Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Giải A - Giải Búa liềm vàng năm 2022: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu


(04/04/2023 16:42:54)

Loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” của báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã vinh dự nhận giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VII năm 2022. Nội san Thông tấn xin giới thiệu những chia sẻ của phóng viên Võ Mạnh Hùng - người trực tiếp đi vào các “điểm nóng” để triển khai loạt bài với mục đích “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Phóng viên Võ Mạnh Hùng trò chuyện với các em nhỏ xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, năm 2022

Muốn hiểu sâu phải đi tới cùng
 
Một buổi chiều giữa tháng 8/2022, tôi nhận nhiệm vụ tham gia chuyến đi thực tế tìm hiểu về công tác nhân quyền và các hoạt động tôn giáo tại Lai Châu cùng đoàn Văn phòng Chính phủ.
 
Để có thông tin nền, tôi đã lên mạng tìm hiểu. Trước mắt tôi là muôn vàn kết quả đề cập tới nhân quyền/quyền con người - vấn đề luôn được Việt Nam xem trọng và cũng là nội dung nhạy cảm khi các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường xuyên xuyên tạc, bóp méo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước ta.
 
Trước đó, ngày 20/7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022, sau ba năm liên tiếp từ 2019-2021 xếp Việt Nam vào “Nhóm 2 cần theo dõi”, lần đầu tiên Việt Nam bị hạ xuống “Nhóm 3”, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
 
Một loạt câu hỏi cũng là nỗi trăn trở mà tôi chưa từng viết về nhân quyền, đặt ra trước thời điểm lên đường: cần bắt đầu từ đâu, viết về nội dung gì để vừa đảm bảo đúng định hướng vừa gần gũi, đời thường? Viết cái gì khi thông tin về quyền con người, tôn giáo đã được rất nhiều báo, đài khai thác, đề cập? Quan trọng hơn, viết thế nào để nội dung thông tin khi đăng phát thực sự lan tỏa và đáng để độc giả đón đọc, hân hoan chia sẻ như tìm thấy liều “vaccine” tinh thần, từ đó tăng “sức đề kháng” trước mọi thông tin xấu độc trên không gian mạng?
 
Cuối cùng, đáp án mà tôi đưa ra là phải đi sâu vào các “điểm nóng”. Chỗ nào càng “nóng”, đi lại khó khăn thì càng phải đi, phải đến. Có như vậy mới gần dân, có nhiều thông tin và hiểu sâu vấn đề.
 
Vì thế, ngoài những địa điểm mà Ban tổ chức bố trí, tôi quyết định chọn thêm những địa bàn xa nhất ở các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, để trực tiếp ghi nhận các câu chuyện từ những người trong cuộc (đồng bào dân tộc thiểu số) - những người từng bị xúi giục, mê muội bởi những lời huyễn hoặc, “virus” tà đạo (hiện tượng đội lốt tôn giáo) cùng thông tin sai trái, độc hại trên Internet; gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan, đơn vị liên quan để củng cố rõ hơn thông tin.
 
Trong quá trình đi thực tế, có những địa bàn như Lai Châu, tôi phải “bám cơ sở” suốt 8 ngày liên tục ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè - những nơi từng xảy ra các hoạt động chống phá như thành lập cái gọi là “nhà nước Mông”. Có những ngày mưa to, đường sạt lở, tôi phải đi bộ nhiều cây số, vượt qua những địa hình hiểm trở mới gặp được nhân vật cần tìm...
 
Mỗi bài viết phải là một “mâm thông tin”
 
Những ngày đi thực tế tìm hiểu, gặp gỡ bà con, tôi được nghe kể về quãng thời gian “tối tăm” do bị cám dỗ bởi những lời lừa phỉnh của kẻ xấu; bị huyễn hoặc bởi “dòng tiền đen” từ một số tổ chức phản động quốc tế gửi về với mục đích “mị dân”. May mắn được cán bộ công an, bộ đội cảm hóa, trở về; được Nhà nước, chính quyền địa phương và các đoàn thể hỗ trợ phát triển kinh tế, họ đã nhận ra lỗi lầm. Giờ đây, họ đã không còn tin, nghe theo kẻ xấu.
 
Đặc biệt hơn, tại các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới - những khu vực từng là “điểm nóng” về tôn giáo ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, giờ đây, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Bà con luôn một lòng tin theo Đảng, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng xã, bản giàu mạnh. Những bản làng với diện mạo đổi mới, lều lán ở tạm trước đây đã được thay thế bằng những ngôi nhà gỗ, gạch lợp mái tôn và fibro xi măng vững chãi. Trẻ em vùng cao nô nức đến trường, bà con xúng xính áo hoa ra chợ trao đổi hàng hóa...
 
Trong quá trình đi thực tế, tôi đã liên hệ với lãnh đạo Văn phòng Nhân quyền Chính phủ; Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Công an tỉnh Lai Châu… để phỏng vấn, ghi nhận thêm các báo cáo, thông tin quan trọng, đầy đủ về thực tế cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp nhất.
 
Trên cơ sở các nguồn thông tin ghi nhận được, tôi quyết định triển khai loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” gồm 5 bài, mỗi bài viết phải là một “mâm thông tin” mang đến cho người đọc nội dung chuyên sâu, đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.
 
Bên cạnh đó, tôi cũng đặc biệt lưu tâm đến hình thức trình bày. Sau khi hoàn thành loạt bài, tôi đã trao đổi với lãnh đạo Phòng phóng viên, phối hợp với chị Nguyễn Thanh Trà, “chuyên gia đồ họa” của tòa soạn, thiết kế, dựng loạt bài theo hình thức mega story.
 
Trong loạt bài này, sau quá trình Nhận diện “bóng ma” tà đạo “bóp méo” nhân quyền, chống phá Việt Nam được thể hiện trong bài 1, tôi đưa ra “giải pháp mềm” mà Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả, được thể hiện trong bài 2, đó là Cảm hóa, yên dân: Nền tảng xuyên suốt để đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Trong bài viết này, tôi đề cập tới ba yếu tố lấy “xây” để “chống”, đó là: răn đe, cảm hóa “dập tắt” các luận điệu chống phá; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự; để bà con một lòng tin theo Đảng, xây dựng xã bản giàu mạnh.
 
Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã làm tốt công tác tôn giáo, bảo đảm quyền con người, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song những tác động tiêu cực xuất phát từ các luận điệu xuyên tạc vẫn rất phức tạp. Vì thế, bài thứ ba tôi đề cập tới việc Việt Nam không chủ quan và cần phải Thiết lập “sợi chỉ đỏ” nhận thức về nhân quyền thống nhất tới các cấp cơ sở nhằm tăng cường cơ chế phối hợp quyết liệt, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc nhận diện, giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch bảo vệ hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
 
Bài 4 - Củng cố niềm tin, giữ vừng “thành trì” bảo vệ bình yên biên giới đề cập việc chính quyền các cấp địa phương, đặc biệt là cán bộ công an, không chỉ đảm bảo an ninh trật tự, làm nhà ở cho người nghèo, “vẹn tròn” với nhân dân, mà còn “bồi đắp” tri thức, “thông sáng” tâm hồn cho người dân; giúp xây dựng xã bản kiểu mẫu, giàu mạnh.
 
Trên tinh thần đó, đến nay, Việt Nam đã nâng cao nền tảng nhận thức cho cán bộ từ Trung ương tới các cấp cơ sở về vấn đề nhân quyền, qua đó đảm bảo “sức mạnh mềm” để vững tin tham gia vào “luật chơi” toàn cầu - thực hiện nghĩa vụ pháp lý của quốc gia thành viên đối với các công ước quốc tế về quyền con người... Đây cũng là nội dung được đề cập trong bài 5, với tiêu đề Làm tốt khuyến nghị của quốc tế: Việt Nam vững tin tham gia “luật chơi” toàn cầu.
 
Những kết quả “ngọt” hơn kỳ vọng
 
Tác phẩm đã cho thấy những kết quả thực tiễn được “ươm mầm” từ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước suốt hàng chục năm đổi mới, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh. Loạt bài đã đưa ra thông điệp tất cả các luận điệu, thông tin xấu độc nhằm xuyên tạc, chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, bóp méo nhân quyền đều bị xử lý thích đáng.
 
Thông qua đó, tôi luôn mong muốn góp phần mang đến cho công chúng trong nước và quốc tế những góc nhìn khách quan, toàn diện hơn về công tác nhân quyền ở Việt Nam, cũng như giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhận ra âm mưu thâm độc, chiêu bài của các tổ chức chống phá Đảng và Nhà nước; đồng thời phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác xây dựng Đảng để nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
 
Điều đặc biệt là loạt bài được đăng tải đúng dịp Việt Nam đang tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đồng thời cũng là ứng cử viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Chỉ sau gần 48 giờ khởi đăng, tối 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đó là sự ghi nhận, tin tưởng của cộng đồng quốc tế về những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong nhiều năm qua.
 
Niềm vui càng nhân lên khi loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào “sân chơi lớn” đã được trao giải A Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII năm 2022. Với cá nhân tôi, đây là niềm hạnh phúc cũng là động lực rất lớn để bản thân phấn đấu, cống hiến, phát huy bản lĩnh của người cầm bút TTXVN trong cuộc chiến không tiếng súng ngày hôm nay./.

https://www.vietnamplus.vn/lam-chu-suc-manh-mem-nhan-quyen-viet-nam-tu-tin-vao-san-choi-lon/822566.vnp

https://www.vietnamplus.vn/bai-2-cam-hoa-yen-dan-nen-tang-de-dau-tranh-va-bao-ve-to-quoc/822854.vnp

https://www.vietnamplus.vn/bai-3-thiet-lap-soi-chi-do-nhan-thuc-nhan-quyen-toi-cac-cap-co-so/822864.vnp

https://www.vietnamplus.vn/lam-chu-suc-manh-mem-nhan-quyen-viet-nam-tu-tin-vao-san-choi-lon/823349.vnp


 

Võ Mạnh Hùng - Phóng viên báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 3/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Những thông điệp nhân văn (03/04/2023 15:11:10)

Thăm và tặng quà công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (03/04/2023 14:52:44)

Vinh danh các nghệ sĩ, cầu thủ tại Giải thưởng Cống hiến 2023 (31/03/2023 09:18:47)

Trao tặng “Tủ sách Đinh Hữu Dư” tại Tuyên Quang (29/03/2023 19:10:24)

TTXVN là Cơ quan thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX (29/03/2023 15:05:00)

Tập huấn kỹ năng làm chương trình Podcast (25/03/2023 13:03:44)

Triển khai nhiệm vụ công tác Liên chi hội năm 2023 và Giải báo chí TTXVN năm 2022 (25/03/2023 10:50:13)

Trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền về SEA Games với Thông tấn xã Campuchia (AKP) (25/03/2023 10:37:35)

Tăng cường phối hợp truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (25/03/2023 10:36:08)

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023): Sôi nổi Tháng thanh niên 2023 (24/03/2023 10:08:43)