nhóm phóng viên từ Tổng xã vào tăng cường cho CQTT Hà Tĩnh và Quảng Bình. “ Binh chủng hợp thành” này có sự tham gia của các PV truyền hình, PV ảnh, PV các tòa soạn báo in và điện tử. Thời gian lên đường gấp gáp, đồ đạc anh em mang theo chủ yếu là máy móc phục vụ tác nghiệp. 
Xuất phát từ Hà Nội lúc 9 giờ ngày 15/10, đến 16 giờ, đoàn phóng viên Tổng xã đã có mặt tại vùng “rốn lũ” Hương Khê, Hà Tĩnh. Xung quanh mênh mông nước đục ngầu, chẳng thể xác định được đâu là nhà, đâu là đường. Xa xa, những nóc nhà, cột điện nhô lên rồi chìm xuống trong làn nước xoáy tít… 
Do đã có sự trao đổi trước từ trên xe, nên các PV ai nấy đều chủ động tác nghiệp. Vùng lũ bị chia cắt, việc tiếp cận khu vực người dân đang gặp nạn hết sức khó khăn. Đây lại là khu vực miền núi, muốn tìm thuê một chiếc thuyền để tác nghiệp cũng không dễ dàng. 
Gần 17 giờ, chúng tôi mới chọn được vị trí thích hợp để dẫn hiện trường. Lúc này, phóng viên có thể kể lại toàn bộ những gì mình chứng kiến và những thông tin khái quát nhất về vùng lũ, sau đó chuyển cho bộ phận kỹ thuật đi cùng, gửi về Hà Nội, để kịp phát trên bản tin thời sự Vnews lúc 18 giờ.  
Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển bằng thuyền vào sâu hơn, nơi có những nóc nhà, ngôi trường chìm sâu trong lũ, tận mắt chứng kiến sự kiên cường và những vất vả của bà con nơi đây. Để có được những thông tin nhanh, chính xác và kịp thời nhất, nhóm PV đã phải bàn với nhau thật kỹ, chọn những hình ảnh đắt giá, không làm dàn trải, sau đó tác nghiệp nhanh để rút ra ngoài xử lý, truyền thông tin về Tổng xã. Cứ như vậy, những ngày tiếp theo, những thông tin nóng hổi từ “tuyến lửa” được gửi về đều đặn, đúng giờ, phản ánh sinh động, đa chiều về cuộc sống của bà con vùng lũ.
Điều chúng tôi rút ra từ chuyến tác nghiệp này, đó là sự phối hợp chặt chẽ, nhất là với CQTT để nắm thông tin chung, bức tranh toàn cảnh. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán tới hàm lượng thông tin, đặc biệt là thời gian phát sóng để tập trung xử lý gửi về cho kịp. Cũng vì thế mà phần lớn những thông tin chúng tôi gửi về đều sát giờ lên sóng và nóng hổi tính thời sự!

Theo Nội san thông tấn số 10/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)